Logic của lòng tử tế

Thứ Bảy, 05/06/2021, 14:15
Bao năm qua, Đạo chỉ ước có một ngày đi tìm các bé và trở về tay không. Đạo mong muốn không phải tiếp tục làm công việc đầy ám ảnh này nhưng cậu lại không thể quyết định được điều đó. Người quyết định không ai khác phải là mẹ của những hài nhi kia. Họ đừng vô trách nhiệm, đừng nhẫn tâm như thế, họ hãy suy nghĩ thấu đáo hơn, có lối sống lành mạnh hơn để không mang tội với giọt máu của mình.


“Em thấy buồn, chị ạ. Mặc dù vụ việc phát hiện 1.300 xác thai nhi trong tủ đông do chúng em gom nhặt đã được các cơ quan chức năng xác định là không có dấu hiệu hình sự, việc làm của nhóm em được ghi nhận là thiện nguyện nhưng em vẫn thấy lòng mình nặng trĩu. Vẫn biết đó là thử thách đo tâm đức chúng em nhưng làm thiện nguyện chưa bao giờ là điều đơn giản, nhất là những việc “dễ sợ” như chúng em đang làm” - Nguyễn Trọng Đạo, một trong những thành viên của nhóm người đi thu nhặt xác thai nhi đã nói với tôi như thế...

Bao năm qua, Nguyễn Trọng Đạo và các tình nguyện viên đi gom xác thai nhi trên các tuyến phố Hà Nội.

Đánh cược cả mạng sống

Vụ việc mà Đạo và nhóm tình nguyện gặp phải hiện tại khiến tôi nhớ đến một buổi tối mùa đông năm 2019, chính tôi theo chân nhóm thiện nguyện để tận mắt chứng kiến những việc làm dị thường và đầy ám ảnh của họ. Cho đến giờ, với tôi, đó vẫn là khoảng thời gian không thể nào đứt đoạn trong trí nhớ.

19h hôm ấy, trời tối sẫm, lạnh tê tái, tôi có mặt tại điểm hẹn. Khi nhóm của Đạo chia nhau tỏa đi nhiều hướng gom xác thai nhi, tôi đi cùng họ đến một bệnh viện. Từ phòng trực, cô y tá dường như đã quá quen, trao chiếc hộp và nói: “Nhờ anh lo cho các bé, có 3 bé anh ạ”. Cả người trao và người nhận đều khẽ khàng và thận trọng khi mang trên tay những hình hài đã lìa cõi thế, như sợ làm các bé đau thêm.

Rời bệnh viện, tôi theo nhóm qua nhiều tuyến phố Hà Nội, đến những phòng khám sản khoa, qua những bãi rác, chứng kiến cảnh họ bới tìm xác thai nhi. Gần 12h đêm, nhóm của Đạo tập trung tại một góc ngã tư, gom những xác hài nhi lại, kiểm đếm và ghi số lượng. Tôi vẫn nhớ quyển sổ dày cộp và sờn rách ghi chi tiết từng ngày, ngày nào cũng 40-50 ca.

Thời điểm đó, Đạo và nhóm thiện nguyện bỏ công đi gom nhặt xác thai nhi về tẩm liệm và chôn cất đã vài năm. Từ đó đến nay, họ vẫn kiên trì làm những chuyện “bao đồng” này. Vụ việc 1.300 thai nhi bất ngờ được nhiều người biết đến, báo chí đưa tin dồn dập mấy ngày qua đâu phải là “vấp váp” đầu tiên mà nhóm của Đạo gặp phải. Để đeo đuổi công việc thiện nguyện lạ lùng này, Đạo từng gặp không ít rắc rối, vướng mắc không thể giải tỏa, thậm chí có lúc phải đánh cược với mạng sống của mình.

Chính bố mẹ Đạo thời gian đầu khi biết con mình làm những việc “chẳng giống ai” cũng quyết liệt phản đối. Nhưng, ngăn thế nào cũng không được, thấy Đạo làm một cách tận tình, không kêu ca, dần dần bố mẹ cũng quen đi. Để tránh lời dị nghị của những người ác ý và không muốn bố mẹ phải lo lắng, Đạo kín tiếng về những việc mình làm. Trong một lần đi tìm kiếm thai nhi năm 2017, khi mở bịch nilon rác, Đạo đã bị kim tiêm đâm vào tay chảy máu. Thời gian sau đó, Đạo phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV, người xanh xao, sút cân nhanh chóng nhưng công việc gom các bé thì cậu quyết không bỏ ngày nào. May mắn, Đạo đã an toàn.

Những ngày mưa ngập, Đạo vẫn cố gắng làm công việc thiện nguyện lạ lùng này.

