Mở lại hồ sơ vụ án Tamexco:

Lê Minh Hải - Người “lỡ” chuyến đò về… âm phủ! (kỳ 4)

Chủ Nhật, 27/06/2010, 20:35
Như tôi đã nói trong bài trước - chuyện học tiếng Trung Quốc - theo Lê Minh Hải thì "chỉ học cho vui". Tuy nhiên, "vui là vui vậy", chứ nỗi ám ảnh về cái chết vẫn không buông tha ông.

Có đêm, từ buồng giam gần đó, ông nghe Phạm Huy Phước ngâm thơ mà theo ông, "Phước ngâm thơ rất hay nhưng trong hoàn cảnh này, nó khiến cho tôi có cảm giác như bài điếu... đám ma". Ông nói: "Thà rằng đang đi ngoài đường, bị xe đụng cái rầm rồi lăn ra chết thì chẳng sao vì mình không biết là mình sẽ phải chết. Còn ở đây, mình biết là mình sắp chết nên cái khát vọng sống nó lớn lắm".

Có đêm, nằm vắt tay lên trán, ông chợt nhớ lại lần ông đánh, dạy con ông nhưng nó tròn mắt ngạc nhiên vì tưởng là ông dọa nó. Ông nói tiếp: "Những lúc ấy, tôi rất ân hận vì sao mình lại đánh nó mặc dù việc đánh để dạy nó là cần thiết". Chẳng riêng gì ông, nhiều người tù bị án tử hình cũng có cùng tâm trạng như ông - nghĩa là ray rứt vì những việc mà theo họ, là "không phải" mà họ đã làm với vợ con, gia đình...

Ngày Lê Minh Hải được tha tội chết xuống còn tù chung thân, ông chuyển sang khu giam khác. Nghe đồn, một vài buồng giam hay có nạn "đầu gấu, đại bàng" nên khi cánh cửa sắt vừa khép lại, ông đặt cái túi tư trang xuống nền nhà, hai tay khoanh trước ngực, đưa mắt nhìn xung quanh rồi nhỏ nhẹ lên tiếng: "Tôi là Hải Robert. Tôi bị án tử hình trong vụ Tamexco nhưng được Chủ tịch nước tha chết. Tôi đã nằm trong buồng giam khu AB hơn một năm. Nghe nói phạm nhân mới vào đều phải "chào phòng". Vậy các bạn có ai cho tôi biết thủ tục "chào phòng" là như thế nào không?".

Cả phòng im phăng phắc, nhìn ông đứng sừng sững. Mặc dù ông có gầy đi nhưng trên khuôn mặt với hàm râu quai nón vừa bắt đầu nhú ra, vẫn thể hiện sự cứng cỏi, mạnh mẽ. Mãi một lúc sau, một phạm nhân - là buồng trưởng, khẽ nói: "Không có thủ tục gì đâu anh. Anh đem đồ đạc đến đây, nằm ở chỗ này nè".

Từ đó cho tới lúc chuyển lên trại Xuân Lộc, ở buồng giam nào Lê Minh Hải cũng là "đại bàng", nhưng "đại bàng" Hải Robert chưa bao giờ giương mỏ, giương móng ra với ai mà ngược lại, ông còn cảm hóa được khá nhiều tay anh chị "có số, có má". Chả thế mà hôm ngồi uống cà phê với ông ở quán Lotus để nghe ông kể chuyện, lúc tôi gọi tính tiền thì cô phục vụ trả lời: "Dạ, xong rồi anh". Tôi ngạc nhiên: "Đã ai trả đâu". Cô phục vụ đưa tay chỉ sang một bàn gần đó: "Anh ấy tính hết rồi". Đưa mắt nhìn qua, Lê Minh Hải bật cười, nói lớn: "Chào chú mày, ngồi hồi nào mà sao không gọi anh?". Rồi ông quay sang tôi: "Tay này trước kia là dân anh chị ở hẻm hãng phân Hiệp Thành, quận 4. Vào tù, nằm cùng buồng với tôi đấy".

Chuyện Lê Minh Hải được Chủ tịch nước tha tội chết cũng cần nói đến. Trong vụ Tamexco, hành vi vi phạm pháp luật của Lê Minh Hải đã được hai phiên tòa - cả sơ thẩm lẫn phúc thẩm - làm rõ qua các hồ sơ, chứng từ và qua lời khai của từng bị cáo tại Cơ quan điều tra cũng như trước vành móng ngựa. Lê Minh Hải nói: "Thời điểm ấy, nếu xét theo luật thì mức án tử hình dành cho tôi là không oan". Tuy nhiên, khi làm đơn xin tha tội chết, thì hoàn cảnh, động cơ phạm tội, tư cách nhân thân cùng quá trình cống hiến của  Lê Minh Hải, cộng với sự đóng góp cho đất nước, cho xã hội của ba ông - là Anh hùng Lao động Lê Minh Đức đã là những yếu tố để Chủ tịch nước xem xét.

