Lời kể của một tử tù: Những ngày chờ..."dựa cột"?

Chủ Nhật, 02/05/2010, 15:15
"Tôi xác định là tôi có tội, và bản án tử hình hoàn toàn thích đáng với những hậu quả mà tôi đã gây ra. Nhưng ngay trong giờ phút tuyệt vọng nhất ấy, trong tôi bỗng bừng lên một niềm tin, tin vào sự khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Tôi tin tôi sẽ được ân xá, sẽ thoát án tử hình" - Liên Khui Thìn kể.

1. Nằm chung với Trần Đàm, cả Liên Khui Thìn  lẫn ông Đàm đều thoi thóp chờ ngày ra pháp trường. Dù vậy, nhưng theo lời Liên Khui Thìn thì Ban giám thị và cán bộ quản giáo trại giam vẫn thường xuyên vào thăm hỏi, kiểm tra sức khỏe, động viên ông. Biết ông vừa suy tim, vừa cao huyết áp, lại thêm triệu chứng bệnh tiểu đường nên cứ hễ nghe trong buồng giam Liên Khui Thìn có người gọi, là bác sĩ phụ trách y tế trại lập tức có mặt.

Một trong những người khiến Liên Khui Thìn nhớ nhất, là cán bộ quản giáo Đặng Văn Thương, phụ trách khu AB (khu giam giữ tù nhân mang án tử hình). Ông kể: "Có lần gặp tôi, anh Thương khuyên tôi đừng nên bi quan, tuyệt vọng vì nếu không có niềm tin, tôi sẽ chết trước khi thi hành án".

Chữ "chết" ở đây mang ý nghĩa về mặt tinh thần. (Sau này, năm 2003, cũng chính ông Đặng Văn Thương là người đưa Liên Khui Thìn ra khỏi buồng giam để nghe công bố quyết định ân xá, tha tội chết của Chủ tịch nước). Để giữ vững niềm tin và đồng thời cũng để hạn chế bệnh tật, Liên Khui Thìn đặt ra cho mình một chế độ thể dục. Mỗi sáng, ngay sau khi vừa thức giấc - cũng như trước lúc đi ngủ, ông đặt hai tay ra sau gáy, và ngồi lên  rồi lại nằm xuống.

Ông kể: "Lúc đầu, chỉ làm được 3 lần là cơ bụng tôi đau thắt và đã có lúc, tôi định bỏ cuộc vì đằng nào thì mình cũng chết. Tập hay không tập cũng thế thôi". Nhưng cứ mỗi khi ông định bỏ cuộc, thì câu nói của người cán bộ quản giáo lại vang lên trong đầu ông. Dần dà, ông ngồi lên, nằm xuống được 5 lần, 10 lần, 20 lần. Để chống teo cơ, một chân không bị cùm, ngày nào ông cũng co ra, duỗi vào, giơ lên, hạ xuống.

Ông kể: "Riết rồi ông Đàm nằm bên cạnh cũng bắt chước làm theo tôi. Lắm khi cả hai thi nhau xem ai giơ lên hạ xuống nhiều hơn nên thời gian đỡ tẻ nhạt". Mỗi khi được đi tắm, đi phơi nắng rồi lúc trở lại buồng giam, ông lại xin cán bộ quản giáo cho đổi cùm sang chân kia. Nhằm đề phòng trường hợp phạm nhân tự sát, hoặc sử dụng chén, muỗng đào tường, khoét ngạch trốn trại, mọi dụng cụ phục vụ cho việc ăn uống đều bằng nhựa.

Thìn kể: "Đến bữa, tôi ăn  rất chậm rãi. Muỗng cơm đưa vào miệng, tôi nhai cho đến khi nó nát nhừ ra như cháo rồi mới nuốt”. Đôi lúc, Trần Đàm mời ông dùng chung mấy món mà gia đình gửi vào, nhưng lần nào Liên Khui Thìn cũng từ chối. Ông nói: "Không phải là tôi không thèm. Thèm lắm chứ nhưng tôi quyết tâm chống lại những nhu cầu nhỏ nhoi của bản thân vì tôi biết rằng, những món quà ấy, ai cũng chia ra để ăn dần cho đến lần nhận được quà tiếp theo. Hơn nữa, tôi nghĩ trong môi trường tù tội, nếu mình làm được thì sau này nếu có cơ may làm lại cuộc đời, khó khăn nào mình cũng vượt qua được".