Tối 19-11-2019, khi trận bóng đá Việt Nam - Thái Lan vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á đang diễn ra nảy lửa, thì trên chiếc xe máy cà tàng, Đạo và một tình nguyện viên vẫn rong ruổi trên đường Phùng Hưng (Hà Đông) với công việc thường lệ. Không may, Đạo va chạm với một phụ nữ đi xe máy vượt đèn đỏ. Chị này hùng hổ chửi bới và đạp mạnh vào yếm xe, chiếc hộp đựng thai nhi rơi xuống đường vỡ toang, xác hài nhi vương vãi. Đạo cuống quýt gom nhặt lại. May sao, người dân và các đồng chí cảnh sát giao thông đến kịp thời.

Biết việc thiện tâm mà Đạo đang làm, ai cũng cảm động, gom góp mỗi người một chút tiền để hai tình nguyện viên kịp ăn bữa tối và đưa họ về nhà trọ an toàn. Được bênh vực và giúp đỡ, Đạo thấy vững tâm hơn để tiếp tục thực hiện công việc của mình. 

Có những ngày mưa ngập ở Hà Nội, Đạo bì bõm trong nước đến các địa điểm quen thuộc. Điều duy nhất Đạo lo lắng là nếu đến trễ, cơ hội nhặt các bé về sẽ vuột mất trong tích tắc, những hình hài, giọt máu sẽ lẫn vào rác, vào nước và tan biến trong đau đớn. Thế nên, mưa mấy cũng đi, rét mấy cũng đi, cả nhóm chấp nhận vất vả và hoàn toàn tự nguyện. Bởi vậy nên suốt những ngày qua, khi các cơ quan chức năng tiến hành xác minh, làm rõ vụ việc theo đúng thủ tục pháp lý, điều Đạo lo nhất là không bảo vệ được những hài nhi xấu số, không lo được hậu sự cho các con như thường lệ bao năm qua. May mắn, cho đến giờ này, các bé vẫn được bảo quản an toàn.

Nhóm thiện nguyện của Đạo được người dân và các đồng chí công an hỗ trợ trong vụ va chạm giao thông tối 19-11-2019 khi đi gom nhặt thai nhi.

“Có người bảo em bị điên”

Trong suốt cuộc hành trình bền bỉ nhặt xác thai nhi những năm qua, đã không biết bao lần Đạo “bị chất vấn” với vô vàn những câu hỏi đầy nghi ngờ lẫn hoang mang. Không ít người bảo Đạo bị điên, lại có người hỏi Đạo nhận được bao nhiêu tiền từ công việc này. Những lúc ấy, Đạo chỉ im lặng, không thanh minh. Bởi việc Đạo làm là hoàn toàn miễn phí, vì cảm thấy như mắc nợ những sinh linh xấu số, như một định mệnh không thể khác. 

Lại có người bảo, những hài nhi đã bị cự tuyệt quyền làm người thì thu gom về làm gì, bảo quản và chôn cất làm gì? Sao có thể làm khác được, bởi Đạo học giáo lý hằng ngày nên hiểu được sự sống là đáng quý. Các bé đã bị tước quyền sống, bị vứt bỏ, chả lẽ còn không có nổi một chỗ an nghỉ. Bởi vậy, trong căn phòng trọ của Đạo luôn có sẵn găng tay, vải xô trắng, hộp nhựa, cồn,... những thứ thiết yếu để cả nhóm lặng lẽ tắm rửa, gói ghém từng bé cuối mỗi ngày trước khi bảo quản trong tủ đông. Có người rùng mình khi nghĩ đến cảnh ấy, hoài nghi rằng Đạo không thấy sợ sao? Đạo bảo, công việc đã thành quen nên không hề cảm thấy ghê tay khi khâm liệm cho các bé. Đạo chỉ thấy rùng mình khi nghĩ đến sự vô tâm của những người mẹ nỡ hủy hoại con mình.

Có người hỏi nhóm thiện nguyện rằng sao lại bảo quản số lượng lớn xác thai nhi trong tủ đông qua nhiều ngày? Dễ hiểu thôi, vì nhóm thiện nguyện không đủ tiền, thời gian và công sức để ngày nào, tuần nào cũng đi an táng các bé ở một nghĩa trang Công giáo cách Hà Nội hơn trăm cây số. Họ đành gom lại và bảo quản trong tủ đông để cuối mỗi tháng vận chuyển đi chôn cất. Lại có người hỏi sao không hỏa táng các con? Họ không hiểu rằng muốn hỏa táng tại đài hóa thân thì cần có giấy chứng tử, mà những ca phá thai thì làm gì có giấy tờ ấy. Rồi có người lại gợi ý tại sao không thiêu các bé trong các lò đốt rác? Còn gì tội nghiệp hơn khi các con được lượm nhặt từ rác, rồi lại dùng lò đốt rác để làm tiêu tan đi những hình hài.

