Mẹ, con và chiếc xe lăn

Thứ Hai, 10/11/2008, 08:00
Từ khi khai giảng năm học mới đến nay, các thầy cô cũng như sinh viên của Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã quen với hình ảnh một người mẹ tóc đã bạc quá nửa cứ lầm lụi đẩy chiếc xe lăn đến trường, trên đó là một thanh niên mặt mũi sáng láng nhưng đôi chân bị teo tóp. Đó là Nguyễn Hà Hải, sinh viên Khoa Thông tin thư viện.

Phận gái mười hai bến nước

Tôi đến nhà trọ của chị Nguyễn Thị Tâm (quê ở thôn Chợ, xã An Bình, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) vào một buổi sáng cuối thu. Ngôi nhà mà hai mẹ con chị tá túc hơn hai tháng nay (ở 56 Giáp Nhất, Nhân Chính, Thanh Xuân) cũng bé nhỏ như số phận, như ước mơ của hai mẹ con chị.

Căn phòng rộng chừng 5m2, chỉ đủ kê chiếc giường một và đặt chiếc xe lăn cho Hải là hết chỗ. Mọi vật dụng dành cho sinh hoạt hàng ngày như xoong nồi, bát đĩa, xô chậu đều phải nhét xuống gầm giường. Sau khi đỡ con ngồi vào giường, chị lấy ghế cho tôi. Vừa cầm nón quạt lấy quạt để, chị vừa kể. Ngôi nhà bé thế, nhưng nó đã ngốn gần hết lương hưu của chị. Mỗi tháng chị được lĩnh tròm trèm 1 triệu, thế nhưng chỉ riêng tiền thuê nhà đã hết 800 ngàn đồng/tháng. Rồi tiền điện, tiền nước, tiền sinh hoạt, sách vở học tập cho Hải...

Gặp chị Tâm, người ta dễ bị nhầm lẫn về tuổi. Có lẽ những sóng gió của cuộc đời đã khiến cho người con gái Kinh Bắc một thời là niềm mơ ước của bao chàng trai trở nên già trước tuổi. Chỉ có mái tóc của chị vẫn rất dày và dài, nhưng cũng bạc đến quá nửa. Chị ngồi bên "báu vật" của mình là Hải. Em có một khuôn mặt cương nghị, đôi mắt sáng, thông minh. Duy chỉ có đôi chân là không lành lặn.

Chị tâm sự: sinh năm 1953 trong một gia đình nhà nông đông anh em, chị có phần may mắn là được học hành đầy đủ. Sau khi tốt nghiệp Trường Công nhân Kỹ thuật Bộ Vật tư (nay là Bộ Công thương), chị được phân về công tác tại Xí nghiệp Xăng dầu Gia Lâm (Hà Nội).

"Thời con gái tôi cũng có nhiều người theo đuổi lắm" - chị Tâm tự hào. Thế nhưng phận con gái mười hai bến nước, ông trời nhiều khi muốn thử thách lòng người. Tình duyên lận đận, mãi đến năm 1990, chị mới có mang và sinh hạ một thằng cu kháu khỉnh, đặt tên là Nguyễn Hà Hải. Hải lúc mới sinh nặng tới 3kg rất khôi ngô, tuấn tú. Đó có thể coi là quãng thời gian hạnh phúc nhất của cuộc đời chị Tâm. Chị liền đưa bà ngoại từ quê ra trông cháu.

Ban ngày đi làm, chị cố hoàn thành tốt công việc được giao. Đến giờ nghỉ, chị sấp ngửa về nhà. Ba mẹ con, bà cháu quấn quýt nhau. Bé Hải được cái mau mắn, nó cứ bi bô suốt ngày khiến căn phòng nhỏ của chị trở nên ấm cúng, rộn rã.

Khi mà những đứa trẻ đồng lứa đã lẫm chẫm biết đi, không hiểu sao cu Hải con chị cứ chập chững mãi mà không tự bước được. Cu Hải cứ phải bám vào thành giường, thành ghế mới lết được một quãng ngắn. Sốt ruột, chị Tâm đưa Hải tới bệnh viện khám. Bác sĩ cũng không tìm ra căn nguyên, chỉ khuyên chị về cho cháu uống thêm nhiều thuốc bổ, bữa ăn cần tăng cường chất có nhiều canxi cho hệ xương của Hải phát triển, cứng cáp.

