Khi yêu thương vẫy gọi

Thứ Ba, 20/06/2017, 17:26
Mới đây, tôi nhận được điện thoại của anh - nhân vật trong một bài báo tôi viết từ mấy năm trước. Lâu không gặp lại nên tôi bất ngờ khi được anh mời dự lễ cưới của con gái anh. Về dự đám cưới, nhìn vợ chồng anh và đại gia đình rạng rỡ, tất bật trong ngày trọng đại, tôi thực lòng mừng, rất mừng cho họ, nhất là cho anh.

Bởi, tôi hiểu rất rõ, để có ngày này, Minh và những người thân, trong đó có cô gái đang xúng xính trong bộ váy áo cô dâu kia đã phải trải qua những năm tháng đầy tủi buồn...

Tôi gặp Nguyễn Văn Minh lần đầu ở một công trường xây dựng trên đường Kênh (TP Nam Định) trong tâm thế nhà báo đi tìm nhân vật. Nhảy từ một cái hố sâu quá đầu người lên mặt đất, khi ấy Minh xuất hiện trước mặt tôi trong bộ quần áo lao động lấm lem đất cát, miệng cười tươi chào hỏi rồi xăng xái kê lại mấy cái ghế ngồi, rót nước, pha trà mời khách.

Trông anh hoàn toàn khỏe mạnh, đặc biệt rất thân thiện, dễ mến, khác hẳn với hình dung ban đầu của tôi về anh - người từng nghiện ma túy, lại đang nhiễm HIV...

Hiểu được mục đích đến thăm của tôi, khi ấy, bằng giọng trầm buồn, Minh kể cho tôi nghe về những năm tháng “lạc đường” của mình, về việc anh bị nhiễm HIV, về nỗi buồn đau bản thân và những người thân của anh đã phải gánh chịu, về những gì đã giúp anh đoạn tuyệt được với ma túy và về công việc của một đồng đẳng viên tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS anh đang làm.

Từ bỏ được ma túy, anh Nguyễn Văn Minh trở thành người đàn ông của gia đình, chăm chỉ lao động.

Tuy nhiên, thói quen nghề nghiệp khiến tôi không thể tin ngay những gì anh nói. Đó là lý do hôm sau, tôi tìm về gia đình Minh ở thôn Đinh Khu, xã Yên Phong, huyện Ý Yên (Nam Định). Từ nơi này trở về, tôi mới thực sự tin những gì anh nói...

Minh quê ở làng Đinh Khu nhưng anh lại sinh ra, lớn lên ở TP Nam Định. Hoàn cảnh cũng hơi đặc biệt: bố có hai bà vợ, bà cả không có con, tình nguyện “đi đội lễ hỏi vợ cho chồng” rồi lui về quê chồng sống một mình. Minh là con út trong 6 người con của bà hai. Những năm 80-90 của thế kỷ trước, gia đình anh thuộc diện khá giả ở Thành Nam khi cùng lúc có đến mấy cửa hàng ăn ở đường phố trung tâm Trần Hưng Đạo.

Nhà giàu, lại là con út nên như lời Minh, từ bé anh luôn được nuông chiều. Ở tuổi 17- 18 với Minh việc chơi “quan trọng” hơn việc học hành, phấn đấu. Đua đòi theo chúng bạn, Minh sớm bỏ học, mắc nghiện ma túy lúc nào không hay. Phát hiện “quý tử” đã sa chân vào con đường nghiện ngập, ông bố - vốn quanh năm bận rộn với việc kinh doanh - vội vã gửi Minh về quê nhờ bà vợ cả quản lý, chăm sóc.

Ông hy vọng việc này sẽ tách được cậu con quý tử ra khỏi môi trường đầy cám dỗ ở thành phố. Chẳng ngờ, làng quê Yên Phong khi ấy cũng không còn giữ được sự bình yên. Nhiều thanh niên trong xã ra ngoài làm ăn cũng mắc nghiện ma túy. “Trốn” được bạn nghiện ở thành phố, Minh lại bị “bủa vây” bởi những bạn nghiện mới ở quê, thành thử “nghiện vẫn hoàn nghiện”...

