Lũ dữ qua đi, nỗi đau còn lại…

Thứ Sáu, 28/12/2018, 06:25
Không phải lực lượng chuyên nghiệp nhưng nhiều cán bộ, dân quân thôn, xóm ở Nam Trung bộ đã bất chấp hiểm nguy trước thiên tai, dũng cảm lao vào vùng lũ để cứu nạn - cứu hộ. Trong số đó có người đã vĩnh viễn ra đi, để lại những tấm gương sáng giữa đời thường cần được tôn vinh.

1. Hơn một tháng sau sự cố sạt lở núi bởi trận mưa lũ kinh hoàng ở TP Nha Trang, chúng tôi trở lại xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng khi biết tin nữ trưởng thôn Cao Thị Diệu An vừa giã từ cuộc sống, về cõi vĩnh hằng sau nhiều ngày đêm điều trị những vết thương sau tai nạn vùi lấp dưới đất đá ngổn ngang.

Cảm phục và xót thương nữ trưởng thôn, rất nhiều người dân cứ thẫn thờ ngồi bên bàn thờ nghi ngút khói hương trong căn nhà bên con lộ mà đôi mắt ngấn lệ, giọng nói nghẹn ngào. Có người còn sờ tay vào di ảnh tưởng rằng chị An như còn ở lại đâu đây. Chắp nối chuyện kể của người dân ở xóm Núi - nơi cơn lũ quét đi qua, chúng tôi cảm nhận nhiều hình ảnh xúc động về nữ trưởng thôn và một số cán bộ cơ sở.

Đứng bên hiện trường vụ sạt lở với dấu tích một vệt dài mở rộng ra về phía khu dân cư vẫn còn ngổn ngang đất đá và vật liệu nhà cửa đổ nát được xếp tạm nhiều nơi, chị Nguyễn Thị Quỵ - một trong những cư dân xóm Núi kể lại bằng những câu từ thấm đẫm nỗi đau thương: “Mưa trút xối xả suốt đêm, đến tầm 6h sáng ngày 18-11 bất chợt có tiếng động bất thường từ phía triền núi, nước lũ trút xuống ầm ào như thác đổ.

Một góc hiện trường đổ nát ở xóm Núi.

Lúc đó tôi nhìn thấy chị An đội mưa, tất bật chạy đến nhà dân bên chân núi, kêu gọi mọi người khẩn trương sơ tán. Chính tôi nghe thấy chị hối thúc mọi người nên bỏ lại tài sản để bảo toàn sinh mệnh. Trong lúc tôi cùng nhiều người trong xóm hối hả rời khỏi nhà hơn trăm mét thì chị An tiếp tục vượt triền dốc chạy lên phía căn nhà ông La Hăng. Không ai ngờ được khi người nữ trưởng thôn đang lo cho sinh mệnh dân làng thì tai họa ập đến với chị trong gang tấc...”.

Sau khi đất đá sập đổ tạo nên tiếng động mạnh khiến nhiều người thảng thốt giật mình quay đầu nhìn lại phía triền núi thì căn nhà ông La Hăng đã thành đống vụn vỡ. Người đàn ông 69 tuổi cùng vợ là Trần Thị Ngàn và chị An bị vùi lấp dưới đống đổ nát.

Người con trai thứ hai của chị An là Trần Cao Nhân - công an viên xã Phước Đồng nhớ lại: “Dường như linh cảm trước có điều chẳng lành sẽ xảy ra với gia đình mình nên trước khi rời nhà để cùng anh em công an, dân quân địa phương vận động người dân ra khỏi tầm nguy hiểm từ sáng sớm hôm đó, tôi nhắc mẹ phải cẩn trọng. Không ngờ chuyện dữ đã xảy ra”. Nói đến đó, giọng Nhân nghẹn lại, những giọt lệ chảy dài trên gương mặt đau buồn.

Sau hơn nửa giờ đào bới, một số người dân xóm Núi cùng công an, bộ đội đưa xác bà Ngàn ra khỏi đống đổ nát, trong khi ông Hăng mất tích, còn chị An được tìm thấy cách hiện trường tai nạn hơn 100m do nước lũ cuốn trôi, chèn lấp dưới đất đá bên vách tường căn nhà ông Phan Te. Nữ trưởng thôn được đưa lên võng khiêng ra lộ để xe ô tô chuyển gấp đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa trong tình trạng bê bết máu lẫn bùn đất vì đa chấn thương nặng.

Các cán bộ Công an và bộ đội tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát.

