Lên non phá án giữ yên bản làng

Thứ Sáu, 21/02/2020, 13:21
Đêm đã về khuya, Trưởng phòng Dương Quốc Trung và các điều tra viên Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình vẫn miệt mài nghiên cứu hồ sơ về đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép. Những ánh mắt trũng sâu, mệt mỏi hằn trên khuôn mặt các điều tra viên.

Đánh giá chứng cứ, cân nhắc các kế hoạch, biện pháp đấu tranh xong thì trời đã hửng sáng. Các anh lại tỏa đi để xác minh, làm rõ đường dây tội phạm nguy hiểm này..

Ngăn chặn đưa lao động trái phép qua biên giới

Trong những năm gần đây, hoạt động đưa người ra nước ngoài trái phép có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết, tâm lý tìm việc làm lương cao của một bộ phận người dân để dụ dỗ, thuyết phục họ ra nước ngoài tìm việc. Bọn chúng tập trung vào số người dân vùng cao, vùng sâu nơi dân trí thấp, điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Bằng lời “đường mật”, chúng vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp nơi xứ người, rằng là công việc nhẹ nhàng lương cao, rằng là chế độ đãi ngộ thỏa đáng, thủ tục dễ dàng...

Để củng cố niềm tin, chúng dựa vào những người có uy tín, gia đình, bạn bè để tác động, song thực chất là mua chuộc những người này để phục vụ ý đồ xấu. Với thủ đoạn đó, các đối tượng đã lôi kéo hàng trăm người dân lương thiện nhẹ dạ, cả tin đưa sang nước ngoài trái phép. Hoạt động này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm, rủi ro cho người dân, gây mất ổn định xã hội và an ninh, trật tự ở địa phương.

Qua nắm tình hình, các trinh sát biết được trên địa bàn huyện Đà Bắc có nhiều người sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp. Đường dây này hoạt động chặt chẽ, có sự móc nối, liên kết với đối tượng ở bên kia biên giới. Để thực hiện ý đồ của mình, đối tượng lân la tìm đến các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Đà Bắc dụ dỗ, lôi kéo người dân sang Trung Quốc làm việc.

Cán bộ Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh, trật tự.

Trước tình hình trên, Phòng An ninh điều tra đã chủ động xác lập chuyên án đấu tranh, làm rõ hành vi đường dây mua bán người nguy hiểm này. Các trinh sát được cử đi nắm tình hình, xác minh phương thức hoạt động của đối tượng. Thông qua phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, người dân đã tố giác hành vi phạm tội của đối tượng.

Đứng đầu đường dây đưa người ra nước ngoài trái phép là Trần Văn Cường (SN 1988, trú tại xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc). Đối tượng này  từng có 1 tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy, bị Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình xử 8 năm tù giam. Sau khi ra tù, đến đầu năm 2017, Cường sang thăm em gái lấy chồng ở tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.

Tại đây, Cường làm thuê cho một cơ sở đóng giày và quen biết người đàn ông Trung Quốc tên là Oánh Chùng, quản đốc phân xưởng. Oánh Chùng đặt vấn đề đưa lao động người Việt Nam sang Trung Quốc làm việc với mức lương cao và sẽ chi “hoa hồng” bồi dưỡng cho Cường. Vì hám lời, Cường quyết tâm thực hiện ý đồ táo tợn này bất chấp hệ quả có thể xảy ra.

Cuối năm 2017, sau khi về nước, Cường tìm đến một số người địa phương có nhu cầu việc làm. Khi biết Cường từng có thời gian lao động tại Trung Quốc, những người này nhờ Cường đưa sang Trung Quốc lao động. Sau khi thống nhất các nội dung, đến đầu năm 2018, Cường đưa 12 người đầu tiên ở xã Tu Lý, Đà Bắc sang Trung Quốc. Sau khi đón xe khách từ Hòa Bình đến tỉnh Cao Bằng, Cường tiếp tục đưa số người này di chuyển đến xã Minh Long, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng tiếp giáp với biên giới Việt - Trung.

Thiếu tá Đinh Lê Hòa tham gia khám xét trong một chuyên án.

Sáng 6-3-2018, một người phụ nữ tên là Lính Chè đã chờ sẵn ở bên kia biên giới, đưa số người này di chuyển theo đường tiểu mạch sang Trung Quốc. Theo thỏa thuận, Cường được Oánh Chùng trả công số tiền là 1.050 nhân dân tệ, tương đương khoảng 4 triệu VNĐ. Nhận thấy cơ hội kiếm tiền mà không mất nhiều công sức, trong năm 2018, 2019, Cường tiếp tục thực hiện 2 đợt đưa 30 người sang Trung Quốc lao động bất hợp pháp để hưởng lợi số tiền 5.500 nhân dân tệ, tương đương khoảng 18 triệu VNĐ. Sau khi củng cố chứng cứ, tài liệu, ngày 12-6-2019, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình quyết định phá chuyên án, bắt giữ Trần Văn Cường khi hắn đang trên đường về Việt Nam.