Không có hộ khẩu ở quê nên Minh cũng không có ruộng để làm. Sẵn có gen kinh doanh của gia đình, lại nhanh nhẹn, tháo vát, Minh theo nghề buôn xe đạp, xe máy để kiếm sống và cũng là để... có tiền chích ma túy. “Thời điểm ấy, buôn bán xe đạp, xe máy đang vượng. Nó giúp tôi kiếm được kha khá tiền. Tôi lấy được vợ (một cô gái cùng xã) cũng là nhờ cái tiếng biết làm ăn, buôn bán”, Minh nhẩn nha hồi tưởng.

Còn vợ anh, chị Đào Thị Chiều thì kể, về làm vợ Minh, có với nhau hai mặt con rồi mà chị vẫn không biết chồng mình nghiện ma túy. Nghe hàng xóm bàn tán, chị truy chồng nhưng anh chối. Chị tạm tin nhưng từ đó âm thầm theo dõi. “Một buổi tối, từ trong buồng bước ra, tôi “đứng tim” khi tận mắt thấy chồng đang ngồi trên giường chích ma túy. Nghe chồng vừa thú nhận vừa van xin, tôi chết lặng đi!”, chị Chiều nhớ lại.

Người đời vẫn nói “củ mài ăn xuống, thuốc phiện ăn lên”. Kiếm được bao nhiêu tiền cũng không đủ cho Minh dùng ma túy. Được một thời gian bao nhiêu vốn liếng buôn bán Minh “đốt sạch” thành khói trắng. “Không còn vốn để buôn bán, tôi bắt đầu quay sang kiếm tiền hút chích bằng cách đi làm thuê. Từ đào móng, đóng cọc, đội đất đến bốc mả thuê tôi đều không nề hà. Miễn sao có tiền. Trong một thời gian dài, cứ vài ngày tôi lại dối vợ phải đi làm sớm để rồi 4 giờ sáng đã mò ra TP Nam Định mua thuốc, kiếm một chỗ vắng vẻ nào đó để được “lên tiên”, sau đó mới đến chỗ làm”, Minh nhớ lại những tháng năm lầm lỡ.

Thế rồi, đầu năm 2007, Minh bị ốm nặng, phải vào Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình điều trị. Tại đây, Minh và vợ đã “chết điếng người” khi bác sỹ cho hay Minh đã bị nhiễm HIV. Trở về, chị Chiều vội vã đưa hai con gái vào viện làm xét nghiệm, thật may cả ba mẹ con không ai bị nhiễm. Tuy nhiên, kể từ phút bác sỹ báo “hung tin”, gia đình Minh bắt đầu trải qua những ngày tháng đầy bi kịch...

Cái tin Minh bị nhiễm HIV do dùng kim tiêm chung để chích ma túy nhanh chóng lan khắp làng trên, xóm dưới. Mẹ đẻ anh (lúc này bố, mẹ cả đều đã mất, mẹ đẻ Minh về quê sống cùng vợ chồng anh) xấu hổ không dám bước chân ra đường. Ngoài cấy mấy sào ruộng, chị Chiều cũng phải đi đội đất, phụ hồ để kiếm thêm tiền nuôi con.

“Bình thường, đến lúc ăn cơm mấy người cùng làm quây quần ăn uống, nói chuyện vui vẻ. Từ ngày biết chồng tôi bị nhiễm HIV, đến bữa những người làm cùng lẳng lặng tìm chỗ khác ngồi ăn, bỏ lại tôi một mình, tủi càng thêm tủi”, chị Chiều nghẹn ngào kể lại.

Giận chồng, gia cảnh ngày càng túng quẫn cộng với sự kỳ thị của mọi người, không chịu nổi đã có lúc chị toan “dứt áo ra đi”. Hai đứa con của Minh cũng khổ sở vì mỗi ngày đến trường lại bị bạn bè trêu chọc...

Phần Minh, trận ốm nặng cùng tờ giấy xác nhận đã nhiễm HIV của bệnh viện khiến anh nhanh chóng bị suy sụp, người chỉ còn là “một nhúm da bọc xương”, riêng nửa phía dưới bị liệt. “Khi ấy, tôi không hiểu biết nhiều về việc nhiễm HIV, chỉ nghĩ nhiễm HIV là đồng nghĩa với chết. Trong nỗi ân hận, dày vò, đau đớn đến tuyệt vọng tôi đã tự tử mấy lần nhưng không thành. Lần cố lết đến gần ổ phích điện để gí tay vào nhưng không đủ sức, lần khác thì bị người nhà phát hiện ngăn lại”, Minh kể.

