Bi kịch chuyện sang Campuchia đánh bạc

Kỳ I: Hết tiền, "cầm xác" bán nhà chuộc con

Thứ Bảy, 27/09/2008, 17:30
"Tôi là bạn của anh Hải, anh Hải có "cầm xác" cho chúng tôi lấy 10 nghìn USD để chơi bạc, nhưng giờ đã thua hết. Chúng tôi cho gia đình thời hạn 1 tháng để kiếm tiền chuộc anh Hải về. Nếu gia đình không mang tiền sang, chúng tôi sẽ có cách của riêng mình", người đàn ông nói tiếng Việt lơ lớ trong điện thoại từ đầu dây bên kia thông tin cho anh Trung chỉ ngắn gọn bấy nhiêu rồi cúp máy.

Ngày về xa thẳm

Dưới cái nắng gay gắt của những ngày trung tuần tháng 9, chúng tôi tìm về xã An Điền, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, một trong những điểm nóng của “trào lưu" mang tiền sang Campuchia để đổ vào chiếu bạc đang "thịnh hành" ở vùng đất này.

Nhờ sự hướng dẫn của anh Mộng, Phó trưởng Công an xã An Điền, sau khi qua nhiều đoạn đường đất ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến nhà anh Diễm Thành Hải. Một trong những người sang Campuchia đánh bạc, "cầm xác" và hơn 4 tháng rồi vẫn chưa có tiền mang sang biên giới để... chuộc người về.

Nhà Hải thuộc dạng nghèo trong xã, có vài trăm mét vuông đất ở vùng xa lơ xa lắc so với tuyến đường trải nhựa. Phải nhờ đến chính sách an sinh của Công ty Cao su Dầu Tiếng, mà mẹ của Hải, một công nhân của công ty phải nghỉ hưu sớm do mất sức, mới có được căn nhà tình thương do công ty cấp. Chuyện anh Hải qua Campuchia đánh bạc, cả nhà anh hầu như chẳng biết gì, chỉ nghe loáng thoáng từ những người đi chơi chung với anh Hải về kể lại.

Anh Diễm Thành Trung, em út của Hải kể. Anh Hải sống xa gia đình từ bé, hầu như, mọi người trong nhà đều không thể hiểu được cuộc sống riêng của anh Hải. Hơn 4 tháng trước, Trung có nghe nhiều người nói lại rằng, anh Hải chuẩn bị sang Campuchia đánh bạc. Cứ tưởng là chuyện nghe qua rồi bỏ, ai ngờ Hải cũng đã âm thầm "lận lưng" gần 10 triệu đồng theo nhóm bạn sang biên giới tìm vận may trên chiếu bạc.

"Mấy người đi chơi chung với anh Hải hôm đó về kể lại rằng anh Hải thắng được 50 triệu cho lần chơi bạc đầu tiên. Gia đình chúng tôi cũng chỉ nghe kể vậy thôi, chứ ảnh có về nhà hay cho nhà đồng bạc nào đâu mà biết thông tin đó là đúng hay sai", anh Trung nói.

PV chuyên đề ANTG đang trao đổi với mẹ của anh Hải.

Bặt đi nhiều tuần sau, khi anh Trung đang làm việc trong xưởng sơn mài tại nhà thì nhận được cuộc điện thoại với dãy số rất dài chứng tỏ gọi từ nước ngoài về. "Tôi là bạn của anh Hải, anh Hải có "cầm xác" cho chúng tôi lấy 10 nghìn USD để chơi bạc, nhưng giờ đã thua hết. Chúng tôi cho gia đình thời hạn 1 tháng để kiếm tiền chuộc anh Hải về. Nếu gia đình không mang tiền sang, chúng tôi sẽ có cách của riêng mình", người đàn ông nói tiếng Việt lơ lớ trong điện thoại từ đầu dây bên kia thông tin cho anh Trung chỉ ngắn gọn bấy nhiêu rồi cúp máy.

Hoảng hốt, anh mang chuyện này ra bàn với gia đình, nhưng cả gia đình kiếm tiền chợ mỗi ngày còn khó, lấy đâu ra số tiền quá lớn như vậy để chuộc anh Hải về.

