Lớp học đặc biệt của những người áo sọc

Thứ Năm, 26/02/2015, 10:55
Chúng tôi đến Trại giam Tân Lập vào đúng những ngày lạnh giá. Nằm giữa vùng núi Phú Thọ, bốn bề toàn núi với rừng, cách biệt hẳn với khu dân cư nên khi bước qua cánh cổng cuối cùng để vào khu giam, chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng đồng thanh đánh vần, ở đâu đây gần lắm, hình như ở trong khu giam.

Càng đi sâu vào trong, tiếng đánh vần càng rõ, càng vang. Hình như, trong khu giam đang có lớp tiểu học? Phó giám thị Trại giam Tân Lập – Thiếu tá Nguyễn Thị Ảnh – trả lời sự ngạc nhiên của tôi bằng nụ cười rất tươi: “Vâng, đúng là lớp tiểu học. Nhưng không dành cho trẻ con mà cho người lớn”.

9h sáng mùa đông. Sương vẫn còn giăng mắc đầy ngoài cửa lớp, mùa đông nơi núi cao, giờ này trời vẫn còn âm u. Sợ thiếu ánh sáng, Trại đã trang bị cho lớp học nhiều ngọn đèn lớn. Ánh sáng rọi lên những trang vở, nơi những người tù đang nguệch ngoạc tập viết những nét chữ đầu tiên trong đời.

45 phạm nhân của lớp học đặc biệt này đều đang cải tạo ở Trại giam Tân Lập và tất cả họ đều mù chữ. Và, lớp học này là một trong rất nhiều lớp học xóa mù chữ cho phạm nhân do các trại giam phối hợp với Phòng giáo dục ở các địa phương sở tại tổ chức.

1. Phạm nhân Lê Thị Hải ngồi ở bàn cuối cùng nhưng tôi ấn tượng bởi cô có vẻ như là học sinh giỏi của lớp học đặc biệt này. 43 tuổi, lần đầu tiên học chữ nhưng chỉ sau 10 buổi học, khi được giáo viên chủ nhiệm -  Đại úy Nguyễn Thị Thu Hương (cán bộ Trại giam Tân Lập) gọi lên đọc bài, cô đánh vần khá trôi chảy. Chữ viết tuy còn hơi run rẩy nhưng khá đẹp.

Quê Hải ở Khoái Châu, Hưng Yên, nhà nghèo lắm, lại đông con. Cha mẹ mất sớm, cả đàn con cứ thế lớn lên như cây hoang cỏ dại, lần hồi kiếm ăn nuôi nhau bữa đói bữa no. Hải ngồi kể chuyện với tôi mà nước mắt chứa chan.

Trong ký ức của cô, tuổi thơ là những chuỗi ngày nghèo khó, cô đơn của đứa trẻ mồ côi; còn tuổi trẻ là những chuỗi ngày cay đắng, bẽ bàng. 15 tuổi, khi cô bé gầy gò, đen đủi, đói ăn quanh năm vừa mới phổng phao thì bị người ta lừa bán qua biên giới.

Hải kể, lúc ấy ở quê, không nghề nghiệp, trình độ như Hải kiếm miếng ăn rất cực, thế nên khi người ta dụ lên Lạng Sơn làm thuê, vừa được nuôi ăn lại vừa có tiền dành dụm là sa bẫy ngay. Nào ngờ, người ta đưa qua biên giới rồi bán đứt cho các chủ chứa.

Như phận bèo trôi, đành nhắm mắt đưa chân mà thôi… Hải bị bán, phiêu dạt hết nhà chứa này đến nhà chứa khác, nếm đủ mùi đắng cay, tủi nhục. Và rồi, Hải mắc nghiện ma túy, cũng giống như đoạn kết của nhiều cuộc đời buôn phấn bán hương khác.

Gần 40 tuổi, sức tàn, lực kiệt bởi ma túy, bởi những thác loạn ngày đêm nơi đất khách, không còn đủ sức khỏe cũng như nhan sắc để kiếm được đồng tiền, dù là nhơ bẩn nơi xứ người, Hải tìm đường về quê.

Ở làng quê Khoái Châu, Hải vẫn còn người thân. Nhưng Hải nghiện nên chả ai kham nổi. Hải mò lên Hà Nội, thuê nhà ở Từ Liêm và bày mưu tính kế tìm cách lừa những cô gái nhẹ dạ cả tin giống như Hải ngày xưa để bán qua Trung Quốc kiếm tiền.