Trong lúc thi thể ông La Hăng chưa tìm thấy thì bất ngờ chị An hồi tỉnh sau 3 ngày hôn mê trong khoa cấp cứu. Chị thều thào dò hỏi ai còn, ai mất và chỉ nơi ông Hăng bị vùi lấp rồi... bất động. Theo lời chỉ dẫn của chị An, chiều 22-11, công an, bộ đội đã tìm thấy thi thể ông Hăng sau một cuộc đào bới với độ sâu hơn 2m.

Anh Trần Cao Nhân kể lại: “Sau nửa tháng ở Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa, mẹ tôi đã trải qua 2 ca phẫu thuật ở vùng ngực, tay và chân. Do tình trạng thương tích trầm trọng, tiên lượng bất ổn nên gia đình đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy - TP Hồ Chí Minh. Thêm 4 ca phẫu thuật nữa ở đầu và bụng đã được các bác sĩ lần lượt thao tác kỹ thuật y khoa. Hơn 70 triệu đồng chi phí cấp cứu và điều trị, thế nhưng cánh cửa định mệnh cuộc đời của mẹ tôi đã khép lại vào chiều tối 21-12”. Kể đến đó, anh Nhân bật khóc khiến chúng tôi cũng nghẹn ngào không thể hỏi gì thêm.

Ông Đặng Lợi - Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, chị An được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn Thành Phát từ năm 2014 sau nhiều năm làm Chi hội trưởng phụ nữ, phó trưởng thôn. Với tinh thần trách nhiệm cao, chị An không chỉ hoàn thành xuất sắc mọi công việc để Thành Phát luôn là thôn dẫn đầu các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong 14 thôn ở xã Phước Đồng, mà chị còn được nhiều cấp chính quyền, đoàn thể khen thưởng.

Chị Diệu An đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - TP Hồ Chí Minh.

Nhiều người dân ở đó cho biết thêm, giữa lúc cơn bão số 12 có tên là Damrey ập vào Khánh Hòa gây tang thương ở nhiều vùng quê sáng ngày 4-11-2017, chị An cùng một số cán bộ bất chấp hiểm nguy trước cuồng phong, mưa gió, tất bật ngược xuôi từ đầu làng đến cuối xóm, hối thúc hàng trăm người dân khẩn trương sơ tán đến nhà văn hóa liên thôn Thành Phát - Thành Đạt nên mới lánh nạn kịp thời trước khi bão cuốn tốc mái, nước lũ xô sập nhiều căn nhà. Xế chiều cùng ngày, mái tôn nhà văn hóa bị bão cuốn, chị An tiếp tục hướng dẫn người dân đến một trường học gần đó.

Tìm hiểu về gia cảnh nữ trưởng thôn, chúng tôi được biết sau khi chia tay người chồng hàng chục năm về trước, chị An nuôi dưỡng 3 người con trưởng thành. Chị dành nhiều thời gian đảm trách tốt nhiều nhiệm vụ ở địa phương, luôn được chính quyền và người dân tin yêu, cảm phục bởi nhiều nghĩa cử nhân văn.

2. Thêm một bất ngờ đầy đau xót khi chúng tôi được biết gần nửa tháng trước khi chị Cao Thị Diệu An qua đời, trưa 8-12, nhiều người dân ở vùng mưa lũ, sạt lở núi nơi này cũng đã ngậm ngùi tiễn đưa ông Trần Văn Chiến, trưởng thôn Phước Hạ kiêm công an viên xã Phước Đồng về nơi an nghỉ cuối cùng sau tai nạn khi vượt lũ cứu dân trong buổi sáng 18-11.

Ông Nguyễn Văn Đồng - một trong những nhân chứng kể lại: “Lũ từ triền núi trút xuống, xô sập nhiều căn nhà, nước dâng cao và chảy xiết. Gác lại việc thu dọn tài sản trong nhà, anh Chiến đội mưa đến nhà người dân huy động 2 xuồng chèo đưa người già, trẻ em rời khỏi vùng lũ, rồi kêu gọi thanh niên sử dụng dây thừng kết nối giữa các trụ bê tông để người dân đu bám, thoát hiểm. Dù giẫm phải dây kẽm gai khi lội nước nhưng anh ấy vẫn nén cơn đau, tiếp tục cứu nạn đến xế chiều. Không ngờ chỉ một ngày sau đó, anh Chiến phải vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa khi cơn sốt bùng phát do nhiễm trùng uốn ván. Đến khi chuyển tiếp lên Bệnh viện Chợ Rẫy - TP Hồ Chí Minh thì đã muộn”.

