Lại chuyện nông dân chế tạo máy bay: Chiếc thứ 3 đã ra đời

Thứ Tư, 29/08/2007, 09:00
Đúng vào thời điểm Bộ Quốc phòng ra thông báo chính thức kết luận chiếc trực thăng F2 “không đủ điều kiện để bay” thì bất ngờ, hai anh nông dân Tây Ninh này lại kéo toang tấm màn che phủ một đống to to, tròn tròn, dài dài nằm trong vườn xưởng của Trần Quốc Hải, để lộ ra chiếc trực thăng F3 mới cáu mà họ vừa chế tạo xong.

>> "Hai Lúa" làm trực thăng

Tưởng chừng đã hết giấc mơ lên trời

Sáng 4/4/2007, với sự có mặt chứng kiến của Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cùng đại diện của nhiều cơ quan, ban, ngành của Trung ương và tỉnh Tây Ninh, chiếc máy bay do hai anh Lê Văn Danh và Trần Quốc Hải ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu, Tây Ninh chế tạo đã được cho nổ máy để kiểm tra vận tốc đỉnh. Bãi thử được thiết lập tại khu vực rẫy của anh Lê Văn Danh ở xã Suối Ngô, nằm cách xa khu vực dân cư.

Nhiều cán bộ kỹ thuật cao cấp như Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Dương, Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Môi trường Bộ Quốc  phòng; Đại tá Nguyễn Duy Lê, Trưởng phòng Quản lý bay; Đại tá Nguyễn Mai Phong, Giám đốc Nhà máy A42... đã thường xuyên làm việc với hai “kỹ sư chân đất” và xem xét kỹ lưỡng các thông số kỹ thuật của chiếc máy bay trong nhiều ngày sau đó.

Thêm 3 tháng chờ đợi và hoài nghi, cuối tháng 7/2007, dư luận cũng đã có câu trả lời. Bộ Quốc phòng đã đưa ra những kết luận khá chi tiết. Theo đó, “thiết bị bay có hình dạng chiếc trực thăng” do hai anh Lê Văn Danh và Trần Quốc Hải chế tạo không đủ điều kiện kỹ thuật, không đảm bảo an toàn và không có khả năng nhấc lên khỏi mặt đất.

Thiết bị bay này được chế tạo mà không căn cứ trên bản vẽ thiết kế nào, không có tiêu chuẩn kỹ thuật làm cơ sở đánh giá tính chất khí động học, độ bền kết cấu, dung sai các phần tử, nhất là phần tử chuyển động quay. Thiết bị bay được lắp ráp sai nguyên lý điều khiển của máy bay trực thăng.

Về tiêu chuẩn kỹ thuật, các thiết bị cho máy bay phải được chế tạo với những yêu cầu cực cao và cực chính xác. Trong khi đó, hầu hết linh kiện mà hai anh Hải và Danh dùng để lắp ráp nên chiếc "trực thăng" đều được mua ở chợ trời hoặc tự chế tạo thủ công trong chính xưởng cơ khí giản đơn của họ.

Việc lắp ráp cũng được tiến hành rất thủ công, không bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn. Động cơ sử dụng cho máy bay là động cơ thủy 220 CV được "tái chế", nâng công suất lên 250 CV, nặng 870 kg nhưng chỉ có sức nâng 400 kg, nên chiếc máy bay sẽ không đủ sức nâng lên khỏi mặt đất.

Hệ thống đĩa nghiêng điều khiển thiết bị bay lắp sai nguyên lý. Nếu thiết bị bay này có thể nhấc lên được khỏi mặt đất thì cũng không thể điều khiển để bay được.

Do đó, Bộ Quốc phòng đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ và đề nghị các cơ quan ban, ngành, chính quyền tỉnh Tây Ninh cho dừng ngay việc thử nghiệm thiết bị bay của hai anh Hải và Danh, nhằm bảo đảm an toàn và tránh lãng phí tiền của một cách đáng tiếc.

Nội dung báo cáo nhanh chóng được nhiều cơ quan thông tin đại chúng, nhất là Báo và Đài Truyền hình Tây Ninh đăng tải. Những người luôn hoài nghi trong thiện chí thở phào. Kết luận trên đồng nghĩa với việc chiếc máy bay của hai nông dân này sẽ không bao giờ được phép bay, nghĩa là tránh được một tai nạn đáng tiếc mà theo họ thì cầm chắc sẽ xảy ra.

