Mái nhà bình yên của những đứa trẻ có thân phận đặc biệt

Thứ Hai, 31/01/2011, 12:15
Một bé gái 10 tuổi nói với tôi: “Em không biết mẹ em là ai, cha em là ai, nhà em ở đâu? Nhưng em thấy mình vẫn còn may mắn hơn, sung sướng hơn rất nhiều bạn khác ở đây, chị ạ”. Một bé gái khác chừng 12 tuổi đứng gần bên cũng tỏ ra xót xa cho bạn mình: “Các bạn ấy khổ lắm. Có lẽ cả đời sẽ chẳng bao giờ biết vui. Cả đời sẽ không bao giờ hết khổ. Các bạn ấy ở đằng sau dãy nhà này thôi”. Nói rồi, em cầm tay tôi kéo đi. Chúng tôi theo em không ai nói câu gì.

Những ngày giáp tết, tiết trời lạnh buốt, u ám, khuôn viên Cô nhi viện Thánh An, Bùi Chu, Trường Xuân, Nam Định yên ắng lạ thường, mặc dù nơi đây có cả trăm đứa trẻ đang sinh sống.

Ai đưa các em đến Cô nhi viện?

Quyến luyến với mấy em nhỏ chừng độ 2 đến 3 tuổi, chúng ríu rít như đám sẻ non khi nhìn thấy xơ đi cùng chúng tôi, bọn trẻ chạy ùa đến chìa bàn tay nhỏ xíu của mình để được cầm vào tay xơ và cười khanh khách. "Chị Tươi ơi" - đám trẻ gọi tên xơ một cách trìu mến. Xơ cười hiền lành và chạm bàn tay mình vào lần lượt từng đứa trẻ. Như có luồng điện, bọn trẻ thích thú vô cùng. Nhìn sự hồn nhiên, ngây thơ, trong trẻo của các em, lòng chúng tôi như dịu đi, chỉ thấy một tình thương dâng trào. Xinh, đáng yêu thế này, vậy mà em lại bị người thân bỏ rơi? Có khi kẻ vứt em đi là mẹ, là cha, là ông bà... Bỏ từ khi mấy ngày tuổi. Một vài tháng tuổi.

Rất khác với những đứa trẻ đi học ở trường công, trường tư 8 tiếng một ngày, 10 đứa trẻ trong một căn phòng nhỏ này, ở chung với nhau suốt 24 giờ. Đến giờ đi ngủ, các em chia làm hai giường, mỗi bên 5 em. Bé trai và bé gái nằm cùng nhau. Có điều đặc biệt, trong giờ đi ngủ các em mặc dù chưa ngủ nhưng rất giữ trật tự. Thỉnh thoảng có cậu bé nghịch ngợm, lại chui đầu ra khỏi chăn ấm ngọ ngoạy và nhìn về phía chúng tôi tay giơ tay vẫy.

Giọng nói nhỏ nhẹ của mấy cô bé trạc 10 - 12 tuổi đã nhanh chóng cuốn chúng tôi đi vào cảm giác sốt ruột, nôn nóng để sang dãy nhà mà theo như các em nói là các bạn cùng khổ đang sống. Và, ở đó, cái thế giới nhỏ bé kia với những số phận bi thiết. Căn phòng đầu tiên chừng 10m, đủ để kê hai cái giường nhỏ. Giường bên này có hai bé gái khoảng 8 tuổi. Một bé trai 13 tuổi nằm ở giường đối diện, một bé nằm, một bé ngồi. Bé gái Hà My ngước khuôn mặt xinh xắn lên nhìn chúng tôi, em không đứng được, chỉ dịch chuyển bằng cách lết người. Hai chân em nhỏ tí như cây củi khô. Em bị dị tật bẩm sinh.

Còn bạn em Cẩm Nhung cũng không đi lại được, chỉ di chuyển bằng lưng. Cả ngày, em ngồi dựa vào thành giường ngắm bạn mình nằm. Chúng cùng cúi xuống và đọc chung một quyển sách. Hai bé này lúc nào cũng như đôi chim câu. Ở bên nhau rủ rỉ suốt ngày. Có lẽ nỗi đau này khỏa lấp nỗi đau kia. Tình thương này bù đắp cho mất mát thiếu hụt kia. Hai bé xoắn xuýt bên nhau, cả ngày lẫn tối.

Còn bé trai nằm kia, em bất động như vậy suốt 13 năm rồi. Và em cũng không thể làm gì, nói gì, trừ khi có ai đó nhắc đến tên em: "Đại ơi", là em lại nở nụ cười ngô nghê. Thế nhưng sao những thân hình bệnh tật, ốm yếu này lại ở đây? Chuyện thế này.

Một buổi sáng sớm mùa đông, trời lạnh ngắt, có tiếng khóc thút thít ở ngoài cánh cửa, bà cụ già ra mở cửa, thì thấy đứa bé chừng 5 tuổi nằm bệt xuống bên chiếc sàn xi măng. Nó chỉ có độc nhất một tấm áo mỏng, cái quần cũ xoắn rách tả tơi. Trời ơi, ai bỏ đứa trẻ này nằm đây. Lạnh thế này không khéo đứa bé bị viêm phổi mất. Bà bế nó vào, mẹ con tên gì, cha con tên gì, nhà con ở đâu. Ai bỏ con lại đó? Đứa bé không nói gì. Một đêm ngoài trời gió rét, làm đứa trẻ sợ hãi quá chừng, nó cũng sắp lả đi vì đói và lạnh.

