Không dẫn độ Lý Tống về VN là trái tuyên bố về hợp tác chống khủng bố trong khuôn khổ ASEAN

Thứ Bảy, 14/04/2007, 20:09

Phán quyết không dẫn độ tên khủng bố Lý Tống về Việt Nam của Chánh án Tòa phúc thẩm Bangkok ngày 3/4, đã đi ngược lại chính sách hợp tác đấu tranh chống khủng bố trong khuôn khổ hợp tác ASEAN mà Chính phủ Thái Lan đã cam kết.

Lý Tống, tên gọi khác là Lê Văn Tống, sinh năm 1946, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Năm 1965, Lý Tống đi lính và được biên chế trong lực lượng Không quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975, với cấp hàm trung úy. Ngày 24/4/1975, Lý Tống lái chiếc máy bay cường kích A37 ném bom chặn đường Quân giải phóng tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Bị bắn hạ trên bầu trời Xuân Lộc, Tống bị bắt và được đưa đi cải tạo tập trung tại Trại Phú Khánh. Năm 1981, Tống trốn khỏi trại cải tạo về TP HCM, đột nhập vào sân bay Tân Sơn Nhất với ý đồ cướp máy bay bỏ trốn nhưng không thành. Năm 1982, Lý Tống vượt biên sang Thái Lan, đến Malaysia rồi vượt biển đến Singapore, được Đại sứ quán Mỹ cấp visa cho đi định cư tại Mỹ.

Sau khi đến Mỹ, Lý Tống đã móc nối và quan hệ chặt chẽ với nhiều cá nhân, nhóm phản động lưu vong người Việt tại đây, như nhóm mạng lưới khủng bố “Chính phủ Việt Nam tự do” do Nguyễn Hữu Chánh cầm đầu, “Hội Không quân Quân lực Việt Nam cộng hòa” và nhóm “Mặt trận” của Hoàng Cơ Minh - nguyên là Phó đô đốc Quân lực Việt Nam cộng hòa và các tên phản động Nguyễn Văn Hòa, Trần Khôi v.v...

Ngoài ra, Lý Tống còn quan hệ với một số tên cầm đầu các nhóm phản động lưu vong người Cuba tại Mỹ và trở thành công cụ trong tay các nhóm này để thực hiện mưu đồ chống phá Nhà nước Cuba. Ngày 1/1/2000, nhóm phản động lưu vong người Cuba tại Mỹ đã “đạo diễn” cho Lý Tống trực tiếp lái chiếc máy bay Cessna xâm nhập vào vùng không phận thủ đô Havana (Cuba), tiến hành rải 50.000 truyền đơn phản động tuyên truyền chống phá Nhà nước Cuba bằng tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha.

Sau khi thực hiện vụ rải truyền đơn, Lý Tống đã trốn thoát về Mỹ. Chính phủ Cuba đã yêu cầu Chính phủ Mỹ cho dẫn độ Lý Tống về Cuba xét xử, nhưng Chính phủ Mỹ khi đó đã không thực hiện yêu cầu dẫn độ Lý Tống của Chính phủ Cuba mà chỉ ra “quyết định” xử phạt hành chính đối với hành vi của Lý Tống và rút bằng lái máy bay với thời hạn 6 tháng.

Sau vụ xâm nhập rải truyền đơn chống Nhà nước Cuba của Lý Tống, bọn phản động lưu vong người Việt và người Cuba tại Mỹ “ca ngợi”: Cuộc trường chinh trác tuyệt này cộng với 3 phi vụ trác tuyệt khác đã tạo thành “Huyền thoại tứ tuyệt” hay “Huyền thoại Lý Tống” để tiếp tục cổ súy cho các hoạt động “chống phá Cộng sản” của Lý Tống.

Ngày 12/8/1992, Lý Tống từ Mỹ đến Thái Lan mang theo nhiều truyền đơn phản động và vũ khí với ý đồ thực hiện vụ chiếm đoạt máy bay về TP HCM, rải truyền đơn phản động chống Nhà nước Việt Nam và tiến hành các hoạt động phá hoại, nhưng y đã không thực hiện được. Sau thất bại này, Lý Tống tiếp tục thực hiện ý đồ đen tối để chống Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, ngày 4/9/1992, Tống đi máy bay dân sự mang số hiệu Airbus A310 - 300, chở 167 hành khách trên đường từ Bangkok (Thái Lan) đến TP HCM do Cơ trưởng là người Bungari chỉ huy.

