Không có hai cánh tay vẫn học hai trường đại học

Thứ Sáu, 02/09/2011, 20:40

Nguyễn Xuân Nghĩa năm nay 24 tuổi, là sinh viên năm cuối của Khoa Công nghệ Thông tin Trường đại học Mở TP HCM. Đồng thời, Nghĩa cũng là sinh viên năm cuối của Trường đại học Luật TP HCM.

Sẽ chẳng có gì để nói cả nếu như Nghĩa chỉ là cậu sinh viên năm cuối của hai trường đại học. Nghĩa đặc biệt hơn thế, bởi em bẩm sinh không có hai cánh tay, di chứng của sự tàn phá do chất độc da cam mà bố Nghĩa đã hứng chịu trong cuộc chiến kéo dài đằng đẵng 21 năm.  Người ta quen miệng gọi Nghĩa là Nghĩa “da cam”…

Bản năng của Nghĩa

Gọi điện thoại cho Nghĩa, hẹn một cuộc trao đổi. Nghĩa bảo, Nghĩa đang bận đi vận động tổ chức Đêm Trung thu cho mấy em có hoàn cảnh đặc biệt ở Long An. Nói mãi, Nghĩa mới đồng ý hẹn gặp với điều kiện "Nếu tối em về lại Sài Gòn sớm, em sẽ gọi anh, nhé".

Tối đấy, Nghĩa không gọi. Mãi đến sáng hôm sau, Nghĩa mới nhắn tin ấn định giờ gặp. Nghĩa nhắn tin bằng chân… Nghĩa có khuôn mặt thông minh, lông mày rậm, miệng hay cười.

Nghĩa là con út trong gia đình có ba chị em, Nghĩa cũng là cậu con trai duy nhất. Bố Nghĩa ngày trước công tác ở Viện Kiểm sát nhân dân quận 8, nhưng ông đã mất từ lâu, khi Nghĩa mới 3 tuổi. Hỏi Nghĩa còn nhớ gì về bố không. Nghĩa lặng im, lắc đầu.

Nghĩa nghe mẹ kể rằng, bố đi họp ở quận 7, về gần đến nhà thì bị tai nạn giao thông. Vụ va chạm rất mạnh để rồi sau đó, người đàn ông ấy không thể trở về nhà được nữa.

Sau khi ba mất, mẹ Nghĩa bỏ dở công việc buôn bán ngoài Chợ Lớn để ở nhà hẳn, tất bật một tay nuôi ba chị em Nghĩa. Bà làm đủ nghề ở nhà, từ bán bánh mì, nuôi heo, nấu rượu… cả bán vé số.

Đầu chít khăn tang chồng, một nách ba con. Trong đó, có cậu con trai út như Nghĩa đã khiến sức khỏe của bà gần như suy kiệt. Nghĩa bảo, mẹ Nghĩa ngại nói chuyện với giới truyền thông, có gì thì cứ hỏi Nghĩa. Nhìn mẹ Nghĩa có vẻ u uất, buồn bã. Trong suốt buổi trò chuyện cùng Nghĩa, tôi chỉ thấy bà đúng hai lần. Một lần, bước vào nhà chào bà. Lần nữa, là khi bà mang đặt trên bàn chai nước lọc mời khách…

Hai chị gái Nghĩa hiện tại đều làm cô giáo. Chị gái lớn lập gia đình, đã ra ở riêng. Nghĩa sống cùng mẹ và người chị kế. Căn nhà nhỏ được mẹ Nghĩa nhường phần mặt bằng phía trước cho người ta kinh doanh đồ cơ khí điện máy, hình như chuyên sửa chữa máy bơm nước.