Bà cụ già khi ủ ấm cho nó mới phát hiện ra chân nó bị teo lại nhỏ xíu. Nghĩa là cả đời này nó sẽ không thể đi được mà chỉ nằm thôi. Cho đứa trẻ ở nhà mình vài hôm, bà cùng gia đình đi tìm cha mẹ đứa bé, nhưng một người trên tỉnh về nói, có một người đàn bà mang đứa con 5 tuổi đi xin ăn ở các chợ huyện. Ngày ngày đứa trẻ 5 tuổi nằm trên một cái chiếu được thả giữa chợ và bên cạnh là cái ống bơ để người qua lại thả tiền xuống. Chiều tối người mẹ lại đến bên cái chiếu của con mình, thay vì bế đứa bé lên, bà ta vồ lấy cái ống bơ, đổ số tiền ra đếm. Xong xuôi, bà ta kéo lê đứa con của mình về nhà trọ. Nhưng người đàn bà này mấy hôm nay không thấy xuất hiện ở phố chợ nữa. Không ai biết bà ấy đi đâu.

Khi đi tìm mẹ của em người ta mới biết người đàn bà ấy không phải là mẹ ruột của đứa trẻ. Em được người đàn bà đó mua lại để kiếm ăn. Với thân hình tiều tụy của em, sẽ làm cho khách qua đường động lòng trắc ẩn. Không biết người đàn bà đó đã mua em với giá bao nhiêu. Thân hình ốm o của em ngày ngày được đặt trên một cái chiếu con ở góc chợ, cả những ngày nắng gắt hay những ngày đông giá rét, em đã ốm liên miên, người đàn bà nọ sợ em chết, nên đã bỏ đứa trẻ tội nghiệp lại. Và người ta đã gửi em đến Cô nhi viện này. Sống trong môi trường với những bạn đồng cảnh ngộ, em sẽ không phải những ngày mưa dầm, nắng cháy bị kéo lê ngoài chợ để xin ăn...

Đôi bạn thân cùng cảnh ngộ.

Câu chuyện của Cẩm Nhung lại khác. Em chỉ có thể đi bằng lưng. Không biết kẻ ác tâm nào em đã cho em vào một cái gùi khi em mới 2 tuổi để ở cổng của một trạm xá. Và người ta đã mang em về đây săn sóc. Còn cậu bé bất động nằm kia, chuyện xảy ra đã hơn 10 năm, khi em khoảng 2 tuổi, người ta đã đặt em trước cửa Cô nhi viện. Có lẽ gia đình em biết được đứa trẻ bị liệt toàn thân, lớn lên sẽ thành một gánh nặng cho gia đình, nên họ đã đẩy em ra khỏi cuộc sống của họ một cách nhẫn tâm đến vậy. Vậy là 12 năm em nằm bất động, cũng từng đấy khoảng thời gian các xơ đã chăm sóc cho em.

Tôi nghĩ, phải có một tình thương vô bờ, sự hy sinh của những tấm lòng cao cả mới có thể gần gũi, chăm bẵm những đứa trẻ tật nguyền đằng đẵng nhiều năm trời. Các xơ không chỉ có mái nhà này, và các em cũng chỉ có mái nhà này. Khi những người trong gia đình vứt bỏ em thì có bàn tay nhân ái hơn, xòe ra, nâng đỡ, che chở, yêu thương.  Đó là những người làm việc âm thầm lặng lẽ, của những xơ trong Cô nhi viện Thánh An- Bùi Chu. Họ, bao giờ cũng chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng công việc nặng nhọc ấy với họ lại là một niềm vui. Vì họ có đức tin. Tin vào cái thiện. Phòng bên cạnh, mấy đứa nhỏ ngồi ríu vào nhau, khuôn mặt ngô nghê, đó là những đứa trẻ bị bệnh về thần kinh, bệnh đao.

Xơ Tươi kể cho tôi nghe những câu chuyện về những đứa trẻ bị bệnh thần kinh.  Cách đây ít lâu có một bác chuyên hành nghề xe ôm đã mang một đứa bé 9 tuổi đến Cô nhi viện này. Số là một chiều sau khi chạy chở khách, qua cầu Chương Dương, ông thấy đứa bé nói năng lảm nhảm, mặt mũi không chút thần sắc bám vào thành cầu. Sợ đứa bé gặp nguy hiểm hay sẽ có hành động không kiểm soát bản thân được, bác xe ôm đã kéo em vào và biết em có biểu hiện của trẻ bị tâm thần. Không biết đưa em về đâu, bác hay tin Cô nhi viện ở đây có tiếp nhận những trẻ bị tâm thần, nên sau khi  cho đứa trẻ ăn no nê, ông buộc nó vào người ông thật chặt rồi phóng xe máy suốt một chặng đường dài 140km từ Hà Nội về đây, để cho đứa bé có một ngôi nhà an toàn và được chăm sóc chu đáo.