Đúng lúc cuộc sống của cả gia đình lâm cảnh hoảng loạn, bế tắc, suy sụp thì có một người xuất hiện, người sau này như Minh nói đã “tái sinh” mình. Ông là Nguyễn Phi Thường - Trưởng trạm Y tế xã Yên Phong. Biết tin Minh bị nhiễm HIV, ông Thường vừa với tư cách là cán bộ y tế cơ sở, vừa là xóm giềng đã thường xuyên tới nhà Minh để thăm hỏi, động viên.

Với kiến thức chuyên môn của mình, ông Thường đã tận tình tư vấn cho cả nhà cách phòng tránh việc lây truyền HIV từ Minh. Đích thân ông lên Trung tâm Y tế huyện Ý Yên làm thủ tục cho Minh được hưởng chế độ điều trị cho người nhiễm HIV theo phương pháp uống thuốc ARV. Ông cũng là người đôn đáo khắp nơi, tự bỏ tiền túi ra mua được loại thuốc Glutachian 600ng, loại thuốc đặc trị HIV với giá cả triệu đồng/viên cho Minh...

Có y sỹ Thường bên cạnh, cả nhà, nhất là Minh như được xốc lại tinh thần, nghị lực. Sức khỏe của Minh nhờ có ông tư vấn, hỗ trợ điều trị cũng dần được bình phục. Từ chỗ bị liệt, nằm một chỗ, Minh đã bắt đầu nhúc nhắc tập đi. CR4 (chỉ số đánh giá khả năng miễn dịch) của Minh lúc đầu chỉ còn 130 sau tăng dần lên trên 400, gần đạt mức của người bình thường. Khi sức khỏe bình phục, việc đầu tiên Minh nghĩ đến là quyết tâm đoạn tuyệt hẳn với ma túy. Và Minh đã làm được!

Hỏi Minh về động lực giúp anh đoạn tuyệt với ma túy, Minh nhắc đến mẹ, đến vợ, đến hai cô con gái - những người đã vì anh mà phải chịu quá nhiều tủi buồn. Trong lúc cuộc đời anh lâm cảnh thê thảm, bi đát nhất, họ đã luôn ở cạnh, dành cho anh tất cả tình yêu thương họ có.

“Tôi không bao giờ quên những bữa ăn, khi tôi - một người đàn ông chẳng còn ít tuổi - vẫn phải nằm há miệng như con chim non để mẹ già, khi ấy đã ngoài 80 tuổi bón cho từng thìa cháo. Tôi cũng không quên, sau những khủng hoảng tinh thần khi biết tin chồng nhiễm HIV, vợ tôi đã bình tâm lại, không đang tâm bỏ mặc tôi một mình, ngược lại tận tình cùng mẹ chăm sóc, động viên tôi. Thức trắng đêm xoa chân, bóp tay cho chồng”, Minh trải lòng.

Người đàn ông trung niên một thời lầm lỡ tâm sự rằng, chính tình yêu thương của những người thân thiết, của “bác Thường” (Trưởng trạm Y tế xã Yên Phong - NV) đã giúp anh có thêm động lực, quyết tâm điều trị, luyện tập để bình phục sức khỏe, quyết tâm đoạn tuyệt hẳn với ma túy để từ từ đứng dậy, làm lại cuộc đời, để có cơ hội đền đáp...

Trong câu chuyện Minh cũng nhắc nhiều đến một người. Anh là Phan Văn Việt, một người thợ xây cùng xã. Cùng với y sỹ Thường, Minh cũng xem anh Việt là người đã “tái sinh” mình. Không phân biệt, kỳ thị, khi Minh nằm liệt bê bết trên giường, anh Việt cũng là người thường xuyên đến động viên, thăm hỏi. Khi sức khỏe của Minh bình phục, anh đưa Minh đi theo các công trình phụ trách việc lắp đặt điện nước.

Hạnh phúc đã trở lại với gia đình anh Nguyễn Văn Minh sau những năm tháng tủi buồn vì ma túy.

