Vị Giáo sư một đời nặng lòng với nông dân

Kỳ I: Duyên nợ với cây lúa ĐBSCL

Thứ Bảy, 27/09/2008, 11:30
Có một nhà khoa học suốt gần 40 năm qua luôn gắn bó với cây lúa và người nông dân. Bây giờ, dù sắp bước vào tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông vẫn trăn trở với câu hỏi làm thế nào để giúp người nông dân có thể làm giàu trên cánh đồng của mình. Ông là Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng Lao động Võ Tòng Xuân, nguyên Hiệu trưởng Đại học An Giang, một trong những chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp, nông thôn...

Ý định gặp ông đã lâu, vì thế lần này đến An Giang, tôi điện thoại xin ông một cái hẹn. Ông bảo đang có việc, khi nào xong sẽ điện lại. Tôi cứ nghĩ đó là cách để ông từ chối. Nhưng 19h, ông điện lại bảo: "Tôi đã xong việc, có thể tiếp nhà báo được rồi. Anh đến Đại học An Giang nhé, tôi đợi ở đó". 

19h30', tôi tìm tới căn phòng làm việc của ông ở Đại học An Giang, thấy ông vẫn đang lúi húi bên chiếc máy tính. Ông bảo vừa đi khai trương thư viện điện tử cho 5 xã ở huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) về và đang làm nốt vài việc vì sớm mai lại phải ra Hà Nội họp ở Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), vì thế chỉ có thể gặp tôi vào buổi tối thôi.

Căn phòng vốn chẳng rộng rãi gì càng trở nên chật hẹp bởi khắp 4 bức tường chật ních toàn sách, trên chiếc bàn làm việc cũng chất cao ngất sách vở tài liệu. Giữa bộn bề sách ấy, ông dành riêng một góc để bày những bức ảnh kỷ niệm và tất cả các giải thưởng, huân, huy chương đã giành được suốt mấy chục năm; giữa cái góc "bảo tàng cá nhân" ấy còn có mấy túi đựng nhiều loại gạo.

Câu chuyện kéo dài hơn 2 giờ giữa tôi và ông cũng xoay quanh cây lúa, hạt gạo. Và có một điều mà tôi nhận ra trong suốt câu chuyện là nếu như không ngồi với ông giữa căn phòng chật ních sách này thì ông chẳng khác nào một lão nông Nam Bộ, mộc mạc, giản dị.

Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận Giải thưởng Derek Tribe (Australia 2005).

Giáo sư Võ Tòng Xuân bảo đời ông có duyên nợ với cây lúa. Đã từng học Trường Kỹ thuật Cao Thắng; rồi khi mới được học bổng vào Trường đại học Nông nghiệp tại Philippines là học về mía đường; nhưng khi học xong thạc sĩ, ông sang Viện Lúa quốc tế (IRRI) bên cạnh trường để xin học về cây lúa, và từ đó cả cuộc đời ông gắn với cây lúa; vì thế bây giờ, dù đã nghỉ hưu rồi nhưng ông vẫn không rời được ruộng đồng.

Sinh năm 1940 trong gia đình nghèo ở Châu Đốc (An Giang), suốt tuổi thơ của Võ Tòng Xuân là những tháng ngày sống trong cơ cực với nỗi ám ảnh vào trong cả giấc mơ là bát cơm trắng. Nhưng nghèo đói chỉ làm cho Xuân càng quyết tâm học tốt hơn. Vì thế hết tiểu học, dù nhà nghèo nhưng cậu bé nhà quê ham học vẫn được cha mẹ gửi lên Sài Gòn học tiếp.

Tiếng là ở nhờ nhà người quen, nhưng để được ở nhờ và có thêm tiền ăn học, ngoài việc dạy kèm con chủ nhà, dọn dẹp nhà cửa, tối phải đi giữ xe ôtô cho chủ. Cho tới năm lên lớp đệ tứ (lớp 9 bây giờ), thấy cậu học trò thông minh, ham học hỏi, ông thầy dạy Việt văn cho Xuân về nhà ở nhờ với điều kiện giúp thầy... chấm bài kiểm tra Việt văn để thầy cho điểm.

