Xung quanh việc lắp đặt camera giám sát phòng thi:

Một giải pháp cần được cân nhắc kỹ

Thứ Năm, 25/12/2008, 10:00
Trong Dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT 2009, lắp đặt camera giám sát phòng thi là một trong những nội dung được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố vào thời gian tới. Đây là ý tưởng có thể nói xuất phát từ thực tế có nhiều trường hợp gian lận thi cử và thiếu nghiêm túc trong công tác coi thi.

Vì vậy, lắp đặt camera giám sát phòng thi là một giải pháp ra đời nhằm khắc phục tình trạng này. Tuy nhiên, đây có phải là giải pháp "thức thời" mang hiệu quả cao và giải quyết tận gốc vấn đề thiếu nghiêm túc trong các đợt thi tốt nghiệp trung học phổ thông?

Theo ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD-ĐT đồng thời là "cha đẻ" của ý tưởng này, hiện  nay có hai phương án: thứ nhất lắp camera trực tiếp trong phòng thi; thứ hai, lắp ngoài hành lang và theo dõi từ hành lang vào phòng thi. Và camera này không chỉ dành riêng để giám sát thí sinh mà cả thanh tra, giám thị coi thi.

Ông Ngọc nói: "Nó sẽ là vòng cương tỏa đối với cả Hội đồng coi thi để từ đó tìm ra một đáp án thực tế đang tồn tại ở các địa điểm thi". Tuy nhiên, những phương án trên đây mới chỉ là "trên giấy" và chưa có sự quyết định rõ ràng vì còn phải tính toán kỹ lưỡng về tiện ích sử dụng cũng như kinh tế trước khi đưa vào sử dụng. Những tính toán ấy đặc biệt là về kinh tế phải phù hợp với hoàn cảnh của các trường trong toàn quốc hiện nay.

Ông Ngọc nhấn mạnh: "Camera lắp đặt giám sát phòng thi sẽ được lựa chọn trên tiêu chí rẻ về chi phí nhưng mang lại hiệu quả cao".

Theo dự kiến của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, trước khi đi đến quyết định cuối cùng, tại một số hội đồng coi thi của đơn vị là trưởng vùng thi đua sẽ lắp đặt thí điểm camera giám sát.

Như vậy, trong số 7 vùng thi đua hiện được phân chia trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, vùng 7 được xem là tập trung nhiều thành phố lớn nhất như: TP HCM, (trưởng vùng), Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ thì TP HCM sẽ là đơn vị lắp đặt thử nghiệm camera giám sát phòng thi đầu tiên. 

Như đã nói, với mục đích trả lại sự nghiêm túc vốn có ở nơi thi cử đồng thời cũng là đi tìm đáp số chính xác cho chất lượng giáo dục hiện tại, việc lắp đặt camera giám sát phòng thi thực tế liệu có mang lại hiệu quả như ông Quách Tuấn Ngọc và những người đồng ý chí quyết tâm cải thiện môi trường thi cử được tốt hơn mong muốn?

Theo nguyên lý hoạt động của camera, do chỉ "quét" được theo từng góc nhất định cho nên để bao quát cùng lúc cả phòng thi hoặc theo dõi từ hành lang vào phòng thi thì rõ ràng việc áp dụng giám sát thi bằng camera coi như không hiệu quả. Vì nếu chỉ theo dõi được từng vùng như vậy thì  việc giám sát thi bằng "công nghệ cao" có khác nào như hình thức coi thi bằng giám thị, thanh tra hiện nay.

Về kinh tế, có thể thấy ngay: tại các khu vực thành phố, với nguồn kinh phí vốn có hoặc thậm chí là chưa có nhưng khả năng huy động lớn nên việc lắp đặt camera giám sát thi không đến nỗi khó khăn. Nhưng ngay cả trong trường hợp ấy, việc lắp đặt camera vẫn là một việc làm "xa xỉ". Vì bây giờ sau khi đã lắp đặt camera, mỗi năm chỉ dùng đến một lần vào mùa thi, thời gian còn lại trong năm, không được sử dụng đến, camera coi  như "đắp chiếu".

Đối với các hội đồng thi thuộc vùng nông thôn hay vùng sâu, vùng xa, việc đầu tư này còn thể hiện sự xa xỉ nữa nếu như không muốn nói là lãng phí. Với cuộc sống còn đang chật vật, nghèo nàn, cơm ăn hàng ngày có khi bữa đói, bữa no, áo chưa đủ mặc thì việc lắp đặt camera giám sát phòng thi là biện pháp nằm ngoài trí tưởng tượng của họ, kể cả khi camera được lắp đặt với chi phí rẻ.

Chưa kể đến vào khoảng thời gian không được sử dụng đến, tại những trường lắp đặt camera, người ta phải cử bảo vệ canh phòng cẩn thận nếu không dễ "bay hơi" do tình hình an ninh trật tự không bảo đảm. Như vậy, chả là "mua dây buộc mình" còn gì. Do đó về kinh tế, đây là bài toán không hiệu quả.

