Vị Giáo sư một đời nặng lòng với nông dân:

Kỳ II: Biến mơ ước xuất khẩu nông dân đi làm… chuyên gia thành hiện thực

Thứ Hai, 29/09/2008, 08:15
Bây giờ, nhắc lại những chuyện đã qua, Giáo sư Võ Tòng Xuân bảo rằng ông tự hào vì những đóng góp của mình với nông nghiệp, bởi không chỉ là người đã chủ trì nghiên cứu thành công nhiều giống lúa cao sản, mà nổi tiếng nhất là bộ giống lúa miền Tây, ông còn là người dám chịu trách nhiệm, mạnh dạn đề xuất những chính sách mới để góp phần đổi mới trong nông nghiệp.

Những ngày gắn bó với nông dân, ông nhận ra một điều: người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn mà vẫn nghèo chỉ vì họ không được tiếp cận khoa học, kỹ thuật. Nhưng để nói chuyện khoa học với những người vốn "ít chữ" là chuyện không đơn giản. Và ông nghĩ tới cách "bình dân hóa" kiến thức khoa học kỹ thuật.

Giữa năm 1977, ông được lãnh đạo Đài Truyền hình TP HCM và Đài Truyền hình Cần Thơ đồng ý cùng hợp tác sản xuất loạt chương trình truyền hình "Khoa học kỹ thuật nông nghiệp" phát mỗi tuần 1 lần với thời lượng 30 phút.

Thời điểm ấy, do những chương trình kiểu như vậy chưa có ai làm nên để bảo đảm tính hiệu quả của mỗi chương trình, đích thân ông phải trực tiếp làm từ viết kịch bản theo đúng kỹ thuật khuyến nông để làm sao nông dân xem dễ hiểu, dễ nhớ và làm theo.

Giáo sư Võ Tòng Xuân trong chuyến đi thực tế tại Siera Leone...

Từ các thuật ngữ chuyên ngành, ông biến thành những câu chữ mà nông dân thường dùng để trình bày những kỹ thuật mới. Do vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, "Khoa học kỹ thuật nông nghiệp" trở thành chương trình hấp dẫn, được cán bộ lãnh đạo và chỉ đạo nông nghiệp, và đông đảo nông dân miền Tây Nam Bộ đón xem không kém các chương trình cải lương...

Ngày ấy, trang thiết bị của đài truyền hình rất thiếu, vậy là để hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình khuyến nông, qua Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu, Viện trưởng Viện Khoa học, ông đã liên hệ với Giáo sư Edward Cooperman, Chủ tịch Hội Các nhà khoa học Mỹ, hợp tác với Việt Nam xin một số thiết bị cần thiết như máy thu phát video và tủ lạnh bảo quản các loại giống lúa mà thầy trò nông nghiệp của Đại học Cần Thơ đã sưu tầm.

Có lẽ ông là người tiếp nhận bộ máy video đầu tiên trong nước vào năm 1981, gồm có bốn đầu máy Betamax, hai đầu máy Umatic và hai máy camera quay video Sony. Ngày đó, những thiết bị này quá mới nên khi nhập vào, Hải quan

TP HCM đòi phải có giấy phép của Bộ Văn hóa, và khi xin được giấy phép, hải quan ghi rõ chi tiết từng số máy như là đối với xe gắn máy bây giờ. Về đến Cần Thơ, ông phải trình với Sở Văn hóa - Thông tin, ghi từng số máy và cam kết không sử dụng vào mục đích gì khác ngoài làm chương trình khuyến nông...

Không chỉ tuyên truyền kiến thức khoa học kỹ thuật cho nông dân, ông và các cộng sự còn trực tiếp xây dựng mô hình làm ăn mới để áp dụng cho nông dân.

Năm 1979, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân quyết định chọn ấp Lung Đen, xã Kế An, huyện Kế Sách, tỉnh Hậu Giang (nay thuộc tỉnh Sóc Trăng) để thí điểm mô hình sản xuất mới. Ông cùng các đồng nghiệp và hàng trăm sinh viên đưa giống lúa mới, kỹ thuật trồng lúa tiên tiến, giúp bà con nông dân sản xuất theo kiểu khoán hộ.