Khi vào học Trường Kỹ thuật Cao Thắng, để có tiền do cuộc sống gia đình quá khó khăn nên hàng ngày ông phải thức từ 4 giờ sáng đến tổng phát hành báo chí nhận báo về, cùng hai đứa em kế bán báo kiếm tiền nuôi ba đứa em nhỏ. Cuộc sống cơ cực triền miên nên đến giữa năm học cuối của bậc trung học, Xuân bị bệnh lao phổi quật liệt giường, phải bỏ kỳ thi năm đó, và phải đến kỳ thi năm sau, năm 1961, Võ Tòng Xuân mới cầm được tấm bằng tú tài toàn phần.

Ngày ấy, muốn học đến nơi đến chốn chỉ có đi du học. Không có tiền để đi Mỹ, Pháp du học, Võ Tòng Xuân quyết thi lấy học bổng của Trường đại học Nông nghiệp Los Banos (Philippines), dù biết đó là một trường không mấy tiếng tăm nhưng vẫn hơn những trường trong nước. Biết con đi du học, người cha nghèo phải chạy vạy khắp nơi mới có đủ tiền mua cho con vé máy bay, đôi giày da và một bộ veston.

Ngày nhập học, do được Quỹ Rockefeller tài trợ tiền vé máy bay,  cậu sinh viên nghèo chỉ dám mua chiếc radio để tập nghe, nói tiếng Anh; còn lại dùng để sắm "cần câu cơm" là chiếc máy ảnh Pentax.

Để có cơ hội tập nghề ảnh, ban đầu Xuân tự nguyện chụp ảnh không lương cho tờ báo hàng tuần của sinh viên trường, vì chỉ như thế mới xin được vào phòng thí nghiệm của bộ môn hóa để học nghề tráng phim, phóng, rửa ảnh và sử dụng phòng tắm nhà trọ để làm "buồng tối". Nhờ vậy mà một thời gian sau, Xuân đã nắm được kỹ thuật làm ảnh và có thể kiếm tiền bằng nghề chụp ảnh các đám cưới, đám tiệc và rửa phim ảnh cho cộng đồng.

Năm thứ 3 đại học, nghe Đài Philippines phát sóng Chương trình Văn hóa nhiều nước mà không có chương trình Việt Nam, Võ Tòng Xuân viết thư hỏi thì được biết là do không có người. Không bỏ lỡ cơ hội, sinh viên Võ Tòng Xuân liền đề nghị được làm mà không cần... nhuận bút. Sau thời gian học cách biên tập chương trình, cách điều khiển các bộ phận trong phòng thu thanh, Xuân làm rất chạy việc và được lãnh đạo Đài tự nguyện trả công rất hậu.

Lấy xong bằng đại học, Võ Tòng Xuân xin thực hiện một đề tài nghiên cứu cho Nhà máy đường Canlubang để lấy tiền học tiếp thạc sĩ nông nghiệp. Đồng thời để có tiền nuôi sống gia đình một vợ và hai con, Xuân và vợ, chị Lệ, phải làm nghề chụp ảnh và tráng ảnh cho dân cư quanh khu đại học. 

Dù vất vả kiếm sống, nhưng với Võ Tòng Xuân, niềm đam mê lớn nhất là nghiên cứu về lúa và không bỏ lỡ một cơ hội nào để thực nghiệm. Có lần đi chụp ảnh đám cưới, anh "thợ ảnh" làm quen được với bà mẹ đỡ đầu của cô dâu, một điền chủ có nhiều ruộng lúa và vườn dừa.

Khi biết những tá điền của bà rất nghèo vì không biết kỹ thuật canh tác, Võ Tòng Xuân tự nguyện hàng tuần đến hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa cao sản, và đem hạt giống lúa mới cho họ trồng. Nhờ được hướng dẫn mà từ vụ đó các tá điền trúng mùa, còn Võ Tòng Xuân cũng thu được nhiều kinh nghiệm quý cho công tác nghiên cứu khoa học và khuyến nông sau này.

