Ký thú ché, rlung cổ của người S’tiêng ở Bình Phước

Thứ Hai, 21/04/2014, 17:30

Với đồng bào S'tiêng, ngoài bộ cồng chiêng, trâu bò, đồ trang sức bằng bạc thì ché, rlung là một loại tài sản quý giá. Ngày xưa, hầu như gia đình nào cũng có từ một đến vài bộ ché, rlung với kích cỡ lớn nhỏ khác nhau, được cất giữ cẩn thận trong nhà như vật gia bảo và là thước đo về sự giàu có của gia chủ. Những chiếc ché, rlung cổ là nét văn hóa đặc sắc của tộc người này.

Vật gia bảo

Cách TP HCM khoảng 200km, đi qua Quốc lộ 13 dọc theo tuyến Quốc lộ 14, chúng tôi tìm đến xã Thọ Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là thôn Sơn Thọ, cách trung tâm xã khoảng 10km đường đất đỏ. Thôn Sơn Thọ nằm yên bình bên dòng sông Lấp thơ mộng với cánh rừng già đã che chở người dân nơi đây qua nhiều thế hệ.

Trong ngôi nhà của trưởng thôn Điểu Lâng được xây khang trang, ông Lâng vui vẻ tiếp đón khách đường xa bằng đặc sản núi rừng gồm rượu cần, lá nhíp xào thịt gà và đọt mây nướng. Trò chuyện vui vẻ bên ché rượu cần, trưởng thôn cho biết: "Ché, rlung càng cổ xưa càng quý giá. Nhiều gia đình trong thôn mình sở hữu các loại ché cổ, rlung cổ được làm ra cách đây vài trăm năm. Xưa kia, ché, rlung được đổi bằng nhiều tiền, trâu bò hoặc cồng chiêng. Người S'tiêng mình thích các loại ché có màu men đẹp, lạ, có hoa văn rồng và hoa văn về cuộc sống sinh hoạt (hình người phụ nữ giã gạo). Ché, rlung còn có nhiều kiểu dáng cao thấp, to nhỏ, tròn dài khác nhau".

Để minh chứng lời mình nói, ông Lâng dẫn chúng tôi đến nhà già làng Điểu Phi, là người duy nhất trong thôn còn lưu giữ lại những chiếc ché, rlung cổ quý giá. Sau  khi ông trưởng thôn trao đổi bằng tiếng S'tiêng với già làng Phi, chúng tôi được già làng đồng ý cho tham quan nơi cất giữ vật gia bảo của gia đình mình.

Theo bước chân già Phi, chúng tôi vào gian nhà cũ, nơi có rất nhiều bộ ché, rlung cổ và những vật dụng truyền thống dùng trong sinh hoạt hằng ngày như: chiếc xà gạc, xạc-ất, xạc-lai...

Sau khi già Phi giới thiệu về bộ sưu tập ché, rlung độc đáo của mình, Điểu Hơn - (con trai Điểu Phi) - giải thích thêm về cách nhận biết giữa ché và rlung: "Rlung là những chiếc bình gốm không có cổ bình, không có họa tiết hoa văn và chỉ đơn thuần một màu nâu hoặc xanh đậm. Còn những chiếc ché, có cổ cao kèm theo đó là những hoa văn họa tiết trên thân bình. Những chiếc rlung có giá trị thấp hơn so với những chiếc ché. Trước đây, rlung được những gia đình ít trâu bò đổi về để ủ rượu cần".

Những chiếc ché, rlung được chia cho người đã khuất.

Được nhìn tận mắt chúng tôi mới cảm nhận hết vẻ đẹp huyền hoặc của bộ sưu tập ché cổ - rlung cổ của già Phi. Những chiếc ché cổ như có một sức hút kỳ lạ lôi cuốn chúng tôi theo từng chi tiết hoa văn mà những nghệ nhân năm xưa khéo léo tạo hình trên thân ché. Mỗi một chiếc ché có hoa văn họa tiết khác nhau, mang lại vẻ đẹp riêng cho từng chiếc ché.

