Kinh hoàng xe lôi, xe ba gác

Thứ Sáu, 16/11/2018, 08:34
Xe ba gác, các loại xe tự chế, xe 3 bánh... là những phương tiện mà đa phần người lao động chân tay, lao động nghèo dựa vào đó để kiếm sống nuôi gia đình. Nhưng, nó cũng là mối hiểm họa tiềm tàng đối với không ít người tham gia giao thông.

Xe ba gác chở thuê, chất đồ cồng kềnh, chở những vật liệu xây dựng sắc lẹm hay biến thành phương tiện buôn bán chạy nghênh ngang trên đường phố, bất chấp nguy hiểm đối với những người lưu thông xung quanh.

Không ít những vụ tai nạn giao thông thương tâm liên quan đến loại phương tiện này. Tuy nhiên, khó có thể “khai tử” loại hình phương tiện này ngay tức khắc vì nó ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người đang mưu sinh bằng loại phương tiện này...

Xe ba gác chở đầy hàng hóa, người điều khiển khó quan sát được phía trước.

“Hung thần” xa lộ

Người dân tại đường Lê Văn Khương, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa thể quên hình ảnh thương tâm của một cô gái trẻ bị bánh xe tải cán tử vong chỉ vì tránh chiếc xe ba gác vượt ẩu tại giao lộ Lê Văn Khương - hương lộ 80B. Cô gái chở bạn lưu thông trên đường Lê Văn Khương, phát hiện chiếc xe ba gác vượt ẩu nên đánh tay lái né tránh và loạng choạng ngã xuống đường. Tài xế điều khiển chiếc xe tải lưu thông cùng chiều từ phía sau xử lý không kịp tình huống đã tông vào khiến cô gái tử nạn. Người bạn đi cùng cô gái may mắn thoát nạn nhưng tinh thần bấn loạn sau cái chết của bạn.

Khu vực xã Đông Thạnh còn nửa thôn quê, nửa thành thị, các công trường xây dựng hoạt động tấp nập nên xe ba gác chở vật liệu xây dựng chạy nhan nhản trên đường. “Vụ cô gái tử vong chỉ vì chiếc xe ba gác chạy ẩu là vụ tai nạn chết người xảy ra lần đầu tại đây. Tuy nhiên, các vụ xe ba gác chạy ẩu, tài xế xe ba gác đầu trần phóng như bay, tiếng pô xe nổ đinh tai nhức óc, va quẹt... thì xảy ra thường xuyên!” - một người dân ở đây phản ánh.

Một vụ tai nạn giao thông thảm khốc liên quan đến xe ba gác hồi tháng 7-2018 tại đường ĐT 774 thuộc địa bàn ấp Phú Thứ, xã Phú An, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, cũng khiến nhiều người khiếp hãi với tình trạng xe ba gác chạy ẩu. Thời điểm xảy ra tai nạn, xe tải BKS 60C-365.10 đang lưu thông theo hướng từ Dầu Tiếng về TP Thủ Dầu Một, đến gần cầu Ông Cộ thì va chạm với xe ba gác do Nguyễn Thanh Lâm (35 tuổi, quê Tây Ninh), điều khiển khiến chiếc xe ba gác văng đi hàng chục mét. Anh Lâm tử vong tại chỗ.

Chưa dừng lại, xe tải lao qua phải, tông và hất xe tải 7 tấn đang đậu bên đường xuống hố nước. Tại hiện trường, xe tải gây tai nạn biến dạng phần đầu, 2 người trên xe là Huỳnh Văn Hưng, 52 tuổi, quê Cần Thơ và Võ Hoàng Nhựt Linh, 26 tuổi, quê Đồng Tháp, tử vong tại chỗ trong cabin. Người còn lại trong xe tải là tài xế bị thương nặng.

Xe ba gác xe tự chế là phương tiện mưu sinh của nhiều người tại đô thị nhưng lưu thông rất mất an toàn.

Công an thị xã Bến Cát trích xuất hình ảnh camera và ghi nhận thông tin tại hiện trường, bước đầu xác định, xe ba gác do anh Lâm điều khiển lấn trái sang đường ngược chiều là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn thảm khốc trên.

Dạo quanh nhiều tuyến đường ở TP Hồ Chí Minh, nhất là các huyện ngoại thành, chúng tôi ghi nhận các phương tiện xe ba bánh, xe tự chế chạy nhan nhản trên đường phố. Các phương tiện thô sơ chở hàng cồng kềnh len lỏi trong dòng lưu thông dày đặc khiến các phương tiện khác chẳng còn cách nào là phải né tránh.

