Linh thần Yang Mơpú

Thứ Hai, 22/02/2016, 16:25
Xuân về, khi tháng 3 - mùa con ong đi lấy mật sắp đến gần là lúc nhiều tộc người thiểu số trên đất Tây Nguyên bước vào “tháng say tháng quên” với những lễ nghi độc đáo nhuốm sắc màu thuở hồng hoang. Một trong những lễ nghi ấy là tập tục “lao lăi Yang Mơpú” của người Jrai.

Dưới đỉnh núi mù sương, trong tiếng gió rừng xào xạc, già làng Rơ-chăm Sor, ở làng Plei Dj Riêk (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) giải thích Yang Mơ-pú là vị linh thần phù hộ sức khỏe cho tộc người mình. Khi gia chủ thực hiện lễ nghi này với lòng thành kính và những phẩm vật dâng cúng, bản thân họ và thân nhân sẽ được Yang Mơ-pú tiếp sức, ban cho sức khỏe, an lành…

Người Jrai sống tập trung đông ở tỉnh Gia Lai, đặc biệt tại các chuyện Chư Pưh, Chư Pảh, Chư Sê và Đức Cơ. Dù sống ở đâu thì trong tâm tưởng của tộc người này, Yang Mơ-pú là vị linh thần tối thượng giúp họ có đủ sức mạnh chống lại những hà khắc, hiểm nguy của tự nhiên giữa chốn rừng già… Thế nên, lễ cúng thần sức khỏe Yang Mơ-pú rất được người bản xứ chú trọng.

7 ché rượu - phẩm vật không thể thiếu được trong lễ cúng Thần Sức khỏe.

Già làng Rơ-chăm  Sor bật mí khi con trai con gái ở làng đến tuổi trưởng thành, gia đình nào cũng tiến hành lễ cầu cúng Yang Mơ-pú những mong thần chở che, ban cho con cái của mình được khỏe mạnh… Cùng với những phẩm vật dâng cúng lạ kỳ như lưỡi rìu, vòng đeo tay, chuỗi hạt cườm, đèn sáp ong, lợn thiến…, lễ nghi cầu cúng vị thần sức khỏe Yang Mơipú còn có sự hiện diện của nhiều món ăn cổ truyền, có lễ phục Jrai truyền thống và đặc biệt hơn, có tiếng chiêng kơđơ và những điệu xoang huyền hoặc!

Vị thần… quyền năng

Trong lễ nghi đời người cũng như trong đời sống thường nhật, người Jrai thờ cúng nhiều vị linh thần kể từ khi đứa trẻ chào đời đến lúc trở thành người già về với đất. Bên bếp lửa bập bùng xua tan cái giá lạnh của núi rừng đầu xuân, già Sor liệt kê "tên tuổi" của những vị thần luôn hiện diện trong tâm khảm tộc người mình từ hàng trăm năm qua như Yang Tơkeng, Yang Yun, Yang Hra… và Yang Mơ-pú. Mỗi vị thần có quyền năng riêng và những quyền năng ấy, theo những người già Jrai đều mang tính định đoạt sự sống, sức khỏe, sinh mệnh của đứa trẻ kể từ khi nó còn nằm trong bụng mẹ đến lúc chào đời, lớn lên, lấy chồng lấy vợ, già nua và… chết!

Già Sor năm nay đã ngoài 80 mùa rẫy nhưng vẫn giữ được sức vóc đại thụ với đôi mắt sáng của loài chim cú và đôi chân khỏe mạnh, vững chãi trên núi đồi hao hanh như loài linh dương. Trò chuyện về những linh thần trong lễ nghi đời người của tộc người mình, già Sor giải thích Yang Tơkeng hiểu theo tiếng bản xứ là "thần sinh đẻ". Đây là vị thần hộ mệnh cho các sản phụ lúc lâm bồn được "mẹ tròn con vuông" như cách nói của người đồng bằng. Còn Yang Yun cũng vậy. "Khi đứa trẻ sinh ra, nó chưa có linh hồn. Muốn nó thành người, ông cha bà mẹ phải làm lễ cúng Yang Yun cho hồn nhập vào đứa trẻ" - già Sor, giải thích.

Lối vào làng Ring.

Về linh thần Yang Hra, theo nghệ nhân cồng chiêng Nay Phai (ở thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa), vị linh thần này hiện diện trong vòng đời của đứa trẻ khi nó trải qua lễ nghi thổi tai, tiếng bản xứ gọi là "pơhet tơngia". Lễ thổi tai chỉ được cha mẹ đứa trẻ thực hiện khi con được 3 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi.

Lễ nghi này hàm ý nhiều ý nghĩa, trong đó nổi bật là thông điệp gửi đến dân làng về sự hiện diện của đứa trẻ rằng nó đang từng ngày lớn lên và khôn lớn, nó cần lắm sự đùm bọc, chở che của gia tộc và cộng đồng: "Sau lễ thổi tai được một tháng, ông cha bà mẹ làm cho đứa nhỏ cái ngă-kông (còng đeo tay, người Jrai tin vị thần bản mệnh phù hộ đứa trẻ sẽ trú trong chiếc còng linh thiêng này-PV). Trước khi được đeo vào tay đứa trẻ đánh dấu bước trưởng thành của nó, chiếc còng sẽ trải qua nghi thức cúng linh thần Yang Hra có thể hiểu là vị thần bản mệnh, hay thần nuôi con người…".