Trong bộ sưu tập của ông Điểu Phi, chúng tôi ấn tượng nhất với chiếc ché cổ to có chiều cao 1,2m, rộng 1m có màu nâu đặc trưng. Trên thân ché là hình rồng nổi với mắt rồng là hai u tròn có mũi gồ, miệng hé mở lộ răng nanh nhọn và sừng hai chạc cong ra phía sau. Tóc rồng nhiều chẽ xòe kiểu nan quạt và hơi lượn sóng. Thân rồng chạm vẩy, hàng vây lưng hình tam giác nhô cao nhọn, đuôi rồng lượn sóng. Chân rồng có hai cặp trước và sau, các móng thường chõe ra có 5 móng. Đầu rồng ngẩng cao uốn lượn quanh thân ché tựa thế "ngọa long" (rồng nằm). Mà theo già làng thì chiếc ché cổ đã có từ rất lâu, tính đến nay cũng hơn 100 năm.

Trên gương mặt với nhiều nếp nhăn, già Phi nhắc lại chuyện xưa: "Vào năm 1998, đột nhiên con trai mình bị đau cái bụng, nó đau lắm! Cúng ma nhiều lần mà vẫn không khỏi. Mình lo lắm! Đang lúc không biết phải làm sao thì được trưởng thôn nói phải đưa nó xuống bệnh viện mới hết cái đau. Khi xuống bệnh viện bác sĩ nói cái bụng con trai mình bị đau ruột thừa phải mổ gấp. Chi phí mổ rất nhiều tiền. Lúc đó, vì không có tiền nên mình đem cầm chiếc ché này được 10 triệu đồng. Sau khi chạy chữa xong, mình sợ quá hạn trả tiền sẽ mất chiếc ché cổ nên đã bán con trâu duy nhất trong nhà để chuộc lại. Từ đó, mình không tin vào thầy cúng nữa, chỉ lừa mình lấy tiền thôi! Bây giờ mỗi khi ai bị đau ốm mình chỉ tin bệnh viện…".

Già Phi chia sẻ: "Mình đã già rồi! năm nay đã ngoài 60 tuổi, người già thì phải chết thôi, mình chỉ mong rằng con cháu trong nhà giữ lại những chiếc ché cổ. Như một kỷ vật của quá khứ của già để lại cho thế hệ sau…".

Già Phi lo lắng bởi tục lệ chôn người chết của người S'tiêng là chia tài sản. Theo họ thế giới người sống và người chết là giống nhau. Khi sang thế giới bên kia người chết vẫn sinh hoạt như bình thường. Vì vậy, những vật dụng trong nhà dù quý mấy cũng phải chia công bằng cho người chết. Tại những ngôi mộ của người S'tiêng luôn có từ 2 cho đến 5 chiếc ché hoặc rlung đã bị vỡ đó là phần tài sản mà người chết được chia. Những chiếc ché, rlung này bị đập vỡ phần đáy để tránh kẻ gian đào mồ lấy cắp.

Nếm thử rượu cần đằng của người S’tiêng tại nhà Điểu Phi.

Ông Điểu Ron cho biết, những chiếc ché, rlung có giá trị không chỉ phụ thuộc vào hình dáng to, nhỏ mà phụ thuộc vào hoa văn chìm trên thân ché, rlung. Những hoa văn chìm này người S'tiêng gọi là "mắt" ché hay "mắt" rlung. "Mắt" được chia ra cơ bản gồm: loại 3 mắt, 6 mắt và 9 mắt. Những chiếc tố, rlung càng nhiều "mắt" thì giá trị càng cao. Chỉ những chiếc ché, rlung cổ mới có mắt. Dù được anh Điểu Hơn chỉ tỉ mỉ nhưng với những người ngoại đạo như chúng tôi thì không thể nhận ra đâu là "mắt" và đâu là vết kẻ chỉ chìm họa tiết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chiếc ché "mẹ bồng con" là giá trị nhất trong tất cả các loại ché cổ. Nhưng qua thời gian loại ché này nay rất hiếm, bởi những tay buôn đồ cổ săn lùng ráo riết và cũng bởi phong tục chia tài sản cho người đã khuất.

Gian nan hành trình mua ché, rlung ...

