Nam Vang ký sự: Chuyện của Bun Thy

Thứ Năm, 13/08/2009, 14:20
Bữa ăn đêm trên bao lơn tại một nhà hàng có tiếng ở thủ đô Nam Vang ngó ra một nhánh sông của Mê Kông chừng như đậm đà thêm bởi tôi đang thưởng thức theo cách ngậm mà nghe (kiểu nói của người Huế) món mắm Pohooc, đặc sản Campuchia (CPC). Lại thêm ấm áp dư vị âm thanh của chất giọng Hà Nội lẫn Nam Bộ của hai nguời đẹp kế bên là Bun Thy và MoLy.

Bun Thy là doanh nhân trẻ của Nam Vang, mẹ người Hà Nội, bố người CPC. MoLy mẹ người Nam Bộ,  bố CPC. MoLy là trợ lý của Bun Thy. Có một lúc thấy tôi rời mắt khỏi hai người đẹp thao láo mà ngắm ngó nhà hàng được xây cất khá tân kỳ lẫn cảnh phố xá tấp nập, Bun Thy giọng hào hứng nói các anh có tin không, hồi mới giải phóng Phnompênh, một góc vực phố này thuộc quyền của ông già em đấy. Bây giờ giá đất chả kém những phố chính của Hà Nội đâu!

Bun Thy nói vậy thì tôi chỉ biết vậy. Nhưng điều tò mò của tôi là hình như người CPC không mấy người mang họ Bun như Bun Thy đây mà có chút hơi hướng chi như người Lào?  Thật bất ngờ, khi tôi rụt rè nêu ra băn khoăn ấy thì Bun Thy cười, đúng bố em là người Lào...

Câu chuyện được nối dài trong gió đêm từ mặt sông Tônglêsáp đang cất lên rời rợi...

Trong một đám cưới của người bạn gái, trong vai phù dâu cô công nhân Nguyễn Thị Kim Bình nhà ở Khu Đống Đa - Hà Nội đã đem lòng lưu luyến một chàng trai tóc xoăn khỏe mạnh có giọng nói lơ lớ là bạn của chú rể! Được giới thiệu đó là Buncoong, người dân tộc Tây Nguyên tập kết ra Bắc từ hồi còn nhỏ, là sĩ quan Trường lục quân Sơn Tây. Cho đến thời điểm họ tổ chức đám cưới năm 1970, và cho mãi về sau này cô Kim Bình cũng chỉ biết về chồng mình vỏn vẹn có vậy!

Tượng đài Chiến sĩ Quân Tình Nguyện Việt Nam tại thủ đô Phnompênh.

Rồi khi có con gái nhỏ, Buncoong  rời mái ấm ở Hà Nội và chỉ nói với vợ rằng anh đi làm nhiệm vụ đột xuất và có lẽ phải lâu mới về... Những người vợ lính như Kim Bình có lẽ đã quá quen với những lần công tác đột xuất có khi biền biệt hàng tháng của chồng nên không mấy làm lạ!

Một tháng rồi vài tháng cho đến một năm, hai, ba năm... tin tức về người chồng vẫn bặt tăm. Hỏi những người bạn của Buncoong, lại hỏi cả đơn vị nữa nhưng Kim Bình vẫn chỉ nhận được những tin tức mơ hồ rằng anh đi công tác mà là công tác đặc biệt! Đặc biệt? Đất nước đã hòa bình thống nhất, công tác gì mà đặc biệt thế? Người vợ có con nhỏ ấy đã lường trước tình huống xấu nhất nhưng đơn vị cứ khăng khăng động viên rằng Buncoong vẫn lành lặn chứ không bị hy sinh hay mất tích như chị nghĩ...

Cho mãi đến cuối năm 1978... Khi cả nhà đã gần như tuyệt vọng thì người của đơn vị đột ngột đến nhà báo là Buncoong sắp về rồi.

Nhưng hết năm 1978, Buncoong cũng chả thấy về. Mãi tháng 4/1979, Buncoong đột ngột xuất hiện ở Hà Nội, người hốc hác da đen cháy... Vợ lẫn con đều lạ hoắc. Một chuyến xe đưa gia đình Buncoong cùng với vợ những nhà lãnh đạo yếu nhân của đất nước chùa Tháp khi ấy từ Hà Nội đi Phnompênh như Pê Xô Van, Tia Banh...

Bun Thy bên ông Buncoong.

