Loạn "cẩm nang dạy tự tử": Cơn lốc đen cần ngăn chặn

Thứ Năm, 12/07/2012, 15:35

Gặp những bế tắc trong cuộc sống hay chỉ đơn giản bị người yêu bỏ, bị bố mẹ rầy la, sức học giảm sút…, thay vì mạnh mẽ đối đầu với sự việc thì nhiều chàng trai, cô gái chọn giải pháp kết liễu đời mình cho… nhẹ nợ. Và trong vô số kiểu tự giết chính mình với các hình thức phổ biến của lắm kẻ chán sống, người ta nhận thấy có những cái chết trẻ mang dáng dấp học theo các cẩm nang dạy tự tử vốn dĩ tràn lan trên thế giới ảo. Một người đang có những tâm sự buồn, đang chán đời mà rơi vào hố đen của những trang web ngồn ngộn các bày vẽ quyên sinh với vô số lời kêu gọi ruồng bỏ cuộc sống để đến miền cực lạc thì quả là… đại tai họa.

1001 kiểu dạy kết liễu mạng sống

"Bạn đang gặp bế tắc hay rắc rối về tình yêu và cuộc sống.

Bạn đã đến lúc chán ghét tất cả và muốn tìm cho mình một góc riêng, một thế giới riêng mà từ đây bạn sẽ quên đi tất cả, sẽ được giải thoát khỏi mọi nỗi đau… Đáp ứng nhu cầu ấy của bạn, mình xin mở cho các bạn một lớp trực tuyến miễn phí dạy tự tử. Sau đây là một số hướng dẫn giúp bạn toại được ý nguyện"…

Trên thế giới ảo, những kiểu dẫn dụ, gọi mời, chia sẻ cho nhau các cách thức tự tử kiểu như thế này… nhan nhản. Và cứ sau những tiêu đề dẫn dụ "bạn chán sống và muốn tìm đến cái chết", "bạn chẳng thiết tha gì ở cuộc đời này và muốn vĩnh viễn ra đi", "đấng sinh thành không hề quan tâm đến sự tồn tại của bạn thì bạn sống để làm gì?"…, chủ nhân của các cẩm nang dạy tự tử thi nhau bày vẽ, phân tích các mặt “ưu, khuyết” của từng phương pháp tự kết liễu mạng sống: "Tự thiêu thì hơi bị kinh khủng ở chỗ nhiều khi hổng chết mà bị bỏng nặng thì đau đớn ngàn lần… Còn khuyết điểm của treo cổ thì gớm giếc lắm, (rồi tả hình ảnh rùng rợn của xác chết treo cổ)… Nếu không biết bơi thì nhảy sông cũng hay nhưng ngặt nỗi thường thì mấy ngày sau xác mới nổi lên, lúc đó xác trương sình, hôi thối…".

Đảo qua những cẩm nang hướng dẫn quái đản, bày vẽ cách thức tự tử vốn tràn ngập trên thế giới ảo, có thể phân chia thành 2 trường phái dạy con người ta tìm đến cái chết. Trường phái thứ nhất sặc mùi cảm giác mạnh bày vẽ nhảy lầu, nhảy sông… Nếu "thân chủ" không đủ can đảm tìm đến cái chết bằng những cách ấy bởi sợ thân xác dị dạng, gớm giếc, họ sẽ được hướng dẫn tìm đến trường phái thứ 2 được "quảng cáo" nhẹ nhàng, êm dịu.

Trong vô số cẩm nang online chỉ dẫn cách thức tự giết chính mình, nổi đình nổi đám hiện nay chính là "màn" hướng dẫn tự tử bằng cách nhốt mình trong phòng kín. Trên một trang web, chủ nhân của một cẩm nang dạy tự tử, phân tích, chỉ dạy cặn kẽ cách thức để một kẻ chán đời chết mà thân xác "vẫn đẹp", chết mà cứ như đang ngủ: "Nếu muốn sự ra đi của mình êm đẹp như một bản tình ca, nghĩa là khi chết mà thần sắc, thân xác bạn vẫn tươi roi rói, bạn hãy áp dụng cách thức sau đây, (rồi dẫn dụ, bày vẽ cách "chết nhẹ nhàng").

Đáp ứng nhu cầu chán sống của những kẻ bi quan, hàng loạt website, cẩm nang dạy tự sát bằng ngôn từ và hình ảnh trực quan ra đời.

