Lật lại những trường hợp tử vong tại Bệnh viện Pháp - Việt

Thứ Sáu, 28/09/2012, 11:50

Sau loạt bài nói về cái chết của ông Mai Trung Kiên tại Bệnh viện Pháp - Việt (BVFV) vì xuất huyết nội sau phẫu thuật nội soi ruột thừa, Báo CAND - Chuyên đề ANTG nhận được nhiều phản hồi của độc giả, đề nghị báo tiếp tục lên tiếng, góp phần làm rõ cái chết của một số người bệnh trước đây vì theo Thanh tra Sở Y tế TP HCM, có nhiều bác sĩ nước ngoài hành nghề không phép tại BVFV...
>> Một bệnh nhân tử vong tại BV Pháp – Việt TP HCM: Chết người là do đâu?

1. Một trong những cái chết tại BVFV là trường hợp của ông Trang Sỹ Nhỏ, 70 tuổi, cư ngụ ở phường 10, quận 8, TP HCM. Theo anh Hỷ, con ông Nhỏ, thì: "Ngày 1/5/2012, khi nghe ba tôi than đau ở vùng thắt lưng, gia đình tôi đã đưa ông đến BV Đại học Y Dược để khám, chữa. Kết quả chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm cho thấy thận ba tôi ứ nước độ 1, đoạn đầu niệu quản giãn nhẹ, có ít dịch quanh thận. Bác sĩ kê đơn thuốc rồi cho về, đề nghị gia đình tiếp tục theo dõi".

Đến chiều cùng ngày, ông Nhỏ lại tiếp tục có những cơn đau ở vùng thắt lưng nên gia đình đưa ông vào BVFV. Sau khi thăm khám, truyền dịch, ông Nhỏ được BVFV cho về. Tuy nhiên, hôm sau, ông vẫn đau và sốt. Vì vậy, người nhà đưa ông trở lại BVFV. Lần này, bác sĩ BVFV chẩn đoán ông bị suy hô hấp, nhiễm trùng máu. Anh Hỷ cho biết: "Vài ngày sau, ba tôi được mổ nội soi để lấy sỏi, đường kính khoảng 5mm. Mổ xong, ba tôi khỏe, ăn uống, trò chuyện bình thường".

Ngày 12/5, đột nhiên ông Nhỏ khó thở nên BVFV chuyển ông vào phòng hồi sức. Nhưng đến 18h30 ngày 14/5, ông Nhỏ tử vong. Giải thích về nguyên nhân gây ra cái chết của ông Nhỏ, bác sĩ Nguyễn Thị Lam Giang - Khoa Gây mê hồi sức BVFV, cho biết: "Các xét nghiệm đều cho thấy tình trạng của bệnh nhân lúc đó không đơn thuần là nhiễm trùng đường tiểu mà là nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng và suy đa cơ quan do vi khuẩn E.coli, đây là loại vi khuẩn có độc tố mạnh, gây co thắt tất cả các mạch máu nhỏ trong gan, thận, tim và cả mạch máu ngoại biên. Chúng tôi dùng kháng sinh mạnh ngay từ đầu, bệnh nhân có khá lên nhưng do cơ địa yếu nên dễ bị đợt nhiễm trùng bùng phát thứ hai và không gượng lại được. Chúng tôi rất day dứt, trăn trở về trường hợp này".

Sau khi ông Nhỏ chết, anh Hỷ đến BVFV đề nghị BV cung cấp các giấy tờ cần thiết để làm thủ tục khai tử tại địa phương. Bên cạnh đó, anh cũng yêu cầu BV giải thích về cái chết của ba anh thì bác sĩ Gerard Desvignes, Giám đốc Y khoa của BVFV cho biết, ông Nhỏ mất là do nhiễm trùng đường tiểu, suy hô hấp cấp. Anh Hỷ nói: "Mổ lấy sỏi xong, ba tôi vẫn khỏe nhưng đột ngột tử vong khiến chúng tôi nghi ngờ sự tắc trách của đội ngũ y bác sĩ BVFV".

