Một ngày của Công an xã đảo An Sơn

Thứ Năm, 15/01/2015, 14:50
11h40, tôi theo tổ tuần tra do anh Lâm Tấn Tài, Phó công an xã cùng hai công an viên ra bến tàu vì đã gần đến giờ tàu cao tốc từ Rạch Giá cập bến. Anh Tài nói: "Nhiệm vụ của chúng tôi là phối hợp với Bộ đội Biên phòng giữ gìn an ninh cho hành khách, ngăn chặn tình trạng một số xe ôm lợi dụng sự thiếu thông tin về đời sống vật giá trên đảo để chặt chém khách du lịch, cũng như phát hiện hàng lậu…"...

1. 7h sáng, anh Lê Quốc Lịnh, Trưởng Công an xã đảo An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang triệu tập một cuộc họp bất thường. Nguyên là lúc 6h30, trên đường từ nhà đến trụ sở, một người dân đã mời anh dừng lại rồi đưa cho anh tờ đơn với hơn 30 chữ ký, nội dung: "Gần đây, một số thanh niên ở ấp Củ Tron đã tự ý thay đổi kết cấu xe gắn máy của họ mà cụ thể là đổi ống "pô" - loại không có bộ phận giảm thanh rồi rủ nhau lạng lách, nhất là vào buổi tối, gây ra những tiếng nổ đinh tai nhức óc, làm ảnh hưởng sinh hoạt của người dân nên chúng tôi đề nghị Công an xã có biện pháp xử lý, giáo dục…".

Ở những thành phố lớn, mặc dù các cơ quan chức năng vẫn thường xuyên ngăn chặn, bắt giữ người và phương tiện nhưng chuyện lén lút tụ tập rồi nẹt "pô", đánh võng, lạng lách, bốc đầu xe gắn máy là chuyện thường ngày của một bộ phận giới trẻ, và người đi đường cũng như cư dân ở hai bên một số tuyến đường hầu như đã quá quen thuộc với cảnh này. Nhưng tại xã đảo An Sơn - một xã chỉ có gần 5 nghìn nhân khẩu, đa số sống bằng nghề đánh cá và các dịch vụ nghề cá thì sự tĩnh lặng và yên bình đã trở thành sắc thái riêng.

Ông Thịnh, chủ nhà trọ mà tôi thuê phòng cho biết: "Ngoại trừ những hôm trời động, còn thì buổi tối khoảng 1/3 dân số trên đảo - hầu hết là thanh niên trai tráng đều ra biển". Mỗi ngày đôi lần, đảo chỉ thật sự náo nhiệt khi chuyến tàu cao tốc từ Rạch Giá ra lúc 11h rồi quay về lúc 12h15, hoặc những chuyến tàu "thồ", hàng hóa chất đầy trong khoang, trên sàn, cập bờ.

<>Khi ấy, cầu tàu xã đảo nhộn nhịp người lên kẻ xuống với cả trăm thùng "mốp" chứa các loại hải sản tươi sống ướp đá để chuyển vào đất liền, cũng như các loại đồ vật gia dụng đưa từ đất liền ra, từ mớ rau, chai nước tương, gói bột ngọt cho đến xăng dầu, vật liệu xây dựng, thuốc chữa bệnh…
Một góc xã đảo An Sơn.

Anh Lịnh nói: "Nếu như trong đất liền, người dân muốn thưa kiện, khiếu nại về một vấn đề gì đó thì họ thường phải đến trụ sở công an. Còn ở đảo, gặp chúng tôi ở đâu là họ "thưa" liền lúc đó, và chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp nhận. Nhờ vậy, dân gần gũi với chúng tôi hơn và chúng tôi cũng kịp thời nắm được những thông tin chính xác về tình hình an ninh, trật tự".

7h30, buổi họp kết thúc. Theo sự phân công của anh Lịnh, anh Xiềng - Phó Công an xã nhận nhiệm vụ tìm hiểu họ tên, lai lịch của số thanh niên có xe gắn máy bị người dân khiếu nại. Hóa ra ở xã đảo này, Công an xã ngoài nhiệm vụ bảo đảm tình hình an ninh trật tự, họ còn kiêm luôn chức năng của Cảnh sát giao thông vì khi làm việc với Ban chỉ huy Công an xã, nhìn ra ngoài cửa sổ, đã hai lần tôi thấy một công an viên ra hiệu cho hai chiếc xe gắn máy dừng lại vì cả hai xe, người ngồi sau không đội mũ bảo hiểm.

