Khổ như ở chung cư cũ

Thứ Năm, 01/03/2018, 20:08
Hiện nhiều chung cư cũ đã xuống cấp, tường mục, mái bị mối mọt rớt xuống đầu người dân nên sống trong các căn hộ cung cư cũ luôn thường trực mối lo...

Khác với những căn hộ cao cấp, dịch vụ ăn theo cũng cao cấp, còn với những chung cư cũ, hiểm họa luôn rình rập. Hàng ăn, quán cà phê... bám chặt các căn hộ tầng trệt. Hầu hết các chung cư cũ không có nhà xe riêng biệt, mạnh ai nấy giữ, hộ ở dưới đất giữ xe cho hộ ở trên, giá giữ xe không thống nhất, thích thì giữ không thích... đi chỗ khác mà gửi, mất ráng chịu. Sợ nhất là khi "bà hỏa" "nổi nóng".

Hiện nhiều chung cư cũ đã xuống cấp, tường mục, mái bị mối mọt rớt xuống đầu người dân nên sống trong các căn hộ cung cư cũ luôn thường trực mối lo...

Dưới chân chung cư 23/49 Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh.

Chung cư 23/49  nằm trên đường Trường Sa, quận Bình Thạnh, sát bờ kè kênh Nhiêu Lộc có nhiều quán nhậu mọc lên. Các quán này bán đến 1-2 giờ đêm, nhiều khi hứng khởi khách có thể ngồi đến gần sáng. Lâu lâu những vị khách này lại tổ chức chương trình "ca nhạc đường phố" với những giọng ca đầy chất "men", khiến cho cuộc sống của người dân trong chung cư và các hộ dân quanh khu vực phải miễn cưỡng nghe cảm thấy bực mình.

Được xếp vào hạng cao cấp, nhưng chung cư 18 tầng, phường 3, quận Bình Thạnh cũng ồn ào không kém. Chung cư này bị "bao vây" bởi các quán cà phê, quán ăn. Có thời gian các quán này tuyển nữ tiếp viên, nhiều cô ăn mặc gợi cảm, tràn ra đường chào mời khách, gây không ít phiền toái cho người đi đường.

Đủ mọi thể loại nhạc được loa phóng thanh hết công suất, gần như suốt ngày đêm, làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân sinh sống tại đây. Trong các cuộc họp cụm dân cư, rất nhiều ý kiến phản ánh về vấn đề an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cộng thêm đơn thư phản ánh của bà con, cơ quan chức năng đã vào cuộc thì tình hình mới tạm lắng.

Vợ chồng anh Hưng, chị Phương có căn hộ tại lô C, khu chung cư Miếu Nổi, cho biết: "Vợ chồng em giờ phải đi ở nơi khác xa một chút, nhưng được hưởng không khí trong lành, vì không thể chịu nổi sự ô nhiễm, cả không khí lẫn tiếng ồn. Dưới đất hầu hết các hộ gia đình tận dụng mặt bằng kinh doanh, buôn bán. Khu vực đất trống, thay vì làm khu vui chơi thì chỗ chợ tự phát mọc lên, nơi thì bị hộ "quây" lại thành điểm giữ xe, nhốn nháo ồn ào suốt ngày. Khổ nhất là các buổi sáng sớm, mới 4 -5 giờ sáng họ đã họp chợ, nấu nướng, khói bếp, mùi thức ăn bay lên nhức hết cả mũi".

Rác công nghiệp chất đống khu sinh hoạt chung.

Các chung cư cao cấp có chỗ tập trung rác, có chuông báo cháy, có hệ thống chữa cháy tự động, có cả lực lượng chữa cháy tại chỗ... chung cư cũ thì ngược lại hoàn toàn. Rác cửa nhà ai nấy để, có khi 2-3 ngày nhân viên vệ sinh môi trường mới đi thu gom rác. Rác để ra ngoài, người nhặt ve chai, mèo hoang, chuột bọ cào bới, rơi vãi ra hành lang bẩn thỉu, hôi thối. Có khi người ta còn đưa rác công nghiệp về chất đầy khu vực chung gây mất mỹ quan, làm nơi trú ngụ cho chuột bọ...