L., một nạn nhân của Hải, cũng là một cô gái quê mùa, ngây ngô y như Hải ngày xưa. Cũng với cái bẫy mà ngày xưa người ta dùng bẫy Hải, giờ Hải áp dụng y chang như thế với L. và L. cũng sa bẫy.

Sau khi bán L. trót lọt, Hải lại tiếp tục bán Y. Kịch bản Hải dàn dựng tinh vi lắm. Vì Y. xinh đẹp. Vì Y. tuy người miền núi, từ mãi Điện Biên xuống nhưng Y. đã làm quán gội đầu ở Hải Phòng mấy năm rồi nên lừa Y. khó hơn. Hải cùng với đồng bọn, đóng vai đại gia, vờ yêu đương Y. rồi rủ Y. qua biên giới chơi.

Nhưng khi cả bọn mới đến Văn Lãng, Lạng Sơn đang đợi taxi để lên biên giới thì bị công an bắt. Hải phải chịu án 15 năm tù giam.

Lên Trại giam Tân Lập thụ án, qua đánh giá hồ sơ và kiểm tra trình độ thực tế, biết Hải mù chữ nên cuối tháng 11, sau khi được Phòng Giáo dục huyện Tân Lập chấp thuận cho mở lớp xóa mù tại trại – Hải cùng với hơn 40 nữ phạm nhân khác trở thành học sinh của lớp học đặc biệt này.

Ở tuổi 43, Hải mới bắt đầu học viết những nét chữ đầu tiên, nắn nót, run rẩy nhưng - nói như lời Hải là “vui lắm khi viết được chữ, cán bộ ạ”.

Phạm nhân Giàng Thị Tùng, người dân tộc Mông ở Điện Biên, đang phải chịu án 18 năm tù giam về tội mua bán ma túy, người ngồi cạnh Hải ở lớp học, kể, chị ấy chăm học lắm, về buồng giam, tối nào cũng tập đánh vần.

Hải giở từng trang vở cho chúng tôi xem, nước mắt vẫn còn ướt mi nhưng miệng thì cười rất tươi. Hải bảo: “Biết chữ tôi sẽ đọc báo, đọc sách, sẽ viết thư xin lỗi gia đình, làng xóm, cán bộ ạ”.

Cũng ở lớp học xóa mù này còn có Vũ Thị Chiêm nhà ở huyện Eakar, Đắk Lắk. Chiêm bị án phạt tù chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy. Chiêm là học sinh lớn tuổi nhất của lớp học đặc biệt này.

Sinh năm 1968, cả đời chưa từng bao giờ được đi học cho đến khi vào nhà giam thì lại được đến lớp, được học những chữ cái đầu tiên. Chiêm bảo, đó là điều bất ngờ lớn. Ban đầu, khi nghe thấy có tên trong lớp học, Chiêm cứ xin gặp cán bộ đòi được đi lao động “chứ tôi 46 tuổi rồi học làm sao được nữa”.

Ấy vậy mà chỉ sau hơn một tuần học tập, đến Chiêm cũng không ngờ là mình học được và còn học giỏi, tiếp thu tốt nữa là đằng khác.

Chiêm bảo, chỉ ước ao sau khóa học 3 tháng sẽ đọc thông viết thạo để còn viết thư gửi cho hai con. “Sẽ là những dòng thư xin lỗi bởi tôi là người mẹ tồi. Vì ham những đồng tiền bất chính mà tôi đã đánh mất mình. Chồng tôi đã chết, cuộc sống còn lại của tôi chỉ là những đứa con”.

2. Thiếu tá Vương Thế Huynh – Đội trưởng Đội Giáo dục phạm nhân – cho biết, thực hiện chủ trương dạy chữ dạy nghề cho phạm nhân, cũng như tất cả các trại giam khác trên toàn quốc, mỗi năm Trại Tân Lập tổ chức 4 lớp học xóa mù chữ cho các phạm nhân chưa biết chữ. Trong đó có 2 lớp học dành cho nữ và 2 lớp học dành cho nam.

Trung bình cứ khoảng 6 tháng thì trại sẽ phối hợp với Phòng Giáo dục địa phương tổ chức 1 lớp cho nữ và 1 lớp cho nam. Toàn bộ kinh phí dành cho sách vở và các dụng cụ học tập khác đều do Nhà nước cung cấp.

Mỗi tuần, thay vì phải đi lao động phạm nhân sẽ được đi học 4 buổi ở trên lớp. Sau khóa học 3 tháng thì Phòng Giáo dục địa phương sẽ tổ chức thi sát hạch.