Chả thế mà khi được ân xá, ra khỏi buồng giam dành cho phạm nhân mang án tử hình, ông có gầy đi, da dẻ xanh xao nhưng cơ bắp vẫn rắn chắc và tác phong nhanh nhẹn thì vẫn còn đó.

2. Mặc dù đã làm đơn xin Chủ tịch nước ân xá, nhưng Liên Khui Thìn vẫn phấp phỏng lo âu. Mờ sáng ngày 11/7/2003, khi nghe tiếng chìa khóa khu phòng giam khua loảng xoảng, Liên Khui Thìn ngồi bật dậy, chống tay xuống mặt sàn, đợi gọi tên mình. Ông kể tiếp: "Lúc ấy, tim tôi như ngừng đập, máu trong huyết quản cơ hồ khô đặc lại. Tai tôi lùng bùng. Trong tích tắc, tôi chợt nhớ lại thời thơ ấu, nhớ những ngày ngồi trong giảng đường đại học, những ngày xuống đường biểu tình, đốt xe Mỹ, những ngày điều hành Công ty Epco...".

Thế rồi khi nghe tiếng khóa mở cửa buồng giam cách đó 3 căn - là buồng của Tăng Minh Phụng - và sau đó đến buồng Phạm Nhật Hồng, ông càng sợ hơn nữa bởi lẽ cả ba  cùng chung một vụ án, nếu có "đi" thì theo suy nghĩ của ông, sẽ "đi" chung một ngày!

Tôi hỏi: "Làm sao anh biết cán bộ quản giáo mở cửa buồng giam anh Phụng, anh Hồng? Anh ở trong phòng kín mà". Liên Khui Thìn đáp: "Gần 5 năm nằm trong đó, qua câu chuyện của những tử tù trao đổi với nhau bằng cách nói lớn để buồng bên này có thể nghe được buồng bên kia, nên tôi biết. Hơn nữa, chẳng những tôi mà hầu như tất cả những người đồng cảnh ngộ, thính giác trở nên cực kỳ bén nhạy. Thậm chí chỉ nghe tiếng chân, tôi cũng có thể đoán được đó là người đưa cơm, đưa nước, lấy thùng vệ sinh hay cán bộ quản giáo đi kiểm tra, hoặc vào gọi người lên làm việc...". Tôi hỏi tiếp: "Nghe tiếng chân là sao?". Thìn cười: "Đơn giản thôi, chân đi giày thì khi bước, nó khác hẳn người đi chân không hay đi dép".

Vậy mà... Tiếng chân  xa dần, buồng giam trở lại sự im lặng cố hữu thường ngày. Sau này, nghe nói lúc đi ngang buồng giam của Liên Khui Thìn, Tăng Minh Phụng đã hỏi cán bộ dẫn giải, rằng:  "Sao không mở cửa buồng anh Thìn?". Và cán bộ quản giáo đã trả lời là trách nhiệm của họ chỉ mở cửa, đưa Tăng Minh Phụng ra làm việc với bộ phận thi hành án. Có lẽ lúc ấy, Minh Phụng đã đoán biết Liên Khui Thìn sẽ thoát chết.

Giám đốc một " công ty con" trong hệ thống Minh Phụng - EPCO trả lời thẩm vấn tại toà.

Đến lượt Phạm Nhật Hồng, Phó giám đốc ICB. Bước ngang buồng giam Liên Khui Thìn, ông Hồng nói khá lớn: "Thìn ơi, tôi đi đây". Đối với Liên Khui Thìn, tất cả sự việc chỉ diễn ra trong vòng vài phút, nhưng đó là quãng thời gian khủng khiếp nhất dù theo suy nghĩ của ông, thì hôm nay chưa phải  lượt mình! Nó khủng khiếp đến nỗi đã gần 7 năm trôi qua, mà khi kể lại cho tôi nghe chuyện này, nét mặt ông vẫn đầy vẻ bàng hoàng, đôi mắt sáng sau cặp kính cận vẫn như dại đi.