Các già làng Jrai trò chuyện, trong lễ nghi dâng cúng những vị linh thần kể trên, nghi thức cúng thần sức khỏe Yang Mơ-pú của người Jrai long trọng hơn cả, vì đây là vị linh thần có tầm ảnh hưởng lớn với tộc người. Lễ nghi này thường được các gia đình khá giả tổ chức với những điều cấm kị nghiêm ngặt và phẩm vật dâng cúng Yang Mơ-pú cũng hết sức lạ kỳ! Người Jrai tin chỉ có như thế thì con cái và những người thân trong gia đình mới được Yang Mơ-pú ban cho sức khỏe chống chọi với thiên nhiên, kẻ thù và làm ra được nhiều của cải!

Phẩm vật dâng thần

Tìm hiểu về linh thần Yang Mơ-pú, từ bộc bạch của các già làng Jrai, mới biết từ thuở xa xưa, tổ tiên tộc người đã xem Yang Mơ-pú là linh thần biểu trưng cho sức mạnh quyền năng không quái vật, thế lực ma quỷ nào có thể chiến thắng được thần. Nếu cha mẹ đứa trẻ có lòng thành thể hiện qua các lễ vật dâng cúng, linh thần Yang Mơ-pú sẽ ban cho nó và những người thân trong gia đình sức khỏe phi thường và sự gan dạ để chống thú dữ, kẻ thù, sơn lam chướng khí…

Lễ vật dâng cúng Yang Mơ-pú thường gồm có cặp gà (trống và mái), con lợn thiến (hoặc dê, với nhà có điều kịên thì cúng cả lợn và dê-PV), ghè rượu, bát cơm, bát rượu. Già làng Rơ-chăm Ksor trả lời không chút đắn đo, như thế. Rồi già giải thích rõ ghè rượu, bát cơm bát rượu cả thảy phải gồm 7 cái: "7 ché rượu nè, 7 cái bát nè". Lễ vật còn có cái khố, cái khiên, khăn đội đầu, quả bầu (khô-PV), bát gạo (để cắm  đèn làm từ sáp ong-PV), bát nước…

Trong lễ nghi cúng thần sức khỏe Yang Mơ-pú, không phải làng nào cũng như làng nào. Với người Jrai Tbuăn ở 2 huyện Chư Prông và Đức Cơ (sống dọc biên giới Việt Nam-Campuchia), tùy làng mà lễ vật có thể có thêm  7 quả chuối, 7 vòng đồng đeo tay hay 7 chuỗi hạt cườm (đeo cổ-PV). Nhưng dù như thế nào, dù ở mỗi làng lễ vật có nhiều ít khác nhau nhưng đặc biệt là không thể thiếu lưỡi rìu mà người bản xứ tin có thần rìu với sức khỏe kinh hồn luôn trú ngự trong đó! Và khi cúng, thầy cúng bao giờ cũng vừa khấn, vừa nhỏ rượu hòa tiết con vật hiến sinh (heo hoặc dê) lên lưỡi rìu với hàm ý thứ "nước thánh" này sẽ tẩy uế, xua đuổi quỷ ma, những xui xẻo cùng bệnh tật tồn ẩn trong cơ thể của người được cúng.

Nghệ nhân Nay Phai.

Lời khấn thần sức khỏe Yang Mơ-pú mà có lần người viết tham dự tại làng Ring của người Jrai ở xã H'Bông (huyện Chư Sê) có những đoạn như sau: "… Ngày sinh đẻ đã qua, con tôi nay khôn lớn/ Tôi cúng con heo thiến, 7 ghè rượu lớn…./  Cho con tôi đi rừng thú rừng không dám ngó tới/ Cho con tôi qua sông vẫn bình thường/ Trèo lên núi chân cứng như sắt/ Đặt chân vào gai gai đâm không được"…

Theo hồi ức của các già làng, ngày trước lễ cúng thần sức khỏe Yang Mơ-pú thường kéo dài 3 ngày và trong thời gian ấy, toàn thể dân làng cùng gia chủ ăn uống no say. Nghệ nhân Nay Phai tiết lộ, tuy việc cúng thần sức khỏe là chuyện riêng của mọi gia đình nhưng như lễ bỏ ma (còn gọi Pơthi, hay bỏ mả), chuyện buồn vui riêng của một nhà cũng là chuyện chung của dân làng, nên mọi người tùy điều kiện mà người mang ché rượu, con gà, buồng chuối, con cá bắt ở suối… để góp và chung vui cùng gia chủ…

