Ký ức sâu đậm về tình hữu nghị Việt – Xô - Trung

Thứ Sáu, 24/01/2020, 10:03
Đầu đề trên có thể làm cho một số bạn đọc lăn tăn vì trong mấy chục năm qua đã diễn ra biết bao sự kiện đầy kịch tính trong mối quan hệ giữa nước này với nước kia. Nhưng sự thật vẫn là sự thật!


Thế hệ chúng tôi vẫn nhớ như in “tháng hữu nghị Việt - Trung - Xô” tưng bừng và đầy phấn khởi nhân sự kiện lịch sử: Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác chính thức công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nhân dịp năm mới, xin chia sẻ một vài kỷ niệm không bao giờ quên về câu chuyện này. Thực ra trong đầu óc non trẻ của một thiếu niên mới 8 tuổi như tôi vào năm 1945, khái niệm về Trung Quốc chỉ gắn với mấy chú khách bán phá-sa (lạc rang) hay lục tàu xá (chè đỗ xanh); còn về Liên Xô thì tuyệt nhiên không biết ngoài ngỡ ngàng về sự xuất hiện của lá cờ đỏ có hình ngôi sao và búa liềm trên góc trái khi đại diện “ngũ cường” vào Việt Nam tước vũ khí quân đội Nhật.

Thế rồi kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, tôi theo cha lên Thái Nguyên, nơi cụ làm Quản đốc Xưởng giấy của Cục Quân y đóng trong rừng sâu ở chân núi Tam Đảo. Chính ở nơi đây, bọn trẻ con chúng tôi rất sung sướng được nắm tay nhau nhảy múa quanh ngọn lửa hồng ăn mừng sự kiện lịch sử nói trên. Có ngờ đâu số phận run rủi, suốt cuộc đời tôi đã gắn bó với mối quan hệ Việt - Xô - Trung.

Sau chiến dịch giải phóng biên giới năm 1950, Trường Thiếu sinh quân Trung ương của chúng tôi được đưa sang Quế Lâm (Quảng Tây) ăn học và năm 1954, sau khi Hiệp định Geneva được ký kết, 100 anh chị em chúng tôi được đưa sang Liên Xô học tiếng Nga để làm phiên dịch cho chuyên gia Liên Xô vào giúp miền Bắc nước ta.

Qua đận đó, chúng tôi được trực tiếp tận hưởng mối tình hữu nghị thắm thiết Việt - Xô - Trung lúc bấy giờ. Khi chúng tôi sang Quảng Tây, Trung Quốc còn khốn khó lắm: đất nước mới giải phóng lại phải thắt lưng buộc bụng “kháng Mỹ viện Triều” nên càng cơ cực. Thế nhưng, chúng tôi vẫn được hưởng những điều kiện ăn học đầy đủ.

Các chuyên gia Liên Xô và công nhân Việt Nam trên công trường nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Tư liệu.

Khi chúng tôi được cử sang Liên Xô học, Trung Quốc đã bố trí hẳn một chuyến tàu hỏa riêng đưa lên biên giới Trung - Xô; khi dừng chân ở Bắc Kinh, chúng tôi được hưởng chế độ “tiểu táo” như các vị thượng khách thời đó ở Trung Quốc chia ra thành 3 chế độ ăn uống: “đại táo” (cái bếp lớn) dành cho bếp tập thể, “trung táo” dành cho cán bộ trung - cao, còn “tiểu táo” dành cho cấp lãnh đạo hay thượng khách. Thậm chí, bạn còn cử hẳn một số cán bộ Ban Đối ngoại đưa chúng tôi sang Moscow bàn giao cho Liên Xô...

Tôi cứ nhớ một sự việc tuy nhỏ song đã nói lên mối tình hữu nghị Trung - Xô lúc đó. Số là, khi đặt chân lên đất Liên Xô mà chúng tôi vẫn mường tượng là “thiên đường” trên trái đất, chứng kiến một vài hiện tượng không giống như sự tưởng tượng, một số anh chị em chúng tôi đã xì xào bàn tán. Thấy thế, Trưởng đoàn cán bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nói với chúng tôi rằng, những gì các bạn được hưởng ở Trung Quốc một phần cũng nhờ ở sự giúp đỡ của Liên Xô đối với Trung Quốc bởi lúc này bạn còn rất nghèo khó!