Cách làm này đã phát huy hiệu quả ngay, và trong chương trình truyền hình "Khoa học kỹ thuật nông nghiệp" phát đúng dịp Quốc khánh 2/9/1980, ông đã phát mô hình khoán này như một cách làm mới. Nhưng thời điểm đó, làm như thế lại không đúng chủ trương. Vì thế mà ngay sau đó, đã không ít người liền quy chụp ông là... phản động.

Lúc đó, không chỉ ông mà cả những người cộng tác với chương trình truyền hình của ông cũng có nguy cơ bị liên lụy. Nhưng may mắn cho ông bởi vào tháng 4/1981, sau cuộc họp của Trung ương, những bất cập của chính sách đã được khắc phục bằng "Khoán 100" ra đời chứng minh cách làm ấy là đúng và ông còn được bầu làm đại biểu Quốc hội dù lúc đó ông chưa phải... đảng viên.

Tháng 6/1981, lần đầu tiên "ông nghị" Võ Tòng Xuân đi họp Quốc hội và lập tức gây sốc trên nghị trường khi phê phán chính sách phá rừng tràm để lập các vùng lúa Tháp Mười, U Minh, tứ giác Long Xuyên làm lãng phí ngân sách; trồng lúa không hiệu quả mà còn phá luôn môi trường sinh thái rừng tràm thiên nhiên. Bằng dẫn chứng thực tế trên cơ sở khoa học, ông đề nghị Chính phủ khôi phục lại các vùng sinh thái này. Sau đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ đạo ngành nông nghiệp và lâm nghiệp xem xét lại.

Cũng trên diễn đàn Quốc hội, ông đã chứng minh Dự án Luật Thuế nông nghiệp trình vào tháng 6/1991 sẽ làm cho nông dân nghèo thêm. Ý kiến phản biện đó đã nhận được tranh luận sôi nổi trong Quốc hội, và cuối cùng đã được các cơ quan chức năng soạn thảo lại, hai năm sau, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp với những thay đổi phù hợp thực tế...

Chính vì những đóng góp tích cực và hiệu quả với nông nghiệp, nông thôn ở ĐBSCL ấy, năm 1985, Tiến sĩ  Võ Tòng Xuân vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Năm 2000, Chính phủ cho phép tỉnh An Giang thành lập Đại học An Giang. Người được UBND tỉnh "chọn mặt gửi vàng" mời làm hiệu trưởng chính là Giáo sư Võ Tòng Xuân, khi đó ông đang là Hiệu phó Đại học Cần Thơ. Bước vào tuổi 60, ông lại bắt đầu một cuộc chinh phục mới.

8 năm làm Hiệu trưởng, Giáo sư Võ Tòng Xuân và cộng sự đã xây dựng Đại học An Giang, vốn nâng cấp từ Cao đẳng Sư phạm, thành một cơ sở đào tạo đại học có uy tín ở ĐBSCL. Đặc biệt, đây cũng là một trong những trường đầu tiên trong cả nước đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học mà thành công nhất là thư viện điện tử.

Đại học An Giang cũng là trường đại học đầu tiên bắt buộc các sinh viên phải đạt trình độ B Anh ngữ mới được tốt nghiệp. Hiện Đại học An Giang đang giúp nhiều địa phương ở miền Nam và Lào Cai xây dựng thư viện điện tử. Là hiệu trưởng, ông có nhiều cách để đào tạo và mời gọi những người giỏi về Đại học An Giang, vì vậy sau 8 năm thành lập, đến nay Đại học An Giang đã có đội ngũ gần 600 cán bộ, giáo viên, trong đó có gần 200 người đã và đang được đào tạo sau đại học ở trong và ngoài nước.

Để hỗ trợ giáo viên, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã mang cả mảnh đất ở trung tâm TP Long Xuyên mà tỉnh An Giang tặng riêng ông, giao cho Công đoàn nhà trường bán để thêm tiền mua  đất ngoài thành phố, hình thành làng đại học cho giáo viên ổn định chỗ ở, an tâm dạy học.