Khi đường có khoảng trống, họ lại lao đi vun vút, quay đầu xe đột ngột, bất chấp các phương tiện khác. Có những xe ba gác chở các tấm tôn dài, không bịt đầu tôn khiến nhiều người hoảng hồn tìm mọi cách tránh càng xa càng tốt.

Bát nháo mưu sinh

Hằng ngày, tại tuyến đường Tôn Thất Thuyết, quận 4, hàng chục xe ba bánh chở vật liệu xây dựng chạy nghênh ngang trên đường. Vật liệu trên xe không được che chắn, rơi vãi trên con đường đang được sửa chữa này. Thấy chúng tôi giơ máy chụp hình, nhiều bác tài tỏ ra bực bội, chỉ thẳng mặt đe dọa.

Trên quốc lộ 1A, xe ba bánh chở những cuộn tôn, tấm thép và các cây sắt dài cả chục mét nghênh ngang trên đường không phải là cảnh hiếm. Đầu tôn sắc lẹm khiến ai nhìn thấy cũng rùng mình.

Ông Sanh, 62 tuổi, người có thâm niên hàng chục năm kiếm sống bằng nghề chạy xe ba gác cho hay: “Cuộc sống mà! Tôn dài 5-7, thậm chí 10m đúng là cồng kềnh, dễ gây va quẹt. Nhưng, người ta thuê mình chở thì mình phải chở thôi. Biết vậy là nguy hiểm, phạm luật nhưng không thể cắt ngắn vật liệu ra vài mét một tấm được. Lại càng không thể không chở!”.

Một trường hợp chạy xe ba gác bị Cảnh sát giao thông xử lý.

Chiều 8-11, bám theo một chiếc xe ba gác chở bùn nhão từ quận 1 về quận 4, chúng tôi chứng kiến cảnh bùn nhão từ trên xe rơi vãi trên cầu Khánh Hội. Chiếc xe ba gác lạng lách trong dòng phương tiện, tiếng pô xe nổ lớn. Qua ngã tư, thay vì dừng đèn đỏ, người thanh niên điều khiển xe bấm còi inh ỏi và cố lách qua dòng người hòng vượt đèn đỏ.

Chưa đầy một giờ trên đường Lê Văn Việt (quận 9), chúng tôi ghi nhận hàng chục xe ba gác, xe 3-4 bánh tự chế nối đuôi nhau lưu thông trên đường. Trên xe chất đầy vật liệu xây dựng, bia, nước ngọt, gạo... Các bác tài chằng buộc hàng hóa trên xe cũng rất cẩu thả, sơ sài, trong khi hàng hóa chất cao ngất ngưởng. Những bó sắt cứ dập dìu theo từng nhịp bóp ga của người điều khiển xe, lúc nào cũng chỉ chực va hay sập vào đầu người đi đường.

“Tôi biết chở cồng kềnh khó quan sát lại có thể bị CSGT xử phạt nhưng khách yêu cầu thì phải chở. Bởi vậy, chúng tôi thường chọn những con đường hay những giờ mà CSGT không có mặt trên đường. Mình làm thuê, không chở thì người ta thuê người khác!” - anh Tâm, ngụ quận 9, cười xòa phân trần.

Chở mướn trên đường Dương Quảng Hàm, Gò Vấp, anh Dũng, quê Nghệ An, cho hay, vào TP Hồ Chí Minh cả chục năm nay làm mọi nghề từ bốc vác đến phụ hồ nhưng không kiếm đủ tiền nuôi mẹ già và 2 đứa con. Ky cóp nhiều năm trời, anh Dũng mới mua được chiếc xe ba gác cũ để chở đồ thuê. Mỗi ngày trừ tiền xăng xe, ăn uống ra cũng kiếm được 4 đến 500 ngàn.

“Nghề này cực khổ dãi nắng dầm mưa nhưng chỉ cần sơ sểnh là bị CSGT xử phạt. Ngày nào bị “vịn” thì y như rằng tiền công cả ngày không đủ nộp phạt!” - anh Dũng phân trần.

Người chạy xe ba gác phần lớn từ các tỉnh xa vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh, lao động vất vả nhưng thu nhập không cao. “Trước đây còn dễ sống nhưng thời gian này xe ba gác nhập từ Trung Quốc về nhiều nên chúng tôi cũng ế dài! “Vô mánh” còn  kiếm được năm ba trăm, ngày nào không có người kêu thì con như nhịn đói!” - anh Nguyễn Văn Lành, quê ở Tây Ninh, tâm sự.

