Ly kỳ “cuộc chiến” thừa kế 1.000 tỉ đồng

Thứ Năm, 07/06/2012, 09:05

Vì không kịp lập di chúc nên cái chết bất đắc kỳ tử của bà Thạch Kim P., quận Tân Phú, TP HCM đã mở màn cho cuộc tranh chấp khối tài sản khổng lồ lên đến 1.000 tỉ đồng. Đó là “cuộc chiến” giữa chị Thạch Hà H.L. (con gái nuôi của bà P.) và các anh chị em của bà P. Lúc sinh thời, bà P. được hàng xóm ghi nhận không có vẻ gì là đại gia nên việc bà này để lại khối tài sản kếch xù như vậy đang làm xôn xao dư luận…!

Theo tìm hiểu của PV Chuyên đề ANTG, bà Thạch Kim P. sinh năm 1946, ngụ phường Hiệp Phú, quận Tân Phú. Sinh ra trong gia đình có 7 anh chị em, gia đình bà P. là người Việt gốc Hoa, có nghề truyền thống làm bún gạo. Những người biết chuyện bật mí rằng cái nghề tưởng chừng như tầm thường ấy đã mở đường dẫn đến sự giàu sang phú quý đến tột đỉnh cho bà P. cùng những anh chị em của mình.

"Khi tuổi cao sức yếu, bố mẹ bà P. đã truyền hết bí quyết nghề nghiệp cho các con, trong đó có bà P.  Nhờ lanh lẹ, tảo tần, làm ăn uy tín, biết chắt chiu dành dụm… nên không chỉ bà P. mà các anh chị em của bà sau đó đều thành đạt, khấm khá với nghề làm bún. Hiện vẫn còn một người chị của bà P. làm nghề bún gạo có tiếng ở quận Tân Phú" - một hàng xóm của bà P.  cho biết.

Nếu cứ theo mãi nghề làm bún, bà P. chẳng thể nào gây dựng được cơ nghiệp khổng lồ lên đến cả ngàn tỉ đồng. "Làm được bao nhiêu tiền, bà ấy đều đổ dồn vào việc thuê mua đất để mở rộng quy mô sản xuất" - anh K., người làm công cho bà P, bật mí: "Khoảng năm 1990, bên cạnh việc được Nhà nước cấp đất để mở rộng quy mô sản xuất, nhận thấy thị trường bất động sản sôi động nên bà P. dồn tiền vào việc mua những khu đất lớn. Đến năm 2.000, giá trị đất tăng cao, bà P. làm ăn theo kiểu bán ra thu vào, mua đất khắp các phường  ở quận Tân Phú, các quận trung tâm thành phố và cả các tỉnh lân cận. Và nhờ cái duyên mua bán ấy mà bà liên tục trúng lớn, làm đâu thắng đó".

Theo anh K. cùng những người từng làm công cho bà P., tuy giàu nứt đố đổ vách, sống trong căn nhà khổng lồ rộng đến 2.000m2 ở quận Tân Phú nhưng bà P. sống rất cần kiệm, thương người. "Những người làm công như chúng tôi được bà ấy trả lương cao, hay cho quà, tạo chỗ ở chẳng phải thuê mướn. Ai đau ai bệnh bà P. cũng sẵn lòng giúp tiền để được điều trị đến nơi đến chốn" - anh K. chia sẻ.

Chuyện sẽ chẳng có gì ầm ĩ nếu như không có chuyện bà P. chẳng may bị tai biến qua đời một cách đột ngột, chẳng để lại bất kỳ di chúc gì quanh số tài sản kếch xù của mình: "Chúng tôi chỉ biết bà P. rất giàu nhưng cụ thể bà ấy có bao nhiêu tiền vàng thì chẳng ai rõ. Ngay cả các anh chị em của bà P. cũng còn mù tịt nữa là. Chỉ đến khi bà ấy mất, người nhà mời Văn phòng Thừa phát lại ở quận Bình Thạnh đến lập vi bằng mới biết bà có đến cả 1.000 tỉ đồng đó chớ".

Chị M., vợ anh K., thổ lộ: "Chuyện ngàn tỉ tôi nghe râm ran từ một số người nhà của bà P. nhưng cũng bán tin bán nghi. Ai dè mới đây, khi biết được Ngân hàng thương tín (Sacombank) mời con gái nuôi của bà P. là cô L. cùng em trai của bà ấy là ông Thạch Vũ P. để bàn chuyện giải quyết tài sản gửi trong két sắt của ngân hàng này, tôi mới biết chuyện 1.000 tỉ là có thật".

Con nuôi của bà P. là chị Thạch Hà H.L., 22 tuổi, là du học sinh ở Đức. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết chị L. được bà P. xin nhận làm con nuôi ở Bệnh viện Hùng Vương từ lúc chị còn đỏ hỏn. "Cô L. rất được mẹ thương yêu, lo thủ tục pháp lý đàng hoàng, được pháp luật thừa nhận hẳn hoi" - chị M. khẳng định: "Như mẹ, cô L. rất thương người, hiền lành, chịu khó. Là con nhà giàu có, tiền muôn bạc vạn ăn không ngồi rồi xài cả đời cũng không hết núi tiền của mẹ nhưng vì không nỡ phụ sự kỳ vọng của mẹ nên cô L. cần kiệm, chăm học và học rất giỏi. Sau khi học xong lớp 12, cô L. được mẹ cho đi du học. Khi hay tin mẹ mất, cô L. đã về nước chịu tang mẹ".