Cứ thế, cách ngày là anh Trung lại nhận được điện thoại từ Campuchia gọi về di động của anh để đòi tiền chuộc. Anh Trung nói có lúc người đàn ông kia xưng là bạn anh Hải, có khi xưng chủ nợ, thậm chí có hôm còn xưng là... cảnh sát Campuchia. Mỗi lần người đàn ông này gọi về cho anh Trung là mỗi lần cả nhà lại lo cho tính mạng của anh Hải đến phát sốt lên. Duy chỉ có lần họ cho anh Hải gọi điện thoại về nhà để mong gia đình chạy tiền chuộc mình về nhằm "làm lại cuộc đời".

Một thông tin được anh Trung cung cấp cho chúng tôi có vẻ rất kỳ quái đó chính là tin nhắn từ số máy di động của anh Hải. Anh Trung nói sau khi có thông tin anh Hải bị những người chủ bạc đang giam lỏng chờ tiền chuộc, anh có nhận được một tin nhắn của anh Hải từ số máy di động của chính anh Hải.

Đương nhiên, khó có chuyện đang ở Campuchia mà có thể dùng mạng di động của Việt Nam để nhắn về, nếu như di động không được sử dụng thuê bao theo dạng thương nhân hoặc là các nhân vật VIP. Chúng tôi hỏi anh Trung là anh còn lưu tin nhắn đó hay không để có thể xem xét về ngày tháng gửi tin nhắn. Nhưng rất tiếc, do điện thoại đầy tin nên anh đã xóa tin nhắn của anh Hải.

Nghi vấn có thể đặt ra là những người giam lỏng anh Hải phía bên kia biên giới, cũng đã có lúc mang theo anh về Việt Nam. Còn việc họ mang anh Hải về Việt Nam để làm gì, chắc là không ai có thể đoan chắc câu trả lời. Chỉ có nước mắt của mẹ anh Hải là có thật, bà than thở: "Lấy đâu ra tiền chuộc nó bây giờ. Có đi vay mượn để chuộc nó về thì sao mà trả tiền nợ. Chưa kể, tiền lãi cho 10 nghìn USD, gần 200 triệu, mỗi tháng là trên chục triệu. Tiền đâu mà lo cho nó bây giờ hả chú?". Đã 4 tháng trôi qua, những cuộc điện thoại từ Campuchia gọi sang đòi tiền chuộc thưa dần, ngày về của anh Hải vẫn còn xa thăm thẳm.

Chúng tôi đặt câu hỏi là nếu không có tiền chuộc xác, anh Hải có nguy hiểm đến tính mạng hay không? Anh Trung trả lời rằng cuộc điện thoại cuối cùng anh trao đổi với người đàn ông đòi tiền chuộc kia, anh có nói là nhà anh còn phần đất định dành cho mẹ an hưởng tuổi già, nhưng nếu họ cần, họ có thể sang lấy để "cấn" nợ cho anh Hải. Nhưng người đàn ông kia không có phản ứng gì.

Nghe mấy người đi qua Campuchia chơi bạc về kể lại thì anh Hải dạo này ốm và tiều tụy lắm. Anh Trung nói anh Hải có mệnh hệ gì, chỉ thương cho vợ, con ảnh. Đứa con gái ít thấy mặt cha giờ đi học nghề uốn tóc, còn vợ anh thì đi làm thuê để kiếm tiền sống qua ngày. Hình như, khi đã say trên chiếu bạc, ít ai nghĩ về chuỗi ngày u ám như trường hợp của anh Hải. Gia đình anh, giờ chỉ biết mong có một phép lạ để anh Hải về lại được Việt Nam, dẫu đoạn đường từ xã An Điền sang biên giới Campuchia thông qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) chỉ chừng hơn 100km.--PageBreak--

Nước mắt những người mẹ

Trường, sinh năm 1986,  là con trai út trong gia đình gồm 3 anh em. Mẹ Trường là chủ một quán hủ tíu thuộc dạng đông khách nhất khu vực An Điền. Thương đứa con trai út nghỉ học sớm, bà dành dụm được khoảng 500 triệu đồng sang một quán cà phê cho Trường để kinh doanh. Kinh doanh cà phê chưa được bao lâu, Trường bắt đầu gia nhập đoàn quân cờ bạc sang Campuchia tìm cơ hội.

