Nam Vang ký sự: Ám ảnh Preah Vihear

Thứ Hai, 10/08/2009, 06:35
Cũng xin nói luôn là đến được Preah Vihear không dễ! Sự ngần ngại ấy tôi đọc trong cách nói ậm ừ lẫn ánh mắt của người lái xe mặc dù đã qua hàng ngàn cây số dọc ngang trên đất Campuchia anh luôn là tay lái lụa lẫn tận tụy. Đơn giản là đến đền Preah Vihear hơn 400 cây số dù đường không tốt lắm cũng chỉ là chuyện nhỏ nhưng cái tin không lành rằng trên ấy đang xảy ra những tranh chấp này khác nhỡ nếu có chuyện gì xảy ra...
>> Rùng rợn Toulsleng
>> Âm u trưa trên cánh đồng chết

Lại nữa, tình hình đã vậy đến nơi liệu có vào được đền? Nhưng chút may cuối cùng vẫn là quyết tâm và nhiệt tình của anh lái xe. Ngồi ở cố đô Siemreap mà chiếu bản đồ thấy thườn thượt dằng dặc cái chặng đến đền Preah Vihear nếu theo vệt đỏ tức là theo quốc lộ số 2 từ Siemreap đến tỉnh lị Preah Vihear rồi từ tỉnh lị cứ ngược mãi lên tận biên giới Thái Lan. Nhưng chúng tôi không hành hương về đền theo hướng đó. Ngưòi lái xe đã tìm ra đoạn đi tắt không qua tỉnh lị mà còn gần được non trăm cây số...

Nhiệt tình của người lái xe đâu đã hết! Chúng tôi tiếp cận đền Preah Vihear theo cái cách của người lái xe nghĩa là theo con đường mới mở lên đỉnh núi Dangrek nơi ngự trị ngôi đền thiêng đã có hơn 900 năm tuổi. Phải đi con đường độc đạo ấy vì lối lên đền trước đây đã bị bịt tức là phải qua ngả Vườn quốc gia  Prasat Khao Phra Wihan của Thái Lan. Đành tham quan đền theo kiểu lộn ngược từ trên đỉnh núi xuống chân Đền. May sao gặp được buổi trời trong nên trước mắt tôi đang hiển hiện một vưu vật của tạo hóa!

Phải gọi là vưu vật mà là thứ khổng lồ bởi tự dựng giữa khoảng núi non bao la ngồn ngộn chồng chất một khoảng đá mênh mông thứ lớp lang thứ chỉn chu lẫn xộc xệch khó nghĩ đây là công trình do con người chế tác! Hút tầm mắt lên phía vòi vọi xanh, tự nhiên nghĩ hay là một nền văn minh từ hành tinh nào đó uỵch một phát rớt đúng xuống chỗ này tự khi nào? Vì uỵch xuống như thế nên trật tự lớp lang của khu đền bị gãy đổ xộc xệch. Vẻ đẹp của sự ngay ngắn chỉn chu như thường thấy thì đã đành.

Nhưng được chạm mặt với thứ xộc xệch đổ nát ngổn ngang cấu thành nên phế tích  Preah Vihear này tự dưng dậy lên một thứ biểu cảm thiêng liêng! Cảm giác ấy khiến tôi phải bấm vào tay để tự nhủ rằng, chả gì thì cũng do con người chế tác chứ không phải do sự can thiệp của con tạo nào cả! Đó là do những bàn tay tài hoa của hàng ngàn hiệp thợ trong hàng chục năm trời dưới triều Vua Suryavacman II dựng lên.

Một góc đền Preah Vihear.

Là một nhà quân sự có tài, Vua Suryavacman II cũng là một tay kiến trúc lỗi lạc. Nếu như những hành động quân sự và tài năng trị nước của vua có thể bây giờ người ta chỉ biết đến trong phạm vi hẹp nhưng bây giờ, xin nhắc lại là thế giới bây giờ mà cụ thể là Liên Hiệp Quốc (LHQ) đều biết đến tên tuổi của ông vì những công trình xây dựng đền chùa và danh lam thắng cảnh ở miền Bắc Campuchia nơi quê hương ông. Đó là đền Pơnong Chiso, đền Pơnongsandao Đền Vạt Phu, đền Preah Vihear. Một trong những công trình vĩ đại nhất của ông là Angkor Wat.

Vua Suryavacman II đã ghi tên tuổi của mình vào thời kỳ cực thịnh nhất của nền nghệ thuật Khmer! Trong đó đền Preah Vihear và Angkor Wat đã được LHQ công nhận là Di sản thế giới! Ngôi đền tọa lạc trên đỉnh một vách đá cao 525 mét của núi Dangrek thuộc tỉnh Preah Vihear của Campuchia, và một phần biên giới tỉnh Si Sa Ket ở đông bắc Thái Lan.

