Lang thang trong Điếu Ngư Đài

Thứ Hai, 26/01/2009, 13:30
Lần thứ nhất tôi đến Điếu Ngư Đài trong chức phận của một phóng viên tham gia trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Hoa của Tổng Bí thư (TBT) Lê Khả Phiêu tháng 2/1999. Vậy nên mới có cái cớ để mà lang thang chứ cỡ thường dân như mình làm sao có quyền để mà tản bộ ở nơi Nhà nước Trung Hoa chuyên dùng để họp bàn việc nước như thế?

Tôi ngờ rằng Điếu Ngư Đài (ĐNĐ) ở Bắc Kinh chỉ đơn thuần để gọi nơi vua ngồi câu cá chứ không thể mô phỏng hoặc dùng lại địa danh nổi tiếng Điếu Ngư  thuộc quận Hợp Xuyên của thành phố Trùng Khánh.

Đó là chiến trường lớn thời Trung cổ diễn ra trận huyết chiến của Trung Quốc với quân Mông. Trong 36 năm từ năm 1243 đến 1279 tại đây đã diễn ra hơn 200 trận đánh lớn. Thông tin thời đó chậm rì rì ấy thế mà Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn không hiểu bằng cách nào mà đã khá am tường sự kiện thậm chí còn lấy tên viên đại tướng Vương Công Kiên chỉ huy giữ thành để làm gương răn quân sĩ trong bài “Hịch tướng sĩ” nổi tiếng.

Vương Công Kiên là người như thế nào... lại càng chả phải để lấy tên một hòn đảo xa tít mù khơi có tên là ĐNĐ hiện đang tranh chấp với Nhật Bản. ĐNĐ đơn giản được khởi công xây dựng từ triều đại nhà Kim (năm 1115) với liên hoàn các cung điện lầu son gác tía cùng lam sơn thủy tú để các hoàng đế nhà Kim đến nghỉ ngơi câu cá. Vậy nên mới có tên là ĐNĐ.

Tác giả bên Điếu Ngư Đài.

Sau triều Kim, nối tiếp các triều  Tống, Nguyên, Minh, Thanh, ĐNĐ dường như vẫn tiếp tục phát huy hết công suất của cái đẹp ở một vị trí địa lợi. Tiếp tục những lần cải tạo cùng nâng cấp để trở thành một nơi tiên cung hạ giới.

Hệ thống 15 biệt thự sang trọng kiến trúc cực kỳ hài hòa Âu - Á rải rác trong rừng tùng trúc xum xuê mướt xanh trong ĐNĐ như tôi thấy lần thứ nhất là công trình được xây cất nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập CHND Trung Hoa theo chỉ thị của Thủ tướng (TT) Chu Ân Lai.

Mỗi biệt thự như thế tùy theo các cấp độ sang trọng mà bố trí hệ thống tầng lẫn số phòng nghỉ ngủ và được gọi là lầu. Trong tổng số các lầu, người ta không đánh số 1 và số 13. Lầu 18 là lầu sang nhất còn gọi là Lầu Tổng thống.

Trong chuyến thăm, một bữa cánh báo chí tháp tùng chúng tôi (bộ phận báo chí và tùy tùng không được ở trong khu vực ĐNĐ mà ở kế bên thông nhau bằng cánh cổng vòm lớn) nhân có việc được gọi đến Lầu Tổng thống là nơi dành riêng cho TBT Lê Khả Phiêu nghỉ ngơi và làm việc trong những ngày lưu lại Bắc Kinh. Thả bước trên lối đi khúc thì được trang trí bằng những viên sỏi sắc đen, sắc trắng, khúc thì được ốp được viền những mảng đá các màu nom rất bắt mắt.

Những tàn tùng cổ mà chỉ được thấy trong những minh họa trong truyện “Tam Quốc”, “Thủy Hử” nay lòa xòa rất ngoạn mục lúc giăng trên đầu khi  ngang tầm mắt  hoặc bên lối đi. Thứ cỏ rải rác đó đây hình như không phải là thứ cỏ thường thấy trên sân golf hay trong các vườn cảnh mà ngó mượt lẫn thắm.

Thi thoảng những khúc quanh lại đột ngột có những đoạn suối trong leo lẻo nước tuôn róc rách và kỳ lạ chưa, cứ tưởng loại chim thú nhồi nhưng đấy là những con bạch hạc màu trắng xám chắc được nuôi dưỡng đã lâu trong khuôn viên nên rất dạn người, con thanh mảnh con lụ khụ đứng trầm mặc như những triết gia bên những cụm giả sơn hoặc suối nhân tạo. Không gian ngập tràn một sắc xanh huyền ảo bởi ánh nắng được lọc qua muôn vàn tán cây các loại lẫn chim chóc cứ ríu ran.

