Một tấm lòng với những người lỗi lầm

Thứ Bảy, 21/03/2009, 06:20
Chuyên đề ANTG đã đăng bài “Chuyện hay ở xứ Thanh” viết về mô hình “Doanh nhân và an ninh trật tự” ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Đến nay, sau hơn 3 tháng triển khai, mô hình này đã phát huy hiệu quả rất tích cực trong việc giúp người lầm lỗi hoàn lương...

“Siêu trộm” hoàn lương

Nếu không được Trung tá Mai Thành Phương, Đội trưởng Đội CSĐT về trật tự xã hội Công an huyện nói trước, tôi chẳng thể nghĩ hai cha con người đàn ông đang ngồi nói chuyện với mình từng có một thời có “nghề” trộm cắp “cha truyền con nối”.

Ở xã Nga Mỹ này, một thời cha con ông Trần Văn Được - Trần Văn Toản “nổi tiếng” là siêu trộm... gà. Năm nay 62 tuổi, ông Được từng 3 năm đi tù, một lần bị xử lý hành chính, 1 án treo vì tội trộm gà.

Năm nay 29 tuổi, Toản là con thứ 2 của ông Được. Học hết lớp 3 thì Toản bỏ học. Bỏ học lâu quá bây giờ thành mù chữ.

Không biết chữ, nên sau một thời gian đi làm thuê, anh em Toản lại đi theo bố làm "nghề" trộm gà. Toản còn liên kết với mấy kẻ nữa thành một băng chuyên trộm gà khắp các xã. Anh em Toản trực tiếp đi bắt trộm, xong cứ việc đút vào bao tải rồi nhét vào cây rơm hoặc bụi cây ven đường liên thôn, liên xã sẽ có nhóm khác đến lấy chở lên thành phố Thanh Hóa tiêu thụ, tiền nong sẽ thanh toán sau. 

Năm 2002, Công an huyện đã phải lập một chuyên án và mất cả tháng trời mới làm rõ được hành vi trộm cắp của Toản và đồng bọn.

Sau khi bị bắt, anh em Toản khai rằng số lần hai đứa đi ăn trộm khoảng... 100 đêm với số gà bắt được khoảng... 1 tấn; tính theo thời giá năm 2002 ở địa phương là 25.000đ/kg thì số gà mà anh em Toản trộm được trị giá tới 25 triệu đồng. Vì vậy, mà sau đó tòa án tuyên phạt Toản tới 6 năm tù vì tội trộm cắp tài sản.   

Nhưng đó là chuyện của quá khứ. Bây giờ, ngồi nói chuyện với tôi trong căn nhà 2 gian lợp ngói cũ kỹ tới mức bên trong phải căng bạt nilon chống dột nhưng ngoài chiếc xe máy dựng ở góc nhà, bàn ghế, giường tủ, tivi, đầu đĩa đều rất mới, bố con Toản nhắc lại chuyện quá khứ và bảo rằng đó là những sai lầm không bao giờ được lặp lại nữa.

Tháng 2/2008, Toản được ra tù sau 5 năm 3 tháng "ăn cơm suất, mặc áo sọc" ở trại Thanh Phong. Ngày đi tù, đứa con gái đầu lòng của Toản mới được mấy tháng, giờ đã 7 tuổi và đi học lớp 1.

Với cha con ông được, cán bộ công an giờ thân thiết như người nhà.

Về được 20 ngày, bố con Toản mang giấy tờ hai thổ đất ở và 4 sào ruộng ra quỹ tín dụng thế chấp xin vay 30 triệu để về đầu tư chuồng trại chăn nuôi. Nhưng người ta chỉ cho vay có 3 triệu với lãi suất 1,75%/tháng, "lúc ấy chẳng có ai tin em chí thú làm ăn nên người ta chỉ dám cho vay thế thôi".

Vay thêm anh em họ hàng được hơn 3 triệu nữa, bố con Toản xoay trần ra cải tạo chuồng trại và mua 10 con lợn con về thả. Sau hơn 2 tháng, bán lứa lợn đầu tiên lãi được 2,5 triệu đồng, lại đầu tư mua lợn giống và 1 con lợn nái. Mảnh ruộng bao năm chỉ trồng tạp nham được cải tạo trồng dưa hấu. Chỉ sau 1 năm cật lực nuôi lợn, trồng dưa hấu, bố con Toản đã trả hết nợ, lại còn có tiền mua sắm tivi, bàn ghế, xe máy.

Tháng 11/2008, Toản là 1 trong 15 người đầu tiên được "Quỹ doanh nhân phòng chống tội phạm" cho vay 5 triệu đồng. Số tiền ấy em mua 2 con lợn giống và 1 con lợn nái, bây giờ con lợn nái đã đẻ lứa đầu được 11 con rồi.

Lấy lại phần thiện trong mỗi con người

Tôi nhìn một lượt danh sách 15 đối tượng đầu tiên được nhận vốn vay từ "Quỹ doanh nhân phòng chống tội phạm" với tổng số tiền 75 triệu đồng, thấy toàn những người có lý lịch trích ngang như bố con ông Được.

Thượng tá Nguyễn Cao Sơn, Trưởng Công an huyện Nga Sơn, kể rằng, sau lễ ra mắt quỹ, Công an huyện lên danh sách để phân ra 3 loại: cần hỗ trợ khó khăn; cần sắp xếp việc làm và cần vay vốn kinh doanh, học nghề. Với hai đối tượng trên, ngoài hỗ trợ về tiền, tùy khả năng của mỗi người, Công an huyện đứng ra bảo lãnh và liên hệ với các doanh nghiệp để cho họ vào làm việc (những người này hiện đều có việc làm với mức lương từ 1,4 đến 1,6 triệu đồng/ tháng).