Đền Preah Vihear được xây dựng  thờ thần Shiva và các thần núi Sikharesvara, Bhadresvara. Những tài liệu, bản khắc, di vật tìm thấy trong đền đã tái hiện chi tiết hình ảnh dưới thời Suryavarman II trong việc thực hiện nghi lễ, tổ chức lễ hội tôn giáo, tặng quà cho cố vấn tinh thần của đức Vua (như voi, bát vàng...).

Kiến trúc phức hợp của ngôi đền chạy theo trục bắc nam dài 800m,  bao gồm một bờ đường đắp cao và những bậc tam cấp dẫn lên điện thờ nằm trên đỉnh khu vực đền thờ phía nam. Kiến trúc đền tương tự kiến trúc của đền khu vực Angkor Wat với điêu khắc trên đá sa thạch cực kỳ tinh xảo. Phần khu vực xung quanh đền với nhiều thư viện và các tháp cao nhưng hiện nay phần lớn các kiến trúc phụ xung quanh đền đều bị đổ nát nghiêm trọng.

Có lẽ Vua  Suryavacman II không ngờ công trình của mình sau cửu bách dư niên hậu lại gây bao phiền toái cho hậu thế như vậy? Đền Preah Vihear đã được UNESCO xếp hạng là di sản văn hóa thế giới, cũng là nơi tranh chấp chủ quyền giữa Campuchia và Thái Lan. Năm 1904, Vương quốc Xiêm (tên gọi chính thức của Thái Lan trước năm 1949) và thực dân Pháp thành lập một ủy ban chung thực hiện công việc phân định ranh giới. Năm 1907, sau khi điều tra nghiên cứu, người Pháp đã đưa ra bản đồ, trong đó thể hiện vị trí chính xác khu vực đền Preah Vihear và vùng lân cận. Căn cứ theo tấm bản đồ này, Preah Vihear nằm bên Campuchia.

Năm 1954, Thái Lan chiếm giữ ngôi đền sau khi quân đội Pháp rút khỏi Campuchia, Campuchia phản đối và yêu cầu Tòa án Thế giới phân xử. Tòa án xem xét vụ việc không chỉ dựa trên những di sản văn hóa, mà còn cân nhắc những biện pháp chuyên môn kỹ thuật phân định ranh giới. Ngày 15/6/1962, tòa ra phán quyết phần thắng thuộc về Campuchia và yêu cầu Thái Lan trả lại mọi di vật (kể cả những bức tượng thờ) đã đưa ra khỏi ngôi đền.

Ngôi đền được mở cửa trở lại cho du khách từ phía Thái Lan vào cuối năm 1998. Campuchia hoàn thành việc xây dựng đường vào đền chính là con đường mà chúng tôi ngược lên đỉnh Dangrek

Trong cuộc họp ngày 7/6/2008 tại Canada, Ủy ban Di sản thế giới đã thông qua đơn của Campuchia đề nghị công nhận đền Preah Vihear vào danh sách di sản thế giới. Chính quyền và nhân dân Campuchia rất vui mừng chào đón sự kiện này.

Thủ tướng Hun Sen phát biểu: "Đây là một vinh dự mới của nhân dân Campuchia cũng như nhân dân trên toàn thế giới, đền Preah Vihear đã được công nhận là đỉnh cao của kiến trúc Khmer và nó là giá trị vĩnh hằng của nhân loại", ông nhấn mạnh: "Đền Preah Vihear là di sản Khmer thứ 3 đã được ghi vào danh sách di sản của nhân loại sau đền Angkor Wat năm 1992 và điệu múa hoàng gia năm 2003".

Có lẽ đây cũng là sự kiện khởi đầu cho mọi sự rắc rối.

Xin trích một mẩu tin của Thông tấn xã Việt Nam:

Chiều 3/4, tại khu vực biên giới tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia đã xảy ra cuộc giao tranh thứ hai trong ngày giữa binh sĩ hai nước làm 3 người thiệt mạng và 7 người bị thương.

Người phát ngôn Chính phủ Campuchia Khieu Kanharith xác nhận hai binh sĩ Campuchia đã thiệt mạng trong vụ giao tranh với binh sĩ Thái Lan ở khu vực biên giới tranh chấp gần ngôi đền cổ Preah Vihear.