Những năm bố Nghĩa còn sống, ông rất ý thức được chuyện chuẩn bị cho Nghĩa một tương lai. Hai tuổi, Nghĩa được gửi đi học lớp học tư nhân của người bạn bố Nghĩa. Hình như, Nghĩa tập dùng chân vẽ những nét ngoằn ngoèo từ đó…

Tôi nói với Nghĩa rằng, nghe nhiều người nói tập viết bằng chân rất khó. Lắm khi là mệt mỏi dẫn đến bỏ cuộc. Nghĩa trả lời tỉnh queo, có khi đó là bản năng của những người khiếm khuyết như em thôi, anh ạ. Thay vì mình có tay, mình sẽ viết bằng tay, còn không có tay thì mình viết bằng chân. Có vậy thôi mà…

"Nếu như các bạn khác, sẽ được cô giáo tập viết bằng cách nắm tay. Còn em, thì cô giáo... nắm chân", Nghĩa nói. Có điều, viết bằng chân thì phải biết cách giữ chân luôn sạch sẽ. Việc quắp phấn cả ngày giữa hai ngón chân rất dễ khiến kẽ chân bị phấn ăn chân gây nên lở loét. Vì thế, Nghĩa phải ngâm chân vào trong nước pha muối hằng đêm.

Bố Nghĩa mất, Nghĩa cũng nghỉ học. Nhưng dường như khoảng thời gian ngắn ngủi ấy đủ để con chữ mới được khai sinh có sức hút vô hình đối với Nghĩa. Mà tình thật, khi tôi ngồi với những người không may như Nghĩa, bao giờ cũng có cảm giác, họ khát khao được đến trường một cách rất mãnh liệt.

Tuổi thơ của Nghĩa trôi qua một cách lặng lẽ, theo như lời Nghĩa thì khu nhà Nghĩa không có con nít, nên Nghĩa không có bạn. Hỏi Nghĩa là khi nào Nghĩa ý thức được sự mất mát của chính mình, Nghĩa trả lời, năm em 4 tuổi.

Chuyện đời cũng may rủi, Nghĩa được nằm trong danh sách những trẻ em bị nhiễm chất độc da cam của một tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ. Nghĩa được đi cùng một người thân sang Mỹ để lắp tay giả. Nghĩa sang bên đó cùng mẹ, ở tiểu bang Chicago. Nước Mỹ, trong ký ức Nghĩa nhòa nhạt. Nghĩa chỉ nghĩ nhiều về đôi tay giả, thứ mà người ta hy vọng có thể giúp Nghĩa xóa đi được sự khiếm khuyết bẩm sinh.

Trở về Việt Nam, Nghĩa được mẹ cho đến Trường Đa Thiện ở huyện Nhà Bè để học, học cách điều khiển tay giả. Trường Đa Thiện, là ngôi trường chuyên biệt dành cho trẻ em khuyết tật, đa phần là bại não. Nhưng học hơn một năm thì Nghĩa nghỉ, bởi đơn giản, dẫu đã cố gắng hết sức, thì đôi tay giả cũng không thể làm cho Nghĩa cảm thấy thoải mái.

Cái may là trong hơn một năm ở Trường Đa Thiện, Nghĩa đã bắt được đôi chân viết theo ý muốn của mình. Nghĩa chính thức trở thành cậu học sinh lớp 1 của Trường Đa Thiện.

Kết thúc năm học đầu tiên, Nghĩa đoạt được phần thưởng dành cho học sinh giỏi toàn trường. Thầy cô ở Trường Đa Thiện nói với mẹ Nghĩa rằng: "Chị nên cho Nghĩa học trường tiểu học của các trẻ em bình thường. Em thông minh, học ở đây tội nghiệp cho em". Mẹ Nghĩa suy nghĩ rất lâu về đề nghị này trước khi quyết định cho Nghĩa về học ở Trường tiểu học Rạch ông.

Những mặc cảm về thân phận trôi qua nhanh thôi, vì Nghĩa phải cố gắng nhiều để theo kịp chương trình dành cho học sinh bình thường. Mẹ thương Nghĩa, đóng cho cái bàn rộng để em có thể ngồi trên đó viết bài ngay tại lớp học.

Ban đầu, khi đi học ở một ngôi trường dành cho trẻ em bình thường thì bạn bè cũng chọc ghẹo này kia, Nghĩa cũng buồn. Tuy nhiên, Nghĩa có cách riêng để nhanh chóng vượt qua nỗi buồn đó.