Năm 2008, khi đã bước sang tuổi 68, ông nghỉ hưu, nhưng vẫn tiếp tục giúp cho trường trong lĩnh vực chuyên môn. Dù không làm hiệu trưởng và có nhà cửa đàng hoàng ở Cần Thơ, nhưng ông vẫn ở tại căn nhà công vụ của Đại học An Giang bởi ở đây vẫn còn nhiều việc cần đến ông, cả trong trường và các địa phương. --PageBreak--

Tôi hỏi ông sau mấy chục năm gắn bó với nông dân, nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL, đóng góp rất nhiều tâm sức cho sự đổi thay của vùng đất này, điều gì khiến ông chưa bằng lòng?

Một thoáng trầm ngâm, ông bảo, điều khiến ông trăn trở là người nông dân ở vùng đất trù phú này vẫn chưa thể giàu trên mảnh đất của mình bởi giá trị hàng hóa còn rất thấp. Hiện giá thành sản xuất phần lớn hàng nông sản của ĐBSCL đều đắt hơn nước ngoài mà chất lượng lại chưa cao. Giá thành của ta cao là do trả nhiều lệ phí, nhiều công gián tiếp. Cách sản xuất nhỏ lẻ trên từng thửa ruộng, mảnh vườn nhỏ của nông dân ngày càng tỏ ra lạc hậu và không tạo ra hàng hóa lớn, chất lượng cao.

Là vùng sản xuất nông nghiệp và thủy sản quan trọng nhất Việt Nam nhưng ĐBSCL chưa được phát huy hết tiềm năng vì chưa được đầu tư đúng mức cho giao thông nông thôn, giáo dục và y tế. Vì thế muốn nông nghiệp, nông thôn phát triển phải khẩn trương đẩy mạnh các chương trình giáo dục và đào tạo cho nông dân, công nhân, nhà quản lý những kiến thức cơ bản và kỹ năng phù hợp với thời đại hội nhập. Quốc hội cần sửa đổi chính sách nông nghiệp, Luật Đất đai và Luật Hợp tác xã để làm sao nông dân được khuyến khích tự nguyện hợp nhau thành những HTX nông nghiệp đa năng gắn với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, những trang trại rộng lớn sẵn sàng tham gia xuất khẩu.

Hướng dẫn nông dân Siera Leone kỹ thuật trồng lúa cao sản.

Muốn nông dân giàu, cần phải xóa bỏ cách làm ăn manh mún. Nông nghiệp muốn phát triển phải kết hợp với công nghiệp, doanh nghiệp. Nông dân phải được tổ chức vào các hợp tác xã để có định hướng sản xuất hàng hóa khối lượng lớn, chất lượng cao, giá thành hạ, các HTX kết hợp với doanh nghiệp bởi doanh nghiệp là người lo thị trường tiêu thụ. Vì vậy Nhà nước cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển luôn gắn bó với các HTX nông nghiệp. 

Rồi ông say sưa nói tới mô hình xuất khẩu nông dân đi châu Phi làm chuyên gia nông nghiệp mà ông là người khởi xướng. Ông bảo dân số nước mình ngày một đông hơn, đô thị phải phát triển và công nghiệp sẽ phát triển mạnh hơn thì ắt sẽ phải lấn vào diện tích đất nông nghiệp vốn đã quá nhỏ. Vì vậy đã đến lúc chúng ta phải chủ động tìm cách để nông dân có thể có thêm đất canh tác.

Tình cờ vào đầu tháng 3/2006, có một nhóm Việt kiều làm cho một công ty Đức có buôn bán với Sierra Leone đề nghị Giáo sư Võ Tòng Xuân cho ông Đại sứ Sahr Johnny của Sierra Leone tại Bắc Kinh gặp để bàn việc  giúp nước này sản xuất lương thực. Không bỏ lỡ cơ hội, ngày 15/3/2006, tại Hà Nội, Giáo sư Xuân và ông Đại sứ Sahr Johnny đã ký bản ghi nhớ, đánh dấu sự bắt đầu chương trình hợp tác giúp Sierra Leone sản xuất lúa. Chương trình này cũng trùng hợp với dự tính tìm thêm đất mới cho nông dân Việt Nam sản xuất nông nghiệp.

