Đi tìm “Người đẹp Nha Mân”: Hấp dẫn sự đan xen giai thoại - sự thật

Thứ Bảy, 06/06/2015, 08:25
Sử sách còn ghi rõ chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút (Tiền Giang) gắn với cuộc hành quân thần tốc của Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ cách nay vừa tròn 230 năm. Nguyễn Ánh ngay sau khi nghe tin thất trận cũng đã bỏ căn cứ Trà Tân (nay thuộc Tiền Giang), theo hướng thượng nguồn sông Mê Kông, tìm đường sang Xiêm…

Và câu chuyện phổ biến mà PV Chuyên đề ANTG nghe không ít người dân Nha Mân gắn vào sự kiện này là trên đường tháo chạy, người đông, thuyền nặng nên hàng trăm cung tần, mỹ nữ bỗng trở thành "của nợ" cho  Nguyễn Ánh. Không còn lựa chọn nào khác, Nguyễn Ánh đành phải… gạt nước mắt bỏ họ lại cho tá túc ở các làng ven sông Tiền, nay thuộc Nha Mân, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) và cù lao Ông Chưởng, nay thuộc huyện Chợ Mới (An Giang). Trước khi tiễn họ lên bờ để… nhẹ gánh bôn tẩu, Nguyễn Ánh cũng đã ban cho nhiều mỹ nhân một ít vàng bạc để trang trải cho cuộc sống mới.

Câu chuyện vàng bạc, tiền nong càng được chú ý, khiến không ít người dân Nha Mân tin hơn vào chuyện bầu đoàn, thê tử bị "tinh giản biên chế" khi cách nay gần chục năm, quá trình đào đất, làm cống thoát nước - hạng mục thuộc công trình xây chợ mới Nha Mân, người ta phát hiện hàng trăm ký tiền cổ. Lúc đó, có người suy đoán: "Rất có thể số tiền cổ này là của đoàn tùy tùng Nguyễn Ánh đi ngang qua rồi dừng chân, sống luôn tại đây".

Một số cụ cao niên miệt Sa Đéc còn cho biết, họ từng được ông bà kể lại rằng, ở Nha Mân từng có những phụ nữ không phải là người địa phương đẹp "nghiêng nước, nghiêng thành".

Ông Tám K. - một người sống được xếp vào hàng "thượng thọ" bên bờ Nha Mân kể rằng từ nhỏ, ông nghe các cụ kể lại người đẹp xứ Nha Mân nhiều đến mức đếm không kể xiết. Có lúc, các vua xứ Cao Miên cho người mang vàng bạc châu báu xuôi dòng sông Tiền sang tận đây để tìm hỏi các mỹ nhân về làm vợ nhưng chỉ có một số ít ưng ý, còn lại hầu hết mỹ nhân ở lại đều lấy chồng là người địa phương, chấp nhận việc đồng áng, bán buôn.

Sau khi phát hiện tiền cổ dưới lòng đất, người ta cho xây hẳn biểu tượng tiền cổ ngay trước chợ Nha Mân.

"Chính nhờ nguồn gen trội của họ, con cái do họ sinh ra đều đẹp chẳng khác tiên đồng, ngọc nữ. Và dù bao thế hệ đã qua nhưng con gái Nha Mân vẫn đẹp hơn con gái được sinh ra ở nơi khác là vậy" - ông K. quả quyết.

Riêng đối với nhóm mỹ nữ dạt vào cù lao Ông Chưởng, theo lời kể, họ cũng lấy chồng, cũng tạo được một "miền gái đẹp" nhưng không nổi danh  bằng con gái Nha Mân.

Không theo lối giải thích đầy cảm hứng và có phần dễ dãi này, nhiều người dân Nha Mân hiểu được rằng, khoảng 200 năm trước, từ vùng Cái Tàu Hạ (dưới Nha Mân khoảng 3 km) đến hạ lưu sông Tiền - khu vực cách Nha Mân khoảng hơn chục cây số là rạch Cái Tàu Thượng, một vùng đất có rất đông người Hoa di cư sinh sống.