L. về Việt Nam vào trung tuần tháng 3/2011. Quá trình Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh lập vi bằng ghi nhận tài sản của bà P. có sự chứng kiến của L. cùng đại diện anh chị em của bà P. và Công an địa phương. Do tài sản của bà P. quá nhiều không thể đếm xuể trong một sớm một chiều nên phải mất cả tuần lễ, công tác kiểm kê mới kết thúc. Đây cũng là vụ lập vi bằng có tài sản lớn nhất từ trước đến nay! Đa phần tài sản bà P. để trong những chiếc két sắt mà chỉ bà P. mới biết được mật mã nên để đảm bảo công tác kiểm kê được an toàn, sau khi kiểm kê những tài sản vòng ngoài được bà P. giấu trong ngăn tủ, bàn làm việc, sổ sách với vô số tiền, vàng, đôla, lúc này việc mở két sắt mới được thực hiện. Do két sắt bị khóa nên những người có liên quan đã thống nhất mời một thợ chuyên mở khóa két sắt là ông Tăng Đặng Trí T. đến mở két.

Danh sách những sổ tiết kiệm, thẻ tài khoản "tiền khủng" cùng số vàng của bà P. khi được kiểm kê.

Ông T. kể ngay khi ông hoàn thành nhiệm vụ thì đại diện 2 bên là chị Thạch Hà H.L và ông Thạch Vũ P. cùng tiến hành mở két sắt gồm ngăn trên và ngăn dưới. "Két sắt nào, ngăn kéo nào cũng tiền, vàng vô kể. Gọi là kho báu cũng không sai. Còn giấy tờ nhà đất, nói chung sổ đỏ sổ hồng của bà ấy thì chồng chồng lớp lớp" - ông T. tấm tắc: "Cả đời làm nghề mở khóa, tôi đã được nhiều gia chủ mời mở khóa cho hàng trăm két sắt nhưng chưa khi nào chứng kiến cái cảnh tiền, vàng, kim cương, đôla nhiều như két sắt của bà P. Bà ấy giàu không thể tưởng tượng nổi".

Trong ngăn đầu tiên của chiếc két sắt có nhiều tệp hồ sơ, mỗi tệp đều căng phồng sổ hồng sổ đỏ, những giấy tờ liên quan đến nhà đất do bà Thạch Kim P. đứng tên trên các đường Tô Hiệu, Lũy Bán Bích (phường Hiệp tân, quận Tân Phú), Hương lộ 14, đường Tân Thới Hòa… (quận Tân Bình). Có thể nói rằng số nhà đất đứng tên bà P. và đang trong quá trình giao dịch lên đến con số hàng chục. Có những lô đất đứng tên bà P. ở khu vực trung tâm quận Tân Bình, Tân Phú lên đến hàng ngàn mét vuông. Điển hình là lô đất mà bà P. mua của ông Bùi Văn C. ở đường Phú Hòa, phường 20, quận Tân Bình có diện tích 4.400m2. Giấy chuyển quyền sử dụng đất của vợ chồng ông Phạm Văn T. và vợ là bà Lê Thị C. cho bà Thạch Kim P. lô đất đến 5.280m2 tại Phú Thọ Hòa…

Ấy là nói về đất. Về tiền, thống kê cho thấy bà P. có gần 20 sổ tiết kiệm và thẻ tài khoản của các ngân hàng như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng liên doanh Việt - Thái, Ngân hàng ACB, Ngân hàng Vietcombank… Trong 5 giấy chứng nhận tiền gửi tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam do bà Thạch Kim P. đứng tên, có 3 sổ số dư đến 500.000 USD, 3 sổ còn lại số dư đều từ 200.000 USD trở lên. 1 trong 2 chứng chỉ gửi tiền có kỳ hạn tại Ngân hàng liên doanh Việt - Thái… có số dư hơn 11 tỉ đồng. Và trong 12 thẻ tiết kiệm lãi suất thả nổi tại Ngân hàng ACB (phát hành vào 4/2008 đến 28/2/2011), có thẻ số dư trên 1 tỉ đồng, số thẻ còn lại đa phần có số dư hàng trăm ngàn USD…

Cùng với giấy tờ nhà đất, sổ tiết kiệm, thẻ tài khoản, trong két sắt của bà P. còn ngổn ngang đá quý và vàng…  Bà P. có thói quen để kim loại quý trong những hộp nữ trang hình trái tim màu đỏ, bên trong mỗi hộp có vàng miếng, nhẫn đính đá quý màu trắng, vòng đeo tay bằng vàng trắng đính đá quý màu trắng, hột xoàn… Tổng cộng qua kiểm kê cho thấy bà P. để lại đến 100 cây vàng, 1 triệu USD, tiền mặt, sổ tiết kiệm, giấy tờ nhà đất…  ước lượng tương đương 1.000 tỉ đồng.