Phát biểu với báo giới tại thủ đô Phnômpênh, ông Canharít nói binh lính "hai bên đã nã súng vào nhau" và đó là một cuộc "giao tranh thực sự", khiến 2 binh sĩ Campuchia thiệt mạng. Chỉ huy quân đội Campuchia Bun Thean cho biết giao tranh đã nổ ra tại một số điểm gần ngôi đền cổ 900 năm tuổi vốn chưa bao giờ được phân giới rõ ràng. --PageBreak--

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Tharit Charungvat cũng xác nhận có cuộc giao tranh, đồng thời cho biết 1 binh sĩ Thái Lan đã thiệt mạng và 7 người khác bị thương.

Đây là cuộc giao tranh thứ hai giữa binh lính hai nước trong ngày 3/4 và diễn ra vào khoảng 14 giờ địa phương (7 giờ GMT). Trước đó 7h, binh sĩ hai nước cũng đã có vụ đọ súng chớp nhoáng khi một nhóm binh sĩ Thái Lan thâm nhập lãnh thổ Campuchia tại khu vực Cánh đồng Đại bàng (Eagle Field). Theo nguồn tin tại chỗ, các cuộc đọ súng xảy ra sau khi một tốp binh sĩ Campuchia tới điều tra tại khu vực biên giới, nơi trước đó một ngày một binh sĩ Thái Lan đã bị thương nặng do vướng phải mìn.

Giới tướng lĩnh quân đội Campuchia đã tiến hành thảo luận về tình hình căng thẳng tại biên giới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong cho biết, bộ này sẽ gửi thư phản đối Thái Lan xâm phạm lãnh thổ Campuchia.

Tuyên bố sau khi vừa trở về từ Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở thủ đô Luân Đôn (Anh), Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva cho biết ông sẵn sàng thảo luận với người đồng cấp Hun Sen về những căng thẳng mới nảy sinh. Ông cho rằng các vụ giao tranh xảy ra là "do hiểu lầm" và đã đề nghị các cơ quan chức năng của Thái Lan nhanh chóng giải quyết để hai bên có thể hiểu nhau hơn.

Chính phủ Thái Lan và Campuchia cáo buộc lẫn nhau vi phạm chủ quyền lãnh thổ ở khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước, quanh ngôi đền Preah Vihear. Căng thẳng đã khiến quân đội hai nước nổ ra xung đột hồi cuối năm ngoái làm 1 lính Thái Lan và 3 lính Campuchia thiệt mạng. Sau đó, nhờ nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc tìm cách phân định biên giới giữa Thái Lan và Campuchia, tình hình đã tạm thời lắng xuống trong nhiều tháng. Tuy nhiên, căng thẳng đã bùng phát trở lại hồi tháng trước sau khi khoảng 100 lính Thái Lan tiến vào khu vực tranh chấp và bị binh sĩ Campuchia chặn lại nhưng không xảy ra giao tranh.

Một việc hơi bị hy hữu là Thái Lan dự định xây dựng bản sao ngôi đền Preah Vihear (một công trình hoành tráng như vậy không biết bằng chất liệu vật liệu gì nhỉ?) ngay tại khu vực biên giới hai nước! Ngay lập tức Campuchia phản đối sau khi báo chí Thái Lan đưa tin và Campuchia sẽ khiếu nại lên UNESCO nếu Thái Lan thực hiện kế hoạch này.

Lại vẫn chưa hết, vừa qua Thái Lan ngưng xuất khẩu trái cây sang Campuchia do căng thẳng quanh ngôi đền tranh chấp ở biên giới hai nước. Cụ thể, Ủy ban Phát triển Xuất khẩu của nước này đã bãi bỏ kế hoạch vận chuyển hơn 10 tấn nhãn sang hai khu buôn bán lớn ở thủ đô Campuchia. Theo ủy ban này, Triển lãm Thái Lan dự kiến được tổ chức trong tháng 8, với hơn 200 nhà sản xuất tham gia trưng bày hàng hóa ở thủ đô Phnômpênh cũng đã bị hủy bỏ, vì e ngại sự tẩy chay của người Campuchia với hàng hóa Thái Lan. 

Len lỏi trong những đổ nát hoang tàn, tôi dừng lâu hơn bên các pho tượng người và thú cụt đầu. Ám ảnh cái nỗi năm 1983 Khmer Đỏ đã  chiếm cứ khu đền thiêng để làm căn cứ chống chọi với Liên quân Việt - Miên. Một nhân viên trông coi khu đền cho biết là Polpot đập đầu tượng để tìm vàng! Ông nói vậy thì tôi chỉ biết vậy! Với lũ quỷ ấy đầu người chúng còn đập nữa là.