Mãi khi cả gia đình đã yên ấm ở thủ đô xứ chùa Tháp (Bun Thy quả là không nói đùa mà nói thật. Bởi trong thời gian áp dụng chế độ quân quản ở thủ đô Phnompênh mới giải phóng khỏi chế độ diệt chủng Polpot, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, một sĩ quan cao cấp trong quân đội CPC như Buncoong có nhiệm vụ quản cả thành phố chứ không riêng khu phố có nhiều nhà hàng sang trọng nhất Nam Vang như chúng tôi từng ngồi! Mà cuối năm ấy, Bun Thy mới cất tiếng khóc chào đời ở thủ đô đất nước chùa Tháp) Kim Bình mới biết thêm chút ít về người chồng dân tộc Tây Nguyên của mình đại loại như thế này. Tất nhiên chị  vẫn không tường lắm việc chồng mình cùng người em rời quê cha đất tổ ở Viêng Xay (Lào) theo bố mẹ phiêu bạt về bản Pông, xứ Mondolkiri một tỉnh thuộc phía tây CPC giáp với đất Tây Nguyên của Việt Nam này?

Buncoong từ rất sớm đã được giác ngộ cách mạng làm liên lạc cho bộ đội Itsarak - lực lượng chủ chốt của Mặt trận Khmer Itsarak tham gia đánh Pháp. Năm 1954, Buncoong được ra Hà Nội cùng với một số người mà sau này là những yếu nhân của cách mạng CPC. Thời gian Buncoong biệt tích là thời gian ông về nước tham gia Quân đội Giải phóng dân tộc của Chính phủ Đoàn kết dân tộc CPC chống lại chính  phủ bù nhìn Lon Non do Mỹ dựng lên. Buncoong vẫn không có liên lạc gì với gia đình cho đến ngày  lực lượng quân đội vây hãm Phnompênh và chiến dịch tổng công kích giải phóng toàn bộ đất nước.

Như mọi người đều biết, sau một thời gian dài Polpot âm thầm chuẩn bị ngay trong ngày giải phóng 17/4/1975 quân đội Khmer Đỏ đã hiện nguyên hình là một công cụ đắc lực tàn bạo của tập đoàn Polpot  - Iêngxari trong việc hủy diệt tận gốc rễ mọi trật tự xã hội bình thường ở CPC. Lịch sử CPC bắt đầu những trang bi thảm.  --PageBreak--

Người thủ trưởng đáng kính của Buncoong là Coi Thuôn, Tư lệnh Quân khu Tây Bắc bị vu khống là phản bội và bị hành quyết dã man. Sau cái chết của ông là hàng loạt cán bộ cao cấp khác như Nu Him, Bộ trưởng Bộ Thông tin, TokPhuon Bộ trưởng Bộ Công chánh...

Rồi tiếp theo là vụ đập chết hàng loạt những cán bộ quân đội ưu tú của Quân khu 203, cán bộ Sư đoàn Quân khu miền Đông và cả gia đình của họ. Buncoong choáng váng hoang mang. Buncoong may mắn thoát được rất nhiều đợt thanh lọc nhưng Buncoong vẫn phải chịu một hình phạt là lấy vợ theo chỉ định của thượng cấp! May mắn, người vợ mà thượng cấp chỉ định cho Buncoong lại là người dân tộc Lào cùng quê với ông ở Mondolkiri.

Chứng kiến cảnh diệt chủng những cảnh thảm sát người dân CPC, Buncoong đã tính nước chạy thoát về Việt Nam. Nhưng đợi mãi vẫn không có dịp. Ông biết chỉ một chút sơ sẩy là bị thủ tiêu ngay... Vừa may,  người trong tổ chức hoạt động bí mật tiền thân của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nuớc CPC đã tìm và móc nối được với ông. Buncoong được bí mật đưa sang tỉnh Sông Bé của Việt Nam và tham gia thành lập Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước CPC. Tiếp theo là những ngày gian nan hiểm nguy nhưng sôi nổi sát cánh với Quân tình nguyện Việt Nam để giải phóng Phnompênh và đất nước CPC.

Đất nước giải phóng nhưng vẫn tiếp những ngày gian nan cùng Quân tình nguyện Việt Nam truy quét tàn quân Polpot ở nhiều địa bàn nguy hiểm. Đại tá rồi Thiếu tướng Buncoong từng chững chạc ở vị thế chủ chốt ở Bộ Quốc phòng như Cục Hậu cần, Cục Kỹ thuật,... Ông còn được đưa đi đào tạo thêm về nghiệp vụ ở các trường trong nước, nước ngoài như Trường sĩ quan Đà Lạt của Việt Nam và ở Liên Xô cũ cùng một đợt với ông Tia Banh sau này là đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng CPC.