Rất bức xúc, anh Hỷ gửi đơn khiếu nại lên Sở Y tế TP HCM. Ngày 15/8, BVFV mời anh đến và cho biết sẽ hỗ trợ 54 triệu đồng (trong lúc tổng chi phí điều trị của ông Nhỏ tại BVFV là 300 triệu đồng), nhưng vẫn không giải thích rõ ràng về nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông.

Mãi đến ngày 24/8, BVFV mới gửi biên bản làm việc giữa anh Hỷ, bác sĩ Gerard Desvignes và bác sĩ Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng khoa Niệu, nội dung: "Chúng tôi đã họp hội đồng chuyên môn và phân tích rất kỹ quá trình điều trị. Chúng tôi cũng đã rút kinh nghiệm về trường hợp này và nghiêm túc nhìn thẳng vấn đề là vào ngày đầu tiên khi ông Nhỏ đến cấp cứu thì chúng tôi nên giữ ông lại. Tuy nhiên, cũng không thể biết trước diễn tiến của cơ thể người lớn tuổi, nhiễm trùng do viêm đài bể thận cấp do sỏi kèm viêm phổi thì không chắc việc giữ bệnh nhân lại có thể cải thiện được…".

Hồ sơ nhập viện BVFV của ông Trang Sỹ Nhỏ.

Theo Thanh tra Sở Y tế TP HCM, toàn bộ hồ sơ của ông Trang Sỹ Nhỏ sẽ được chuyển sang Phòng Nghiệp vụ Y để tiến hành lập hội đồng chuyên môn, xem xét kết luận.

2. Trường hợp tử vong thứ hai tại BVFV là bà Nguyễn Thị Ngoạt, 76 tuổi, ở Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 28/5/2012, bà Ngoạt bị gãy xương đùi trái, rồi được gia đình đưa vào BVFV. Sau khi thăm khám, làm các xét nghiệm chẩn đoán, BVFV cho biết ngoài gãy xương đùi, bà Ngoạt còn bị tiểu đường, men gan cao nhưng BVFV khẳng định có thể mổ để cố định xương, bắt vít cho bà Ngoạt, đồng thời giải thích với gia đình bà là các bệnh nói trên nằm trong tầm kiểm soát của BV.

Tuy nhiên, 2 ngày sau khi mổ, lúc rút dụng cụ hỗ trợ ra thì sức khỏe bà Ngoạt chuyển biến theo chiều hướng xấu, như sốt, nôn mửa, tăng huyết áp, có lúc mê sảng, đau bụng, bụng trướng, muốn đại tiện nhưng không tự đi được. Trước những bệnh cảnh này, BVFV chẩn đoán "do tắc phân" nhưng mặc dù đã được thụt tháo 2 lần, nhưng tình hình sức khỏe của bà Ngoạt vẫn không cải thiện.

Đến ngày thứ 3 sau khi vào BVFV, bà Ngoạt chuyển sang trạng thái hôn mê sâu. BVFV giải thích: "Bệnh nhân hiện đang bị triệu chứng tiền hôn mê gan, do gan yếu không lọc được chất độc và đã được chuyển sang Phòng hồi sức đặc biệt". Thế nhưng sau đó, BVFV lại đưa ra kết luận: "Hiện nay, bệnh nhân  bị nhiễm trùng đường tiểu bởi vi trùng E.coli qua máu lên phổi và hiện phổi bị nặng, gan thì bình thường. Chúng tôi vẫn đang tích cực theo dõi, gia đình yên tâm". 

19h ngày 15/6, khi gia đình hỏi thăm bác sĩ về tình hình của bà Ngoạt thì câu trả lời là khả năng sống chỉ còn từ 10 đến 20%. Gan và phổi tổn thương nặng không thể hồi phục. Nếu rút ống thở ra, bà sẽ tử vong. Tiếp theo, BVFV khuyên gia đình nên đưa bà về.