Nhưng 900 năm đã qua, bao nhiêu là tao loạn ở đất nước chùa Tháp đau thương này, chuyện hủy hoại xâm hại di tích đâu cần đợi đến chế độ Polpot? Lại thảng hoặc gặp những công sự dã chiến. Thứ mới thứ cũ. Chợt bồi hồi như đi qua những chứng nhân. Ấy là công sự của tàn quân Polpot, của Quân tình nguyện Việt Nam và mới nhất là công sự của quân đội Campuchia đề phòng sự xâm lấn của quân đội Thái Lan.

Chặng dừng chân cuối cùng của cuộc thăm đền Preah Vihear là khu chợ tạm nằm ngay sát chân đền. Bên tôi là khu chợ chính tan hoang mà dấu vết còn lại là cái nền cháy đen nham nhở. Ngày 20/4/2009, 260 người dân Campuchia sinh sống tại khu chợ gần đền Preah Vihear nơi bị rốc-két Thái Lan phá hủy sau cuộc đụng độ với lính Campuchia đầu tháng 4, đã đệ đơn yêu cầu Chính phủ Thái Lan phải đền bù 9,2 triệu USD do hậu quả của cuộc đụng độ gây ra.

Về sự kiện này, Chủ tịch Tổ chức Văn minh Khmer Mô-ung Xon nói ''chúng tôi ước tính giá trị tài sản bị phá hủy ở mức 1,2 triệu USD. Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu Chính phủ Thái Lan chi 9,2 triệu USD nhằm bồi thường các tài sản, hoạt động kinh doanh và sức khỏe tinh thần của người dân''. Nhằm buổi chiều chủ nhật mà chợ chỉ lác đác người có vài ba khách du lịch người Âu... Có vẻ như lính nhiều hơn người bán lẫn mua. Trên đường lên đền, tôi thi thoảng lại gặp những xe quân sự vùn vụt... Không chỉ có bộ binh mà cả tăng pháo.

Từ khu chợ tạm, chỉ mấy bước chân là chạm với hệ thống dây thép gai bùng nhùng mới giăng. Thử ngó kỹ sang bên kia, tăng pháo thì không nhưng thấp thoáng công sự bao cát và những người lính Thái... Không rõ có phải là hạn chế khách du lịch không nhưng  cho dù độc đáo, cho dù di sản thế giới nhưng khách du lịch nào đủ tĩnh trí để mà quan chiêm Preah Vihear khi quân hai bên đều ghìm súng chĩa vào nhau? Tôi chợt nhớ đến cái may mắn của mình. Có thể người lái xe thông thạo đường sá? Có thể anh còn quen nhiều sĩ quan đang đồn trú ở khu vực quan ải này? Suốt chuyến đi, anh lại vui vẻ thông dịch nhiều thứ...

Chị Thonby, chủ một sạp nước ngọt cho biết mọi khi yên hàn những ngày nghỉ như thế này khách du lịch xôm tụ lắm! Qua câu chuyện với chị, chúng tôi được biết cách làm du lịch của Thái Lan lẫn Campuchia đều khá năng động để tìm cách ăn mày dĩ vãng khai thác mối lợi trời cho này. Từ Thái Lan, du khách có thể đến được ngôi đền thông qua Công viên Quốc gia Prasat Khao Phra Wihan. Campuchia cho phép khách viếng thăm ngôi đền không cần visa.

Campuchia áp dụng phí vào cổng cho khách nước ngoài là 5 USD hay 200 đồng baht (vào năm 2006, giảm 50 baht cho du khách đến từ Thái Lan), chỉ cộng thêm 5 baht phí photo hộ chiếu. Thái Lan thì áp dụng mức phí 400 baht để vào cổng Công viên Quốc gia.

Trước lúc rời đền qua một sĩ quan quân đội có quen với người lái xe, chúng tôi được biết, tuần trước có một phái đoàn  của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) đã tới thăm ngôi đền cổ Preah Vihear. Họ đã có kế hoạch xem xét tình hình thực tế, đánh giá tình trạng di tích hư hại, nhằm lên kế hoạch tu bổ đền.

Có lẽ cơ quan quốc tế nhiều  quyền lực lẫn thạo tin ấy đã đo đếm được những trắc trở hoặc thuận lợi này khác của thời tiết chính trị thì mới có hành xử như vậy trong lúc hai bên đang căng thẳng? Dọc đường mấy trăm cây số vẫn chưa hết những ám ảnh về Preah Vihear... Cảm giác bần thần ấy hình như mình chưa gặp phải những lần ghé qua những thắng tích lẫn phế tích!

(Còn nữa)

X.B.
.
.