Trong khi đó, những người hiếu kỳ, thích “chuyện lạ” thì tiếc hùi hụi. Giấc mơ về những chiếc trực thăng “Made in Việt Nam” đã không có cơ hội thành hiện thực.

Niềm đam mê đã khép, không đủ sức vươn lên thành niềm tự hào. Gần giống như việc người ta mua vé đến sân vận động chờ xem một vận động viên người Việt lập kỷ lục thế giới – được thông báo trước – nhưng cuối cùng đành tiu nghỉu ra về vì vận động viên... bị ốm!

Kết luận của Bộ Quốc phòng sẽ giúp địa phương tránh được những tranh cãi, rắc rối, phiền toái đang và sẽâ tiếp tục xảy ra xung quanh việc cấm hay không cấm, cho hay không cho hai “nhà phát minh” cứng đầu chế tạo và thử nghiệm trực thăng.

Kết luận là của Bộ Quốc phòng, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng khác chỉ việc thông báo cho đương sự thi hành mà không cần phải giải thích gì thêm cho phiền hà. Nói vậy nhưng thực tế thì đến đầu tháng 8/2007, cũng chưa có ai nghĩ đến việc gửi thông báo chính đến cho Lê Văn Danh và Trần Quốc Hải. Họ chỉ nhận biết được “gáo nước lạnh” dội  vào đam mê của mình qua báo chí truyền hình.

Tuy nhiên, từ ngay sau hôm thử vận tốc đỉnh, cả hai có vẻ như đã biết trước kết quả kiểm tra và hoàn toàn chấp nhận với kết luận sẽ được đưa ra. Từ bãi thử kéo về, chiếc trực thăng đã được họ tháo rời từng bộ phận.

Tưởng chừng hai "nhà khoa học" nông dân đã từ bỏ giấc mơ bay. Nhiều người thở phào.

Nhưng không! Đúng vào thời điểm Bộ Quốc phòng ra thông báo chính thức kết luận chiếc trực thăng F2 “không đủ điều kiện để bay” thì bất ngờ, hai anh nông dân này lại kéo toang tấm màn che phủ một đống to to, tròn tròn, dài dài nằm trong vườn xưởng của Trần Quốc Hải, để lộ ra chiếc trực thăng F3 mới cáu mà họ vừa chế tạo xong.

Trần Quốc Hải (phải) với khách bên chiếc trực thăng thứ 3.
Lê Văn Danh trở thành người phát ngôn chung cho cả nhóm chế tạo (có thêm thành viên mới là Trần Quốc Thanh, 19 tuổi, con trai Trần Quốc Hải, vừa học xong phổ thông, hiện đang học Anh văn và vi tính). Anh Danh tuyên bố: “Nhà nước cấm là cấm chiếc máy bay thứ hai. Và chỉ cấm cho bay, không ai cấm nghiên cứu khoa học cả. Việc gì có lợi mà luật không cấm thì chúng tôi cứ làm!”.--PageBreak--

Trực thăng F3: “Thách thức” đối với các nhà khoa học

Theo Trần Quốc Hải thì chiếc thứ 3 này thật sự là “một cuộc cách mạng công nghệ”. Việc tăng công suất máy của nó được ưu tiên hàng đầu. Lần này, động cơ lắp vào máy bay được Hải khẳng định là “động cơ máy bay thứ thiệt”, từ 6 xilanh được nâng lên 8 xilanh, chạy bằng xăng thay cho dầu remifor như chiếc trước.

Tuy nhiên, động cơ này lấy đâu ra, sức nâng đạt bao nhiêu thì Hải và Danh dứt khoát không công bố, để “nhờ” các nhà khoa học lên đánh giá.

Hầu hết các bộ phận cơ bản của chiếc trực thăng mới đều được thay đổi. Chong chóng 2 chiều được đổi thành 4 chiều, nguyên lý hoạt động đòn bẩy thẳng được thay bằng nguyên lý đòn bẩy chéo. Chong chóng sau cũng thay đổi từ 2 nhông lên 3 nhông. Bộ phận đĩa nghiêng trước đây hoạt động theo nguyên lý bi nhào, nay được đổi thành hốc cầu có hình dạng ngã tư, “hiện đại và ưu việt nhất”. Bộ phận lap truyền lực cũng được thay măng sông khóa vách ngăn bằng bi nhào.