16h20 ngày 16/6, bà Ngoạt được cho xuất viện và 18h55, lúc điều dưỡng rút ống thở oxy ra thì chỉ 5 phút sau đó, bà Ngoạt qua đời. Một người thân trong gia đình bà Ngoạt  cho biết: "Mặc dù đã phải bỏ ra 500 triệu đồng, nhưng thái độ thờ ơ trong suốt quá trình điều trị cũng như cách giải thích tiền hậu bất nhất của BVFV, không thừa nhận trách nhiệm sau cái chết của bệnh nhân khiến chúng  tôi nghi ngờ về y đức của BVFV".

3. Tháng 2/2011, bà Nguyễn Thị Cận, 77 tuổi, vào BVFV vì gãy xương đùi. Trước đó, bà Cận bị suy thận mãn và đang chạy thận nhân tạo tại BV Chợ Rẫy. Theo lời khuyên của BVFV, là nên chạy thận tại đây để tiện việc theo dõi nên bà Cận và gia đình đồng ý.

Trong thời gian phẫu thuật và điều trị tại BVFV, bà Cận được lọc máu tất cả 4 lần. Tuy nhiên, ông Lê Văn Vui, con bà Cận cho biết: "Chúng tôi nghi ngờ việc lọc máu tại BVFV không hiệu quả, đưa đến tình trạng mẹ tôi bị ứ nước ngày càng nặng, phù toàn thân, phù phổi, tràn dịch đa màng. Thế nhưng BVFV vẫn lúng túng trong nhận định, đánh giá và xử trí tình trạng của mẹ tôi. Sáng 2/3, chúng tôi buộc phải chuyển mẹ tôi sang BV Chợ Rẫy nhưng đến ngày 20/3 mẹ tôi đã tử vong vì sốc nhiễm trùng, viêm phổi nặng".

Ngày 8/12/2011,  Sở Y tế TP HCM có kết luận, rằng BVFV đã thiếu sót trong quá trình điều trị do các bác sĩ thiếu kinh nghiệm trong việc đánh giá và điều trị người bệnh sau phẫu thuật - có bệnh thận mạn giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo định kỳ. Tuy nhiên, BVFV phản bác bằng cách  khẳng định khi rời khỏi BV, "bệnh nhân Cận ở trong tình trạng ổn định và không hề có nguy cơ tử vong".

Không đồng tình với cách giải thích này, gia đình bà Cận đã khởi kiện lên Tòa án nhân dân quận 7 để làm rõ về cái chết của bà.

4. Trở lại trường hợp của ông Mai Trung Kiên, sau khi Sở Y tế TP HCM có kết luận chính thức về cái chết của ông, là: "Sốc không hồi phục do xuất huyết nội sau phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa trên bệnh nhân có bệnh tim mạch với nguy cơ cao và di chứng tai biến mạch máu não đang điều trị thuốc kháng đông. BVFV đã không chẩn đoán và xử lý kịp thời tình trạng xuất huyết nội", và BVFV đã có thông cáo báo chí "chia buồn", "xin lỗi" gia đình ông Kiên, thì bất ngờ chiều ngày 7/9 vừa qua, bác sĩ Jean Marcel Guillon, Tổng giám đốc BVFV tuyên bố: "Chúng tôi không chấp nhận kết luận của Sở Y tế TP HCM về nguyên nhân gây ra cái chết của bệnh nhân Mai Trung Kiên".

Theo ông Jean, BVFV có đầy đủ bằng chứng và số liệu chứng minh bệnh nhân Mai Trung Kiên không chết vì xuất huyết nội bởi lẽ sau phẫu thuật, tình trạng ông Kiên rất tốt, thậm chí bác sĩ Lê Đức Tuấn còn cho rằng bệnh nhân có thể xuất viện sớm hơn dự tính. Bất ngờ, ông Kiên bị đau ngực, vùng đau lan tỏa rộng. Điều dưỡng đã mời bác sĩ đến kiểm tra và bác sĩ nghi ngờ ông Kiên nhồi máu cơ tim.

Ông Jean Marcel Guillon nói: "Các chỉ số tim của bệnh nhân đo được rất cao và bất thường. Bệnh nhân từng mổ cầu tim 4 lần ở Thái Lan. Hai năm nay, ông Kiên không uống thuốc chống đông máu mà lẽ ra người bị bệnh như ông phải uống. Từ những căn cứ trên, chúng tôi cho rằng bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, lập tức cho uống thuốc chống đông máu để động mạch ở tim không bị tắc".