Đại Nam nhất thống chí - bộ sách được biên soạn thời Vua Tự Đức, viết rằng năm 1779, khi quân Tây Sơn tiến quân vào Nam Bộ truy quét chúa Định vương Nguyễn Phước Thuần, để tránh họa chiến tranh, đông đảo người Hoa ở Cù lao Đại Phố (còn được gọi là Đông Phố, Đại Phố Nông Nại), Sài Gòn - Chợ Lớn, Mỹ Tho Đại Phố… đã di tản về các vùng dọc hai bờ sông Tiền, sông Hậu. Và sự di cư này đã góp phần cho chợ Nha Mân, Cái Tàu Hạ phát triển phồn thịnh hơn. Trước đó, vào khoảng năm 1679, người Hoa cũng đã đến sinh sống ở hai bên bờ rạch Nha Mân; sự giỏi về buôn bán của họ đã từng bước góp phần hình thành một số chợ trong khu vực như Nha Mân, Cái Tàu Hạ…

Và thực tế này đã dẫn đến một tất yếu, đó là sự giao thoa văn hóa, huyết thống… giữa người Kinh - Hoa - Khmer. Chuyện về cô Hai Hiên có chi tiết cha mẹ cô thờ Quan Công (theo tập tục người Hoa), và việc lập miếu thờ người chết trẻ, thờ Bà Chúa Xứ (theo tập tục người Việt) phần nào minh chứng cho luận điểm có sự giao thoa văn hóa, huyết thống. Cùng với sự ưu đãi của thiên nhiên (khu vực Nha Mân thừa hưởng nước ngọt, phù sa từ thượng nguồn sông  Mê Kông đổ về, cây trái tươi tốt quanh năm) khiến con gái vùng Nha Mân đẹp nức tiếng.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp tin vào sách Nguyễn Phúc tộc thế phả, cho rằng từ lúc Nguyễn Ánh vào Gia Định (năm 1775) cho đến trận Rạch Gầm - Xoài Mút (năm 1785), là khoảng thời gian Nguyễn Ánh phải bôn tẩu khắp nơi, lúc thì trốn chạy, lúc lo gầy dựng binh lực. Hoàn cảnh như vậy khó có thể mang theo "bầu đoàn thê tử hàng trăm người".

Nhà thơ Trần Minh Tạo (Sa Đéc, Đồng Tháp) cho biết, do nhà anh chỉ cách Nha Mân khoảng 5 km nên khi nghe những chuyện có liên quan đến "gái Nha Mân", anh rất quan tâm. Có lần anh thử tìm hiểu, thì gặp phải lập luận: "Nếu con gái Nha Mân không đẹp sao từ thời Nguyễn Ánh có những câu ca dao, bắt đầu là: Gà nào ngon bằng gà Cao Lãnh; Xoài nào ngon (thơm) bằng xoài Cao Lãnh; và Thuốc rê nào ngon bằng thuốc rê Cao Lãnh và đều kết bằng câu Con gái nào bảnh bằng con gái Nha Mân. Có vị vịn vào "Sa Đéc xưa và nay" của tác giả Huỳnh Minh, xuất bản trước năm 1975, để nói đấy là… bằng chứng "sử sách để lại". Và gắn với đó vẫn là câu chuyện gái Nha Mân thừa hưởng "gen trội" từ những cung phi, mỹ nữ mà Nguyễn Ánh đã bỏ lại sau trận Rạch Gầm - Xoài Mút…

"Tuyệt đối hóa cái đẹp của con gái Nha Mân theo cách nghĩ trên là thêu dệt, thêm thắt, thậm chí là bịa đặt, pha chút mê tín".

Để đi đến đánh giá này, nhà thơ Trần Minh Tạo đã dành nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu những sử liệu liên quan đến Nguyễn Ánh, nhất là thời gian Nguyễn Ánh qua lại Nha Mân. Nhà thơ Trần Minh Tạo cho rằng, con gái Nha Mân đẹp không liên quan gì đến chuyện vua chúa, quan lại của triều Nguyễn. 

Năm 1771, khi Nguyễn Ánh mới 9 tuổi cũng là lúc anh em nhà Tây Sơn nổi dậy khởi nghĩa, chiếm được dải đất từ Quy Nhơn ngược ra tới Quảng Nam. Năm 1774, Nguyễn Ánh cùng 2 người chú và anh ruột (Nguyễn Phúc Đông) di tản vào phương Nam, bấy giờ gọi chung là Gia Định.

Sau tháng 9/1777, khi Tân Chính vương Nguyễn Phúc Dương và Thái thượng vương Nguyễn Phúc Thuần cùng người anh ruột của Nguyễn Ánh và một số hoàng tộc khác lần lượt bị nghĩa quân Tây Sơn bắt, Nguyễn Ánh đã theo sông Ông Đốc (Cà Mau) ra biển, dạt tới đảo Thổ Chu. Hay tin chủ lực quân của anh em nhà Tây Sơn rút về Quy Nhơn, Nguyễn Ánh lại trở về Cà Mau, thu thập tàn quân, chiếm lại Sa Đéc, rồi phát hịch nổi dậy vào tháng 11/1777, cùng nhau chiếm lại Long Hồ (Vĩnh Long), Bến Tre, Mỹ Tho, Long An, Gò Công, rồi kéo về Sài Gòn.