Già Phi nhắc lại hành trình gian nan mua ché, rlung một thời quá khứ: "Để có được những chiếc ché, rlung ưng cái bụng thì phải đi bộ xuống dưới xuôi mới mua được. Ngày xưa, có con đường đất đỏ chạy dài xuống xuôi, nhưng mình không đi đường đó vì xa và mất nhiều thời gian. Người S'tiêng mình có con đường riêng, nhưng nguy hiểm lắm! Bởi ngoài cọp, gấu ra còn nhiều... ma nữa! Mỗi chuyến đi, mình phải chuẩn bị lương thực cho nửa tháng vượt rừng già. Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào cũng suôn sẻ, không ít những trường hợp phải bỏ mạng giữa rừng già vì cọp vồ hay bị xảy chân ngã xuống vực sâu… Mỗi chuyến đi như vậy mỗi người chỉ gùi được một chiếc ché hoặc rlung mang về thôi!".

Khi những chiếc ché, rlung được trai làng mang về nhà, gia chủ phải làm lễ cúng mừng ché mới như một phần của nghi thức tín ngưỡng. Lễ cúng gồm: một con gà trống, rượu cần, cơm lam... Nghi thức diễn ra nhanh chóng, gia chủ cắt tiết gà lấy máu bôi lên miệng ché, rlung mới. Tiếp đó gia chủ đọc bài tế gọi thần ché về nhập vào ché, rlung mới gọi là lễ rước thần ché. Nghi thức xong, những chiếc ché, rlung được gia chủ mang vào nhà đặt ở nơi trang trọng nhất trong phòng khách.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở dưới xuôi là vùng đất gốm Bình Dương (năm 1976 thành lập tỉnh Sông Bé gồm Bình Dương và Bình Phước đến năm 1997 thì tách làm 2 tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước). Con đường đất đỏ già Điểu Phi nhắc đến là Quốc lộ 14 ngày nay. Các tay lái buôn, thường mang ché, rlung đến tận thôn bản để đổi trâu, bạc, ngà voi và gỗ quý của người đồng bào S'tiêng.

Ché, rlung với người S'tiêng là vật quý giá luôn được đặt nơi trang trọng trong nhà. Giống như người Việt xưa ở đồng bằng Bắc Bộ những gia đình giàu có có đủ bộ sập gụ tủ chè, thì đối với người S'tiêng, ché, rlung và bộ cồng chiêng thể hiện sự giàu có của gia chủ. Bộ cồng chiêng sắp xếp từ nhỏ đến lớn treo lên xà ngang dọc theo phòng khách, còn những chiếc ché, rlung để phía dưới sắp xếp ngược lại từ to đến nhỏ tạo thành hình chữ nhật đối xứng hài hòa.

Bộ ché, rlung không chỉ là vật trang trí, tín ngưỡng mà còn sử dụng chúng để ủ rượu cần. Những chiếc ché bên trong chứa rượu cần thơm ngon là vật không thể thiếu trong các dịp lễ hội của người S'tiêng.

Trưởng thôn Điểu Lâng cho biết: "Rượu cần đối với người S'tiêng không chỉ là thứ uống đơn thuần mà còn gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng ở nơi núi rừng sâu thẳm. Trong sinh hoạt văn hoá đời thường, rượu cần gắn với nghi lễ vòng đời người như: Lễ đặt tên cho em bé, đám hỏi, đám cưới, đám tang. Trong lễ hội truyền thống, rượu cần gắn với các nghi lễ như: mừng chiến thắng, khánh thành nhà rông, làm lễ cầu an, lễ phá điềm xấu, điềm gở cho cả buôn làng…".

Ngày này, trong thôn những chiếc ché, rlung cổ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Bởi phong tục ma chay chia tài sản của người S'tiêng và nạn "chảy máu đồ cổ” đang diễn ra ở khắp nơi. Điều mà già Điểu Phi lo lắng là ché, rlung cổ ngày một mai một dần… Những trăn trở của già làng cũng là nỗi lo chung cho những ai vốn nặng lòng với những chiếc ché, rlung… ở nơi núi rừng sâu thẳm này

Lê - Tuấn
.
.