Tóm lại, là thay đổi sạch, giúp chiếc F3 có trọng lượng động cơ không tăng nhưng sức nâng, công suất thì tăng đáng kể. Chỉ có kiểu dáng bên ngoài và màu sơn là vẫn được giữ nguyên như chiếc F2, vì “có thấy ông nào trong đoàn kiểm tra chê màu sơn không hợp lệ đâu!".

Với chiếc trực thăng trước, không đợi đến những lời khen chê và kết quả kiểm tra, hai anh "Hai Lúa" cũng chưa thật sự hài lòng. So với chiếc trước, giá thành chiếc thứ 3 cũng chỉ tương đương, thời gian chế tạo mất đúng 2 tháng rưỡi. Có vẻ như một kỷ lục guinness đã được lập! Hải dấm dẳn: “Dứt khoát nó là một chiếc máy bay trực thăng chứ không phải là một thiết bị bay có hình dạng trực thăng”.

Dù đã đồng ý và chấp nhận tất cả những gì bản kết luận nêu với chiếc trực thăng thứ 2 nhưng khi bị chê, Trần Quốc Hải và Lê Văn Danh vẫn không nản. Vì vậy, họ quyết định lần này sẽ không để cho các đoàn khách không mời được chạm đến chiếc máy bay mới, chỉ đón tiếp khi có đoàn kiểm tra với đầy đủ chức năng đến làm việc mà thôi.

Hải tỏ ra rất ấm ức trước kiểu “moi xương trong quả trứng” của một vài đoàn khảo sát (không phải của Bộ Quốc phòng) mà theo họ thì “không hề có kiến thức gì về máy bay”.

Đại loại, người ta cứ xộc thẳng vào xưởng, sờ mó chiếc trực thăng, hỏi dăm ba câu, kiểu: “Các cụ ở nhà khỏe chứ? Vợ con sinh sống thế nào? Xưởng cơ khí thu nhập khá không?”, sau đó đưa ra kết luận là trực thăng do họ chế... không bay được! Nhắc lại, cả hai người vẫn cho rằng: “Chê gì không chê, lại đi chê mấy con ốc vít. Đúng là lặt vặt!”.

Ngay cả kết luận của Bộ Quốc phòng, Hải và Danh cũng chưa hoàn toàn tâm phục, khẩu phục. “Chỉ thấy chê và chê, chẳng nghe ai nhắc đến một chút thành tựu nào cả, là sao?”. Hải cho rằng, kiểm tra và kết luận như vậy là vẫn quá chung chung. Mức độ thử nghiệm cao nhất chỉ là cho động cơ chạy đến vận tốc đỉnh, thế nhưng kết luận lại cho rằng “máy bay không thể nhấc lên nổi”, theo Hải là “chưa phản ánh đúng thực tế”. Điều này thì Hải có lý.

Lê Văn Danh và Trần Quốc Hải đã từng cho “thử nghiệm chui” trước khi đoàn kiểm tra có mặt. Họ đã bí mật dùng dây neo cho chiếc trực thăng thứ 2 bốc lên khỏi mặt đất và neo tại chỗ trong hơn 3 phút để tự quay phim. Băng video cuộc thử nghiệm chui này, Hải và Danh cất rất kỹ, không công bố.

Rút kinh nghiệm, với chiếc trực thăng thứ 3, họ tuyên bố là sẽ không tiết lộ trước bất kỳ một thông tin nào về các thông số kỹ thuật. Hải bảo: “Việc đó để cho các nhà khoa học tự khám phá. Muốn biết, họ phải đưa máy móc thiết bị lên đo đếm, tính toán, không thể chỉ xem qua, sờ nắn rồi phát biểu cảm tính là không đạt chuẩn. Nói suông, tôi không phục!”.

Vậy liệu chiếc trực thăng thứ 3 có bay được không, hay vẫn sẽ phải chịu chung số phận với chiếc thứ 2? Câu trả lời của cả Hải lẫn Danh đều hết sức thống nhất: “Làm thì phải có thành có bại. Muốn thành công thì phải qua thử nghiệm. Mọi yêu cầu, chi phí cho việc thử nghiệm, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận hết. Tại sao lại phải sợ thử nghiệm?”.

