Mùa hến về bên bến sông quê

Chủ Nhật, 05/07/2020, 14:48
Hến có quanh năm nhưng “rộ mùa” chủ yếu từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch. Tháng 3, nước cạn, con hến qua một mùa mưa cũng sinh sôi nảy nở nhiều và đó là dịp để người làm nghề ven sông xứ Quảng nhộn nhịp một mùa làm thêm trên sông nước.

Long đong nghề hến

Làm hến là công việc mưu sinh từ lâu của những gia đình ven sông Ly Ly ở thôn An Lạc (xã Duy Thành, Duy Xuyên, Quảng Nam). Người dân ở đây không biết nghề cào hến có từ bao giờ nhưng trẻ con lớn lên đã biết cào hến, đãi hến bán cho nơi khác.

Chẳng biết có phải vì dòng sông này yên bình hay không mà hến ở đây nhiều đến thế, cào quanh năm không hết. Chỉ cần mang cào ra, sau một lát là có đầy một thúng hến. Người trong làng cũng vì thế mà chẳng khi nào phải đói. Để có thể “vào nghề”, yêu cầu đầu tiên với người làm nghề là phải thạo bơi lội và giỏi chịu lạnh. Đồ nghề chỉ có một chiếc ghe nhỏ, một bàn cào bằng tre và vài chiếc rổ mắt thưa. Cào hến chóng mất sức do phải ngâm mình trong nước nên đi theo nhóm là lựa chọn hàng đầu của các “thợ cào”.

Thời điểm này, làng hến rất nhộn nhịp.

Theo ông Nguyễn Văn Tình - một người dân địa phương thì ngày trước làng ông sống được là nhờ con hến. Chẳng biết có phải vì dòng sông này yên bình hay không mà hến ở đây nhiều đến thế, cào quanh năm không hết. Chỉ cần mang cào ra, sau một lát là có đầy một thúng hến. Người trong làng cũng vì thế mà chẳng khi nào phải đói. Người cào hến phải thức dậy đi cào từ lúc 1 giờ khuya cho tới hơn 12 giờ trưa.

Cào hến còn phụ thuộc vào yếu tố thời tiết và con nước. Ngày xưa làng An Lạc nổi tiếng nhất Quảng Nam với nghề cào hến, bởi chất lượng hến ở đây vô cùng đặc biệt. Con hến được tận dụng để chế biến nhiều món ăn như ruột hến xào, nấu canh ngon tuyệt, nước luộc hến ngọt lịm, còn vỏ hến dùng để nung vôi. Con hến chỉ nhỉnh hơn đầu ngón tay út, lại nằm dưới đáy sông nên công việc xúc hến khá vất vả, chỉ dành cho những người đàn ông.

Buổi trưa, làng hến vắng người, chỉ có mấy chú vịt chao mình trên mặt nước. Bên bến sông, một phụ nữ chừng 35 tuổi vẫn ngồi cặm cụi bên mẻ hến, cố đãi cho được những con hến cuối cùng bằng đôi bàn tay trần ngâm trong nước nóng. Chị cho biết: “Nghề hến xuất hiện ở thôn An Lạc này lâu lắm rồi. Một thời gian cả làng nghỉ nghề do chiến tranh, sau hòa bình mới làm lại. Mấy ông già của làng từ nhỏ đã lội sông cào hến, nay qua đời hết rồi. Thời chúng tôi cũng làm nghề cào hến nhưng bây giờ làng hến chẳng còn mấy ai!” - người phụ nữ này cám cảnh. Sau lưng chị, một đoạn bãi sông Tam Kỳ trải đầy vỏ hến.

Nhọc nhằn cào hến, rửa hến và đãi hến bên sông.