"Mỗi khi nghĩ mình bất hạnh, em thường nghĩ đến những người bất hạnh hơn. Em còn đi lại được, có gia đình, bạn bè… Còn nhiều người khác, như những trẻ em mồ côi, bị bại não, rồi bại liệt tay chân. Những thân phận đó khổ hơn em nhiều chứ. Vậy thì, tại sao mình lại cứ cho rằng mình đã là người bất hạnh nhất thế giới này?", Nghĩa tâm sự.

Nghe sự khúc chiết của Nghĩa, tự dưng thấy Nghĩa lớn hơn quá nhiều so với số tuổi mà Nghĩa đang sở hữu. Mấy ai nghĩ được chuyện nhìn xuống để thấy mình may mắn như Nghĩa.

Vài năm trước, đi công tác ở An Giang, tôi có gặp người bán vé số cụt cả tay lẫn chân. Gần như, cả cuộc đời mình, ông phải ngồi trên tấm vỏ xe được ép phẳng, ông làm gì cũng phải có người trợ giúp. Vậy mà, cái thân thể khiếm khuyết ấy lại trở thành lao động chính trong gia đình. ông nói về đời sống rất hay, ngồi với Nghĩa bỗng nhiên lại nhớ đến lời ông nói: "Khóc cũng khổ, cười cũng khổ. Vậy thì mắc mớ gì không cười cho cảm thấy đời vui. Cười để giả bộ quên mà...".

Nghĩa không giả bộ quên như người bán vé số kia, Nghĩa thật sự nghĩ đến những thân phận bất hạnh hơn nỗi buồn của mình để tìm thêm nghị lực sống.

Nghĩa ngồi học tại trường Đại học Mở TP HCM, ngày 27/7/2011.
Những buổi tối hai chị em thường xem phim và chia sẻ thông tin với nhau.

Vào đại học

Nghĩa mặc cái áo thun không cổ màu trắng, cũ. Tôi hỏi Nghĩa rằng liệu tôi có thể nhìn thử xem hai vai Nghĩa như thế nào. Nghĩa có vẻ ngại nhưng cũng bằng lòng.

Em đúng nghĩa hoàn toàn không có tay, thậm chí, chỉ là một mẩu tay cũng không có. Phần nhô ra từ hai vai chỉ là mẩu thịt bé xíu, không có hình dạng gì. Nhìn rất thương… Trở lại chuyện học của Nghĩa.

Nghĩa tốt nghiệp tiểu học, vào học Trường THCS Ba Đình. Thương hoàn cảnh của Nghĩa, nhà trường đóng riêng cho Nghĩa cái ghế có chiều cao bằng mặt bàn. Ghế có thể tháo ráp. Mỗi lần Nghĩa học xong, lại nhờ bạn tháo ra mang đặt ở góc lớp… Cái ghế theo Nghĩa cho đến năm em học lớp 12.

Hồi Nghĩa học phổ thông, em tham gia vào các công tác xã hội cùng các anh chị lớp trên rất nhiệt tình. Nghĩa hết đi thăm các trẻ em khuyết tật, đến tổ chức các chương trình vui chơi. Nghĩa hoạt động nhiệt tình đến mức, cô giáo chủ nhiệm của Nghĩa phải mời mẹ em đến trường, để nói chuyện. Cô giáo sợ Nghĩa hoạt động nhiệt tình quá lại ảnh hưởng đến sức khỏe. Cô giáo có ý tốt thôi, bởi ai nhìn Nghĩa hoạt động giúp vui cho người khác trong lúc mình lại khiếm khuyết mà không ái ngại.

Nhưng với Nghĩa thì mọi thứ nhẹ tênh, em nói "Lá rách đùm lá nát" mà anh. Với lại, mấy em bất hạnh hơn em nhiều lắm.

Có thể, trong những ngày học ở Trường Đa Thiện (Nhà Bè) Nghĩa đã có thời gian để nhận thức rất nhiều về những người khốn khó xung quanh mình.