Lúc học đến năm thứ tư đại học, Võ Tòng Xuân được Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines nhờ làm phiên dịch cho nhóm cán bộ diệt trừ sốt rét của Việt Nam sang học "Phương pháp huấn luyện cho người học nghề" do chuyên gia Mỹ dạy. Công việc ấy đã giúp anh sinh viên Xuân học được phương pháp hiện đại về dạy nghề.

Từ những kinh nghiệm và kiến thức học được mà sau này, khi về làm việc ở Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) ở Philippines, chỉ sau một thời gian ngắn, Võ Tòng Xuân đã xuất bản cuốn sách đầu tay "Cẩm nang huấn luyện kỹ thuật trồng lúa cao sản". Cuốn sách này còn được IRRI tái bản hàng chục lần vì nó không hề lạc hậu theo thời gian. --PageBreak--

Trong cuộc đời mỗi con người luôn có những ngã rẽ quyết định cả tương lai và với Võ Tòng Xuân, ngã rẽ mà ông chọn là gắn bó với vùng đất châu thổ sông Cửu Long.

Năm 1971, khi đã là thạc sĩ, đang làm công tác giảng dạy và nghiên cứu ở IRRI, Võ Tòng Xuân nhận được bức thư của ông Nguyễn Duy Xuân, Viện trưởng Đại học Cần Thơ. Trong lá thư ấy, ông Viện trưởng viết rằng: "ĐBSCL không có ai chuyên về lúa, nếu anh về làm ở đại học chắc sẽ giúp ích được nhiều hơn. Chiến tranh rồi sẽ có ngày hòa bình, cái ăn sẽ luôn luôn đi đầu, rất cần những người như anh...".

Về hay ở lại? Đó là câu hỏi không dễ trả lời bởi lúc ấy ông đang có một công việc tốt và một gia đình yên ấm. Với môi trường công việc ấy, ông có thể còn tiến xa và cũng không vất vả trong chuyện kiếm tiền để nuôi vợ con và cả đại gia đình hai bên. Còn trở về là phải đối mặt với nhiều khó khăn và nguy hiểm vì lúc ấy đất nước đang chiến tranh, bom đạn mù trời.

Nhưng ông có nỗi niềm riêng, đó là nỗi ám ảnh "mỗi khi nghĩ tới ông bà, cha mẹ tự dưng có một cảm giác giống như mình mắc một cái tội vậy". Vậy là ngày 9/6/1971, bỏ lại nhiều cơ hội và một cuộc sống sung túc, hai vợ chồng ông bồng bế hai đứa con nhỏ về nước dù biết rằng phía trước là rất nhiều khó khăn đang chờ.

Công việc đầu tiên mà Viện Đại học Cần Thơ bố trí cho ông là giảng nghiệm viên Trường cao đẳng Nông nghiệp. Đại học Cần Thơ ngày ấy rất thiếu giáo viên nên thầy giáo Xuân phải tự nguyện dạy tới 7 môn và hướng dẫn sinh viên làm luận văn tốt nghiệp.

Nhưng đồng lương giảng viên đại học 21.000đ/tháng không đủ để ông lo cho đại gia đình gồm vợ con, cha mẹ và đàn em cả hai bên. Đã thế đến cái nhà để ở cũng không có, vợ chồng con cái phải ở nhờ nhà bố mẹ, mà cái nhà ấy, bố mẹ ông cũng đang... ở nhờ của người khác.

Để có tiền nuôi cả gia đình, ông phải đi làm thêm cho Công ty Hóa chất  nông nghiệp Thanh Sơn lúc ấy chuẩn bị hợp tác với Công ty Ciba - Geigy (Thụy Sĩ) chuyên sản xuất nông dược, đang muốn mở đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam, với mức lương gấp 5 lần dạy đại học. Công ty còn giao cho một xe ôtô để tiện di chuyển, thuê cho gia đình ông một cái nhà tại Sài Gòn để ở, nhờ vậy mới thoát khỏi cảnh "ăn nhờ ở đậu".