Khi trao đứa bé cho các xơ, ông đã nói: Làm thêm được một việc tốt cũng là tạo phúc cho con cháu. Ông làm việc này vì tự nguyện, vì lương tâm bảo ông cần phải làm như thế. Vì xã hội nhiều cái ác, làm thêm một việc thiện là xóa đi một cái ác.

Cô nhi viện có gần 20 em bị bệnh về thần kinh, mỗi em có hoàn cảnh khác nhau. Có gia đình không thể để em lại trong nhà, họ đưa em đến đây và gửi gắm cho các xơ. Nhưng, thật phi lý và xấu hổ khi cho đi máu mủ của mình. Họ đã nghĩ ra một cách. Một người đàn ông đưa đứa bé bị bệnh đao đến, và nói trên đường đi thấy đứa bé đứng lơ ngơ bên đường, hỏi nó, nó không biết bố mẹ là ai, nhà ở đâu, nên người đàn ông ấy đã chở em đến đây. Bằng giác quan đầy nhạy cảm, cha và các xơ cũng biết đứa trẻ đấy là người thân của người đàn ông kia. Người đàn ông ấy là chú của đứa trẻ, được sự ủy thác của gia đình, đã đưa đứa bé đến đây...

Đau lòng những đứa trẻ bị bỏ rơi ở lễ hội?

Cũng trong căn phòng dành cho những đứa trẻ thần kinh chậm phát triển, tôi bị ấn tượng bởi một cậu bé khá dễ thương ngồi ngay phía giáp với cửa. Em chừng 10 tuổi, làn da em trắng hồng, đôi mắt em đen lay láy nhìn chúng tôi, im lặng không nói gì. Xơ nói em tên Nghĩa, em có hoàn cảnh giống như một vài bạn ở đây. Một vài  em ở đây có thể nhận biết được người quen hay là nhà của mình và chỉ bị đao dạng nhẹ thôi.

Nhưng gia đình của các em lại không chấp nhận các em. Họ sợ các em nhận ra họ, sợ các em nhớ được đường về nhà. Vậy nên, chính trong những mùa lễ hội, đó là những ngày sau tết, họ đã lên kế hoạch để thực hiện việc vứt bỏ các em ra khỏi cuộc sống của họ.

Những em bé bị bệnh thần kinh tại Cô nhi viện.

Xơ Tươi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những đứa trẻ bị bệnh đao đã bị bỏ rơi ở lễ hội như thế nào. Vào mùa lễ hội, du khách thập phương đến từ khắp mọi nơi và cũng là lúc người ta tụ tập ở một nơi nào đó rất đông, chen chúc xô đẩy để cùng nhau vui chơi giải trí. Người ta reo hò, đi tới đi lui, và những đứa trẻ bị bệnh đao cũng được gia đình đưa đến đó.

Sau khi tàn lễ hội, mọi người ra về hết, chỉ còn lại mình em đứng trơ vơ, ngơ ngác ở giữa một bãi đất trống. Em không biết đi về đâu. Gia đình em đưa em đến đây, lợi dụng lúc đông người đã bỏ đi. Vì họ sợ rằng nếu để em ở gần nhà, một vài người quen có thể  trả em về cho gia đình sau khi tàn lễ hội. Thế nên, có khi người ta đi cả hàng chục, hàng trăm kilômét để tìm đến một lễ hội xa nhà. Nơi mà không ai có thể biết em.

Giờ đang là những ngày giáp tết, chỉ ít hôm nữa thôi, người ta sẽ nô nức cùng nhau đi trẩy hội. Xuân về, hội về, tiếng hát, tiếng kèn giục giã, cùng với niềm vui đón xuân về sẽ còn bao nhiêu cảnh ngộ éo le, những mảnh đời bất hạnh của trẻ thơ bị quăng quật, bị chà đạp, bị vứt bỏ ở các lễ hội. Nghĩ đến đấy thôi đã đủ rùng mình.

Những đứa trẻ lành lặn và may mắn được sinh ra trong gia đình của tình thương, chúng được gia đình đưa đi chơi, còn các em, những đứa bé bất hạnh khi sinh ra trên cõi đời này đã phải chịu nỗi đau của thể xác, các em mang trong người bệnh tật, cả sự ghẻ lạnh của những người thân thiết ruột rà. Khi gia đình chối bỏ các em, cũng thật may, các em được đưa về đây dưới một mái nhà của Cô nhi viện Thánh An- Bùi Chu, Xuân Trường, Nam Định.

Ngoài gần 50 trẻ bình thường bị bỏ rơi còn 50 em bị bệnh tật hoành hành, gần 100 trái tim nhỏ bé, yếu ớt, hoàn toàn không biết bảo vệ mình, nhưng lo gì chứ mái nhà này sẽ cưu mang các em. Nơi đây, nơi mà tình yêu thương, đùm bọc và sẻ chia lan tỏa. Nơi mà tình người đã sưởi ấm những trái tim bé thơ của các em

Mỹ Hiền - Tú Anh
.
.