Nhờ có anh Việt, khi đó, sau bình phục Minh mới có việc làm, có thêm thu nhập, chung sức với vợ lo cho cả gia đình 5 người vốn đang rất gieo neo. Tôi có dịp gặp, chuyện trò với Minh ngay tại công trình xây dựng trên đường Kênh (TP Nam Định) mấy năm trước, được chứng kiến Minh hoàn toàn khỏe mạnh, chăm chỉ làm việc là vì lý do này.

Không chỉ có vậy, kể từ khi từ bỏ được ma túy cũng là lúc Nguyễn Văn Minh bắt đầu công việc của một đồng đẳng viên tuyên tuyền phòng chống HIV/AIDS. Người giới thiệu, kết nối để Minh tham gia nhóm đồng đẳng viên của huyện Ý Yên, không ai khác chính là y sỹ Thường. Kể từ đó, mỗi khi biết trong huyện có những người cùng cảnh ngộ như mình, Minh lại thu xếp công việc tìm cách tiếp cận, lấy chính quá khứ lầm lỡ của mình, bằng một tình cảm chân thành động viên, thăm hỏi, tư vấn giúp họ cách từ bỏ ma túy, điều trị HIV, phòng việc lây truyền.

Để việc tuyên truyền có hiệu quả, nhiều trường hợp Minh đưa cả chị Chiều đi theo, với mục đích hai vợ chồng cùng tham gia tuyên truyền, vận động hiệu quả thuyết phục sẽ cao hơn. Mỗi khi trong huyện có những người mắc AIDS, qua đời, Minh lại cùng nhóm đồng đẳng viên đến chia buồn, giúp gia đình những công việc người bình thường không tiện làm.

Rồi một ngày, nhiều người dân Nam Định thấy Minh xuất hiện trên Đài PT-TH tỉnh, trong chương trình trò chuyện với khách mời. Ở đó, người xem thấy một người đàn ông trung niên chân thành, mộc mạc, mang chính quá khứ lầm lỗi của mình ra giãi bày, chỉ với một mong muốn không có thêm một ai khác mắc phải.

Mới đây, khi về dự đám cưới con gái Minh, tôi rất mừng khi biết cuộc sống của gia đình anh đã khấm khá hơn rất nhiều. Chia sẻ với tôi về Minh, ông Đào Bình Định, Phó Trưởng công an xã Yên Phong dành cho anh rất nhiều lời lẽ thiện cảm.

“Mừng, rất mừng nhà báo ạ. Không chỉ đoạn tuyệt được với ma túy anh Minh vẫn rất chịu khó, chí thú làm ăn. Hiện tại, ngoài cấy mấy sào ruộng, chăn nuôi bò, vợ chồng anh ấy còn đảm nhiệm việc thu gom rác thải của xã. Ngoài ra, vợ chồng anh ấy còn làm thêm việc trộn đảo bê-tông ở các công trình xây dựng, nhờ vậy có thu nhập ổn định, chính đáng nuôi hai con ăn học. Xóm làng giờ sạch đẹp như thế này, xã được công nhận là xã nông thôn mới có phần công sức của anh ấy”, ông Đào Bình Định kể.

Không chỉ có vậy, theo Phó Trưởng Công an xã Yên Phong, lâu nay Nguyễn Văn Minh vẫn duy trì, tích cực làm công việc của một đồng đẳng viên, thiết thực đóng góp cho công tác bảo vệ an ninh trật tự, phòng chống ma túy, HIV/AIDS ở địa phương.

Ông Định hồ hởi: “Anh Minh nói chuyện rất có duyên nên được nhiều người quý, việc tuyên truyền, vận động nhờ vậy rất hiệu quả. Nghe anh ấy chia sẻ, nhiều người lầm lỡ đã phải nghĩ lại. Những người không may nhiễm HIV, được anh ấy gần gũi, động viên cũng hiểu biết hơn về việc phòng chống lây lan, được truyền cảm hứng lạc quan để yên tâm vui sống”.

Về dự đám cưới con gái anh Minh tôi còn rất vui khi biết mẹ anh, nay đã ngoài 90 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Trong ngôi nhà khang trang mới được vợ chồng con trai sửa lại, trong không khí hân hoan, hạnh phúc của đại gia đình, đáp lại lời chúc mừng của tôi, bà lão tâm sự, chính việc Minh đứng được lên sau lầm lỡ khiến cụ mừng vui, hạnh phúc mà quên đi tuổi già...

Duy Khoa
.
.