Nếu với chi phí cao, thậm chí góc độ giám sát chưa bao quát toàn bộ nhưng việc lắp đặt camera giám sát Hội đồng thi có thể giải quyết triệt để tình trạng thiếu nghiêm túc trong phòng thi thì hai nguyên nhân trên đây có thể cố gắng khắc phục để thực hiện, thậm chí bắt buộc các địa phương thực hiện. Song căn nguyên của vấn đề này lại không phải nằm ở việc giám sát, coi thi mà ở một lý do khác sâu xa hơn và mang tính nền tảng trong giáo dục. Ấy là phương pháp và nội dung đào tạo.

Hiện nay, về phương pháp đào tạo ngành giáo dục chủ yếu đang duy trì hình thức áp đặt, "khuôn mẫu" chứ không thiên theo hướng gợi mở, khơi dậy sức sáng tạo của học sinh. Vì vậy, nếu gặp một bài thi không đúng "mẫu" là học sinh "bó tay". Và khi "bó tay", để làm được bài thi và để được tốt nghiệp, không còn sự lựa chọn nào khác là học sinh phải gian lận.

Đã vậy, bên cạnh đó, chương trình đào tạo, ngành giáo dục đang đặt quá nhiều tham vọng vào đó. Cho nên mới dẫn đến chuyện học ngày học đêm mà học sinh vẫn không học hết bài. Thậm chí học rồi cũng không biết học sinh có hiểu hay không.

Như nội dung chương trình văn học chẳng hạn, đối với học sinh cấp trung học cơ sở, tiếng mẹ đẻ chưa rành rẽ còn đang phải học tập để hiểu nội dung, hàm ý của nó thì trong chương trình đào tạo đã giảng dạy tiếng Hán, Nôm qua các bài thơ cổ.

Hay trong chương trình toán lớp 1, với tư duy non nớt chưa thể ôm đồm nhiều kiến thức cũng như chưa mạch lạc trong tính toán  thế mà chương trình đã giới hạn cộng trừ nhân chia ở những con số quá lớn, lại còn tổng hợp nhiều phép tính phức tạp... Trong trường hợp như vậy, để làm được bài thi, học sinh đành... gian lận thôi.

Đó là chưa nói đến, hành động gian lận ấy còn có "bệnh thành tích" trong giáo dục "cổ xúy" nữa. Và xin nói thêm, bệnh thành tích này còn chi phối ý thức, trách nhiệm của nhiều thanh tra, giám thị coi thi hiện nay.

Cụ thể, trước hành động gian lận thi cử, họ bỏ qua coi như không nhìn thấy. Nhưng tất nhiên những hành động gian lận ấy không phải xảy ra ở tất cả học sinh song cũng không phải xảy ra một cách điển hình.

Minh chứng là đợt thi tốt nghiệp năm 2007, với tinh thần thi thật, học thật, thái độ coi thi nghiêm túc, tỉ lệ học sinh đỗ tốt  nghiệp trung học phổ thông  chưa vượt quá 70%, thậm chí có trường tỉ lệ tốt nghiệp không được 20% so với năm 2006, tỉ lệ này giảm 25%. Năm nay, tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông cũng chưa đạt con số tuyệt đối mà chỉ tăng hơn năm ngoái 7%.

Như vậy, để thiết lập lại trật tự trong phòng thi không phải là biện pháp giám sát, coi thi mà là "cải tổ" nền tảng giáo dục là phương pháp và chương trình đào tạo. Khi phương pháp và chương trình đào tạo phù hợp với khả năng tiếp thu của các em thì các đợt thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ mang lại những kết quả chân thực nhất đồng thời đánh giá được chất lượng giáo dục đào tạo cũng như giải quyết triệt để gian lận trong thi cử. Đó mới là cách giải quyết cơ bản và có hiệu quả.

Vẫn biết hiện nay lắp đặt camera giám sát phòng thi chỉ là kế hoạch trên giấy và chưa có lắp đặt thí điểm nào, nhưng với phân tích, luận cứ trên đây có thể nó sẽ là ý kiến tham khảo đối với ngành giáo dục trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Và không chỉ trước khi đi đến quyết định cuối cùng mà ngay cả trước khi lắp đặt thí điểm tại các trưởng vùng thi đua, ý kiến này cũng cần được cân nhắc để xem xét có nên lắp đặt thí điểm hay không.

Vì lắp đặt thí điểm xong, nếu chủ trương này không đi vào thực tế thì những camera lắp đặt thí điểm trở nên lãng phí. Do vậy, rất mong Bộ GD-ĐT lưu tâm đến những thiển ý này của những người cũng vì một nền giáo dục nước nhà và vì thế hệ tương lai của đất nước

Tú Anh
.
.