Các học sinh đạt chuẩn yêu cầu xóa mù thì mới được cấp chứng chỉ. Kết quả học tập được xem như kết quả lao động để phục vụ cho việc xếp loại thi đua lao động cải tạo.

Ở lớp học này, học viên là những phạm nhân và giáo viên chủ nhiệm lớp là các cán bộ trại giam. Chỉ khác là nhiều khi do sĩ số lớp đông, phạm nhân đều là người lớn tuổi, khả năng tiếp thu bị hạn chế nên để có điều kiện sâu sát hơn với từng học sinh, Trại trưng dụng thêm một số phạm nhân nguyên là giáo viên trước khi phạm tội để làm “trợ giảng”.

Ở Trại giam Tân Lập, chúng tôi đã xúc động khi nhìn thấy cảnh “trợ giảng” Nguyễn Văn Hiền say sưa đứng lớp. Giọng Hiền vang, đọc chuẩn, chữ Hiền viết bảng đẹp và đều tăm tắp. Hiền sinh năm 1969 ở thị trấn Thanh Sơn, Phú Thọ.

Trước khi phạm tội, Hiền đang là Phó hiệu trưởng trường cấp 2 ở địa phương. Con đường công danh sự nghiệp đang như trải thảm đỏ trước mắt thì Hiền bị bắt giam. Thời ấy, ngoài giờ đến trường, Hiền còn là Phó giám đốc Công ty TNHH Tân Hiền, có trụ sở tại Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Với những cái “mác” khá uy tín này, trong thời gian dài, Hiền đã thực hiện hành vi lừa đảo đối với nhiều người, với sự hứa hẹn sẽ “chạy” công chức, “chạy” đi học cho con em của họ. Tin vào những lời đường mật của Hiền, nhiều người đã đưa cho Hiền số tiền lên tới gần cả tỉ đồng.

Bị bắt giam, thời gian đầu Hiền suy sụp lắm. Thương con, thương vợ vì mình mà phải chịu tiếng xấu. Hận mình đã vì ham tiền mà từ một thầy giáo được xã hội trọng vọng trở thành tội phạm.

Một thời gian sau khi đến Trại giam Tân Lập, Hiền được Ban giám thị trưng dụng ra làm “trợ giảng” cho các lớp xóa mù, Hiền vui lắm. Hạnh phúc được đứng lớp tưởng chỉ còn lại trong những giấc mơ giờ thành sự thật.

Tuy rằng, học trò chỉ là những phạm nhân, những người đã từng có quá khứ lầm lỗi như mình, nhưng Hiền vẫn rất tận tụy, say sưa uốn từng nét chữ. Có phạm nhân tay run, cả đời chưa từng cầm đến cây bút, Hiền phải cầm tay họ, dò dẫm từng nét y như dạy trẻ bắt đầu vào lớp 1.

Mệt nhưng vui và hạnh phúc nữa, Hiền bảo, nhất là khi kết thúc khóa học, các phạm nhân đọc thông viết thạo.

Thiếu tá Vương Thế Huynh cho hay, phạm nhân Hiền chỉ là một trong số nhiều “trợ giảng” như thế.

Cùng với Hiền ở lớp học xóa mù dành cho phạm nhân nam còn có phạm nhân Nguyễn Ngọc Khiêm, nguyên giáo viên Trường PTCS xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, Yên Bái đang chịu án phạt tù chung thân về tội hiếp dâm trẻ em.

Còn ở bên lớp xóa mù dành cho phạm nhân nữ thì có “trợ giảng” Đặng Quỳnh Trúc ở Hải Phòng. Nguyên là giáo viên dạy tiếng Nga, Trúc phạm tội buôn bán ma túy và bị kết án chung thân.

Ngày đi tù cũng là ngày gia đình Trúc chia lìa. Chồng lấy vợ mới và Trúc đành phải nuốt cay đắng vào lòng mà đặt bút ký đơn ly hôn. Gương mặt xinh đẹp của Trúc vì thế lúc nào cũng buồn u ám.

Từ ngày được đứng lớp làm trợ giảng, Trúc bảo, nỗi buồn cũng vơi bớt đi. Cô cố gắng làm thật tốt công việc được các cán bộ giao cũng là một cách để chuộc lại lỗi lầm đã phạm phải trong quá khứ.

Quá trưa, khi chúng tôi rời lớp học thì nắng đã ửng lên, rọi xuống làm sáng bừng những trang vở. Xua đi bóng tối của sự dốt nát cũng là một trong những việc làm trong chuỗi hành trình khó nhọc nhằm giáo dục lại, cải tạo những con người đã từng lầm lỗi…

Đặng Huyền - Nguyễn Thiêm
.
.