Trong cái chòi nhỏ lợp lá dừa, bên cái lò nấu hến. Sau lưng những người phụ nữ đang đãi hến, một đoạn bãi sông trải đầy vỏ, chứng tích cuộc mưu sinh nhọc nhằn dầm mình trên nắng, dưới nước của những thế hệ người dân nơi đây. Con hến chỉ nhỉnh hơn đầu ngón tay út, lại nằm dưới đáy sông nên công việc xúc hến khá vất vả, chỉ dành cho những người đàn ông.

Phụ nữ chịu trách nhiệm sàng sảy lại khi hến được mang về. Công việc tiếp theo vẫn là sàng sảy lại cho sạch đất, sỏi, rong rêu. Công việc này tưởng đơn giản nhưng rất tốn thời gian và công sức. Mấy chiếc ảng to dùng để chao hến bốc khói nghi ngút trên bếp lửa cạnh những đống vỏ hến. Đôi tay những người phụ nữ thoăn thoắt chao nước, lọc sạch vỏ hến, gạn để lấy những phần thịt hến ngả màu trắng vàng, là chút tinh túy của đời con hến.

Chị Huỳnh Thị Bảy cho biết: “Bùn bám trên vỏ hến rất chắc, phải vừa sàng, vừa rửa mới sạch được. Công đoạn này phải làm đi làm lại cho đến lúc thật sạch mới mang bán, có khi làm từ 7-10 lần đãi rửa mới được”.

Với những người cào hến, lội nước lâu bị chuột rút là điều đáng sợ. Rồi cả những bệnh ngoài da khi phải ngâm cả thân mình dưới sông hàng tiếng đồng hồ, trong khi giá hến bán không được bao nhiêu. Trong làng đã có nhiều người, nhất là những người lớn tuổi phải bỏ nghề do các bệnh về xương khớp. Nhưng cha giải nghệ thì con, cháu lại tiếp tục bám nghề, bởi đó là công việc giúp nuôi sống con người nơi đây.

Làng hến An Lạc giờ lại đỏ lửa.

Nghề còn lại ở bến sông

Nghề cào hến ở Quảng Nam tập trung từ tháng 3 đến tháng 8 âm lịch, nước cạn, con hến cũng sinh sôi nảy nở sau một mùa mưa. Từ đầu tháng 6 dương lịch đến nay, các hộ dân trong vùng hết sức phấn khởi vì ngày nào cũng cào được khá nhiều hến. Những năm trước, vào mùa này sản lượng hến rất thấp, thậm chí là không có. Còn năm nay, chắc nhờ thời tiết và con nước thuận lợi nên hến sinh sản nhiều, phát triển tốt. 

Cái nghề vốn nhiều nặng nhọc và thu nhập bấp bênh theo con nước lòng sông Ly Ly vơi đầy này. Vỏ hến được bán với giá 500 - 800 đồng/kg, ruột hến từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Một buổi dầm nước trên sông, người làm nghề cào hến có thể kiếm được khoảng hơn 100 ngàn đồng. Mỗi ngày đi cào khoảng 5 tiếng đồng hồ, về nấu được một chảo, được chừng 3kg ruột hến, bán được vị chi cả thảy khoảng hơn 200.000 đồng. Trong đó còn công của phụ nữ nấu, đãi, rồi tiền củi lửa nữa...

Cào được hến về, cả nhà lại xúm xít ngâm, lóng, đãi, luộc... rồi còn chia nhau đi bán quanh làng. Chỉ cần nghe tiếng rao nơi đường làng, chạy ra mua 1.000 - 2.000 nghìn đồng hến là đã nấu được bữa canh, thêm ít nữa là có món cháo, món hến xào để cùng nhau nhâm nhi chén rượu nhạt cũng thú lắm.

Vỏ hến bán cho người nung vôi nhưng một gánh nặng đầy mà bữa nay chỉ 5.500 đồng thì cũng chẳng bõ bèn gì. Tro, ngày trước có nhiều vì nấu bằng rơm, lá tre, lá dương liễu... Nông dân các xã lân cận thường mua tro nấu hến về bón khoai lang hoặc rải lên cải để giữ ấm mùa đông, một khoản tiền chẳng thấm vào đâu đối với những nguy hiểm và công sức người làm nghề nơi đây bỏ ra.