Tại đoạn quốc lộ 1, khu vực cầu Bình Phước, gần chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, nhiều bác tài xe ba gác ngồi ngáp dài mặc dù trên xe hàng hóa đã chất đầy. Anh Sơn, quê Thanh Hóa, cho biết, CSGT hay xử lý xe vi phạm, nhất là xe ba gác tại khu vực cầu vượt Bình Phước nên phải chờ CSGT rút đi thì mới cho xe lưu thông.

Suýt trở thành nạn nhân của xe ba gác, chị Thắm, nhà quận 6, kể bằng giọng bức xúc: “Lần đó, trên đường Trần Văn Kiểu, chiếc xe ba gác chở sắt cố vượt đèn đỏ và tông trúng tôi ngã xuống đường. Người thanh niên điều khiển xe ba gác không dừng lại xem tôi như thế nào mà bóp ga vượt đèn đỏ tháo chạy. Không những thế, người thanh niên này còn quay lại chửi thẳng vào mặt tôi “có ai đâu mà dừng đèn đỏ! Lúc đó vừa đau, vừa bực”.

Chấm dứt tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”

Hình ảnh những chiếc xe ba gác chở đồ cồng kềnh nghênh ngang trên đường hay những vụ TNGT liên quan đến loại xe này xảy ra trong thời gian gần đây khiến nhiều người bất bình. Việc xử phạt, xử lý, thu loại phương tiện này cũng làm cơ quan chức năng đau đầu. Đa phần những người mưu sinh bằng nghề chạy xe ba gác là những người khó khăn, từ quê lên, tịch thu phương tiện của họ giống như chặt đi đôi tay kiếm tiền nuôi gia đình cho nên khó xử lý.

Mặc khác, mức phạt cao khiến nhiều người không đến đóng phạt mà bỏ luôn phương tiện rồi mua xe khác, bởi loại phương tiện 3 bánh tự chế này giá cũng chỉ vài triệu đồng.

Quyết định xử lý thu gom xe ba gác, xe 3-4 bánh tự chế gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đường phố đã được UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện từ 10 năm nay. Nhưng, sau những lần ra quân rầm rộ thì loại phương tiện này vẫn “tái xuất giang hồ”.

Vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe ba gác xảy ra tại thị xã Bến Cát, Bình Dương, khiến 3 người tử vong.

Một cán bộ Đội CSGT Bình Triệu - Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, những người điều khiển loại phương tiện này lưu thông trên đường tìm đủ mọi cách tránh né để không bị CSGT thổi phạt. Khi thấy CSGT, các bác tài này thường bất chấp nguy hiểm lao đầu xe rẽ vào các con hẻm, đường nhánh tránh né.

Hầu hết các phương tiện này không có giấy tờ, người điều khiển phương tiện không có bằng lái. Ý thức chấp hành luật giao thông còn thấp, đa phần người điều khiển phương tiện là người trung niên và thanh niên trẻ tuổi, khi bị thổi phạt đều viện lý do không hiểu luật...

Có cung ắt có cầu. Loại hình xe 3 bánh, xe tự chế tại các khu vực ngoại thành hoạt động mạnh là do nhu cầu vận chuyển hàng hóa cao, chi phí cho loại phương tiện vận chuyển này thấp, có thể cơ động len lỏi vào các con đường nhỏ hẹp. Một chủ cửa hàng tạp hóa ở quận 6 cho biết, mỗi lần lấy bia, nước ngọt, cao lắm chỉ hơn 10 thùng, chừng đó hàng mà thuê xe tải nhỏ chở thì giá sẽ bị đội lên, hàng bán không có lời. Vì vậy, thuê xe ba gác chở là hợp lý.

Có nhiều lý do biện minh để xe ba gác, xe tự chế tồn tại. Tuy nhiên, nhìn vào hình ảnh thực tế, nhìn vào những vụ TNGT liên quan đến loại phương tiện này vừa qua cho thấy cần có một biện pháp cứng rắn hơn để xử lý.

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh - Công ty Luật DC Counsel - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh: Mức xử phạt đối với loại phương tiện này theo Nghị đinh 46 của Chính phủ còn thấp nên người vi phạm có thể nộp phạt được. Vì thế, họ vẫn phớt lờ mà chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường phố. Nếu tăng mức phạt và kiên quyết xử lý với loại hình xe 3-4 bánh thô sơ thì chủ xe hoặc người thuê mướn các phương tiện này sẽ buộc phải lựa chọn loại hình giao thông khác phù hợp hơn trong việc vận chuyển hàng hóa.

Đa phần người điều khiển phương tiện này có hoàn cảnh khó khăn, chạy xe ba gác chỉ để kiếm sống nhưng nếu bỏ qua thì họ sẽ nhờn luật và các vụ TNGT liên quan đến loại phương tiện này sẽ tiếp tục xảy ra.

Mạnh Đức
.
.