Những cấm luật muôn đời

Lễ nghi cúng thần sức khỏe Yang Mơ-pú của người Jrai bao giờ cũng diễn ra ở 2 địa điểm là tại nhà của người được cúng và tại bến nước của làng. Đêm sâu, trong men rượu thơm nồng hương lúa rẫy, trong quá trình diễn ra lễ cúng thần, gia chủ và khách tham dự là dân làng phải nhất nhất tuân theo luật tục được cha ông quy định qua bao đời, gia chủ và người được cúng phải mặc đồ truyền thống như đóng khố, đầu chít khăn, đi dép da trâu, đeo bầu nước…

Già HDơk (xã Ia Dom) lưu ý trong quá trình thầy cúng đọc lời khấn Yang, người được cúng phải ngồi sát ghè rượu chính (trong 7 ghè rượu dâng cúng Yang được cột vào cây treo cắt thẳng giữa nhà theo hàng ngang, có ghè rượu chính được cắm sẵn 3 cần rượu, trên ghè rượu có treo thịt - PV), chân phải đặt lên lưỡi rìu để được thần ban cho sức mạnh!

Không dừng lại ở đó, nghi thức cúng thần sức khỏe Yang Mơ-pú của người Jrai còn có điểm lạ khác là sau khi cúng tại nhà gia chủ, thầy cúng sẽ mở đường ra giọt nước (bến nước - PV) cho người được cúng tắm rửa đặng gột sạch những bệnh tật, xú uế còn ẩn trong người? Trong quá trình dịch chuyển này, đi sau người được cúng là một thanh niên lực lưỡng vác kiếm để hộ vệ trong tiếng chiêng giòn giã, thúc giục vang dội núi rừng. Tắm xong, về lại đến tư gia, trong lúc dân làng và mọi người mặc sức ăn uống, vỗ chiêng, nhảy xoang thì người được cúng phải thức thâu đêm suốt sáng để tỏ lòng thành kính với Yang Mơ-pú…

Già làng thực hiện lời khấn thần sức khỏe Yang Mơ-pú.

Trong quá trình cúng Yang, mọi người tham gia không được xích mích, không được gây chuyện. Như vậy làm mọi người mất vui. Mà làm Yang giận, Yang không ban sức khỏe mà còn quở phạt nặng, làm cho đau yếu, bệnh tật…

Theo già H'Dơk, nếu trong quá trình diễn ra nghi lễ, ai đó vi phạt cấm lệnh trên sẽ bị dân làng trói như trói heo, rồi làng sẽ phạt vạ, bắt bồi thường bằng số lễ vật tương đương số lễ vật mà gia chủ dâng cúng cho Yang. Rồi tùy làng mà người vi phạm còn bị phạt heo, phạt dê, phạt rượu để tạ tội với gia chủ, dân làng! Hỏi từ trước đến nay có ai từng bị phạt như thế, các già làng ôm bụng cười khùng khục, rồi bảo chưa từng xảy ra vì ai cũng… sợ phạt, vừa tốn kém lại vừa xấu hổ với người thân, dân làng.… nên say xỉn thì ngủ, tỉnh dậy lại ăn uống vui chơi, không dám quậy!

Cũng theo già H'Dơk, trong việc bày biện lễ vật cúng Yang, không được bày biện tùy tiện, mà phải bày đặt đúng nơi đúng chỗ hẳn hoi. Theo đó, lễ vật phải được đặt ở phía mặt trời mọc của cửa phụ trong gia đình. Khi đi tắm, người được cúng phải rời nhà ra bến nước từ lúc gà bắt đầu gáy sáng bất kể trời có giông gió bão bùng ra sao…

Già H'Dơk cũng phân tích rằng, quanh việc cúng Yang Mơ-pú, có hai hình thức cúng là lễ cúng thần sức khỏe và lễ cầu sức khỏe: "Lễ cầu cúng cho con cái đến tuổi trưởng thành được khỏe mạnh. Lễ cúng thần Yang Mơ-pú thường là gia đình cúng cầu thần mang lại sức khỏe cho mọi người trong gia đình". Và dù mục đích cúng có khác nhau thì trong cả hai lễ nghi trên đều có điểm chung là trong quá trình cúng, thầy cúng bao giờ cũng xướng tên linh thần Yang Mơ-pú trong sự kính trọng tuyệt đối!

Đi qua các buôn làng của người Jrai, từ trong không khí hội vui ấy, và nhất là từ tâm tình của những người già, khách đường xa cũng phần nào cảm nhận được không khí trang nghiêm, nhuốm màu huyền hoặc của lễ nghi đặc biệt này. Và cũng đồng thời, cảm nhận được nhiều ưu tư trăn trở của những người già khi luật tục có từ ngàn xưa đang ngày mai một dần theo thời gian, năm tháng vì nhiều nguyên nhân, nhưng cái chính vì lòng thành mà lớp người trẻ dành cho vị linh thần Yang Mơ-pú giờ đây không sâu nặng như lớp cha ông mình, phải chăng là vì họ đã có nhiều điều khác để tin, đủ để vướng bận hơn là tuyệt đối tin vào sự tồn tại của vị linh thần quyền năng này?

Thành Dũng
.
.