Hình ảnh một góc xóm Núi đổ nát sau trận mưa lũ.

Đồng hành cùng nữ trưởng thôn Cao Thị Diệu An và đã bị tai nạn trong buổi sáng kinh hoàng ấy còn có ông Nguyễn Đức Vinh - Bí thư Chi bộ thôn Thành Phát, phó trưởng thôn Võ Thị Hiền và thôn đội trưởng Lê Trương Vinh. Họ là những người đã “xung trận” giữa hiểm nguy trước và trong thời điểm xảy ra sự cố mưa lũ, sạt lở núi để vận động, hỗ trợ người dân xóm Núi sơ tán ra khỏi tầm nguy hiểm của thiên tai. Trong lúc họ đang tất bật đến từng nhà dân hối thúc đưa ngay người già, phụ nữ và trẻ em rời khỏi nhà khi nước lũ từ triền núi trút xuống ầm ào, những mảng đất đá sạt lở bị nước cuốn đổ ập xuống khu dân cư, trong đó có nhiều tảng đá lớn trôi trượt mà bất kỳ ai chứng kiến cũng phải hoảng sợ khi cái chết có thể xảy ra trong chớp mắt.

Tiếp xúc phóng viên, ông Vinh nhớ lại: “Tôi cùng cô Hiền lội nước ngược lên triền dốc trên con đường đá sỏi để tiếp cận những căn nhà chênh vênh bên lưng núi, kêu gọi bà con sơ tán. Mấy lần trượt chân té ngã do lũ cuốn nhưng chúng tôi không chùn bước vì phía trước còn nhiều sinh mệnh người dân đang bị đe dọa. Đến bây giờ nhìn lại hiện trường đổ nát ngổn ngang, tôi không nhớ nổi mình đã bị đất đá và nước lũ cuốn đi ở nơi nào, khi tỉnh lại mới nhận ra đang nằm trong Bệnh viện Quân y 87 do chấn thương, nhiễm trùng chân trái. Trong khi đó cô Hiền bị nhiễm trùng nặng đường hô hấp do đất đá vùi dập sau khi bị lũ cuốn trôi hơn 1 km, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất - TP Hồ Chí Minh và sắp tới sẽ phải phẫu thuật”...

Và gần đây có thêm một tấm gương ở Bình Định đã quên mình khi thực thi nhiệm vụ giữa mưa lũ. Trong lúc anh Phạm Duy Quang, dân quân cơ động xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, đang cùng đồng đội giúp dân thu dọn, nâng cao vật dụng gia đình khi nước lũ dâng cao từ sáng sớm ngày 11-12, thì nhận được nguồn tin những đám lục bình do lũ cuốn chèn kín cầu Máng ở thôn Trường An 1, có nguy cơ xô sập công trình giao thông - thủy lợi trọng yếu ở địa phương. Anh cùng đồng đội đến nơi, dùng công cụ cầm tay để thu dọn. Do trượt chân nên anh Quang bị lũ nhấn chìm dưới chân cầu rồi cuốn trôi khá xa, hơn nửa giờ sau mới tìm thấy thi thể...

Ngồi trước trang viết, bất chợt tôi nhớ nhà văn người Pháp Michel de Montaigne từng viết: “Mạnh mẽ nhất, đại lượng nhất và đáng tự hào nhất trong mọi đức tính, đó là lòng can đảm đích thực”. Trưởng thôn Cao Thị Diệu An, Trần Văn Chiến và dân quân Phạm Duy Quang thật sự giàu lòng can đảm đích thực khi chấp nhận đối mặt với sự hy sinh lao vào giúp dân giữa thiên tai lũ dữ. Dẫu biết mệnh đời sinh - tử là quy luật của tạo hóa nhưng sự ra đi của họ thật đáng tiếc thương. Dù đã về cõi vĩnh hằng nhưng tên tuổi của họ vẫn sống mãi trong lòng người dân như những tấm gương sáng đáng cảm phục và tôn vinh.

Trận mưa lũ kinh hoàng chưa từng có trong lịch sử thiên tai ở Nha Trang đã khiến 22 người chết, 27 người bị thương, 124 căn nhà sập đổ. Trong số đó, chỉ riêng ở xã Phước Đồng có tới 14 người chết, 3 người bị thương và hơn 100 căn nhà sập đổ.
Phan Thế Hữu Toàn
.
.