Vẫn theo ông Jean, chính vì uống thuốc chống đông máu, máu bệnh nhân bị loãng khiến vết mổ chảy máu chứ không phải vết mổ tự biến chứng gây chảy máu. Bệnh nhân kêu đau ngực và có trướng bụng nên sau khi hội chẩn với BV Tim Tâm Đức qua điện thoại, BVFV đã quyết định chuyển ông Kiên qua BV Tâm Đức để xử trí về tim mạch. Tại BV Tâm Đức, các chỉ số tim của bệnh nhân cũng rất bất thường, đồng thời phát hiện ông Kiên xuất huyết nội. Theo ông Jean, nếu có trách BVFV thì lý do chỉ là quá vội xử trí vấn đề tim mạch mà không phát hiện bệnh nhân bị xuất huyết nội trước khi chuyển qua BV Tâm Đức.

Ông Jean cho biết: "Chỉ số máu của bệnh nhân trước khi tiến hành phẫu thuật là 10,3 gam, lúc phát hiện chảy máu trong là 8,1 gam. Tức là ông Mai Trung Kiên chỉ mất khoảng 2 gam máu thì không thể tử vong vì mất máu được". Bên cạnh đó, máu ở vết thương của bệnh nhân không chảy ồ ạt mà rỉ rả suốt 3 ngày, không có triệu chứng lâm sàng. Trong khi các bác sĩ của BVFV đang chuẩn bị mổ cầm máu vết thương thì tim bệnh nhân đã ngừng đập do một cơn nhồi máu cơ tim nữa.

Gia đình ông Mai Trung Kiên bên phần mộ của ông.

Trả lời vấn đề vì sao không để bệnh nhân Mai Trung Kiên ở lại BV Tâm Đức, ông Jean cho biết phải đưa bệnh nhân trở lại BVFV vì 3 lý do. Đó là ông Kiên đang bị loãng máu, không thể phẫu thuật mở mà phải dùng phương pháp nội soi. Phòng săn sóc đặc biệt của BV Tâm Đức chỉ có các máy móc, thiết bị dùng cho phẫu thuật tim, còn ở BVFV, trang thiết bị đáp ứng được cho đa khoa.

Ông Jean nói: "Chúng tôi từng nghĩ tới chuyện mang máy nội soi sang BV Tâm Đức để mổ cho ông Kiên nhưng theo tính toán, lắp đặt xong máy cũng mất khoảng 2 giờ đồng hồ. Trong khi đó, chuyển bệnh nhân về chỉ hết chưa tới 20 phút. Thứ tư tuần tới (ngày 12/9), chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc họp báo để công bố bằng chứng Sở Y tế đã kết luận sai và mời luôn đại diện của công ty bảo hiểm đến cho báo chí làm rõ vấn đề".

Trong một diễn biến khác, là đội ngũ bác sĩ nước ngoài hiện đang làm việc tại BVFV. Ngày 8/9, Thanh tra Sở Y tế TP HCM cho biết, khi kiểm tra BVFV, một số bác sĩ là người Pháp, người Mỹ, người Philippines, đã hành nghề không phép từ 1, 2 năm nay! Mặc dù họ có bằng cấp chuyên môn tại quốc gia họ và khi đến Việt Nam, họ có giấy phép lao động nhưng lại không có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh do Bộ Y tế Việt Nam cấp theo quy định. Đáng chú ý là trong số những bác sĩ "làm chui" ấy, có cả ông Gerard Desvignes - là Giám đốc Y khoa BVFV!

Theo Thanh tra Sở Y tế TP HCM, Sở đã lập biên bản vi phạm hành chính với 10 bác sĩ (trong đó có 2 người đã về nước), yêu cầu phải chấm dứt ngay hoạt động khám, chữa bệnh cho đến khi được Bộ Y tế cấp giấy phép hành nghề

Vũ Cao
.
.