Thu xếp được cho vợ con có cuộc sống tạm ổn nhưng ông phải chạy như con thoi giữa Sài Gòn - Cần Thơ. 4 giờ sáng thứ hai phải chạy xe về Cần Thơ để 8 giờ lên lớp; chiều thứ 3 lại chạy lên Sài Gòn để làm việc cả ngày thứ tư cho công ty; sáng thứ năm về Cần Thơ, chiều thứ sáu lên Sài Gòn; ngày thứ 7 làm việc cho công ty rồi ngày chủ nhật lại đi các vùng thử nghiệm thuốc trừ sâu mà tiếp xúc nông dân.

Dù bận rộn, nhưng Võ Tòng Xuân vẫn không bỏ việc nghiên cứu khoa học. Ngày đó, mỗi năm Trường cao đẳng Nông nghiệp được Nhật Bản cử giáo sư sang dạy và nghiên cứu. Trong đó có Giáo sư  Jun Inouye, cũng là người đam mê cây lúa, đã cùng ông nghiên cứu nhiều khía cạnh của các loại lúa của ĐBSCL, và đưa công trình này vào chương trình tiến sĩ nông nghiệp đăng ký với Trường đại học Kyushu tại Nhật Bản.

Kết quả nghiên cứu trong 2 năm được ông thể hiện thành 3 bài báo trên tạp chí Crop Science (Nhật Bản). Ông được đưa sang Đại học Kyushu để thực hiện thêm một số thí nghiệm chuyên sâu để tổng hợp lại cả công trình, bảo vệ trước hội đồng xét duyệt.

Tháng 2/1975, Võ Tòng Xuân bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Và lúc này, một lần nữa ông lại đứng trước câu hỏi ở lại hay trở về? Vào thời điểm ấy, cả miền Nam đã bắt đầu náo loạn bởi chính quyền Sài Gòn sắp sụp đổ, tất cả những ai có thể ra đi đều đã gói ghém tài sản để lên máy bay di tản ra nước ngoài. Ngay cả bạn bè ông ở Việt Nam khi ấy nhiều người cũng đã ra đi.

Với ông, để có một chỗ làm ở Nhật Bản hoặc những nước khác là việc quá dễ dàng, bởi với trình độ và những mối quan hệ sẵn có, rất nhiều nơi chào đón ông. Nhưng một lần nữa, tiến sĩ Võ Tòng Xuân lại quyết định trở về với ĐBSCL, với những người nông dân nghèo... 

Gần 40 năm làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Giáo sư, Tiến sĩ, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân được nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý:

Giải thưởng Ramon Magsaysay về Phục vụ nhà nước (1993); Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về "Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới" (1995); Huy chương "Kị mã Nông nghiệp của Bộ Nông - Lâm - Thủy sản Pháp (1996); Giải Cựu sinh viên xuất sắc nhất của Đại học Philippines tại Los Banos (2001); Giải thưởng Nikkei châu Á của Nhật Bản về Tăng trưởng vùng (2002); Giải thưởng Derek Tribe của Australia về khoa học kỹ thuật (2005).

Ông hiện là thành viên của nhiều tổ chức khoa học - giáo dục trong và ngoài nước: Ủy viên Hội đồng Quốc gia giáo dục; Ủy viên Hội đồng KH-CN quốc gia; Chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư liên ngành Nông - Lâm học; Ủy viên Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà nước; Ủy viên Hội đồng Chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam; Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học kỹ thuật Australia; Ủy viên HĐQT Viện Quản lý châu Á (Philippines); Ủy viên HĐQT Tổ chức Dịch vụ quốc tế về tiếp thu và ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp (Mỹ); Ủy viên HĐQT Quỹ Rockefeller (Mỹ); Ủy viên HĐQT Trung tâm Phát triển bền vững vùng lưu vực sông Mê Kông (Thái Lan); Ủy viên Ban điều hành dự án giám sát Hệ sinh thái sông Mê Kông (Nhật Bản); Ủy viên HĐQT Trung tâm Phát triển phân bón thế giới (Mỹ); Chủ trì Chương trình "An toàn lương thực Tây Phi châu - Sierra Leone.

Còn tiếp

Nguyễn Thiêm
.
.