Mùa khô 1782, Nguyễn Nhạc xưng hoàng đế, tiến đánh và đã chiếm được Sài Gòn khiến Đại nguyên soái Nhiếp chính quốc Nguyễn Ánh (bấy giờ 20 tuổi, xưng Vương được 4 năm), cùng mẹ, vợ (cưới năm 1778) và con 4 tuổi phải di tản, thoái lui về Long An, Mỹ Tho, rồi về Sa Đéc, ra đảo Phú Quốc lánh nạn tiếp. Tháng 8-1782, lực lượng hải quân do Chu Văn Tiếp và Thái phó hoàng tộc Nguyễn Phúc Mân chỉ huy, từ vùng biển Phú Yên kéo về giải nguy, chiếm lại Sài Gòn, cho người ra Phú Quốc rước Nguyễn Ánh cùng cung quyến trở về.

Năm 1783, Tiết chế Nguyễn Lữ và Long nhương tướng quân Nguyễn Huệ lại kéo thủy binh vào Nam, tấn công từ cửa biển Cần Giờ, rồi chiếm lại Sài Gòn, nên Nguyễn Ánh lại tiếp tục theo lối cũ, đưa  mẹ, vợ và Hoàng tử Cảnh trở ra đảo Phú Quốc ẩn náu. Nguyễn Ánh lúc đó chạy thoát ra đảo Cổ Cốt đến khi tình hình yên ổn, mới trở về Phú Quốc.

Mùa khô năm 1784, theo lời cầu cứu, vua Xiêm đã sai một viên tướng đi đường biển sang Hà Tiên rước Nguyễn Ánh về Xiêm. Tháng 6/1784, vua Xiêm cho Nguyễn Ánh mượn 5 vạn thủy binh và hàng trăm chiến thuyền với hai viên tướng (Chiêu Tăng, Chiêu Sương). Nguyễn Ánh làm tổng chỉ huy chung.

Tháng 7/1784, lực lượng này đánh vào Hà Tiên, chiếm lấy toàn Kiên Giang, An Giang, rồi xuôi theo hạ nguồn Mê Kông đánh quân Tây Sơn đang phòng thủ hai bên bờ, gồm có Hồng Ngự, Cao Lãnh, Sa Đéc, Cái Bè, Cần Thơ, Trà Ôn, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, cùng nhau làm chủ gần hết hai bờ sông, trong đó có khu vực Nha Mân.

Cuối năm 1784, Nguyễn Huệ đem đại quân vào tiếp ứng, tổ chức binh thuyền phản công chiếm lại các khu vực vừa bị mất. Và đỉnh điểm của lần tiến công này chính là chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút vào đêm 19 rạng 20/1/1785.

Tác giả Bùi Thụy Đào Nguyên - Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, trong một sưu tầm, nghiên cứu còn cho biết, sau lần thất trận Rạch Gầm - Xoài Mút, tìm đường tháo chạy sang Xiêm, Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng lại lâm vào cảnh rất khổ sở, có lúc cạn cả lương ăn, tướng Nguyễn Văn Thành phải đi ăn cướp, bị đánh trọng thương, suýt chết.

"Như vậy suốt thời đoạn cùng 2 tướng của Xiêm tiến quân đi và sau đó cùng tàn quân theo đường thủy sang Cần Thơ, chạy tiếp về đảo Cổ Cốt rồi sang lại Xiêm, Nguyễn Ánh còn phải bỏ lại mẹ và vợ ở lại Phú Quốc, ăn rau cỏ thay cơm, thì chuyện đã từng đèo bòng, mang ẵm hằng trăm cung phi mỹ nữ ra trận mạc, chủ yếu diễn ra ác liệt và liên tục trên mặt sông nước để phục vụ chuyện… ăn nằm, sau đó, khi bại trận, phải… gạt nước mắt bỏ lại, gieo lại Nha Mân hằng trăm gái đẹp là một điều hết sức vô lý" - nhà thơ  Trần Minh Tạo cho biết thêm.