Bán chiếc xe mẹ mới mua cho được hơn 10 triệu đồng, Trường nhét túi làm bạc phí vượt biên giới. Vài giờ sau, ông chủ quán cà phê đã không còn lấy một đồng bạc lẻ để đổi phỉnh. Lúc này, đám cò sòng bạc đề nghị Trường “cầm xác” với giá 15 nghìn USD. Say máu đỏ đen, Trường lập tức nhận lời.

15.000 USD nhanh chóng được đổi phỉnh để chơi tiếp. Từ chiều đến tối, Trường đã nướng hết tiền “cầm xác” của mình. Lúc này, người đàn ông cho Trường mượn tiền rất lịch sự mời Trường lên lấy phòng khách sạn nghỉ ngơi. Nghe nhiều con bạc nói lại, phần nghỉ ngơi không bao giờ thiếu khoản có các em chân dài phục vụ từ A đến Z.

Ngay ngày hôm sau, Trường nhận được yêu cầu là phải cung cấp số điện thoại của gia đình tại Việt Nam để thương lượng tiền chuộc. Trường vừa cung cấp số điện thoại xong, thì phía bên này, mẹ Trường đã lên cơn đau tim khi nghe tin con trai mình đang bị giam lỏng chờ tiền chuộc. Không thể kiếm ra số tiền lớn như thế chỉ trong vòng vài ngày theo yêu cầu của giới chủ bạc tại Campuchia, chị gái Trường tên Linh theo lời mẹ lần mò sang biên giới để thương lượng lại thời gian nhằm cứu em trai mình.

Một người hàng xóm thương tình cảnh gia đình chị Linh, nên đồng ý chở chị sang Campuchia làm thuyết khách. Chị Linh kể khi đến khu vực gần biên giới, đoạn đường từ phần đất thuộc lãnh thổ Việt Nam sang phần đất Campuchia chỉ khoảng hơn 2km, nhưng tay xe ôm chở chị kiên quyết đòi 500 nghìn mới đồng ý chở chị sang biên giới.

Vào khu vực sòng bạc, nơi các tay chủ bạc đang tạm giữ em trai mình, chị Linh được tiếp xúc với một người đàn ông trung niên người Campuchia, nói tiếng Việt rất sõi. Theo chị Linh thì người đàn ông này ra dáng trí thức, nói năng rất nhỏ nhẹ và không có gì là hăm dọa hoặc tỏ ra là tay anh chị.

Đại khái ông ta nói hiện tại Trường đang thiếu ông ta 15.000 USD do "cầm xác" đánh bạc. Số tiền này cho vay không tính lời, nhưng gia đình có nhiệm vụ phải trả đầy đủ khi đến hẹn. Nếu gia đình không trả đúng hẹn, họ sẽ có hướng xử lý của riêng họ.

Sau khi nghe người đàn ông kia trình bày, chị Linh nói nhà chị không thể nào kiếm đủ 15.000 USD chỉ trong một thời gian ngắn, nên xin gia hạn cái hẹn tiền chuộc lên 10 ngày. "Tôi cho gia đình chị đúng 1 tuần", người đàn ông nói gọn lỏn. Khi cuộc trao đổi kết thúc, chị Linh được họ cho gặp mặt em trai mình. Lúc này, Trường đang ở tại một khách sạn gần khu vực sòng bạc.

Có điều rất lạ rằng, mặc dù là con bạc đang thiếu nợ tiền của chủ sòng, nhưng Trường vẫn được đối xử như một vị khách... giàu tiềm năng. Ở phòng hạng sang, cơm ăn nước uống phục vụ tận... răng. Thế cho nên, mấy ngày sau khi chị Linh mang tiền sang chuộc em về, chị còn phải gồng người trả tiền chi phí khách sạn cho Trường với số tiền 2.000 USD nữa.