Căn biệt thự màu trắng toát rất hợp với khung cảnh lâm tuyền thoắt trở nên vắng lặng khi chúng tôi đặt chân đến. Lá quốc kỳ đỏ thắm phấp phới chỗ mặt tiền của biệt thự chỉ dấu nguyên thủ của một quốc gia đang ngự nơi này. Bên lối đi là chĩnh chện chiếc xe đen bóng hiệu Hồng Kỳ loại chống đạn, trên đầu xe cũng nghiêm ngắn hai lá cờ Trung - Việt. Chuyên xa dành cho TBT trong thời gian ở Bắc Kinh.

Bên lối đi là các mỹ nữ Trung Hoa trong sắc phục màu hồng rất bắt mắt hết thảy đều có động thái cúi đầu rất duyên dáng mỗi lúc có khách đi qua. Từng ghé mắt vài lần khi coi cuộc thi hoa hậu này khác nhưng tôi có thể khẳng định ngay rằng các cô phục vụ ở các lầu các biệt thự khác thì không biết thế nào nhưng riêng Lầu Tổng thống đây thì có thể chấm luôn cỡ trên cả hoa hậu lẫn á hậu!

Chứ không à? Bởi sau này tôi có nghe thêm, phục vụ trong ĐNĐ nghe đâu chỉ lựa các mỹ nữ từ 18-20 tuổi, có sắc lại có cả tài, hầu hết lại thông thạo một ngoại ngữ. Nội cái việc đứng ở đây thôi để làm công việc lễ tân thì là bộ mặt của một quốc gia và là quốc thể rồi còn gì!  Cái câu quốc sắc thiên hương mà đem vận vào trường hợp lẫn khung cảnh này có lẽ cũng không quá?

Một góc Điếu Ngư Đài.

Được đến sớm trước giờ TBT phải tiếp khách nên chúng tôi có thời gian la cà khắp Lầu Tổng thống. Trên lối đi có một kệ báo. Tôi rút ra tờ Nhân Dân nhật báo ra sáng hôm đó, ngày 26/2/1999. Tờ Nhân Dân nhật báo trang nhất đăng hình lớn TBT Lê Khả Phiêu và TBT Giang Trạch Dân bắt tay tươi cười kèm bài tường thuật của ký giả Mạnh Nhân Tuyền  và kế bên là tin bài TT Chu Dung Cơ hội kiến với Tổng thống B.Eltsin Mạc Tư Khoa. Mục dự báo thời tiết cũng được in ngay vị trí trang trọng của trang nhất: nhiệt độ 12oC. Gió hướng Bắc. Sức gió cấp 4, cấp 5. --PageBreak--

Tốt đẹp phô ra... Hình như có một Trung Hoa tự tin đĩnh đạc lẫn đường bệ trên lộ trình ngoại giao bằng cái kênh... Điếu Ngư Đài? Hình như chẳng còn là bí mật quốc gia nữa khi trên kệ báo có những tờ bướm nho nhỏ khoe khéo tổng thể 42 vạn m2 vườn hoa cây cảnh, 7 vạn m2 ao hồ cùng ngoại thất lẫn nội thất của một số lầu đặc biệt trong ĐNĐ.

Nội chỉ con số gần 800 nguyên thủ các quốc gia từng nghỉ ở ĐNĐ trong đó hơn 500 nguyên thủ quốc gia khắp các châu lục từng lưu lại ở Lầu Tổng thống này từ năm 1960 đến thời điểm đó cũng đủ nói lên thế giới đã đến với Trung Hoa và Trung Hoa cởi mở cùng thế giới ra sao. Từ Tổng thống Nixon năm 1972 đến Tổng thống G. Bush (bố)  rồi Bill Clinton sau này. Những Tổng thống V. Putin, Chủ tịch Fidel Castro, Kim Nhật Thành,  Yasser Arafat v.v...

Dòm ngó chán chê phòng họp thênh thang như một hội trường cỡ nhỏ lại kề một phòng tiếp khách gọn xinh, tôi nhảo qua phòng ngủ kiểu châu Âu và một phòng ngủ kiểu Âu của Lầu Tổng thống. Ngắm ngó việc bày biện bài trí phòng ốc lẫn rèm ga chăn gối, tôi chẳng biết nhận xét so sánh ra sao nữa chỉ ngẫm lẫn tự nhủ rằng cái thứ loại người phàm và trần tục như mình mà duỗi thẳng cẳng trên chiếc giường kia thì chắc chắn có sự xúc phạm sâu sắc đến cái giường thênh thang muốt nuột kia lắm! TBT Lê Khả Phiêu ở phòng châu Á      

Trong câu chuyện lẫn không khí thân mật, TBT vui vẻ giục chúng tôi ăn hoa quả lúc nào cũng bày sẵn trong phòng. Thứ ăn thứ đút túi,  táo với lê thì đâu có lạ nhưng dường như tôi thấy vị táo, lê trong cái Lầu Tổng thống lúc ấy cũng có một dư vị khác?