Anh Lịnh nói: "Nếu là lần đầu tiên, chúng tôi chỉ ghi lại họ tên, nơi cư trú, biển số xe của họ rồi nhắc nhở. Lần thứ hai, chúng tôi cảnh cáo họ nhưng đến lần thứ ba mà họ vẫn vi phạm thì lúc đó chúng tôi mới tiến hành xử phạt".

8h kém 10, tôi theo anh Xiềng xuống ấp Củ Tron. Khi nghe tôi hỏi về các loại tệ nạn trên đảo, anh Xiềng thẳng thắn: "Đất liền có cái gì thì đảo có cái đó nhưng quy mô rất nhỏ vì chúng tôi liên tục triệt phá". Nhớ lại tối hôm trước, lúc ở nhà trọ tôi đã giả vờ hỏi ông Thịnh chủ nhà trọ rằng "nếu muốn "vui vẻ" thì kiếm ở đâu?".

Mặc dù không biết tôi ra đây để viết báo nhưng ông Thịnh vẫn lắc đầu: "Làm gì có. Năm 2013, lợi dụng mùa biển động, hàng trăm tàu của ngư dân ở nhiều tỉnh thành trong cả nước tụ tập về đây núp gió, 6 cô gái mại dâm trong đất liền ra tính chuyện hành nghề nhưng chỉ được đúng 2 ngày, Công an xã bắt gọn". Anh Xiềng cho biết hiện xã có 1 quán cà phê karaoke nằm trong diện nghi ngờ, và Công an xã đang tiếp tục theo dõi, củng cố chứng cứ để xử lý nếu chính xác ở đó có hoạt động mại dâm.

Gần 10h, công tác nắm tình hình hoàn tất. Trong tay anh Xiềng đã có bản danh sách những thanh niên mà người dân ấp Củ Tron khiếu nại. Anh nói hầu hết đối tượng trong vụ việc này đều là người nghèo, làm thuê vác mướn, và có lẽ do bản tính hiếu động, háo thắng của tuổi trẻ nên họ mới có những hành vi làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Tôi hỏi anh Xiềng cách giải quyết ra sao, anh cho biết Công an xã sẽ tiến hành mật phục để bắt quả tang. Sau đó sẽ giáo dục để họ tự thay đổi lại kết cấu xe theo quy định, đồng thời yêu cầu họ viết cam kết không tái phạm.

Một buổi họp phổ biến tình hình của Công an xã đảo An Sơn.

2. 11h40, tôi theo tổ tuần tra do anh Lâm Tấn Tài, Phó công an xã cùng hai công an viên ra bến tàu vì đã gần đến giờ tàu cao tốc từ Rạch Giá cập bến. Anh Tài nói: "Nhiệm vụ của chúng tôi là phối hợp với Bộ đội Biên phòng giữ gìn an ninh cho hành khách, ngăn chặn tình trạng một số xe ôm lợi dụng sự thiếu thông tin về đời sống vật giá trên đảo để chặt chém khách du lịch, cũng như phát hiện hàng lậu…".

Hai chữ "hàng lậu" nghe có vẻ ghê gớm lắm nhưng vẫn theo anh Tài, thực chất chỉ là những cây thuốc lá Jet, Hero…: "Tính từ đầu năm đến cuối tháng 11/2014, xã đảo An Sơn đã đón 2.678 lượt khách du lịch" - anh Tài nói - "Lực lượng Công an xã chúng tôi có 12 đồng chí, gồm 1 trưởng, 2 phó và 9 công an viên. Đểí đảm bảo công việc, lúc nào trụ sở cũng có 1 đồng chí trực chỉ huy và 2 đồng chí trực chiến còn anh em công an viên thì thay phiên nhau nhưng quân số luôn luôn duy trì thường xuyên 9 người để kịp thời xử lý những tình huống bất trắc".

