Lực lượng Công an: Vì dân quên mình trong bão lũ

Thứ Ba, 07/10/2008, 10:00
Ít ai ngờ ảnh hưởng của cơn bão số 6 đối với tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Sơn La lại lớn đến như vậy. Bão không trực tiếp đổ bộ, song trận lũ lịch sử đã khiến cho nhiều địa phương bị thiệt hại nặng nề cả về người và của. Có mặt tại “tâm lũ”, PV ANTG đã ghi nhận được những cố gắng của Lực lượng Công an các địa phương giúp dân chống lũ.

Công an Quảng Ninh: Đằm mình trong nước lũ cứu dân

Cho đến 7h ngày 26/9 nước lũ đã làm ngập phần lớn thị trấn Tiên Yên và các xã: Đông Hải, Đông Ngũ, Phong Dụ, Hải Lạng, Tiên Lãng. Mưa lũ làm mất điện toàn bộ thị trấn và nhiều xã trong huyện, nhiều phương tiện giao thông bị tắc lại ở hai đầu thị trấn, và cuốn trôi nhiều tài sản của một số hộ dân.

Ước tính có khoảng 800 ngôi nhà ở thị trấn Tiên Yên, xã Yên Than, Tiên Lãng bị ngập trong nước từ 1 - 2m, 620 ha đầm nuôi trồng thủy sản bị ngập trắng, chủ yếu ở xã Hải Lạng. 1 tàu đánh cá của ngư dân bị đứt dây neo trôi dạt. Người dân phải bỏ của chạy lấy người, tìm những khu vực cao để tránh lũ.

Tại thị trấn Ba Chẽ và thị trấn Bình Liêu tình hình cũng diễn ra tương tự. Nước ở các con sông dâng lên quá nhanh, khiến cho hầu hết người dân chỉ kịp chạy đến những khu cao tránh lũ.

Tính đến 16h30’ ngày 26/9, tại trung tâm thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ) nước đã ngập từ 2,5m - 5m; Trường nội trú xã Nam Sơn nước cũng ngập tầng 1, nhà trường phải cho di chuyển các cháu học sinh lên tầng 2. Hệ thống giao thông đến tất cả các xã trong huyện đều bị chia cắt, thông tin liên lạc cũng bị gián đoạn. Nước lũ đã cuốn trôi 5 ngôi nhà ở thôn Khe Tâm, xã Nam Sơn, làm 1 người thiệt mạng.

Tại huyện Bình Liêu, tuyến đường 18C bị trôi cầu Khe Lánh 1, cầu Pắc Coóc bị sạt lở đầu, cầu phía Bình Liêu có nguy cơ bị trôi, chân dốc Lục Ngà - Khe Tráp trôi toàn bộ mặt đường dài 40m. Đường Bình Liêu - Húc Động sạt lở khoảng 40.000m3 đất đá làm cô lập xã Húc Động. Tuyến đường Khe Nà, xã Tình Húc mặt đường trôi 4m. Nước lũ đã làm 7 nhà dân bị cuốn trôi. Cho tới thời điểm này đã xác định được 4 người dân của thị trấn đã thiệt mạng do lũ, một trẻ em mất tích.

Ước tính thiệt hại do cơn lũ gây ra đối với nhân dân ba huyện trên lên tới hơn 173 tỉ đồng.

Khi nhận được tin cơn bão số 6 chuẩn bị đổ bộ vào tỉnh nhà, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Ban giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh đã có kế hoạch cụ thể phân công công an các đơn vị trong tỉnh triển khai các phương án cùng với nhân dân phòng chống lụt bão.

Từ ngày 23/9, Công an thị xã Cẩm Phả đã tổ chức triển khai tới các phòng, ban kiểm tra đôn đốc nhắc nhở nhân dân phối hợp với Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão của thị xã thực hiện các biện pháp tránh bão. Lực lượng Công an thường trực 100% cả trong và ngoài giờ hành chính, sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn.

Công an huyện Tiên Yên giúp dân khắc phục hậu quả cơn lũ.

Sáng ngày 24/9, Trung tá Đặng Văn Thịnh, Phó trưởng Công an thị xã đã đi kiểm tra công tác bảo đảm an toàn ở các phường, xã ven biển. Hầu như 100% các tàu bè của ngư dân đã được neo trú vào nơi an toàn. Các nhà bè nuôi cá cũng được chằng buộc cẩn thận. Các tàu du lịch cũng đã cam kết không ra khơi...