Mặc dầu chị Tâm đã dùng đủ mọi biện pháp, ai mách gì chị cũng làm theo những mong đôi chân của con sẽ cứng cáp. Song số phận lại một lần nữa "trêu ngươi" chị. Đôi chân của Hải càng lớn lại càng yếu. Nó không đủ để nâng đỡ cái thân hình cũng chỉ hơn chục kilôgam. Bốn, năm tuổi, Hải vẫn chỉ có thể lẫm chẫm được vài bước rồi lại ngã nhào. Bất lực khi thấy con mình suốt ngày phải ngồi một chỗ, không được chạy nhảy, tung tăng nô đùa như chúng bạn, lắm khi chị Tâm chỉ biết lặng lẽ khóc một mình.

Đến tuổi Hải đi học, chị Tâm buộc phải lựa chọn một trong hai quyết định. Bà ngoại đã yếu, một mình ở trong căn phòng tập thể của chị, bà thấy buồn nên đòi về quê. Về quê dù sao cũng có cô dì, chú bác, có bà con làng xóm. Còn chị cũng không thể xẻ làm hai, để vừa đưa con đi học bằng xe lăn, lại vừa làm công việc Nhà nước giao. Chị Tâm đành dứt lòng, để Hải về quê sống với bà. Trường tiểu học cách đó chỉ vài trăm mét, bà ngoại vẫn có thể đưa đi đón về.

Thế là từ đó, chị Tâm lại vò võ một mình trong căn phòng trống hoang hoải. Lắm khi chị muốn vứt bỏ tất cả để về quê có mẹ, có con đã rồi thì ra sao thì ra. Thế nhưng lý trí đã giữ chị lại. Chị bụng bảo dạ: "Mình đã lỡ sinh ra một sinh linh tật nguyền, bây giờ mình còn sức khỏe, còn có thể chăm sóc nó. Thế nhưng sau này mình già yếu rồi thì biết làm thế nào". Chị quyết định phải lo cho thằng Hải một tương lai thật vững chắc.

Nuốt nước mắt vào trong, chị Tâm vẫn ngày ngày chăm chỉ làm lụng chắt bóp. Mỗi tháng, chị cố gắng thu xếp về thăm con một hai ngày. Cu Hải rất quấn mẹ. Lần nào thấy chị về, nó cũng rất vui, nói cười suốt. Nhưng cũng hỏi ngay: "Bao giờ mẹ lại đi?".

Suốt thời gian học tiểu học, rồi trung học cơ sở, Hải được bà ngoại tảo tần đưa đi đón về, chăm sóc nuôi dưỡng. Hải dường như cũng biết thân biết phận, chẳng bao giờ quấy khóc, giận dỗi. Đi học về là Hải sà vào lòng bà kể chuyện ở lớp cho bà vui. May mắn cho Hải là cả hai ngôi trường tiểu học và trung học đều rất gần nhà. Những khi bà mệt, ốm thì đã có bạn bè đến đẩy xe lăn cho cậu.

Thế nhưng, khi Hải đang học lớp chín thì bà ngoại lâm bệnh nặng. Hải lại có lực học rất khá, không muốn con đứt gánh giữa đường, người đàn bà đã chịu nhiều gian truân chỉ có một lựa chọn duy nhất: "Hy sinh vì con!".

Cho con "đôi chân" vào đời

Năm 2005, bà ngoại Hải mất. Chị Tâm quyết định xin "về hưu non" để chăm sóc con. Với lực học của mình, Hải đã thi đỗ vào Trường THPT số 3 Thuận Thành (Bắc Ninh) không mấy khó khăn. Và đó là điểm khởi đầu của hành trình ngày ngày đưa con đi học, rồi ngồi chờ đến tan học lại đưa con về của chị Tâm.

Quãng đường từ nhà đến trường dài khoảng 5km, chị Tâm đẩy xe hết khoảng hơn 1 giờ đồng hồ. Suốt ba năm học THPT, ngày nắng cũng như ngày mưa, một mẹ, một con cứ lầm lụi đưa nhau đi trên con đường quen thuộc để đến trường. Kể thì nhanh, nhưng quá trình hơn 1.000 ngày đưa đi đón về của chị Tâm thực sự khiến người ta phải cảm phục.

Chị nói, khi Hải học xong lớp 9 nhiều người cứ khuyên chị nên học một nghề thủ công nào đó, rồi cả hai mẹ con cùng làm, việc gì phải học lên cao khổ cả mẹ, khổ cả con?! Nhưng chị Tâm không nghe. Chị bảo, gì thì gì nhiều chữ cũng hơn ít chữ. Hơn nữa, cũng đến lúc chị già yếu rồi khuất núi, đến khi đó thì thằng Hải biết bấu víu vào đâu. Chị nghĩ, mình quyết tâm phải xây dựng cho con một "đôi chân" vững chắc bằng học vấn. Nếu như Hải học yếu đã đành, đằng này nó lại học rất khá và quyết tâm thi đỗ đại học. Thế thì hà cớ gì mà chị không chịu khổ một chút để chắp cánh ước mơ của con và cũng là của mẹ?