Sang tới Moscow, chúng tôi choáng ngợp trước sự nguy nga, đồ sộ của nó và được tận hưởng tấm lòng nhân hậu hết mực của các thầy cô giáo luôn coi chúng tôi như con em ruột thịt và những ưu đãi đặc biệt của nhà nước Xôviết, trong khi cuộc sống của bản thân người dân Liên Xô khi ấy còn đầy khó khăn. Tôi thực sự “sốc” khi tới thăm nhà cô giáo ở ven đô, thậm chí không có nhà vệ sinh!

Từ năm 1956, khi chưa đầy 20 tuổi, tôi đã được lấy vào làm việc trong ngành Ngoại giao, chủ yếu liên quan tới quan hệ với Liên Xô -Đông Âu, trong đó 4 nhiệm kỳ, tổng cộng lên tới trên dưới 20 năm công tác tại đại sứ quán nước ta ở Moscow. Tiếp đến là 10 năm trời kể từ khi Liên Xô bị giải thể năm 1991, trên cương vị Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, được phân công phụ trách quan hệ với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chủ yếu là khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản...

Năm 2000, tôi chuyển sang Bộ Thương mại và 2 năm sau, trên cương vị Phó Thủ tướng, được cử làm Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong Ủy ban Liên Chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế, khoa học - công nghệ.

Tôi không có ý định “khoe mẽ” mà chỉ muốn nói rằng, cuộc đời của tôi gắn liền với mối quan hệ giữa 3 nước và đã được chứng kiến, thậm chí trực tiếp tham gia vô vàn sự kiện vui buồn trong mối quan hệ giữa 3 nước. Tiếc rằng, do khuôn khổ bài viết có hạn nên tôi không thể chia sẻ được những câu chuyện “bây giờ mới kể” về mối quan hệ đầy kịch tính này.

Chỉ xin nhắc lại rằng, trong 70 năm qua đã xảy ra không ít sự thăng trầm, thậm chí cả những tình huống “huynh đệ tương tàn” giữa nước này với nước kia. Trong bối cảnh rối rắm như vậy, thế hệ chúng tôi đã được thấy Bác Hồ và các nhà lãnh đạo tiền bối kết hợp nhuần nhuyễn như thế nào sự kiên định những điều “bất biến” là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và những kế sách “vạn biến” để gìn giữ hòa khí với hai nước lớn nói trên, tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn đối với công cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân ta, hạn chế sự xung khắc giữa họ với nhau, gây trở ngại rất lớn đối với nhân dân ta trong những năm tháng đầy hiểm nguy.

Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhân dân ta đã được hưởng sự giúp đỡ to lớn biết nhường nào của các nước xã hội chủ nghĩa, trước hết là hai nước lớn Liên Xô và Trung Quốc. Đó là rất nhiều khí tài quân sự, trong đó có cả những khí tài hiện đại như tên lửa, xe tăng, máy bay MIG của Liên Xô. Còn quân trang, lương khô lúc đó cho cả quân dân miền Bắc lẫn Quân Giải phóng miền Nam phần lớn là từ Trung Quốc.

Cơ khí Hà Nội, Cẩm Phả, Sông Công; thủy điện Thác Bà, Sông Đà, Trị An; mỏ than Mông Dương, Apatite Lào Cai, hóa chất Lâm Thao, dầu khí Việt - Xô, Bệnh viện và Nhà văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Bách khoa Hà Nội, cầu Thăng Long... cùng biết bao công trình khác đều do Liên Xô giúp xây dựng.

Các dự án đầu tư lớn như: Gang thép Thái Nguyên, phân đạm Hà Bắc, nhiệt điện Ninh Bình, Cao-xà-lá Hà Nội (3 nhà máy cao su, xà phòng, thuốc lá của Hà Nội)... gắn với sự viện trợ của Trung Quốc. Một sự giúp đỡ quý báu khác là hàng vạn cán bộ thuộc đủ mọi ngành mọi cấp đã được đào tạo ở các nước anh em.

Nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ như vậy, nhân dân ta không dễ gì giành được những thắng lợi huy hoàng như đã có. “Một miếng khi đói hơn một gói khi no”, khi ta gặp cơn nguy biến, bản thân bạn bè không dư dật gì thì sự giúp đỡ ấy thật vô cùng quý báu. Cái gì ra cái đó. “Ăn cháo đá bát” vốn là điều dân ta không ưa. Cái triết lý “một miếng khi đói bằng một gói khi no” mới thể hiện đạo lý vốn có của người Việt Nam.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa nước ta với hàng loạt nước ở cả châu Âu lẫn châu Á, một lần nữa chúng ta bày tỏ sự tri ân chân thành và sâu sắc đối với nhân dân các nước bạn bè và lòng mong muốn thắt chặt sự hợp tác hữu nghị trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ
.
.