Còn đối với những câu ca dao, theo nhiều công trình biên khảo văn và sử học mà tỉnh Đồng Tháp đã dựa vào để giải thích cho địa danh Cao Lãnh, vào đời Vua Gia Long (1802-1819), tức Nguyễn Ánh trước kia, có một người đàn ông gốc miền Trung, sinh sống tại làng Mỹ Trà, làm chức Câu Đương, tên là Đỗ Công Tường, tục danh là Lãnh. Ông Lãnh có một vườn quít rộng, bà con thường tụ tập đến mua bán lâu ngày thành chợ, được gọi bằng tên của chủ đất, đó là chợ Câu Lãnh (ghép chữ đầu của chức "Câu Đương" và tên tục của ông Lãnh).

Năm Canh Thìn 1820 - đầu đời Vua Minh Mạng, xảy ra dịch tả nặng nề khiến nhiều dân bệnh và chết. Ông Lãnh lập bàn thờ giữa chợ khấn vái trời đất, thánh thần cho ông và vợ chết thay người dân. Chẳng bao lâu sau, vợ chồng ông qua đời, trận dịch cũng kết thúc. Dân làng liền lập miếu thờ cúng, nhớ ơn (Miếu ông Chủ Chợ hiện còn tại TP Cao Lãnh hiện nay).

Đến thời Vua Tự Đức (1847-1883), khi Pháp chiếm miền Tây Nam Kỳ (1867), lập ra tỉnh Sa Đéc (1899), lị sở nằm tại Châu Thành, bao gồm Nha Mân hiện nay, thì Câu Lãnh trở thành tên gọi của đơn vị hành chánh - quân sự cấp quận. "Câu Lãnh" sau đọc trại âm dần thành "Cao Lãnh".

"Vậy địa danh Cao Lãnh chỉ có thể xuất hiện sớm nhất là vào đầu đời Vua Minh Mạng. Vì thế những câu ca dao kể trên cũng không thể xuất hiện vào thời Nguyễn Ánh đánh nhau với nghĩa quân Tây Sơn" - nhà thơ Trần Minh Tạo khẳng định.

Đối với hàng trăm ký tiền cổ đã được phát hiện khi xây chợ mới Nha Mân, ngành chức năng Đồng Tháp xác định với chúng tôi rằng số tiền trên gồm hai loại tiền Gia Long và Minh Mạng.

Thời nhà Nguyễn, tiền đúc được chia hai loại: loại được vua dùng để ban thưởng, còn một loại có ghi niên hiệu nhà vua cùng hai chữ "thông bảo", đảm bảo được phép lưu hành. Số tiền cổ này thuộc loại thứ hai (Gia Long và Minh Mạng thông bảo). Khi được phát hiện, số tiền cổ này nằm chung nên chắc chắn chúng được chôn từ thời Minh Mạng về sau, nghĩa là không liên quan gì đến "cung tần, mỹ nữ" thời Nguyễn Ánh chưa được phong vương.

Nhiều người dân có nhà cạnh chợ Nha Mân mới cho biết khu đất xây chợ từng là một nghĩa địa vô chủ. Cạnh khu nghĩa địa là đất của gia đình rất giàu có - ông Hai B, từng sống ở đây từ rất lâu rồi.

Lần theo giả thuyết có thể số tiền cổ trên từng thuộc sở hữu của gia đình này, chúng tôi tìm đến hỏi thăm thì được biết ông B đã chết; con cái ông thì rất mù mờ về gốc tích của số tiền cổ trên...

Mấy ngày liền đi tìm "Người đẹp Nha Mân", cạnh câu chuyện về sắc đẹp và sự linh thiêng của "Bà cô Hai Hiên", chúng tôi còn được nghe kể về nhiều phụ nữ Nha Mân dù là nông dân một nắng hai sương nhưng vẫn có làn da trắng, tóc dài đến mức khăn rằn quấn không hết búi tóc. Hay chuyện về người được mang danh "Hoa khôi Nha Mân" tên là Nguyễn Ngọc Tiết. Tuy nhiên, bà Tiết chẳng may bị tai nạn qua đời hơn chục năm nay.

Một cán bộ xã Tân Nhuận Đông mà chúng tôi biết được qua "cầu nối" của Đại úy Phan Thanh Dũ - Trưởng Công an xã, nói "chuyện giai thoại và sự thật lịch sử đôi khi không phải là một". Anh cũng đồng quan điểm với chúng tôi rằng điều đó không quan trọng.

"Một vùng quê có bề dày hình thành và phát triển thường đều có những giai thoại - lịch sử đan xen như thế. Điều đó cũng tốt. Ít ra nó góp phần kích thích sự tò mò, muốn được tìm hiểu, khám phá trong mỗi du khách xa gần mỗi khi đến đây. Quan trọng hơn là nó làm cho người ta yêu Nha Mân hơn" - người cán bộ này bộc bạch.

Thái Bình
.
.