Không chỉ riêng Công an thị xã Cẩm Phả mà hầu hết công an các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ninh đều được yêu cầu phải ứng trực 100% quân số, chuẩn bị tinh thần sẵn sàng giúp đỡ nhân dân. Chính vì thế, tuy cơn lũ đổ bộ vào các huyện Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên vào lúc tang tảng sáng, khi mà đa số người dân vẫn còn đang yên giấc thì con số thiệt hại về người lúc này dừng lại ở con số 5, cũng là đã hạn chế được rất nhiều.

Khi nhận được tin cơn lũ đang tàn phá 3 huyện của tỉnh, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Tước, Giám đốc Công an tỉnh đã lên đường trực tiếp chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ chống bão.

Từ 7h cho đến 9h ngày 26/9, thời gian đỉnh điểm của cơn lũ 100% cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an có mặt tại thị trấn Tiên Yên đã chia nhau làm nhiều mũi, đến lần lượt các địa bàn dân cư trong huyện từ thấp đến cao để báo tin, đồng thời giúp đỡ bà con tránh lũ.

Thượng tá Lê Mạnh Thắng, Trưởng Công an huyện Tiên Yên cho biết, mặc dù nước lũ đột ngột đổ về song Công an huyện và các ngành đã kịp thời thông báo và sơ tán một số bà con ở khu vực gần sông. Khi nước lũ dâng cao, không ai bảo ai, toàn đơn vị chia thành nhiều mũi tổ chức cứu dân và đưa tài sản đến nơi an toàn dù dụng cụ cứu sinh thiếu thốn. Không một ai nghĩ rằng, có tới gần một nửa gia đình anh em CBCS của đơn vị và trụ sở Công an huyện cũng nằm trong tâm lũ, song... không ai cứu. Cũng không ít lần xuồng của lực lượng Công an bị lật do gặp nước xiết, “song anh em chỉ phải uống chút nước sông thôi” - Thượng tá Thắng nói vui.

Ở huyện vùng cao Ba Chẽ, Thượng tá Vũ Văn Phán, Trưởng Công an huyện cho biết, thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Công an huyện đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của huyện lên phương án chống bão. Cùng với các cơ quan ban, ngành, Công an huyện đã vận động nhân dân tự sơ tán

Tại các địa bàn trọng điểm, hơn 20 CBCS Công an huyện phối hợp với lực lượng quân đội đã sơ tán nhân dân cùng tài sản của họ đến nơi an toàn. Đặc biệt, tại Trường mầm non và Trường THCS ở thị trấn, Công an huyện phối hợp cùng nhân dân đưa các cháu lên khu tầng 2 để tránh lũ. Tuy nhiên, nước lũ vẫn tiếp tục lên, mấp mé tầng 2. Trước tình trạng đó, nhiều CBCS đã không quản hiểm nguy chuyển các cháu lên xuồng máy rồi đưa các cháu lên đồi cao an toàn.

Lực lượng Cảnh sát cơ động của tỉnh cũng đã có mặt kịp thời ở xã Nam Sơn, dùng xe lội nước để đưa hơn 100 cháu học sinh của xã đến khu vực cao an toàn.

Theo Công an huyện Bình Liêu, ngay khi cơn lũ ập tới, Lãnh đạo Công an huyện đã chỉ đạo tất cả các CBCS có mặt xuống điạ bàn, phối hợp với lực lượng địa phương giúp nhân dân di dời khỏi vùng nguy hiểm. Tiếp đó, Công an huyện tổ chức hàng trăm lượt CBCS đi nắm tình tại địa bàn thị trấn và các xã (do đường dây thông tin liên lạc bằng điện thoại đã bị ngừng trệ).

Đồng thời, Công an huyện Bình Liêu cũng cử 1 đồng chí lãnh đạo cùng 15 CBCS xuống địa bàn Đồng Văn – Hữu Động để giúp nhân dân mai táng 4 nạn nhân bị thiệt mạng do nhà sụp, và tìm kiếm 1 trẻ em bị mất tích.