Hóa ra, khi con bạc đã hết sạch tiền, thì không bao giờ có chuyện: "Ở bên này chơi vui lắm, thắng thua gì cũng được ở khách sạn, có em út phục vụ miễn phí", như giới chơi bạc sang bên Campuchia chơi rồi về Việt Nam mách lại.

Về nhà được hơn tuần, cứ tưởng là Trường sẽ không còn tơ tưởng đến chuyện đỏ đen nữa. Ngờ đâu, khi nước mắt người mẹ chưa kịp ráo thì Trường lại tiếp tục sang biên giới để... nộp tiền tiếp. Cũng như lần trước, lần thứ hai này, Trường lại phải “cầm xác” với giá 15.000 USD và gọi điện thoại về nhà xin mẹ mang tiền qua chuộc.

Khi gặp chúng tôi, mẹ Trường vừa kể chuyện vừa khóc. Bà cứ nói mãi: "Mong các chú phản ánh lên báo chí chuyện này giúp để con em người dân vùng này bớt khổ. Coi như tài sản bao nhiêu năm dành dụm của tui đã bị đổ sạch vào chiếu bạc phía bên kia biên giới rồi, chú ơi!".

Chuyện của Trường là thế, chuyện của "thiếu gia" tên H. lại càng bi đát hơn. Gia đình của H. có hơn 3ha cao su đang độ cho mủ sung sức nhất, trên 10 năm tuổi. Đó là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Không hiểu, H. nghe ai rủ mà cũng sang bên kia chơi bạc để mong làm giàu chứ "mấy cái mủ này chỉ là tiền lẻ thôi, bên kia chơi bài ăn dễ lắm". Vậy là đi.

Lần đầu tiên, H. được vài nghìn USD tiền thắng bạc. Lần thứ hai H. qua bên kia chơi tiếp, chờ mãi không thấy con về, gia đình H. sốt ruột bèn nhờ người sang bên kia kiếm giúp. Tin từ biên giới chuyển về cho gia đình hay, H. đang bị tạm giữ vì thiếu giới chủ bạc một số nợ khổng lồ: trên 3 tỉ, nhưng vì lo sợ nên H. không dám gọi điện thoại về nhà.

Gần như, cả gia đình H. ngã quị trước thông tin trên. Cuối cùng, gia đình H. cũng nhận được điện thoại từ Campuchia gọi sang, nói là hiện tại H. đang nợ người ta số tiền lớn như vậy. Nếu gia đình không có khả năng chi trả, họ sẽ cho người sang Việt Nam làm giấy để lấy 3ha cao su đang thu hoạch kia và H. sẽ được cho về.

Đương nhiên, không thể làm ngơ khi thấy con mình gặp nguy hiểm. Mẹ H. đã đồng ý giao lô cao su lại cho người đàn ông đến từ phía bên kia biên giới. Lấy được lô cao su, người đàn ông này hào phóng chi ngược lại cho gia đình H. 500 triệu đồng gọi là để bố mẹ H. có cái mà chia cho các anh chị khác ngoài H. Còn lô cao su đang thu hoạch, họ cho gia đình H. cạo thêm 1 năm nữa. Năm sau, họ sẽ lấy lại hoàn toàn. Từ một gia đình dư ăn dư mặc, bố mẹ và các anh chị em của H. bỗng lâm vào tình trạng ăn nhờ ở đậu ngay trên tài sản thật của mình. Tất cả mọi thứ, cũng chỉ từ những canh bạc đen đỏ mà ra.

Tuy nhiên, không riêng gì gia đình của Trường hay H. lâm vào cảnh tay trắng. Mà rất nhiều đại gia khác bỗng nhiên trở thành "bác thằng bần" cũng chỉ vì nghe rủ rê và tin vào cái chuyện "sang bên kia chơi bài dễ ăn lắm. Chẳng mấy chốc mà giàu liền à". Biết bao nhiêu thửa đất, vườn cao su đã được đổi thành tiền, từ tiền quy ra phỉnh để rồi lần lượt chảy vào túi các tay chủ bạc bên kia biên giới Campuchia... Như là một câu chuyện dài không hồi kết.

Còn tiếp

Thuận Nguyên - Kinh Hữu
.
.