Đạo thấy buồn, tại sao thay vì những câu hỏi phần nhiều do hiếu kì, tò mò ấy, người ta không đi tìm căn nguyên dẫn đến việc làm “cực chẳng đã” này của nhóm thiện nguyện. Rằng sao lại có nhiều thai nhi bị hủy hoại đến vậy. Là do vấn nạn phá thai tràn lan tại các bệnh viện, phòng khám. Phải làm gì để thực trạng nhức nhối này chấm dứt?

Nhóm thiện nguyện tổ chức lễ chôn cất tập thể cho các thai nhi tại một nghĩa trang thiên chúa giáo cách xa Hà Nội.

Bao năm qua, Đạo chỉ ước có một ngày đi tìm các bé và trở về tay không. Đạo mong muốn không phải tiếp tục làm công việc đầy ám ảnh này nhưng cậu lại không thể quyết định được điều đó. Người quyết định không ai khác phải là mẹ của những hài nhi kia. Họ đừng vô trách nhiệm, đừng nhẫn tâm như thế, họ hãy suy nghĩ thấu đáo hơn, có lối sống lành mạnh hơn để không mang tội với giọt máu của mình.

Những trải nghiệm tình người

Điều quý giá hơn, trong nhiều trường hợp Đạo và nhóm thiện nguyện đã tiếp cận được những người mẹ có ý định bỏ con. Bằng những kiến thức và kinh nghiệm thực tế, nhóm của Đạo đã tư vấn, giúp đỡ cho nhiều bà mẹ từ bỏ ý định dại dột, giữ lại đứa trẻ vô tội trong bụng, để chúng được sinh ra và được mẹ ruột nuôi nấng.

Ít ai biết, Đạo và các bạn đồng hành còn có “đàn con thơ” tại một mái ấm nhân đạo. Hằng ngày hằng giờ, cả nhóm vẫn nỗ lực lo từng hộp sữa, từng bộ quần áo, từng cuốn vở cây bút để những đứa trẻ từng ngày lớn lên đỡ thiệt thòi. Ít ai biết công việc hiện tại của Đạo là nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân trên xe cứu thương. Cũng chính nhờ có Đạo mà tôi đã được trải nghiệm một lần ngồi trong không gian đặc biệt ấy.

Bên chiếc băng ca và những dụng cụ y tế để cấp cứu bệnh nhân choán gần hết khoảng không gian chật hẹp đầy lo âu, Đạo đã kể cho tôi nghe về công việc căng thẳng, tất bật của cậu trong mỗi chuyến vận chuyển người bệnh. Tiếng kêu rên của bệnh nhận, tiếng gào khóc của người nhà, tiếng còi cứu thương hú vang vẫn văng vẳng trong tâm trí cậu trai trẻ lúc đêm về.

Cũng ít ai biết, Đạo đang gặp vấn đề về sức khỏe nhưng khi đủ điều kiện là cậu lại tham gia hiến máu. Đến nay, đã 11 lần Đạo trao đi những giọt máu của mình để góp phần nhen lên sự sống cho người bệnh. Những suy nghĩ và việc làm của Đạo và nhóm thiện nguyện mà tôi tận mắt chứng kiến, suy xét kĩ sẽ thấy đều theo một logic thông thường - logic của lòng tử tế.

Ngày 29-5, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) thông tin về vụ việc một nhóm thanh niên cất giấu khoảng 1.300 xác thai nhi trong tủ lạnh. Theo đó sau khi làm việc với nhóm thanh niên này, Cơ quan công an xác định vụ việc không có dấu hiệu hình sự. Trước đó, nhận được tin báo của người dân về hành động của một nhóm thanh niên khoảng 5-6 người thường xuyên đi nhặt xác thai nhi về cất trong tủ lạnh trong một khu nhà trọ tại phường Phú Lãm, Công an quận Hà Đông đã kiểm tra khu nhà trọ, phát hiện có 1.300 xác thai nhi được bảo quản trong tủ đông lạnh.

Sau khi Cơ quan công an lấy lời khai, được biết, nhóm thanh niên trên là một nhóm thiện nguyện thường xuyên tới các phòng khám tư nhân, bệnh viện thu gom xác thai nhi bị vứt bỏ rồi đem đi chôn cất. Thời gian gần đây lượng xác thai nhi thu gom nhiều trong khi nơi chôn cất ở xa nên nhóm này phải bảo quản bằng tủ đông lạnh trước khi chuyển đi mai táng.

Thái Hưng
.
.