Thú tiêu khiển chết chóc… leo thang

Dấn sâu vào thế giới của cái gọi là cẩm nang kinh dị về dạy tự tử, người viết nhận thấy nhiều đứa trẻ xem chuyện bày vẽ, chỉ dẫn ai đó tự kết liễu đời mình là thú tiêu khiển thời thượng nên vào cuộc rất phấn khích. Có đứa còn ví mình là "chuyên gia", là "nghệ nhân" chuyên về lĩnh vực... tự tử. Và cũng vì những lý do đó mà đám "chuyên gia chết chóc" này vắt óc, dồn tâm huyết trong việc nghiên cứu các cách thức chỉ dẫn ai đó quyên sinh. Điểm qua vài trang web kiểu này, xám hồn trước những mỹ từ hướng dẫn tự sát như "đất dầm thấm lâu", (cho thuốc độc vào vết thương), "hỏa phụng tiên" (tự thiêu), "sấm chớp vang trời" (bằng điện), v.v…

Đình đám nhất hiện nay là tuyển tập cẩm nang dạy tự tử của Phi Hùng, sinh viên năm nhất trường đại học M. Trên facebook của mình, Hùng liệt kê 7 kiểu tự kết liễu đời mình bằng bài thơ con cóc có vần điệu hẳn hoi với chú giải để ai đó "dễ thuộc lòng" đặng khi cần chết thì nhớ đó mà áp dụng: "… Nhảy lầu/ Đâm đầu cho xe nó cán/ Đứng trên tấm ván gieo mình xuống dòng sông sâu/ Uống thật nhiều thuốc chữa đau đầu (có lẽ là thuốc ngủ-PV)/...

Không dừng lại ở những ngôn từ chỉ dẫn cách thức tự sát, gần đây nhiều đứa trẻ thích chuyện chết chóc còn râm ran, chuyền gửi link (đường dẫn) cho nhau về những giáo trình tự tử có kèm hình ảnh minh họa hẳn hoi. "Nghía" qua một trong vô số giáo trình dạy tự tử bằng tranh như thế, không thể không rùng mình trước những sê-ri ảnh mô phỏng tường tận các "kỹ thuật" treo cổ từ quá trình chọn dây, thắt dây, đưa cổ vào thòng lọng!

Tràn lan những tự sự chán đời muốn chết của nhiều chàng trai cô gái.

Hội chứng rủ nhau… cùng chết!

Như sự xâm chiếm một thời của web sex, web bạo lực…, nay đến lượt các trang web dạy tự sát với vô số cẩm nang, giáo trình chỉ dẫn con người ta kết liễu đời mình đã và đang đầu độc ngày càng nhiều đứa trẻ. Bằng chứng là chỉ cần vào trang công cụ tìm kiếm toàn cầu Google gõ từ khóa "dạy tự tử", chúng tôi thu được 3.080.000 kết quả. Nhưng khi gõ cụm từ "dạy sống đẹp", con số "thu về" rất khiêm tốn, chỉ 1.320.000 kết quả.

Cũng từ những cẩm nang dạy tự sát ấy, gần đây người ta thấy bóng hình của những lời thủ thỉ, kêu gọi, mời rủ nhau cùng chết tập thể: "Mình gặp rất nhiều chuyện buồn nên chẳng thiết tha gì sự sống. Sống mà không vui thì sống làm gì. Nếu bạn nào có cùng tâm trạng thì hãy chủ động liên lạc với mình nhé. Chúng mình sống chết có nhau".

Trên rất nhiều trang mạng xã hội, không quá khó để bắt gặp những dòng tự sự chán sống và rủ rê cùng nhau kết liễu đời mình như thế. Bên cạnh những lời khuyên, những chỉ trích, người viết cũng ngợp trước những lời khích lệ, hưởng ứng của lắm đứa trẻ chán đời, nhận thức lệch lạc: "Mình có cha có mẹ mà cũng như không. Mình có gia đình mà nhiều người gọi là tổ ấm nhưng với mình nó là địa ngục. Bởi chỉ có địa ngục người ta mới mạnh ai nấy sống, đày đọa nhau. Ngày nào mà không chỉ trích, không thóa mạ nhau hình như ông bà bô (bố mẹ) của mình ăn hổng ngon, ngủ hổng đã giấc hay sao ấy… Thiệt  tình là mình chán sống lắm rồi. Bạn ở đâu hãy cho mình địa chỉ, mình sẽ đến với bạn. Chúng mình có gì phải quyến luyến cuộc đời này đâu". 

Ai dám đảm bảo sau những dòng tâm sự này, những đứa trẻ chán sống sẽ không gặp nhau và cùng rủ nhau… đi chết?!

Sau khi phân tích những cẩm nang chết chóc đang xâm chiếm tinh thần của những thanh niên nam nữ vốn dĩ có mái ấm gia đình không hạnh phúc, đổ vỡ…, Mai Hương, nữ sinh viên năm thứ 2 trường đại học M. từng soạn và "tung" cẩm nang dạy tự tử, kể lại rằng trong cái cảnh buồn chán chuyện nhân tình thế sự, cô đã từng muốn quyên sinh theo như chỉ dẫn của cẩm nang dạy tự tử nhưng không dám: "Để mình có thể mạnh mẽ hơn, em lên mạng nhắn tìm bạn đồng hành để cùng lên thiên đường và nhận rất nhiều conment (phản hồi) hưởng ứng. Có hội nhóm rồi, tụi em bàn nhau rất nhiều cách để tự tử và sau cùng cả nhóm quyết định chọn cách nhốt mình trong phòng kín cho chết ngạt từ từ. Cách thức này vốn rất phổ biến tại Nhật".