Nhưng, làng hến bây giờ còn thêm một nỗi thấp thỏm, ấy là nghề cào hến phụ thuộc vào con nước và môi trường lòng sông. Người phụ nữ nhiều tuổi trầm ngâm bên chảo hến, buồn và lo khi năm nay hến xuất hiện nhiều nhưng mấy năm nữa thì sợ hến sẽ ít dần rồi không chừng chẳng còn con nào sống nổi.

Anh Phan Văn Mạnh, 45 tuổi, người đã có thâm niên 15 năm cào hến, chia sẻ: “Lội nước lâu, bị chuột rút là điều đáng sợ nhất đối với người làm nghề cào hến. Rồi cả những bệnh ngoài da khi phải ngâm mình dưới sông hàng tiếng đồng hồ, trong khi giá hến bán không được bao nhiêu”.

Món canh hến ngon nức tiếng xứ Quảng.

Ở xứ Quảng này, có nhiều làng hến như làng hến thôn An Lạc này, hay cồn Hến bên dòng sông Trường Giang (thuộc TP Tam Kỳ), hoặc xóm Hến ở thôn Đông Hòa (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) nhưng đều thấy quanh đi quẩn lại thì nghề cào hến vẫn chỉ là cái nghề qua ngày.

“Trời lặng đi cào được, chứ chuyển trời một chút là hến rúc sâu trong cát, không làm ăn chi được! Qua đầu tháng Chạp là hết hến, tới đầu tháng 3 mới lại có mùa hến. Hến đầu mùa còn nhỏ, dần dần mới lớn lên nhưng thỉnh thoảng cũng cào được loại hến to còn sót lại từ năm trước. Khá lên từ con hến này răng được! Xẩm sờ qua ngày là may rồi, anh mô tằn tiện lắm mới làm được cái nhà để có chỗ vô ra che mưa tránh nắng là giỏi lắm rồi!”, anh Mạnh cười rất nhẹ nhưng thoang thoảng trong đó là nỗi buồn.

Nguồn sông này mấy năm trước hến nhiều không biết làm chi cho hết. Nhưng, mấy năm trở lại đây, hến ít dần rồi bỏ đi biệt tăm. Hỏi làm sao nghề hến không bế tắc cho được! Nhưng, có lẽ còn có điều chi trong đó mà đến nay giữa thời buổi kinh tế thị trường đầy gian nan này vẫn còn giữ được. Hóa ra, như anh Mạnh, chị Bảy, ông Tình chia sẻ thì xưa nay hến vẫn là một điều gì đó của làng. Đến mùa hến về, nhìn đáy sông sủi lên những gợn bọt là người làng biết hến đến tuổi thu hoạch, họ lại mang nhủi ra sông, lại bắc bếp bên bờ, lại còng lưng xúc hến, chao hến và lại cùng nói cười với hến vang vọng cả khúc sông quê.

Ông Nguyễn Nhơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Duy Thành trăn trở: “Người làng hến cũng một phần muốn níu giữ cái nghề của cha ông. Nhưng thời gian gần đây hến không còn nhiều như trước nữa. Ngày trước, cả làng đi cào hến. Hiện giờ chỉ còn 7 hộ chuyên nghề cào hến, một số làm thêm nghề nông chứ cứ theo không nghề hến này thì thả tay là đói dài!. Hội Nông dân và chính quyền địa phương vẫn biết và tạo điều kiện cho người dân đi cào hến có công việc khác để đảm bảo thu nhập”.

Có lẽ, đời hến vẫn còn nhiều khốn khó nhưng vẫn còn chút nét đẹp nhân gian giữa thôn xóm yên bình, như cái tên của làng bao nhiêu năm qua vẫn yên vui là thế!

Minh Ngọc - Huỳnh Sơn
.
.