Ngay sau đó, Giáo sư Xuân tự bỏ tiền túi ra để đi Sierre Leone khảo sát tình hình. Đón ông không chỉ có ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực mà cả ngài Phó tổng thống Solomon Berewa; họ đích thân đưa ông đi xem các vùng lúa và hy vọng ông sẽ hiến kế để giúp nông dân vùng đất Tây Phi này thoát khỏi cái đói.

Sau chuyến công tác đầu tiên sang Sierra Leone, Giáo sư Võ Tòng Xuân thấy những kỹ thuật nông nghiệp mà các nước phương Tây giúp cho Tây châu Phi từ trước đến giờ không được địa phương áp dụng bao nhiêu vì không thích nghi.  Sierra Leone đất rộng, điều kiện khí hậu khá giống với Việt Nam nên có thể áp dụng kỹ thuật canh tác ĐBSCL.

Trở về, một mặt mời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp của Sierra Leone sang tham quan kỹ thuật trồng lúa ở ĐBSCL, một mặt đích thân Giáo sư Xuân chủ động mời gọi một số doanh nghiệp cùng vào cuộc vì ông bảo đây là cơ hội để giương cao ngọn cờ nông nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế, vừa chứng minh trước toàn cầu về kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam.

Chương trình đã được bắt đầu ngay từ tháng 8/2006, 3 kỹ sư nông học sang thử nghiệm 60 giống lúa cao sản ngắn ngày (dưới 100 ngày), chọn được 8 giống có năng suất 4,5 đến 5,2 tấn/ha (so với địa phương chỉ đạt dưới 2 tấn/ha), và nhân ra được 3 tấn lúa giống. Hai kỹ sư thủy lợi cũng đã sang thiết kế hệ thống thủy nông hoàn chỉnh. Hiện nay, thủ tục cấp đất cho nhóm kỹ thuật Việt Nam đang được tiến hành, sau đó hệ thống thủy nông sẽ được xây dựng. Xong đâu đấy, nông dân Việt Nam sẽ được đưa sang để cùng nông dân Sierra Leone lo sản xuất, theo tỉ lệ 1 nông dân Việt Nam dạy nghề cho 4 nông dân Sierra Leone.

Khi biết Giáo sư Xuân đã khảo sát và quyết định đưa kỹ thuật trồng lúa nước của Việt Nam sang châu Phi và bước đầu thử nghiệm thành công, Tiến sĩ Sample, người gốc Nigieria hiện là Phó giám đốc Công ty T4M kinh doanh đa lĩnh vực của Anh, tiếp tục mời Giáo sư Võ Tòng Xuân đưa kỹ thuật trồng lúa Việt Nam sang giúp Nigeria, bởi đất nước này cũng đang đói lương thực.

Ý tưởng nhân đạo này cũng ngay lập tức được Bộ Đối ngoại của Vương quốc Anh đồng ý giới thiệu cho T4M vay vốn thực hiện dự án. Một công ty ở Việt Nam cũng đồng ý liên doanh chia sẻ trách nhiệm cộng đồng với T4M trong lĩnh vực này và kết quả là Công ty VN-UK đã được thành lập.

Không chỉ "xuất khẩu" nông dân đi làm chuyên gia, ông đang có kế hoạch cung ứng các vật tư thiết bị phục vụ cho sản xuất và thông qua Sierra Leone xuất khẩu các mặt hàng giá rẻ, chất lượng cao của Việt Nam sang các nước châu Phi và cũng đã tính tới việc xuất khẩu người làm công tác giáo dục, y tế...

Trước khi chia tay, tôi hỏi ông bây giờ ba người con của ông đã thành đạt, sự nghiệp, vinh quang ông cũng đã đủ, vậy ông sẽ làm việc đến khi nào? Ông cười bảo: "Tôi sẽ nghỉ khi nào tự thấy mình... lẩm cẩm".

Và tôi mong cái ngày ấy còn lâu mới tới, bởi vẫn còn rất nhiều nông dân cần tới ông

Nguyễn Thiêm
.
.