Khi máy bay sắp hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Lý Tống đã dùng dao và dây trói... đe dọa cho nổ máy bay để khống chế phi hành đoàn, buộc Cơ trưởng phải bay thấp nhiều vòng để Tống tiến hành rải truyền đơn chống Nhà nước Việt Nam và mở cửa cho y nhảy dù xuống TP HCM.

Ngay khi vừa tiếp đất, Lý Tống đã bị Lực lượng An ninh Việt Nam bắt giữ. Ngày 24/3/1993, Tòa án nhân dân TP HCM đã tuyên phạt Lý Tống 20 năm tù giam. Tuy nhiên, xuất phát từ chính sách khoan hồng, nhân đạo của Nhà nước Việt Nam, tháng 9/1998, Lý Tống được đặc xá tha tù trước thời hạn và bị trục xuất về Mỹ.

Nhưng với bản chất của kẻ khủng bố, Lý Tống vẫn không từ bỏ âm mưu, ý đồ đen tối chống phá Nhà nước Việt Nam. Tháng 11/2000, lợi dụng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Lý Tống vờ thuê một chiếc máy bay nhỏ loại PB68C ở Thái Lan rồi cướp máy bay tự lái từ Thái Lan xâm nhập vào không phận TP HCM và một lần nữa thực hiện việc rải truyền đơn tuyên truyền chống phá Nhà nước Việt Nam rồi trốn thoát về Thái Lan.

Ngày 26/11/2000, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an Việt Nam quyết định khởi tố bị can Lý Tống theo tội danh quy định tại Điều 81 và 88 của Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đồng thời, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an Việt Nam đã ra quyết định truy nã quốc tế với Lý Tống. Lý Tống đã bị Cảnh sát Thái Lan bắt giữ.

Ngày 25/12/2003, Tòa án tỉnh Rayong, Thái Lan tiến hành phiên xét xử Lý Tống về 3 tội danh: “Đe dọa công dân Thái Lan”, “Cưỡng ép sử dụng máy bay trái mục đích” và “Vi phạm Luật Xuất nhập cảnh Thái Lan”, và tuyên án phạt Lý Tống 11 năm 8 tháng tù. Tuy nhiên, Tòa cho rằng Lý Tống có “thái độ thành khẩn” trong quá trình xét xử nên giảm án còn 7 năm 4 tháng.

Trong thời gian Lý Tống bị giam ở nhà tù Klong Prem ở Bangkok (Thái Lan), ông Steven Krysiak sống ở bang California (Mỹ) là người có mặt chứng kiến tên khủng bố Lý Tống cướp máy bay rải truyền đơn chống Nhà nước Việt Nam vào năm 2000 và thường xuyên theo dõi vụ án Lý Tống, đã gửi đến Cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Washington (Mỹ) bức thư bày tỏ quan điểm.

Bức thư có đoạn: “Tôi biết anh ta là một kẻ khủng bố. Cuối cùng anh ta được tha và được đưa sang Mỹ. Sau đó anh ta đã trở lại Thái Lan, dùng dao bắt cóc máy bay. Tôi đang ở TP HCM khi anh ta rải truyền đơn từ chiếc máy bay bị bắt cóc ấy. Anh ta muốn phá hoại chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton”.

Ngay sau khi Tòa phúc thẩm Bangkok tuyên không cho dẫn độ Lý Tống về Việt Nam và trả tự do cho Lý Tống, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng tuyên bố: “Phán quyết của Tòa phúc thẩm Bangkok là không công bằng, hoàn toàn trái với luật pháp Thái Lan, luật pháp Việt Nam và luật pháp quốc tế, và không phù hợp với sự phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Thái Lan cũng như đi ngược lại những nỗ lực chung trong việc phòng chống tội phạm và khủng bố ở khu vực và trên thế giới”.

Bất chấp những kết quả tốt đẹp của quan hệ Việt Nam - Thái Lan trong những năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm và chống khủng bố, Tòa Hình sự Tòa án Thái Lan ngày 3/4/2007 đưa ra phán quyết trả tự do cho Lý Tống, đã đi ngược tuyên bố chống khủng bố trong khuôn khổ khối ASEAN và đã làm cho thế giới nghi ngờ về chính sách chống khủng bố của chính phủ nước này.  Đây quả là điều mà nhân dân Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình ổn định trên thế giới không thể chấp nhận được

Thi Nga
.
.