Trước đó, vụ tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép tại xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn được triệt phá sau thời gian dài điều tra. Trong khoảng thời gian từ tháng 9-2007 đến tháng 2-2010, đối tượng Nguyễn Thị Nguyện (SN 1980, ở xã Dân Hòa, huyện Kỳ Sơn) cầm đầu đường dây đưa 10 người sang Trung Quốc bất hợp pháp nhằm trục lợi hàng trăm triệu đồng. Cơ quan An ninh điều tra quyết định xác lập án đấu tranh.

Dịp tết Đinh Dậu 2017, người dân thông tin đối tượng Nguyễn Thị Nguyện đang có mặt ở địa phương. Sau khi xác định nơi ở của đối tượng, ban chuyên án xây dựng nhiều phương án bắt giữ. Tính toán các phương án, đến ngày 24-1-2017 (tức 27 tết), ban chuyên án phối hợp với chính quyền địa phương mời đối tượng lên trụ sở UBND xã Dân Hòa để làm rõ hành vi xuất cảnh trái phép. Tại đây, các trinh sát đã đưa các chứng cứ đấu tranh, buộc đối tượng phải thừa nhận hành vi phạm tội.

Khắc phục khó khăn để phá án thành công

Theo Thượng tá Dương Quốc Trung, Hòa Bình là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, đa số bà con dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, nhiều hủ tục lạc hậu, nhận thức hạn chế, từ đó bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa phỉnh. Với đặc thù công việc, đơn vị thụ lý điều tra nhiều vụ việc phức tạp, liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, các đường dây mua bán người, lưu hành tiền giả, vật liệu nổ...

Đáng chú ý, tội phạm sử dụng các trang mạng xã hội để tuyên truyền chống Nhà nước diễn biến phức tạp. Quá trình đấu tranh với loại đối tượng này gặp rất nhiều khó khăn bởi đối tượng thường có trình độ hiểu biết, kiến thức ở nhiều lĩnh vực. Chúng tập trung khai thác, đăng tải những mặt xấu của xã hội, từ đó tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, gây hoang mang dư luận.

Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ, cuối năm 2019 vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra đã phối hợp với các đơn vị chức năng phá thành công chuyên án “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, bắt đối tượng Nguyên Văn Nghiêm (SN 1963, trú tại phường Phương Lâm, TP. Hòa Bình).

Theo đánh giá của Cơ quan an ninh điều tra, đây là vụ án cực kỳ hóc búa, đối tượng ngoan cố, bất hợp tác, dùng nhiều thủ đoạn để chống đối, đánh lạc hướng điều tra, gây rất nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, làm rõ. Chiến công của Cơ quan an ninh điều tra đã củng cố niềm tin của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong tỉnh.

Các cán bộ Phòng An ninh điều tra tuyên truyền thủ đoạn mua bán người của bọn tội phạm để nhân dân cảnh giác.

Lật giở từng trang hồ sơ, Thiếu tá Nguyễn Hữu Khiêm, Phó Đội trưởng Đội Điều tra án Phòng An ninh điều tra chia sẻ khó khăn khi đấu tranh với tội phạm “tàng trữ vật liệu nổ trái phép” ở địa bàn vùng cao. Đó là vụ Bùi Văn Sơn (SN 1987, trú tại xóm Mó Rút, xã Tân Mai, huyện Mai Châu) tàng trữ trái phép 27kg thuốc nổ công nghiệp ANFO.

Sơn là đối tượng nghiện ma túy, nhiều lần có hành vi mua bán trái phép chất ma túy cho con nghiện. Trong một lần giao dịch, ngày 11-7-2019, Bùi Văn Sơn bị Công an huyện Mai Châu phát hiện, bắt giữ. Ngay sau đó, lệnh khám nhà đối tượng Sơn được thực hiện. Qua khám xét, Cơ quan điều tra phát hiện một số lượng rất lớn chất nổ công nghiệp được đối tượng cất giấu trong 2 bao tải để trên gác bếp.

Quá trình đấu tranh, với bản chất ngoan cố, lỳ lợm, Sơn không thừa nhận hành vi tàng trữ vật liệu nổ trái phép. Hắn cho rằng do một công nhân khai thác đá nhờ cất giữ. Chỉ đến khi Cơ quan điều tra đưa ra các chứng cứ, đối tượng mới chịu cúi đầu nhận tội.