Hàng ngày, nếu Hải học sáng thì chị dậy sớm từ 5h để chuẩn bị bữa sáng cho hai mẹ con. 6h là phải ra khỏi nhà rồi. Ngại nhất là những sáng mùa đông, rét cắt da cắt thịt. Hai mẹ con cứ đi liêu xiêu trong gió lạnh cả giờ đồng hồ. Vào những hôm mưa to gió lớn, mặc dù rất cẩn thận, ngoài việc mỗi người đã mặc một áo mưa, chị còn mang theo hai cái dự phòng, nhưng khi về tới nhà ướt vẫn hoàn ướt.

Có hôm, hai mẹ con đang đi bình thường, chị Tâm đã phải cố gắng đi sát lề đường bên phải. Thế nhưng có mấy thằng choai choai, không hiểu do vô tình hay cố ý mà chúng đánh võng, "vỉa" một cái vào chiếc xe khiến cả hai mẹ con ngã bò lăn bò toài. Bọn chúng cười như nắc nẻ rồi bỏ chạy, để mặc hai mẹ con chị vừa lồm cồm bò dậy, vừa xuýt xoa vì đau.

Lại có những hôm, chị Tâm thấy người rất mệt mỏi, nhưng cứ nghĩ nếu không đưa Hải đến trường thì con lại mất một buổi học, nên chị cố gắng dậy. Hải cũng có ý thức tự giác rất cao. Dù mưa gió rét mướt, nhưng chỉ cần mẹ gọi một câu là em ngồi dậy, chuẩn bị sách vở đi học. Nhiều hôm người em không được khỏe, nhưng thấy mẹ dậy rất sớm chuẩn bị xe, áo mưa, nước nôi, Hải lại bặm môi tỏ ra... bình thường để mẹ đỡ lo.

Nhà chỉ có hai mẹ con, nên Hải rất hay thủ thỉ tâm tình với mẹ. Từ chuyện học hành, rồi các bạn hay quan tâm giúp đỡ mua hộ cuốn sách, cho mượn vở bài tập để Hải bổ sung kiến thức. Suốt 3 năm học trung học, Hải không biết đến một giờ học thêm. Hải cố gắng nắm vững toàn bộ chương trình sách giáo khoa và tiếp thu những gì trên lớp các thầy, cô giảng. Kỳ thi đại học - cao đẳng vừa rồi Hải thi hai trường, đỗ cả hai.

Nhiều người hàng xóm của chị Tâm kể với tôi rằng, Hải tật nguyền như thế mà học giỏi cũng đã rất đáng biểu dương, nhưng có lẽ công đầu vẫn là của chị Tâm, người đã hy sinh tất cả để đưa con mình đến trường. Có một bác kể, lắm hôm 1-2h sáng mà bác vẫn thấy đèn nhà chị Tâm chưa tắt. Mẹ thì nhận len về đan, nhưng chủ yếu là để động viên con. Vì nhiều khi Hải muốn đi ngủ, nhưng thấy ánh đèn bên phòng mẹ vẫn sáng, lại tiếp tục miệt mài ôn luyện.

Và trời đã không phụ công sức của hai mẹ con. Đỗ đại học là cả một niềm vui sướng vô bờ của chị Tâm và Hải. Thế nhưng vui đấy, song nỗi lo lại ập đến ngay. Vì sẽ phải lên Hà Nội học, lạ nước lạ cái. Rồi thì chưa biết ở chỗ đâu? Sinh hoạt thế ra sao.

Ngày nhập trường, Hải ôm theo cái hòm da - "của hồi môn" từ thời chị Tâm học trung cấp để tiếp tục sự nghiệp học hành. Không được ở ký túc xá, chị Tâm phải mất mấy trăm ngàn để nhờ "cò" chỉ cho ngôi nhà ở Giáp Nhất. Từ nhà đến trường khoảng 3km, dĩ nhiên là Hải không thể tự đi được. Và thế là người phụ nữ ngoại ngũ tuần lại lôi chiếc xe ra tra thêm dầu, nắn lại cái bánh để tiếp tục sự nghiệp “chắp cánh ước mơ” cho con

Minh Tiến
.
.