Tiếng chân bước đã xa mà ông vẫn ngồi như hóa đá, mặc cho người bạn đồng cảnh ngộ bên cạnh mấy lần giục ông: "Nằm xuống ngủ tiếp đi, bữa nay anh thoát chết rồi". Nhưng ngủ thế nào được khi mà Tăng Minh Phụng, Phạm Nhật Hồng, hai người chung vụ án với ông, bao lần ông đã từng gặp gỡ, trò chuyện, đã từng ký kết những hợp đồng mua bán, bảo lãnh, vay vốn thì chỉ một lát nữa đây, khi ánh bình minh còn chưa ló rạng, họ sẽ vĩnh viễn bị loại khỏi cuộc sống vì những hành vi vi phạm pháp luật. --PageBreak--

Ông kể tiếp: "Tôi xác định là tôi có tội, và bản án tử hình hoàn toàn thích đáng với những hậu quả mà tôi đã gây ra. Nhưng ngay trong giờ phút tuyệt vọng nhất ấy, trong tôi bỗng bừng lên một niềm tin, tin vào sự khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Tôi tin tôi sẽ được ân xá, sẽ thoát án tử hình".

Mặc dù tin, nhưng trong hoàn cảnh ấy, niềm tin chỉ giúp cho con người ta phần nào không suy sụp cả về thể xác lẫn tinh thần vì theo lời Liên Khui Thìn thì: "Đôi lúc cũng mơ hồ lắm". Những ngày sau đó là những ngày lo âu, chờ đợi, rồi tim lại thót lên khi 4h sáng, tiếng khóa cửa kêu loảng xoảng, tiếng chân người tù lê từng bước nặng nề rồi vài phút sau đó, là tiếng í ới của những tử tù thông báo cho nhau: "Anh B, anh C hôm nay đi rồi".

Ông nói tiếp: "Những lúc ấy, giá như có một phép mầu nào đó, đưa tôi trở lại ngày xưa thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ tôi phải lâm vào hoàn cảnh này". Tôi cười: "Nghĩa là anh vẫn điều hành Công ty Epco, nhưng sẽ không có những công ty con, không có những hợp đồng mua bán lòng vòng và cũng sẽ không có việc nâng giá tài sản để vay vốn?". Liên Khui Thìn gật: "Đúng! Nhưng công ty con thì chắc là vẫn phải có vì đó là mô hình kinh doanh của những nước tiên tiến. Nó tạo thành những tập đoàn có năng lực tài chính, có sức mạnh chuyên môn về khoa học kỹ thuật, có con người, có phương tiện máy móc, nhà xưởng, kho tàng. Nó giúp giảm thiểu khả năng thua lỗ, tăng tính cạnh tranh và nhất là phá vỡ thế độc quyền của một số ngành, nghề. Hơn nữa, mô hình ấy hiện nay đã là chuyện bình thường”.

Và có lẽ chẳng bao giờ Liên Khui Thìn quên được buổi sáng ngày 8/9/2003, cán bộ quản giáo khu AB Trại tạm giam Chí Hòa là ông Đặng Văn Thương, mở cửa buồng Liên Khui Thìn, tháo cùm chân, yêu cầu ông thu xếp hành trang rồi đưa Liên Khui Thìn sang một buồng giam khác. Tại đây, ông được nghe Ban giám thị công bố quyết định ân xá của Chủ tịch nước, xuống còn tù chung thân.

Ông kể: "Lúc ấy, tôi như người vừa được sinh ra lần thứ hai. Không thể có thứ ngôn ngữ nào diễn tả được tâm trạng tôi. Nó kỳ lắm, nó lâng lâng, nó bay bổng và có lúc, tôi cứ nghĩ mình đang... nằm mơ!". Cố kìm cơn xúc động, ông nói lời cảm ơn Đảng, Nhà nước, cảm ơn Ban giám thị cùng các cán bộ quản giáo Trại tạm giam Chí Hòa, đã quan tâm, động viên, an ủi ông trong những ngày ông nằm ở buồng giam tử hình.

Ông kể tiếp: "Khi được đặc xá tha về rồi bữa sau tết, lúc đang đi ngoài phố, bất ngờ có người chào tôi: "Anh Thìn khỏe chứ?". Nghĩ mãi mà chẳng nhớ là ai. Hỏi ra mới biết anh ấy là cảnh sát bảo vệ Trại giam Chí Hòa và điều này khiến tôi thật sự cảm kích".