Theo họ thì việc cả đoàn kiểm tra của Bộ Quốc phòng lẫn các đoàn “chuyên gia” khác đều quá xoáy sâu vào yếu tố “sản xuất thủ công" để cho rằng những bộ phận máy bay do họ chế tạo và lắp đặt không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn là chưa thỏa đáng. Cũng chưa thuyết phục, bởi nó chưa được thể hiện bằng các con số được đo đếm cẩn thận.

Niềm đam mê không tắt

Phần cuối bản kết luận, Bộ Quốc phòng cũng yêu cầu các cơ quan chức năng cần có sự gặp gỡ, động viên Hải và Danh để hướng cả hai đặt niềm đam mê và khả năng cơ khí của họ vào việc “nghiên cứu, chế tạo những thiết bị, máy móc khác mang tính thực tế và khả thi hơn”.

Thực ra,  Trần Quốc Hải và Lê Văn Danh cũng đã nghiên cứu và chế tạo ra hàng loạt máy móc nông cụ khác. Đó là "rơmoóc tự hành", là máy thổi lá cao su chống cháy rừng, máy bơm xác mì, là tổ hợp chăm sóc cao su, khoai mì, mía... với nhiều công đoạn khác nhau như cày, đánh luống, làm cỏ, phun thuốc v.v...

Rất nhiều sản phẩm của họ đã tỏ ra vượt trội về tính năng, rất hữu dụng. Để xúc được một xe tải xác mì hôi thối, cần tới 20 lao động làm cật lực trong 2 giờ. Với máy bơm của Hải, việc này chỉ tốn 5 phút. Thậm chí xác mì còn có thể bơm thẳng từ nhà máy ra bãi phơi cách xa 500m mà không cần phải thông qua công đoạn lên và xuống xe cách rách.

Thế nhưng, tất cả những máy móc ấy, dù đã rất thành công thì cũng chỉ là công việc, còn đam mê của họ thì chỉ có mỗi chiếc trực thăng. Đam mê thì không thể từ bỏ nửa chừng. Vì thế, thay vì nhận lời của Bộ NN&PTNN ra Hà Nội tham dự triển lãm thành tựu máy móc nông nghiệp, họ lại từ chối để thời gian vùi đầu vào nghiên cứu chế tạo chiếc trực thăng thứ 3.

Họ dự định sẽ hoàn thiện, sau đó mời báo chí lên chứng kiến việc thử nghiệm bảo đảm đã cất cánh, bay và điều khiển được, sau đó đem cất. Không vì mục đích kinh tế, không cần danh vọng. Họ chỉ cần chứng minh là người Việt hoàn toàn có thể chế tạo và đã chế tạo trực thăng, thế là đủ. Sau khi đã được thừa nhận là thành công, họ sẽ lập tức từ bỏ chương trình trực thăng của mình để dành thời gian làm việc khác.

Ngồi với tôi trong cabin chiếc máy bay mới chế chưa được công nhận, giọng Trần Quốc Hải bỗng chùng xuống: “Có tốn thêm 5 năm, 10 năm, chúng tôi cũng vẫn làm. Chiếc thứ 3 chưa thành thì chiếc thứ 4, thứ 5 sẽ phải thành. Tôi phải chứng minh cho mọi người thấy, nếu trực thăng do chúng tôi chế tạo không tung cánh trên bầu trời thì đó là vì chúng “không được bay” chứ không phải vì “không bay được”.

Nghe Hải nói, bất chợt tôi rùng mình. Từ những người nông dân, niềm đam mê đã biến họ thành những nhà khoa học. Từ khát vọng đời người, họ đang tiệm cận ý nghĩa thâm sâu của triết học. Cái câu Hải vừa nói nghe chừng phảng phất cái nghĩa “bất năng dữ bất vi” (không làm được và không chịu làm).

Rất nhiều người, dù thán phục vẫn nghĩ về Hải và Danh như những kẻ điên. Bởi không điên, không ai mất công lao theo những dự định “trên trời” như thế. Riêng tôi, tôi nghĩ khác. Còn đam mê, còn miệt mài đeo đuổi, chắc chắn phải có ngày khát vọng của họ sẽ trở thành hiện thực.

Hình như, tất cả những nhà phát minh lớn, những người đi tiên phong, lúc sinh thời cũng từng bị, hoặc được người đời coi là điên. Cuộc sống, khoa học sẽ phát triển nhanh hơn nhiều, nếu ngày càng có thêm nhiều "gã điên" như thế

.
.