Nghĩa tốt nghiệp THPT, cũng như các thí sinh khác, em thi vào đại học. Đó là năm 2006. Thời điểm này, chưa có chính sách về xét duyệt tuyển thẳng cho các thí sinh khuyết tật. Phải đến năm 2007 thì chính sách trên mới được triển khai. Điều này, tôi không nhớ rõ lắm, Nghĩa kể với tôi vậy.

Ban đầu, Nghĩa đăng ký thi vào Đại học Luật. Nhưng số điểm sau kỳ thi không cho phép Nghĩa làm sinh viên của trường đại học này. Xét tuyển nguyện vọng, Nghĩa đủ điểm vào khoa Công nghệ thông tin Trường đại học Mở TP HCM. Nhà trường thông cảm cho hoàn cảnh của Nghĩa, giảm cho em 50% tiền học phí.

Quãng đường từ nhà Nghĩa ở đường Phạm Thế Hiển, quận 8 sang cơ sở học ở đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh rất xa. Mà Nghĩa thì tuyệt nhiên không thể đi xe gắn máy… Lại như những năm xưa, sáng mẹ đưa Nghĩa đến trường, chiều mẹ lại đón về.

Nghĩa vừa học Đại học Mở, vừa âm thầm tự ôn thi để năm sau khi vào Đại học Luật. Và Nghĩa đã đậu.

Nghĩa cười, nói chắc là do cái gien di truyền của bố Nghĩa để lại, nên Nghĩa mê làm luật sư lắm. Nghĩa còn có dự định lớn lao hơn sau khi tốt nghiệp Trường đại học Luật, rồi trải qua quãng thời gian thực tập trước khi được làm luật sư chính thức. Làm luật sư, Nghĩa sẽ tham gia vào vụ kiện lương tâm để hy vọng bảo vệ được quyền lợi cho những nạn nhân chất độc da cam như Nghĩa.

Hỏi Nghĩa là ngoài viết chữ bằng chân ra, chỉ với đôi chân, Nghĩa còn làm được gì khác? Nghĩa trả lời, việc gì Nghĩa cũng làm được hết. Từ quét nhà, vệ sinh cá nhân, ủi đồ… cho đến cả… nhắn tin trên bàn phím điện thoại di động.

Như khi Nghĩa đang học lớp 6, chị gái đầu của Nghĩa đang là sinh viên Khoa Toán - Tin của Trường Cao đẳng Sư phạm Sài Gòn, thương Nghĩa ở nhà buồn, chị dắt Nghĩa đến trường cho vui. Nghĩa được giảng viên cho ngồi ké trên cái máy vi tính để bàn, ngồi đợi chị học, Nghĩa buồn dùng chân chơi những trò chơi đơn giản trên máy tính… Có vậy thôi, mà phút chốc trở thành sinh viên khoa Công nghệ thông tin chuyên ngành quản trị mạng. Một ngành học nói tếu táo thì cả ngày chỉ biết cắm mặt vào màn hình và bàn phím.

Nghĩa nói thêm trước khi kết thúc câu chuyện với tôi, chắc năm nay, em sẽ xin bảo lưu kết quả bên Trường đại học Mở, Nghĩa muốn tập trung học thật tốt bên Trường Luật vì năm nay Nghĩa cũng là sinh viên năm cuối của trường này.

Xong cuộc trao đổi với tôi, Nghĩa sẽ được cậu bạn chở bằng xe gắn máy xuống ấp Rạch Bông, xã Xuân Lập, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An để tiếp tục kế hoạch tổ chức đêm Trung thu cho 200 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Nghĩa khoe rằng Nghĩa sẽ phát quà cho các em, kinh phí dự tính khoảng 42 triệu đồng… Nghe Nghĩa nói, khiến tôi cũng có cảm giác vui lây.

Vậy mà, tối qua Nghĩa nhắn tin. Nội dung tin nhắn nguyên vẹn là: "Anh ơi, giúp em với. Chuyện quyên góp để tổ chức Trung thu cho mấy em khó khăn quá, anh ơi"…

Thôi thì xem như tự mình quyết định, tôi chuyển tin nhắn này của Nghĩa đến bạn đọc để hy vọng một sự đồng cảm.

* Ảnh: Đào Văn Sử

Ngô Nguyệt Hữu
.
.