Điều kỳ lạ nhất là trong quá trình kiểm kê tài sản, bên cạnh núi tiền vàng ấy, những người kiểm kê cũng phát hiện bà P. cất giữ cẩn thận nhiều tờ tiền có mệnh giá 200, 500, 1.000 (1.000 tờ), 2.000 (2.500 tờ), 5.000 đồng (153 tờ)…. Điều này chứng minh bà P. tuy giàu có nhưng sống rất cần kiệm!

Theo cử nhân luật Nguyễn Thị Bách Vân (Đại học Luật TP HCM): Điều 167 Bộ Luật Dân sự về quy định quyền thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự như sau: Hàng thừa kế thứ nhất (gồm vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết), hàng thừa kế thứ 2 (gồm ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết…).

Nếu chị HL. có đủ cơ sở pháp lý chứng minh rằng mình là con nuôi hợp pháp của bà P. thì trường hợp của chị phù hợp hàng thừa kế thứ nhất. Trong trường hợp đã có hàng thừa kế thứ nhất, nếu những anh chị em của bà P. chứng minh mình có công sức đóng góp, hùn hạp liên quan đến khối tài sản kia thì sẽ được xem xét. Bằng không toàn bộ tài sản sẽ thuộc về chị L. theo hàng thừa kế thứ nhất.

Trong quá trình kiểm kê, những tài sản, giấy tờ có liên quan đến cô L., con gái nuôi của bà P. đều được trao thẳng cho cô L. Ròng rã kiểm kê gần cả tuần lễ (thông tin PV ghi nhận được từ ngày 22 đến 27/3/2011), sau đó toàn bộ tài sản nói trên được đem gửi tại Ngân hàng Sacombank. Để tránh những bất ổn xảy ra liên quan đến khối tài sản khổng lồ, các bên có liên quan thống nhất trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký biên bản, 2 bên (chị Thạch Hà H.L. và ông Thạch Vũ P.) phải có mặt để mở két sắt tại Ngân hàng Sacombank và giao toàn bộ giấy tờ có giá trị, giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu động sản, bất động sản đứng tên bà Thạch Kim P. cho chị Thạch Hà H.L làm thủ tục mở thừa kế… Ngoài ra còn có những điều khoản ràng buộc khác giữa 2 bên mà chúng tôi không tiện đề cập.

Mặt khác, trong quá trình lập vi bằng, các bên có liên quan cũng thống nhất thanh toán toàn bộ các chi phí phát sinh để mua đất và xây mộ phần, tổ chức đám tang, cúng giỗ cho bà Thạch Kim P. Bao gồm tiền đất 275 triệu đồng, chi phí xây mộ 113.000 USD. Đồng thời lập quỹ tạm chi trích từ số tiền 300 triệu đồng để quản lý khối tài sản của bà P. do chị Thạch Hà H.L quản lý…

Là con gái nuôi của bà P., được pháp luật thừa nhận, theo luật thì chị Thạch Hà H.L sẽ được thừa hưởng toàn bộ gia sản của mẹ là bà P. Nhưng kể từ khi bà P.  mất đến nay đã hơn một năm trôi qua, khối tài sản 1.000 tỉ đồng này vẫn được nằm trong két sắt được ký gửi tại Ngân hàng Sacombank, chưa thực sự toàn quyền sở hữu của cô con gái Thạch Hà H.L. Vì tài sản quá lớn nên các anh chị em của bà P. mà trên pháp lý là những cậu, dì của chị Thạch Hà H.L không muốn để chị L. nắm giữ. Và cũng vì lẽ đó mà toàn bộ tài sản được ký gửi tại Ngân hàng Sacombank với thời hạn đến cuối tháng 3/2012. Đến hạn, ông Thạch Vũ P. (em trai bà Thạch Kim P.) không đồng ý cho chị H.L. rút số tài sản về với lý do vụ việc đang tranh chấp, toàn bộ tài sản là công sức của cả dòng họ, trong đó có hùn hạp của 1 người anh và 1 người em của bà P. hiện ở Đức, nên muốn gia hạn thêm thời gian, chờ những người này về cùng giải quyết trước tòa.

Được biết cuối giờ chiều ngày 30/5, sau hơn 3 giờ làm việc, thảo luận, giữa chị Thạch Hà H.L và ông Thạch Vũ P. vẫn chưa tìm được tiếng nói chung nên khối tài sản 1.000 tỉ đồng vẫn tiếp tục "ngủ" yên trong két sắt của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank). Vụ việc hiện đang chờ tòa án phân xử.

Chuyên đề ANTG sẽ tiếp tục theo dõi vụ tranh chấp khối tài sản 1.000 tỉ đồng và sẽ sớm trở lại khi có thông tin mới nhất

Nhóm PV
.
.