Một trong những tình huống mà lực lượng Công an xã đảo An Sơn xử lý nhanh chóng là vụ hiếp dâm, xảy ra cách đây hơn 4 tháng, thủ phạm là Trần Minh Thái, 18 tuổi, cư trú ở xã Bãi Ngự. Tối hôm ấy, khi biết chồng chị Y. đi biển, Thái cầm dao lẻn vào nhà rồi chui vào mùng nạn nhân dọa giết nếu không cho anh ta "quan hệ". Và mặc dù chị Y. đã hết lời van xin, năn nỉ Thái cứ lấy mọi tài sản trong nhà rồi tha cho chị nhưng hắn vẫn không tha.

Lúc thực hiện xong hành vi đồi bại, Thái vừa bỏ đi thì lập tức nạn nhân đến Công an xã tố cáo. Anh Lịnh nói: "Chỉ trong 50 phút, chúng tôi đã bắt được Trần Minh Thái, lập biên bản, lấy lời khai rồi hôm sau chuyển Công an huyện xử lý". Tôi hỏi bằng cách nào mà các anh tìm ra thủ phạm nhanh vậy thì anh Lịnh cười: "Có gì đâu, chúng tôi cho anh em đến từng ấp, bí mật dò hỏi trong khoảng thời gian đó có anh thanh niên nào, hình dáng như vậy, mới vừa về nhà hoặc vào quán cà phê, hoặc vừa đến gặp gỡ bè bạn rồi sàng lọc là lòi ra ngay".

Nằm ở vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, An Sơn là một trong 4 xã của huyện đảo Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang (3 xã kia là Hòn Tre, Lại Sơn và Nam Du). Xã có 12 đảo - dân địa phương gọi là "hòn" - và trung tâm hành chính của xã đặt tại Hòn Củ Tron - hay còn gọi là Hòn Lớn. Từ thành phố Rạch Giá, nếu ra đảo bằng tàu khách cao tốc thường mất từ 2 tiếng 45 phút hoặc 3 tiếng tùy theo con nước, thời tiết, còn đi tàu gỗ thì lâu hơn: 6 đến 8 tiếng.

Xử lý một thanh niên vi phạm Luật Giao thông.

Theo anh Lịnh, do khoảng cách địa hình nên vật giá ở đảo cao hơn đất liền - nhiều loại cao gấp rưỡi, gấp hai. Lấy thí dụ hiện tại, giá xăng A92 ở đất liền là 17.880 đồng/lít thì ở đảo là 25.000, thậm chí 26.000 đồng/lít vì đảo vẫn chưa có cây xăng nào của Nhà nước mà chủ yếu do tư nhân mua đi bán lại. Điện sinh hoạt cũng vậy, hàng ngày có từ 8h30 đến 13h và từ 15h30 đến 23h. Thế nên để thu hút khách, hầu hết các nhà trọ trên đảo đều mua máy phát điện dự phòng, dẫn đến giá nhà trọ cao gấp hai - thậm chí ba lần so với nhà trọ cùng loại ở Rạch Giá hoặc TP HCM.

Đã vậy, nước ngọt cũng là vấn đề đối với người dân trên đảo. Mùa mưa ở đây thường bắt đầu vào cuối tháng 5 và chấm dứt vào tháng 11. Bà Hà, chủ một quán cơm tại khu vực chợ Củ Tron cho biết xã đảo có một hồ dự trữ nước mưa dung tích 30.000m3 cùng một số giếng, tạm đủ phục vụ cho sinh hoạt của người dân nhưng cứ đến mùa nắng hoặc mùa gió bấc, ghe thuyền từ các nơi đổ về và số ngư phủ tạm trú lắm khi lên tới 2 nghìn người thì đôi lúc vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước: "Với những gia đình khá giả, họ mua nước bình - loại 20 lít từ Rạch Giá chuyển ra để ăn uống còn với đa số người nghèo, phải tiết kiệm từng giọt".

Anh Tài, Phó Công an xã cho biết những năm trước đây, cứ đến mùa biển động, ghe thuyền các nơi đổ về thì tình hình an ninh trật tự khá phức tạp, chủ yếu là nhậu say, gây rối, đánh lộn, cờ bạc, số đề: "Mới hai tháng trước, một tàu đánh cá ở địa phương khác đến đây núp gió. Sau khi nhậu say và đã xảy ra mâu thuẫn với một ngư dân khác trên tàu khác, một ngư dân trên tàu đã lấy đá đập vào đầu người này, chết ngay lập tức". Và đó cũng là một trong những vụ trọng án rất hiếm hoi, xảy ra ở xã đảo An Sơn.