Trụ sở Công an thị trấn Tiên Yên đã được sử dụng làm nơi tránh lũ cho nhân dân. Phần lớn phòng làm việc tại đây đều được dùng để kê giường, bếp ăn. --PageBreak--

Bác Nguyễn Quang Duy, Tổ trưởng Tổ 3, khu Đông Tiến 2, thị trấn Tiên Yên cho chúng tôi biết, ngôi nhà của bác bị ngập đến nóc. Tất cả đồ đạc như tivi, tủ lạnh, bàn ghế... của nhà bác đã bị dòng nước hung hãn cuốn trôi hết cả. May nhờ có các anh công an đến thông báo, thúc giục mọi người, chứ không thì có lẽ sẽ không chỉ thiệt hại về của mà có khi còn thiệt hại cả về người.

Công an Bắc Giang: Nỗ lực khắc phục hậu quả sau lũ

Mưa lũ do cơn bão số 6 gây ra, dù đã đi qua nhưng hậu quả để lại thật nặng nề toàn tỉnh Bắc Giang tính đến hết ngày 28/9 có 9 người chết, 23 người bị thương, ước tính thiệt hại trên 500 tỉ đồng về tài sản .

Từ đêm ngày 24 đến chiều tối ngày 27/9, do ảnh hưởng của cơn bão số 6, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có mưa to đến rất to, tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi Sơn Động, Lục Ngạn và Lục Nam. Trong đêm 25/9, mưa lớn đã khiến cho các địa phương này bị chìm trong lũ lụt và chịu thiệt hại nặng về người và tài sản.

Ông Trần Văn Long, 55 tuổi, người dân thị trấn Chũ cho biết, đây là trận lũ lịch sử, còn lớn hơn trận lũ năm 1986. Không chỉ gia đình ông mà nhiều hộ dân ở đây chỉ kịp chạy người mà không kịp di dời tài sản. Ở huyện Sơn Động, địa phương có tỉ lệ hộ nghèo lớn nhất tỉnh, nơi hứng chịu lũ đầu tiên cũng ngổn ngang sau lũ. 3 người chết, 12 người bị thương, hàng trăm ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng. Do lũ rút nhanh xuống Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng nên những thiệt hại về cây cối, hoa màu của huyện không quá lớn nhưng cũng làm cho nhiều hộ dân nơi đây lâm vào cảnh khốn đốn.

Ngay sáng sớm ngày 26/9, Giám đốc Công an tỉnh đã lập ngay hai đoàn công tác do hai đồng chí Phó giám đốc trực tiếp xuống địa bàn để chỉ huy Lực lượng Công an tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ lương thực, thực phẩm... Trong những ngày xảy ra mưa lũ, ngập lụt công an các địa phương đã đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt. Công an các địa phương nơi xảy ra mưa lũ đã huy động 100% quân số, phương tiện tham gia cùng các lực lượng khác khắc phục hậu quả, hướng dẫn phương tiện đi lại, đảm bảo an ninh trật tự...

Thượng tá Trần Văn Hải, Phó trưởng Công an huyện Lục Ngạn cho chúng tôi biết, trong ngày 26/9, lực lượng Công an huyện đã phối hợp với UBND xã Nam Dương đưa được gần 300 người dân ở vùng lũ đến nơi an toàn. Song song với công tác cứu hộ, cứu nạn, Công an huyện đã chi hàng chục triệu đồng mua mỳ tôm và nước uống cứu trợ cho bà con xã Nam Dương.

Trong ngày 28/9, Bộ Công an đã kịp thời cấp cho lực lượng Công an tỉnh một số xuồng cứu hộ, nhà bạt, phao cứu sinh và nhiều cơ số thuốc để giúp nhân dân khắc phục hậu quả của cơn bão. Sáng 28/9, gần 100 CBCS từ một số phòng chức năng đã được Giám đốc Công an tỉnh tăng cường tại 2 huyện Sơn Động, Lục Ngạn giúp dân khắc phục hậu quả của trận mưa lũ. Đến chiều 29/9, hai đoàn công tác vẫn đang tiếp tục giúp bà con nhân dân xã Nam Dương (Lục Ngạn) và Quế Sơn (Sơn Động) khắc phục hậu quả.