Một nhân viên lễ tân trong đoàn cho chúng tôi biết thêm hồi gia đình Bill Clinton thăm Trung Quốc, con gái Chelsea rất thích ở phòng châu Á nên hai ông bà đành nhường phòng cho con gái sang ở phòng châu Âu. Ông cũng cho biết thêm lầu 18 này có 10 đầu bếp, 20 nhân viên phục vụ sẵn sàng chế biến các món ăn mà khách yêu cầu. Tôi chợt có ý nghĩ ngồ ngộ rằng chắc TBT ta lấy làm áy náy lắm vì sở thích mà tôi nghe lỏm được là ông chỉ khoái cơm nắm với muối vừng! 

Vận may đất nước tiếp tục đổi mới hanh thông, nước mình vẫn tiếp mạch giao hảo giao thương với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng bình đẳng cùng có lợi nên mùa thu năm nay, trong nhóm báo chí tháp tùng chuyến thăm hữu nghị chính thức Trung Hoa của TT Nguyễn Tấn Dũng, tôi lại có mặt ở Điếu Ngư Đài.

Có chút chi đó bồi hồi lẫn tự tin trong cảm giác của lương dân Việt trong đoàn khi mà 9 năm trước, Phó TT Nguyễn Tấn Dũng đến đây với cương vị thành viên chính thức trong đoàn thăm của TBT Lê khả Phiêu nay chững chạc ở vị trí một nguyên thủ.

Căn biệt thự số 12 hay còn gọi là lầu 12 sang trọng chỉ kém chút so với Lầu Tổng thống mà bạn dành cho TT Nguyễn Tấn Dũng cũng chính là địa điểm mà  ông Hồ Cẩm Đào hội kiến và chiêu đãi đoàn TBT năm 1999. Sau này ở cương vị mới, TBT kiêm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào cũng thường xuyên tiếp khách ở lầu 12 này.

Hôm TT Nguyễn Tấn Dũng tiếp TT Bungari ở lầu 12, tranh thủ lúc khách chưa đến chúng tôi cũng có dịp rảo khắp căn biệt thự sang trọng này. Cũng phòng Âu phòng Á cũng bày biện lạ mắt tân kỳ. Cũng phòng họp rộng rãi thênh thang nhưng có một thứ lạ mắt gọi là vưu vật của Trung Hoa hay là vưu vật của nhân loại cũng được.

Đó là một khúc gỗ đã hóa thạch được bày dưới tầng trệt của căn lầu sang trọng này. Tấm biển đề hàng chữ Thụ hóa ngọc (Petrified wood) quanh có xích vàng neo đủ thấy thứ ngọc này quý đến như thế nào. Nhân viên lễ tân cho chúng tôi biết thêm, viên ngọc, nói đúng hơn là đoạn ngọc này sưu tầm từ vùng núi Vân Nam. Trọng lượng của nó là 706kg, dài 50cm, cao 116cm. Khoa học đã dùng phương pháp C14 xác định kiểm nghiệm kết luận đoạn ngọc này có tuổi thọ 250 triệu năm! Hiện tượng gỗ hóa thạch thành ngọc mà có trọng lượng lẫn khối lượng  đáng nể như  vậy trên thế giới duy nhất chỉ có đoạn ngọc này hiện có ở lầu 12 của ĐNĐ này mà thôi!

Sau khi giới thiệu nhiệt thành với khách, viên lễ tân người Trung Hoa vẫn tiếp tục cái cười cởi mở hồi nãy bộc bạch thêm rằng, khi cho xây dựng các lầu trong ĐNĐ, TT Chu Ân Lai đã  cho mang những đồ quốc bảo của Trung Hoa đến đây để trưng bày cho các quốc khách chiêm ngưỡng thưởng thức.

Thủ tướng có nói đại ý người Trung Quốc có câu “quý vật tầm quý nhân”. Quốc khách của Trung Hoa ở ĐNĐ đều là khách quý đều không phải là những người bình thường. Như vậy bữa nay  ở lầu 12 này sự có mặt của khách quý Việt Nam thảy đều là bạn quý bạn tốt của nhân dân Trung Quốc như TT Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng!

Nghe câu chuyện của viên lễ tân nọ, tôi chợt nhớ thời gian TBT lưu lại ở lầu 18, trong gian phòng khách có trưng bày một chú kỳ lân khá to. Long - Ly - Quy  - Phượng là giống tứ linh. Con kỳ lân này không phải chế từ đồng từ sắt hay chất liệu gì khác mà bằng... vàng ròng nặng những mấy chục kilôgam!

Ôi, quý vật Trung Hoa đã gặp những quý nhân Việt!

Cuối năm Tý

X.B.
.
.