3. 14h, tổ tuần tra lồng ghép an ninh trật tự, an toàn giao thông do anh Xiềng dẫn đầu lại lên đường. Vừa ra khỏi trụ sở, tổ tuần tra phát hiện ba thanh niên chở theo 3 người trên 3 chiếc xe gắn máy, ống "pô" không giảm thanh gầm rú như xe tăng. Tôi hỏi sao không chặn lại thì anh Xiềng nói: "Họ chở khách du lịch ra Bãi Ngự nên tôi để họ đi. Lát họ về sẽ xử lý vì muốn về, chỉ có duy nhất một con đường này".

Đúng như lời anh Xiềng, khoảng 20 phút sau, một thanh niên trong nhóm quay lại. Lúc nhìn thấy một công an viên đưa cây gậy chỉ huy giao thông ra, anh ta lập tức giảm tốc độ rồi dừng xe: "Anh biết chúng tôi mời anh đứng lại vì lý do gì không?". Anh thanh niên lí nhí, nói câu gì đó nghe không rõ. Chỉ tay vào chiếc ống "pô", anh Xiềng hỏi: "Anh thay ống pô này hồi nào?" - "Dạ em mới thay… hồi sáng".

Mời anh ta vào trụ sở rồi sau khi ghi lại họ tên, nơi cư trú và biển số xe, anh Xiềng giải thích các quy định về an toàn giao thông, các biện pháp xử lý đồng thời cho anh ta biết luôn về hành vi của anh ta và một số bạn bè, thường hay tụ tập nẹt "pô", lạng lách vào những thời điểm nào, ở những con đường nào trong xã, anh Xiềng nói: "Lần đầu tiên, chúng tôi nhắc nhở anh để anh tự giác gắn lại ống pô theo đúng kết cấu, cũng như chấm dứt chuyện tụ tập, gây ồn ào, ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi của bà con". Anh thanh niên vòng tay: "Dạ, em xin hứa không tái phạm, và em cũng sẽ nói với bạn bè em đổi lại ống pô, không tụ tập nữa".

18h, ca trực chỉ huy của anh Lịnh bắt đầu. Anh nói, mỗi đêm Công an xã tổ chức tuần tra hai lần, giờ giấc thay đổi tùy vào tình hình các tàu đánh cá vãng lai đến đảo nhiều hay ít. Tôi hỏi cô Nguyễn Thị Diễm, 21 tuổi, là công an viên phụ trách hộ khẩu rằng lương cô mỗi tháng bao nhiêu? Diễm cười rất xinh: "Dạ đâu có lương, chỉ có phụ cấp 920 nghìn cộng với 500 nghìn là tiền bằng cao đẳng kế toán" - "Vậy sao đủ sống?" -  Cô lại cười: "Xin thêm tiền ba má". Hỏi ra mới biết các anh em khác cũng vậy và vì tính chất công việc nên hầu như chẳng ai có thời gian làm thêm việc gì để tăng thu nhập.

21h, anh Lịnh nói ca tuần tra đầu tiên sẽ bắt đầu lúc 11 giờ khuya, ngay sau khi cúp điện và dặn tôi chuẩn bị áo khoác vì mùa này có gió đông bắc, lạnh lắm. Ngay lúc ấy, một công an viên bước vào hỏi tôi: "Anh ở nhà trọ N. phải không?". Trời đất! Khi thuê phòng, tôi chỉ đưa bằng lái xe, trong đó ghi tên thật của tôi chứ có đưa thẻ nhà báo đâu mà biết!

Anh công an viên cười: "Chủ các nhà trọ vừa trình tụi em sổ đăng ký khách trọ. Đêm nay tổng cộng khách vãng lai tạm trú là 39 người. Ông chủ nhà trọ nơi anh ở nói anh không phải là khách du lịch, cũng không phải ra thăm thân nhân hay ra mua bán hải sản. Ổng nói sáng anh cầm cuốn sổ tay đi, tối về ngồi cắm cúi ghi chép. Đối chiếu tên, tuổi, nơi thường trú của khách, em suy ra anh thôi"…

Thế mới biết, thế trận an ninh nhân dân ở xã đảo An Sơn "dữ dằn" thiệt!

Vũ Cao
.
.