Chiều 29/9, Ban giám đốc Công an tỉnh đã phát động CBCS toàn lực lượng Công an tỉnh đóng góp mỗi người một ngày lương để cứu trợ đồng bào bị lũ.

Tại Sơn La: Theo đồng chí Chánh văn phòng Công an tỉnh Sơn La, ngay khi mưa bão xuất hiện, lực lượng Công an Sơn La đã triển khai các mũi xuống địa bàn trọng điểm có nguy cơ bị ngập lụt, lũ quét để tuyên truyền và giúp nhân dân phòng tránh. Khi lũ xảy ra, lực lượng Công an tỉnh đã tăng cường 300 CBCS Cảnh sát cơ động, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát PCCC xuống các địa bàn cùng tham gia cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả lũ lụt.

Tại các huyện có lũ như Mai Sơn, Thuận Châu, Bắc Yên, Mường La... lực lượng Công an đã phối hợp cùng các lực lượng khác tham gia cứu hộ sơ tán được trên 600 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn, đồng thời bảo vệ tài sản của người dân và các cơ quan, xí nghiệp. Ngay sau khi lũ rút, lực lượng Công an vẫn tiếp tục bám trụ để tìm kiếm người mất tích, giúp dân dựng lại nhà cửa và điều tiết tại các tuyến đường giao thông bị sạt lở, gây ách tắc

Ngày 29/9, đoàn xã hội từ thiện Báo CAND đã có mặt tại tỉnh Bắc Giang, một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 6 để thăm hỏi và trao số tiền 20 triệu đồng ủng hộ các gia đình bị thiệt hại do bão lũ. 

Đại diện Báo CAND đến thăm và ủng hộ gia đình cháu Lê Anh Đô là học sinh lớp 12A7 Trường THPT Lục Ngạn 2 quên mình cứu bạn ngày 26/9.

Vành khăn trắng, đôi mắt mờ đục, người mẹ già Trương Thị Thu ngồi khóc thương đứa con quên mình cứu bạn đã bị lũ dữ cướp đi tính mạng. Đó là em Lê Anh Đô (lớp 12A7, Trường THPT Lục Ngạn số 2), cậu bé có đôi mắt và khuôn mặt sáng ngời vẫn được thầy cô và bạn bè nhắc đến là một cậu học trò chăm ngoan, chịu khó.

Đô đã lao xuống dòng nước đang chảy xiết cứu bạn học là Hường bị lũ cuốn. Đúng lúc kéo được Hường lên bờ thì Đô kiệt sức và bị dòng lũ cuốn trôi. 42 giờ sau, người dân mới tìm được thi thể em Đô. Đại diện Báo CAND đã thăm hỏi, động viên và giúp đỡ gia đình em Đô số tiền 1 triệu đồng.

Cũng trong buổi chiều 29/9, đoàn công tác xã hội từ thiện Báo CAND đã đến thăm và trao số tiền 2 triệu đồng cho gia đình anh Lương Văn Lưu, Trưởng Công an xã Phì Điền, huyện Lục Ngạn. Toàn bộ tài sản và nhà cửa của gia đình anh đều bị lũ cuốn trôi và đánh sập. Tiếp đó, Báo CAND đến với các gia đình bị thiệt hại tại xã Nam Dương. Đây là một trong những xã bị ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 6. Báo CAND đã hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại tại xã Nam Dương tổng số tiền 8 triệu đồng.

Chiều ngày 29/9, Đoàn công tác Báo CAND đã có mặt tại tỉnh Sơn La, thăm hỏi và hỗ trợ cho các gia đình có thân nhân bị nạn trong đợt lũ lụt. Một trong những hộ gia đình bị thiệt hại nặng nhất là gia đình chị Quàng Thị Chơ ở bản Nẹ Nưa, xã Hua La, thị xã Sơn La. Vào khoảng 4h sáng 26/9, một vụ lở đất bất ngờ khiến chồng chị Chơ là anh Lò Văn Mẳn và con trai út 4 tuổi bị thiệt mạng. Bản thân chị Chơ và con trai lớn là Lò Văn Long (6 tuổi) bị thương nặng, đang được cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 6. Đoàn công tác đã hỗ trợ 3 triệu đồng cho gia đình chị Chơ.

 Hiển - Tuấn - Nguyễn Hương

Minh Tiến - Đăng Khang
.
.