 Giữa lúc quyết định làm cái việc rồ dại thì may sao một người thân của Mai Hương phát hiện và kịp thời ngăn chặn. "Nhưng không phải ai cũng được may mắn như em" - cô nữ sinh thổ lộ và nhắc đến cái chết cách đây hơn 1 năm của 9 thanh niên trên đường Nguyễn Văn Hới, thuộc địa phận phường Cát Bi, quận Hải An, thành phố Hải Phòng. Điều tra của cơ quan chức năng cho thấy 9 nam nữ thanh niên chết ngạt với lý do sau khi tụ tập ở một quán bar đã trở về nhà tại địa chỉ trên sử dụng ma túy tổng hợp. Để phê thuốc, nhóm này đưa xe ôtô biển số 16M-0066 vào phòng kín mở đèn và loa để tạo ảo giác mạnh và chết vì ngộp.

Cơn lốc đen khó ngăn chặn

Những "giáo trình dạy tự tử" nguy hiểm là vậy nhưng điều đáng lo ngại là chúng ngày càng phổ biến, lôi kéo ngày càng nhiều đứa trẻ chán sống, chán đời… tham gia ứng dụng trên phạm vi rộng. Và không dừng lại ở những người trẻ tuổi, web dạy tự tử với những giáo trình ma quái ấy còn biến nhiều người có công việc ổn định, có cuộc sống gia đình hạnh phúc, sức khỏe tốt… đang lang thang trên mạng lạc vào và dần bị tác động. Khi có lý do tiêu cực nào đó, những người này không nghĩ đến yếu tố tích cực để giải quyết mà nông nổi chọn cách kết liễu đời mình, để lại bao khổ đau cho người thân và xã hội!

Anh Phương Minh, một chuyên gia tâm lý khẳng định: Trào lưu tung cẩm nang hướng dẫn cách tự sát bắt nguồn tại Trung Quốc và nạn lên mạng rủ nhau cùng tự tử tập thể vốn dĩ rất phổ biến trong giới trẻ Nhật. Do không được ngăn chặn, kiểm soát nên trào lưu độc hại ở 2 quốc gia này như dòng chảy độc ngấm dần sang đời sống tinh thần của giới trẻ Việt Nam. "Những kẻ lập nên trang web tự sát, viết những giáo trình bày vẽ chuyện kết liễu sinh mạng là phi nhân tính, trái với luân thường đạo lý, truyền bá lối sống thiếu lành mạnh" - một chuyên viên tư vấn  tâm lý khác, chỉ rõ: "Chỉ khi nào chúng ta nhìn nhận rằng việc phổ biến các cẩm nang tự tử, khuyến khích mọi người giết chính bản thân họ là tội ác thì khi ấy chúng ta mới có thể ngăn chặn hiệu quả loại tệ nạn này".  

Làm sao để ngăn chặn các "giáo án", "cẩm nang" dạy tự sát cũng như làm cách nào để ngăn chặn những trang web truyền bá loại "giáo trình chết chóc" là điều đáng để suy ngẫm?!

Kiểu “dạy dỗ” khủng khiếp

Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Chuyên gia Tâm lý.

Có thể nói rằng thông tin trên một số trang web đang thực sự nhiễu loạn và kiểu thông tin huấn luyện, chia sẻ, dạy dỗ... khủng bố thế này là một ví dụ. Xét về mặt truyền thông, những thông tin kiểu này sẽ đem đến một cái nhìn phiến diện, bi quan và thậm chí là tiêu cực về cuộc sống. Khi người đọc chưa phải là những người bản lĩnh, họ hoàn toàn có nguy cơ biến những thứ ấy trở thành kinh nghiệm và một lúc nào đó, khi cảm xúc lên ngôi, sự suy nghĩ cảm tính và chủ quan sẽ đẩy họ vào thế tâm lý "chụp ảnh" phản ứng và điều tệ hại nhất hoàn toàn có thể xảy ra.

Xét về mặt nhân văn, những kiểu thông tin thế này có nguy cơ hủy hoại đời sống của một con người hay nói khác đi là không có tính nhân văn. Một thông tin, một liều tri thức, một hình ảnh đều có những tác động lớn lao đến con người. Cái chết, sự sống hay định hướng của cá nhân con người có thể bị ảnh hưởng nên xét dưới góc độ con người, đó là những hành động thiếu tính nhân văn

Gia đình, các cơ quan truyền thông cần "chạy đến", "chạy cùng", "chạy trước" con mình để hiểu được những kiểu "dạy dỗ" khủng khiếp này để có những tác động mang tính chất tương hỗ. Vấn đề không phải chỉ là quản lý mà còn trao đổi thẳng thắn với con, tâm sự một cách nghiêm khắc, tạo ra những thanh chắn an toàn về hành vi và cảm xúc để con trẻ có thái độ và hành vi tích cực bước vào cuộc sống...

Thành Dũng
.
.