Những người lính mang niềm vui cho nhân dân

Theo giới thiệu của Thượng tá Dương Quốc Trung, chúng tôi tiếp xúc với Thiếu tá Đinh Lê Hòa - điều tra viên, Đội trưởng Đội Điều tra án, một gương điển hình tiên tiến của Công an tỉnh Hòa Bình. Từng có nhiều năm theo học tại Học viện An ninh nhân dân, chuyên ngành Điều tra tội phạm, sau khi ra trường, anh được phân công công tác tại Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình từ đó đến nay.

Quá trình công tác, anh tích cực học hỏi, nâng cao trình độ, trở thành chủ công trong các chuyên án chống đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia. Theo Thiếu tá Đinh Lê Hòa, đấu tranh với loại tội phạm này đòi hỏi các điều tra viên phải có bản lĩnh vững vàng, nghiệp vụ sắc bén, nắm chắc các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước để đối sách với từng loại tội phạm.

Tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia thường có trình độ, ngoan cố, lỳ lợm, do vậy để đấu tranh thành công, điều tra viên phải đưa ra tài liệu, chứng cứ “khoét sâu” vào điểm yếu của đối tượng, buộc đối tượng bộc lộ sơ hở. Quan trọng hơn, điều tra viên phải biết dựa vào nhân dân, “chỉ khi được nhân dân ủng hộ, giúp đỡ và tích cực hỗ trợ thì công an mới hoàn thành nhiệm vụ được giao”, Thiếu tá Hòa chia sẻ.

Những chuyến về bản tìm hiểu tình hình an ninh trật tự.

Từng trực tiếp thụ lý điều tra nhiều vụ án khó, song chuyên án giải cứu cháu bé 4 tuổi bị chính người mẹ bán sang Trung Quốc để lại cho anh nhiều cảm xúc. Vụ án xảy ra cách đây tròn 10 năm. Trần Thị Hương (SN 1975, ở phường Phương Lâm, TP. Hòa Bình) có 2 tiền sự về tội bán dâm, 1 tiền án về tội mua bán trái phép chất ma túy, bản thân đối tượng này nghiện ma túy nặng.

Để có tiền thỏa cơn nghiện, chị ta nhẫn tâm bán chính con đẻ của mình sang Trung Quốc để lấy 15 triệu đồng. Căm phẫn trước hành động táng tận lương tâm của Trần Thị Hương, gia đình đã tố cáo hành vi của thị tới cơ quan chức năng.

Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ án, Thiếu tá Đinh Lê Hòa được lãnh đạo đơn vị phân công điều tra, làm rõ. Anh thấy nhói đau khi đứa trẻ bằng đúng tuổi con mình đã phải lưu lạc nơi xứ người. Anh quyết tâm giải cứu cháu bé trong thời gian sớm nhất để đoàn tụ gia đình. Không quản ngại khó khăn, vất vả, anh cùng đồng đội đi lại hàng chục lần ở Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị biên phòng để phối hợp xác minh.

Qua lời khai của Trần Thị Hương và Bùi Thị Mẹo (SN 1963, trú tại Yên Lập, Cao Phong, Hòa Bình), kẻ trực tiếp giao cháu bé cho đối tượng người Trung Quốc, các trinh sát đã xác định khu vực cháu bé sinh sống ở cảng Phòng Thành, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Tuy nhiên, cháu bé ở khá sâu trong nội địa Trung Quốc nên việc giải cứu gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều phương án giải cứu được đưa ra bàn bạc, đánh giá để lựa chọn phương án tối ưu.

Được sự hỗ trợ của Đồn Công an biên phòng Đồng Tông, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, các lực lượng đã phối hợp giải cứu thành công cháu bé trong niềm vui của gia đình và ban chuyên án. Chứng kiến giây phút cháu bé đoàn tụ gia đình, các thành viên ban chuyên án không khỏi xúc động, nghẹn ngào.

Trong công việc hay cuộc sống đời thường, Thiếu tá Đinh Lê Hòa luôn có tinh thần cầu thị, trách nhiệm với công việc. Anh chủ động đề xuất các sáng kiến cải tiến phương pháp làm việc, nâng cao năng suất và chất lượng công việc. Đảm bảo hồ sơ tố tụng chặt chẽ, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Thiếu tá Đinh Lê Hòa chỉ là một trong những cán bộ yêu nghề, tận tụy với công việc của Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình, góp phần tạo nên một tập thể mà chiến công có thể lặng lẽ nhưng không ít niềm vui. Bởi họ đã mang lại tiếng cười, mang lại hạnh phúc cho nhân dân.

Như Hùng
.
.