Lao động chui và hậu quả được báo trước

Thứ Tư, 04/12/2019, 18:43
Mặc dù cơ quan Công an đã điều tra, xử lý nhiều vụ việc, nhiều đối tượng phạm tội liên quan đến hành vi đưa người lao động trốn sang nước ngoài làm việc phi pháp. Tuy nhiên, dường như nhiều người lao động vẫn chưa lường hết được hậu quả, một phần cũng bởi họ ảo tưởng quá lớn về tương lai ở vùng đất mới.


Những canh bạc đánh đổi số phận

Không phải bất cứ ai đi lao động chui là có thể gửi tiền về nhà sau một thời gian. Thực tế, nhiều người cho biết, sự bấp bênh về môi trường sống, những rủi ro việc làm luôn chờ đợi họ. 

Và, nếu có công việc lao động tự do trong ngắn hạn, thì việc tích cóp tiền gửi về nhà không thể một sớm, một chiều như nhiều người tưởng. Những người lao động chui vốn đã vi phạm pháp luật về hành vi nhập cư bất hợp pháp, được các nước châu Âu, trong đó có Anh cho ở trong một thời hạn nhất định để giải quyết. 

Phiên tòa xét xử đối tượng Phan Đại Lợi tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Nhiều người vì tiếc khoản tiền lớn đã bỏ ra, thậm chí là đi vay, đi mượn đã tìm cách ở lại bằng mọi giá. Họ đã đánh cược tính mạng và tài sản của mình cho các đối tượng trong đường dây “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Họ muốn thu hồi số tiền đã bỏ ra. Khi công việc thu nhập chưa đảm bảo, nhiều người đã có bước trượt phạm tội tiếp theo là trồng cần sa trái phép, nhằm tăng nhanh thu nhập. 

Sự mạo hiểm mong đổi đời bằng việc trồng cần sa trái phép tại các vùng hẻo lánh, hoặc trong nhà kín ở Anh vô cùng nguy hiểm. Bởi người trồng cần sa, nếu bị phát giác, sẽ bị cảnh sát Anh bắt giữ, đối diện với cảnh tù tội, mãn hạn tù bị trục xuất khỏi quốc gia mình phạm tội. 

Người đi lao động chui đã là vi phạm pháp luật, tạo điều kiện phạm tội cho các đối tượng trong đường dây “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”. Mối quan hệ giữa người có nhu cầu lao động chui mong muốn đổi đời và kẻ môi giới, tổ chức đưa người vượt biên trái phép, hoặc trốn ở lại đã để lại những hệ lụy khôn lường. Nhiều nạn nhân mất tiền, tay trắng, thậm chí nhiều người đã bỏ mạng.

Liên quan đến vụ việc 39 người Việt chết trong xe container tại Anh, Công an Hà Tĩnh đã khởi tố vụ hình sự về tội “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. 

Đại tá Nguyễn Tiến Nam, Thủ trưởng cơ quan An ninh Điều tra, Phó Giám đốc Công an Hà Tĩnh cho biết: Đến thời điểm này, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt 2 đối tượng, triệu tập 8 đối tượng liên quan đến hành vi “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” và tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

Bắt nhiều đối tượng tổ chức lao động chui

Mới đây, TAND huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Phan Đại Lợi, 31 tuổi, trú xã Xuân Liên 5 năm tù về tội “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ tháng 1-2018 đến tháng 3-2018, lợi dụng các lao động có thời gian làm việc trái phép tại Đài Loan (Trung Quốc) bị chính quyền sở tại bắt giữ, trục xuất về nước và bị cấm nhập cảnh vào Đài Loan nhưng vẫn có nhu cầu quay trở lại đó tìm việc làm, Phan Đại Lợi và Nguyễn Văn Quang (con cậu ruột của Lợi đang lao động ở Đài Loan) đã 2 lần tổ chức cho 48 người đi đường bộ qua Trung Quốc sau đó lên tàu biển để nhập cảnh trái phép vào Đài Loan.

Lần thứ nhất tổ chức cho 18 người xuất cảnh trái phép sang Đài Loan, Lợi được Quang cho một khoản tiền nhưng không nhớ là bao nhiêu. Lần thứ 2 tổ chức cho 30 người xuất cảnh trái phép, Lợi được Quang đưa 8 triệu đồng tiền công. Mỗi người có nhu cầu sang Đài Loan phải nộp 6.500 USD; trong đó nộp cọc trước 500 USD, số tiền còn lại, người lao động phải nộp tiền cho Nguyễn Văn Quang sau khi đặt chân lên nước sở tại. 

Theo đó, đã có tổng cộng 28 lượt chuyển tiền cho Phan Đại Lợi và Nguyễn Văn Quang khoảng 594 triệu đồng. Trong số 30 người có 2 người sau khi đến bờ biển Đài Loan trong khi chuyển từ tàu lớn xuống thuyền nhỏ để đi vào đất liền thì bị lật thuyền dẫn đến tử vong. Những người còn lại đã bị Cục Tuần duyên bờ biển Viện hành chính Đài Loan phát hiện, bắt giữ và trục xuất về nước.

Cũng liên quan đến hành vi “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” xảy ra tại tỉnh Hà Tĩnh, ngày 14-11-2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Minh Cầm, sinh năm 1964, trú tại số nhà 24, đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Trần Phú, Hà Tĩnh về tội “Tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài” quy định tại khoản 1, Điều 349, Bộ luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam. 

Theo tài liệu, Nguyễn Minh Cầm không được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và đưa người Việt Nam ra nước ngoài nhưng quá trình làm việc tại Đức, Cầm đã có quen biết một số người ở Đức và nhận lời một số người ở Việt Nam hứa sẽ giúp họ sang Đức lao động. Cách thức đi là lợi dụng visa du lịch sau đó nhập cảnh vào Azerbaizan, từ đó làm thủ tục xuất cảnh sang một nước châu Âu rồi vào Đức. Nếu đưa họ sang Đức trót lọt, Cầm sẽ được hưởng lợi 1.000 USD/1 người.

Từ thực tế này cho thấy, khi muốn xuất khẩu lao động nước ngoài, gia tăng thu nhập, người dân cần tìm hiểu rõ đâu là lao động hợp pháp, đâu là lao động chui. Đặc biệt lao động chui sẽ gắn với hành vi vượt biên trái phép, hay nhập cư bất hợp pháp đều bị trục xuất. 

Hơn nữa, lộ trình đi như thế nào, gặp những rủi ro gì là những điều người bị hại không hề biết trước và lường hết hậu quả. Vì vậy, tìm hiểu thông tin, hiểu biết đầy đủ về vấn đề này sẽ là cách tốt nhất bảo vệ tính mạng, tài sản cho người muốn lao động ở nước ngoài. Đừng để chính bản thân mình phải trả giá đắt cho canh bạc mong được đổi đời từ lao động chui.

Xuân Lý - Văn Hùng
.
.