Bán thức ăn sáng, ngày nào cũng vậy, cứ 3 giờ sáng chị Ng. sống tại chung cư 15 Vũ Huy Tấn, Bình Thạnh, lại dậy đốt bếp than... Thời gian đầu, mỗi khi chị thức giấc, hàng xóm nhà chị cũng thức theo bởi tiếng động, mùi khét của việc đốt lửa nhóm bếp.

Vốn suýt bị cháy một lần nên giờ người dân sống trong chung cư này luôn đề phòng hỏa hoạn. Chỉ cần có mùi khét là mọi người lại... tìm đến tận nơi.

Cuối năm 2003, một vụ hỏa hoạn đã thiêu rụi hàng chục ngôi nhà sát cạnh chung cư 15 khiến người dân một phen hú vía. Vào những ngày mùng Một, hôm Rằm hay những ngày lễ tết, người dân thường hay đốt giấy tiền vàng, chỉ sơ sẩy một chút hỏa hoạn khó tránh, nếu mỗi người dân kém ý thức phòng ngừa.

Rác sinh hoạt mấy ngày chưa được đổ.

Hầu hết các chung cư cũ không có nhà giữ xe, vì vậy xe được xếp quanh chung cư, xếp kín gầm cầu thang, chắn hết đường đi, chỉ cần vô tình ai đó ném tàn thuốc xuống bãi xe thì coi như cả chung cư... đi tong. Giận nhau đe đốt nhà, say xỉn đe đốt nhà, người thần kinh không bình thường, thi thoảng lại… nghịch dại, nhiều lần khiến cư dân phát hoảng.

Ông T. có cậu con trai khó dạy bảo. Một lần hai cha con ông cãi nhau, thằng con không nói không rằng lao một mạch xuống nhà xe mở bình xăng định... châm lửa. Hôm đó nếu người giữ xe không kịp thời ngăn cản chắc vụ việc bây giờ trở thành bài học lớn cho các nhà thiết kế và quản lý xây dựng các khu chung cư.

"Ai sống ở chung cư cũ, chung cư kém chất lượng cũng có 2 giác quan nhạy hơn người thường, đó là mũi và tai", một người dân nói vui. Mà quả thật, thoáng thấy có mùi khét là cả chung cư ra sức "đánh hơi", tai luôn dỏng lên để nghe, có sự cố xảy ra là sẵn sàng... "bỏ của chạy lấy người".

Chưa hết, không biết các nhà thiết kế có tính toán tới việc tiêu thụ điện của các hộ dân hay không, nhưng hiện nay nhiều nhà lắp máy lạnh, sử dung bếp điện, máy nước nóng, máy giặt... do vậy nguồn điện tiêu thu ngày càng lớn. 

Đường truyền bị quá tải, chưa kể chất lượng của đường truyền cũng xuống cấp, có thể bị nóng chảy, chập điện bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, biết nguy hiểm là vậy nhưng việc trang bị phương tiện chữa cháy tại một số chung cư rất kém. Có chung cư vòi chữa cháy có nhưng đã hỏng hóc hoặc có chỉ để trang trí, khóa kỹ sợ bị trộm mất... vòi. Khi sự cố xảy ra không biết có kịp... mở khóa?

Chưa hết, sống ở các chung cư cũ, tai họa từ trên trời rơi xuống lúc nào không biết. Tâm, cậu bé con chị Lan, chung cư 67/4 Bình Thạnh, đi học về, mặt tái dại, chưa hoàn hồn, kể: "Mẹ ơi con vừa suýt chết. Con đang đi ở cầu thang một khúc gỗ mục từ trên mái nhà rơi xuống sượt qua vai, may mà...".

Chung cư này xây dựng cho người tái định cư từ đầu những năm 1990, mái lợp tôn, đòn tay bằng gỗ, giờ đã xuống cấp, mối mọt xông, mục nát, ở khu vực cầu thang thi thoảng lại rơi xuống một đoạn, rất nguy hiểm cho người dân.

Đã nhiều lần họp tổ dân phố, có lãnh đạo phường, chủ đầu tư xây dựng xuống họp, người dân yêu cầu cơ quan chức năng cần có biện pháp khắc phục. Lần nào cũng vậy, họ lắng nghe, hứa và... để đấy. Và không biết đến bao giờ người dân sống trong các khu chung cư cũ mới hết "sống trong sợ hãi?”.

Đức Hà
.
.