Lê Minh Hải nói: "Hôm biết tin mình được tha chết, tôi lặng người đi, đầu óc mụ mị vì cái sự vui mừng nó lớn quá. Bị ốm nặng mà khỏi thì đã sướng rồi. Bị tội chết mà được sống thì còn sướng hơn cả triệu lần ốm nặng". Phải mất gần 5 phút sau đó, ông mới cất lên được câu nói, cảm ơn tất cả những người đã tạo điều kiện cho ông được sống, được nhìn thấy cái ngày trở lại với đời.

Nhắc đến Lê Minh Hải thì không thể không nhắc đến người cha của ông: Anh hùng Lao động Lê Minh Đức. Sinh năm 1922 ở làng Mỹ Thuận, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, năm 1936, ông lên Sài Gòn khi vừa được 14 tuổi, rồi tự học và tự kiếm sống bằng cách gánh nước mướn, bán chuối nấu, đậu phộng luộc, dạy học cho con em thợ thuyền. Năm 15 tuổi, ông thi đỗ vào Trường Kỹ nghệ Thực hành Sài Gòn. Cách mạng tháng Tám bùng nổ, ông trở về Mỹ Thuận, tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc.

Ông kể: "Trong lúc đóng tại xã Hòa Tân, gần với tiểu đội du kích của huyện Châu Thành, tôi thấy cây súng tiểu liên Stern. Năn nỉ mãi, anh em mới cho tôi mượn về coi" nhưng thực tế thì khi mượn được, ông tháo toàn bộ ra rồi vẽ lại từng bộ phận. Ông kể tiếp: "Sau nhiều ngày suy nghĩ, chủ yếu là về vật liệu, tôi thấy có thể làm được tất cả các chi tiết súng bằng phương pháp thủ công, ngoại trừ nòng súng thì chưa biết phải làm thế nào". Tuy vậy, ông vẫn mạnh dạn đề xuất với cấp trên, xin lập xưởng quân giới, và được sự chấp thuận nhưng cấp trên chỉ cấp giấy phép chứ không... cấp tiền vì chưa biết súng có bắn được hay không.

Xưởng quân giới khởi đầu có 7 người, trong đó ông Lê Minh Đức lo việc rèn dụng cụ, phụ trách kỹ thuật; ông Mười Quảng lo vật liệu, lương thực. Khi phương tiện tương đối đủ, ông Lê Minh Đức cùng Mười Quảng vận động bà con trong xã, nhất là những gia đình khá giả, ủng hộ những chiếc giường mà 4 chân giường là 4 ống sắt đường kính 36mm. Bên cạnh đó, ông còn xin bà con những cây chốt sắt trong bộ khóa cửa của các cửa sổ và cửa cái.--PageBreak--

Ông kể: "Ngày nào cũng vậy, từ sáng sớm đến tối mịt, tôi cưa, giũa, đục những cục sắt để tạo ra những chi tiết súng. Không có lưỡi khoan, tôi rèn cây giũa mép rồi đem trui cho "già" và khoan bằng cần khoan tay. Không có "gió đá" (acetylen) để hàn, tôi nghĩ ra phương pháp tán đinh". Hôm bắn thử súng, có sự chứng kiến của hầu hết các đồng chí lãnh đạo Ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Trà Ôn. Sau một loạt tiếng nổ giòn giã - mục tiêu là các bông bần của cây bần, mọi người mừng rỡ reo vang khi thấy bông và lá bần  rơi lả tả. Niềm vui còn được nhân đôi lên nữa vì 2 ngày sau, du kích sử dụng súng tiểu liên của ông Lê Minh Đức, đã bắn chết 2 tên trong một toán lính "lê dương", thu 2  khẩu súng trường. Trong 2 năm 1947-1948, xưởng quân giới của ông Lê Minh Đức đã sản xuất ra được 100 khẩu tiểu liên Stern.

Cuối năm 1948, ông Đức cho ra đời một kiểu súng ổ quay mới nhưng cái khó nhất vẫn là xẻ đường xoắn (khương tuyến) trong nòng súng vì nhờ đường xoắn ấy, đạn đi xa hơn, chính xác hơn, sức công phá cũng lớn hơn. Một chuyện tình cờ xảy ra: Do thành tích trong việc chế tạo tiểu liên Stern, ông Lê Minh Đức được thưởng một cây bút máy hiệu Kaolo của Pháp. Cây bút có điểm  đặc biệt là khi mở nắp và vặn một cái, thì ngòi viết chạy ra. Viết xong, vặn một cái, ngòi viết lại thụt vào. Ông Đức, kể: "Dựa vào nguyên lý ấy, tôi chế ra chiếc máy xẻ đường xoắn trong nòng súng".

Kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Hiệp định Geneve được ký kết, ông Lê Minh Đức cùng các đồng đội và vợ ông lên đường ra Bắc tập kết. Lúc này, Lê Minh Hải đã ra đời, và đã được 2 tuổi. Ông nhớ lại: "Đến Sầm Sơn đêm 19/12/1954, sau khi nghỉ ngơi 1 tuần, tôi được cấp trên bố trí về công tác tại Xí nghiệp Sửa chữa đầu máy xe lửa Hà Nội, làm thợ hàn".