Đang xây dở dang thì Tăng Minh Phụng bị bắt, khách sạn Minh Phụng nay là khách sạn REX - Đà Lạt.

3. Chuyển sang buồng giam chung với những can phạm khác, Liên Khui Thìn vẫn duy trì nếp sinh hoạt như những ngày chờ ra trường bắn. Sáng sáng, ông vẫn tập thể dục nhưng lúc này thì ông có thể tự do đi lại từ đầu buồng đến cuối buồng, vận động chân tay.

Gần cuối năm 2003, Liên Khui Thìn được chuyển lên Trại cải tạo Xuân Lộc. Đầu năm 2009, ông được giảm án xuống còn 20 năm do cải tạo tốt, có nhiều sáng kiến đóng góp trong việc xây dựng trại và nhất là đã tích cực trong việc thi hành án. Quốc khánh 2/9/2009, Liên Khui Thìn được Chủ tịch nước đặc xá, tha tù. Ông kể: "Hồi ở trại Xuân Lộc, tôi được Ban giám thị giao quản lý một ao cá với các loại trắm cỏ, cá lóc, cá rô, chỉ tiêu 2,5 tấn/năm. Sinh ra, lớn lên ở Khánh Hòa nên với tôi, chuyện cá mú chẳng là vấn đề gì to lớn. Nuôi cho con cá nó sống không khó, cái khó là làm sao cho nó có chất lượng. Ao cá của tôi luôn được đánh giá cao cả về lượng và chất, thường xuyên đạt hơn 2,5 tấn. Thấy cá lớn từng ngày, béo tốt, nhiều con nặng 1,5kg,  anh em có thêm nguồn thức ăn thay đổi,  tôi rất mừng".

Tính đến ngày đặc xá, Liên Khui Thìn đã thụ hình tổng cộng 12 năm 6 tháng. Ông hồi tưởng: "Được đặc xá, tôi vẫn nhớ lại những buổi chiều, đầu đội nón mê, tay xách giỏ, lững thững bước trên bờ ao. Những lúc ấy, tôi hầu như quên rằng mình đang là một phạm nhân, quên cả bộ quần áo xám mặc trên người. Tôi nghiệm ra rằng cho dù ở trong môi trường tù tội, nhưng kiến thức vẫn luôn luôn được coi trọng".

Tôi hỏi: "Trong thời gian ở trại Xuân Lộc, có ai lên thăm anh không, và anh có tiếp không?". Thìn cười: "Có chứ, nhiều lắm! Bạn bè, thân nhân, gia đình - kể cả người vợ mà ông đã viết đơn xin ly dị - Chỉ cần gặp nhau, biết họ vẫn dành tình cảm cho tôi là tôi mừng rồi. Hơn nữa mỗi lần gặp họ, tôi lại được nghe nhiều thông tin về tình hình các mặt, nhất là tình hình kinh tế. Cũng qua những lần gặp gỡ ấy, tôi mới biết phần lớn tài sản của Công ty Epco và của các công ty do tôi lập ra đã bị một số người như ông Nguyễn Lộc Ri, Đỗ Hữu Cảnh, Phan Tấn Huy..., đem bán với giá rẻ mạt".

4. Nghĩ cũng lạ, ngày ra tòa, những bị cáo, một số  người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan, từng gắn bó với Công ty Epco, với Liên Khui Thìn đều nhất nhất trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, rằng: "Hợp đồng đó bị cáo ký theo chỉ đạo của anh Liên Khui Thìn", hoặc: "Bị cáo làm theo lệnh ông Thìn", hoặc: "Tôi  không nắm được, anh Thìn biểu sao, tôi làm vậy...", hoặc: "Anh Thìn không hề bàn bạc với tôi" - nghĩa là tất cả mọi tội lỗi đều trút lên đầu Liên Khui Thìn nhưng lúc lấy tài sản đem bán, thì chẳng ai thèm hỏi Liên Khui Thìn một tiếng nhỏ! Liên Khui Thìn nói: "Vì vậy, sau khi được trả tự do, tôi đã tiến hành các thủ tục cần thiết, nhằm đòi lại tài sản và các quyền hợp pháp của  tôi trong Công ty Epco và các công ty TNHH Hồng Long, An Khánh, Tây Sơn...", các công ty do ông lập ra và cũng vì nó, mà ông vào tù...

(Còn nữa)

Vũ Cao
.
.