Nhưng lúc bàn nên cho đối tượng nào vay thì có hai ý kiến trái ngược nhau. Người thì bảo nên cho những đối tượng thuộc loại “nhạy cảm” vay để tạo cơ hội cho họ làm ăn; người thì lại cho rằng không nên. Ý kiến nào cũng có lý thành ra Trưởng công an huyện phải cân nhắc.

Cuối cùng, anh Sơn quyết định chọn 15 người thuộc nhóm "nhạy cảm" vay trước tiên, bởi qua khảo sát thì phần lớn số này gia đình đều đang gặp khó khăn về kinh tế nhưng do không có tài sản thế chấp, lại thuộc đối tượng "nhạy cảm" về nhân thân nên rất khó vay vốn. Trong khi đó, chỉ cần số vốn chừng 3 - 5 triệu đồng, nếu không đầu tư vào chăn nuôi, thì cũng đủ để mở quầy hàng buôn bán vặt, mỗi ngày kiếm được vài chục ngàn tiền lãi.

Nhưng, còn một lý do khác nữa khiến anh Sơn quyết định cho đối tượng này vay, đó là gần 10 năm làm Trưởng công an huyện, có một hình ảnh cứ ám ảnh suốt, đó là sau khi những đối tượng hình sự bị bắt thì những người đầu tiên đến công an huyện thường là mẹ hoặc vợ của đối tượng.

Những người phụ nữ ấy dù già có, trẻ có, nhưng khi đến Cơ quan công an đều có chung một gương mặt, đó là ngượng ngùng và rụt rè đến tội nghiệp dù họ chẳng có tội gì. Anh bảo nhiều lần nhìn cảnh ấy mà không khỏi chạnh lòng, đời người đàn bà, chồng con thành đạt thì ra đường mới dám ngẩng đầu nhìn thiên hạ, chứ chẳng may chồng con dặt dẹo thì đi đâu cũng chỉ biết cắm mặt xuống đất thôi. Vì thế "mình giúp những đối tượng ấy không tái phạm cũng chính là giúp mẹ, vợ con họ bớt đi mặc cảm".   

Chọn được đối tượng, đến lúc tính chuyện giải ngân thì lại tắc. Theo tiêu chí ban đầu, mỗi người sẽ được cho vay 5 triệu đồng. Nhưng ai sẽ là người đứng ra cho vay? Công an thì không có nghiệp vụ ngân hàng và không có người để làm mỗi việc quản lý quỹ và giải ngân; hội doanh nhân thì ai cũng bận quản doanh nghiệp của họ. Loay hoay mất một tuần, anh Sơn sang Ngân hàng Chính sách xã hội mượn quy chế hoạt động về đọc. Lật ngược lật xuôi, cuối cùng thấy trong nghiệp vụ ngân hàng, có danh mục gọi là "ủy thác toàn phần".

Cuối tháng 11/2008, Công an huyện, Hội Doanh nhân và Ngân hàng Chính sách đã thống nhất cùng ký quy chế phối hợp "cho vay là người lầm lỗi; hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác".

Theo đó, đối tượng cho vay là những người lầm lỗi, mãn hạn tù, hết thời hạn cải tạo, hết thời hạn giáo dục bắt buộc, người có tiền sự có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại địa phương. Người vay không phải thế chấp tài sản và được miễn tất cả các loại lệ phí làm thủ tục vay vốn. Vốn vay phải được sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, học nghề...

Điều kiện để được vay cũng quy định chặt chẽ, phải là hộ có hoàn cảnh khó khăn, chưa có việc làm ổn định; thu nhập thấp tương đương 300.000đ/người/ tháng trở xuống; có ý thức cầu tiến trở thành người có ích. Không những thế, các đối tượng này phải được công an xã, công an phụ trách xã, cán bộ trinh sát điều tra trật tự xã hội đứng ra bảo lãnh mới được vay vốn.

Với nguồn vốn cho vay từ “Quỹ doanh nhân phòng chống tội phạm” do Công an - Hội doanh nhân chuyển vào tài khoản nhận vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội. Công an và Hội Doanh nhân là nơi quyết định người được vay, khi có quyết định này, ngân hàng mới giải ngân. Lãi suất từ nguồn vốn này là 0,5%/tháng, nợ quá hạn: 0,65%/tháng. Lãi thu được sẽ chia đôi: 50% cho ngân hàng để trả phí ủy thác; 50% còn lại bổ sung vào nguồn vốn cho vay.  Các khoản thu nợ đọng, nợ khó đòi do Công an tham gia đôn đốc thu nợ của các đối tượng có dư nợ quá hạn tại ngân hàng chính sách.

Để ràng buộc trách nhiệm, quy chế cũng quy định khi ký nhận tiền vay và trách nhiệm trả nợ không phải là đối tượng được vay mà phải là thân nhân của họ.

Do cách làm chặt chẽ như vậy nên chỉ sau hơn 3 tháng triển khai, tất cả những đối tượng được vay đều chí thú làm ăn. Từ khi các đối tượng "nhạy cảm" được vay vốn thì tình trạng trộm cắp vặt cũng không còn. Từ hiệu quả này, Công an huyện đã hoàn tất thủ tục để kết hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho thêm 16 người nữa vay với số vốn lớn hơn.

Và tôi chợt nhớ câu hát rất hay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Sống trong đời cần có một tấm lòng". Những con người từng một thời lầm lỗi rất cần sự thông cảm và chia sẻ để giúp họ có cơ hội hoàn lương

Nguyễn Thiêm
.
.