Chúng tôi theo chân Bun Thy về nhà cô trong một khu chung cư bình thường ở thành phố Phnompênh. Mặc dù có điện trước nhưng đón Bun Thy và chúng tôi chỉ có người chị gái đầu của Bun Thy, cái cô bé cất tiếng khóc chào đời ở nhà hộ sinh Khu Đống Đa năm 1970 cùng người em trai của Bun Thy. Mẹ Bun Thy, cô công nhân Nguyễn Thị Kim Bình bao nhiêu năm đằng đẵng đợi chồng đã qua đời vì bệnh ung thư máu năm 2000 khi mới có 52 tuổi.

Còn nhân vật chính của chúng ta đang nằm trên gác.

Chưa đầy một năm sau cái tang của vợ, một ngày đẹp trời của thủ đô Phnompênh, Thiếu tướng Buncoong bất ngờ mê man trong một cơn tai biến não kịch phát. Tưởng ông đi luôn ngày ấy... Nhưng oái ăm căn bệnh quái ác ấy đã bắt ông bây giờ ở tuổi 75 vẫn nằm đó sống một đời sống thực vật rất thương tâm.

Trung tướng Buncoong (ông đã được phong Trung tướng trong thời gian điều trị do sự quan tâm của Nhà nước CPC) nằm đó suốt từ năm 2001 sau bao ngày xông pha trận mạc. Người ông đét đẹt vầng trán vốn hói nay càng cao thêm. Cặp mắt dường như vẫn tinh chứ không có vẻ lờ đờ của người ốm. Chị Bích nói ông biết cả đấy nhưng mỗi tội không nói được.

Ông bạn đồng nghiệp cùng đi ghé tai ông nói vừa đủ nghe cho một người bình thường. “Thưa bác, chúng tôi là nhà báo ở Hà Nội sang CPC công tác nghe em nó bảo bác mệt nặng nên hôm nay đến thăm bác...”. Tôi thoáng thấy đầu ông như gật gật sau nụ cuời là hai hàng nước mắt giàn giụa làm Bun Thy phải lau vội...

Tránh làm ông già xúc động chúng tôi bắt tay ông rồi chào từ biệt. Do sự chăm nom tận tình của các con, đặc biệt là sự hiếu thảo của cô chị  Bun Thy có tên Việt là Nguyễn Ngọc Bích, tên CPC là Bun Thia (ông Buncoong thời gian ở Việt Nam có tên là Nguyễn Văn Tần, trong giấy khai sinh và học bạ của Bích đều khai tên ấy) nên chỗ nằm của ông rất sạch sẽ tịnh không thấy mùi khó chịu của người nằm một chỗ lâu ngày... Chồng Bích người CPC là bác sĩ quân y nên cũng có chút điều kiện chăm sóc ông bố vợ.

Gia đình Bun Thy.

Ngồi với chúng tôi hôm ấy còn có người em ruột của bà Bình mà hai chị em Bun Thy gọi bằng cậu ruột. Người cậu từ Hà Nội sang Phnompênh học tiếng CPC mới ghé chơi. (sang Phnompênh, tôi gặp khá nhiều người đặc biệt là cánh trẻ, người của nhiều công ty du lịch lữ hành sang đây theo học ngôn ngữ CPC khá nhiều. Hỏi chuyện thì được biết tiềm năng du lịch ở đất nước chùa Tháp còn rất lớn. Nếu biết ngôn ngữ CPC, những tour du lịch từ Hà Nội, từ thành phố HCM sang đây của khách Việt Nam và nước ngoài rất thuận tiện nhiều nhẽ...).

Người cậu ôn lại những ngày gian khó ấy bằng câu chuyện kể lại thời điểm cuối năm 1978, không biết nghe đâu được cái tin chồng mình đang ở CPC bà vợ ông Buncoong đã tất tả bươn bả định tìm đường sang bên CPC để... tìm chồng! Bao nhiêu người can ngăn rằng sang đó để bọn Polpot giết à?. Người chị lại càng bồn chồn thêm...

Ngó những vật dụng bình thường trong khu nhà diện tích khiêm tốn không lấy gì rộng rãi thênh thang, tôi biết gia đình chị Bích chăm sóc ông Buncoong khá vất vả... Có lẽ là cán bộ tham gia từ thời khai sơn phá thạch nên cỡ cán bộ như ông Buncoong chắc cũng được sự đãi ngộ nào đó? Hai chị em cho biết thi thoảng các chú các bác ở Bộ Quốc phòng ngày lễ ngày tết cũng ghé qua một chút thăm nom chứ còn gia đình phải tự túc trong việc chăm sóc ông già...

Ba nước trên bán đảo Đông Dương lúc thì co cụm lúc thì hợp sức nhau để bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc mình có biết bao câu chuyện như cổ tích? Như chuyện nhà Bun Thy chả hạn?

X.B.
.
.