Tháng 7/1958, ông được tuyên dương Anh hùng Lao động rồi đầu năm 1960, ông được đề bạt làm Giám đốc Xí nghiệp Sửa chữa đầu máy xe lửa Hà Nội. Năm 1968, ông là Cục phó Cục Đầu máy - toa xe, phụ trách các xí nghiệp sửa chữa gồm:  Hà Nội, Đồng Mô, Thanh Hóa, Việt Trì. Ông  nói tiếp: "Nhiều người rủ tôi bỏ xí nghiệp ra làm ngoài, kiếm tiền nhiều hơn nhưng trước sau, tôi đều từ chối"...

Từ đó cho đến ngày nghỉ hưu, Anh hùng Lao động Lê Minh Đức đã có 21 năm là Đại biểu Quốc hội - từ khóa II đến khóa VI; 10 năm là Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam, và đã từng kinh qua các chức vụ: Tổng cục phó Tổng cục Giao thông vận tải miền Nam, kiêm Trưởng ban Chỉ huy đường sắt miền Nam, Tổng cục phó Tổng cục  Đường sắt Việt Nam, Phó ban Thanh tra Nhà nước TP HCM, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP HCM.

Ông nói: "Kỷ niệm lớn nhất trong đời tôi là lần tôi được gặp Bác Hồ tại Đại hội Anh hùng và chiến sĩ thi đua lần thứ hai, tổ chức vào ngày 7, 8 tháng 7/1958. Khi đến phần trao quà, Bác gọi tôi lên rồi trao cho tôi một chiếc hộp, đựng 27 cây bút máy hiệu Hero. Bác nói: "Chú Đức cầm 27 cây bút này của Bác, trao lại cho 27 chú Anh hùng" (lúc đó là Anh hùng Lao động và Anh hùng Lực lượng vũ trang).

Ông Lê Minh Hải lao động trong trại cải tạo.

Trở lại chuyện Lê Minh Hải, ngày 9/9/1997, Lê Minh Hải được Chủ tịch nước ký lệnh tha tội tử hình xuống còn tù chung thân. Nhớ lại chuyện này, ông nói: "Tôi đã đọc loạt bài anh viết về Liên Khui Thìn. Cả hai chúng tôi đều cùng tuổi Nhâm Thìn và cùng bị kết án tử hình, rồi cùng được ân xá nhưng tôi có cái may mắn hơn anh Thìn, là tôi chỉ phải nằm trong buồng giam án chết hơn 1 năm. Bù lại, tôi gãy mất 3 cái răng còn anh Thìn thì chẳng mất cái nào".

Trong suốt một năm ấy, tâm trạng ông chẳng khác gì Liên Khui Thìn, nghĩa là khi tiếng kẻng báo thức khua vang, ánh mặt trời ló dạng, ông mới biết mình còn sống thêm được một ngày nữa. Ba ông - Anh hùng Lao động Lê Minh Đức, kể tiếp: "Sau phiên tòa phúc thẩm rồi biết nó bị y án, tôi về không ngủ được. Tôi nghĩ nếu nó không làm đơn xin tha tội chết gửi Chủ tịch nước, thì sao?".

Thời hạn để một phạm nhân án chết làm đơn xin ân xá chỉ có 15 ngày, mà ngày cho phép thăm gặp theo quy định của trại giam lại còn xa.  Hôm sau, ông Lê Minh Đức vào Chí Hòa và may mắn thay, ông được đặc cách gặp Lê Minh Hải. Ông kể: "Vừa ngồi xuống ghế, tôi hỏi nó: "Con có làm đơn xin ân xá  không?". Nó nhìn tôi bằng đôi mắt mệt mỏi: "Ý ba thế nào?". Tôi trả lời: "Con nên làm đơn. Ba cũng sẽ làm đơn xin tha tội chết cho con".

Chiều hôm ấy, xin giấy bút từ cán bộ quản giáo, Lê Minh Hải viết đơn gửi Văn phòng Chủ tịch nước. Trong đơn, ông thẳng thắn nhìn nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, đồng thời bày tỏ sự ăn ăn, hối hận. Cuối cùng, may mắn cũng đã mỉm cười với Lê Minh Hải. Ông kể: "Gửi đơn đi rồi, tôi chỉ còn biết hy vọng. Trong vụ án Tamexco, dù vô tình tiếp tay cho Phạm Huy Phước, nhưng tôi vẫn xác định là tôi có tội. Trong thâm tâm tôi, tôi tin vào sự khoan hồng, độ lượng của Đảng và Nhà nước".

Tôi hỏi: "Có bao giờ anh nghĩ rằng anh được tha tội chết là nhờ những đóng góp của ba anh - Anh hùng Lao động Lê Minh Đức - cho đất nước không? Lê Minh Hải, lắc đầu: "Không. Những đóng góp của ba tôi chỉ là một yếu tố để Chủ tịch nước xem xét chứ không phải ông là anh hùng mà tôi thoát chết. Vì nếu dựa vào những thành tích, cống hiến của ba tôi, thì chắc tòa sẽ không kết tôi án tử hình"

(Còn tiếp)

Vũ Cao
.
.