Nạn bắt cóc giữa biển khơi

Thứ Hai, 10/03/2008, 14:30
Khi vùng biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bị nước ngoài xâm lấn thì tình trạng tàu thuyền đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam bị "bắt cóc" thỉnh thoảng lại xảy ra. Riêng huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), mỗi năm có đến hàng chục chủ tàu đánh cá bị mất trắng tài sản giữa biển khơi. Cuộc sống của người dân trên hòn đảo này chỉ biết trông chờ vào biển, số phận của họ và cả gia đình sẽ ra sao khi bị mất ngư cụ và phải nộp tiền phạt vô lý?

Ngôi nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình ông Lê Đô nằm ngay mép biển, thuộc thôn Tây, xã An Hải. Ông Đô mới được đoàn tụ cùng gia đình mấy ngày nay. Dáng vẻ ông vẫn còn mệt mỏi, ánh mắt đầy lo âu khi nhớ lại chuyện bị giam giữ mấy tháng trời ở nước ngoài. Bây giờ nỗi lo không giữ được tính mạng đã qua đi, nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền, công việc, cuộc sống của cả gia đình hơn chục người đang đè nặng hai vai, len lỏi cả vào giấc ngủ của ông.

Tháng 7/2007, gia đình ông vay mượn anh em, họ hàng, làng xóm, cầm cố nhà cửa, vay ngân hàng để chung vốn với mấy người trong xóm mua con tàu 110CV, trị giá 320 triệu đồng, để đánh bắt xa bờ. Ông Đô là người đóng góp nhiều nhất nên là chủ tàu, nhưng trên giấy tờ lại đứng tên anh Lê Khởi, vì anh Khởi là người được tuổi.

Đầu tháng 8/2007, con tàu ra khơi. Trước ngày biền biệt nơi biển cả, thuyền trưởng và thủy thủ đều quỳ lạy trước mâm lễ cúng cầu sự bình an cho chuyến đánh bắt xa bờ đầu tiên. Sau những nghi lễ khá rườm rà, thầy cúng thả con thuyền mô hình nhỏ, với đầy đủ lễ vật ra biển. Nếu thuyền bị sóng đánh chìm ngay thì chuyến ra khơi sẽ bị hủy bỏ.

Người dân đảo Lý Sơn tin rằng đó là lời nhắc nhở của thần linh, tổ tiên, nên họ tuyệt đối nghe theo. Lần cúng biển đó đã thành công và ông Lê Đô cùng đoàn thủy thủ lên tàu nhổ neo.

Con tàu 110 sức ngựa chạy phăm phăm trên sóng. Chạy khoảng 3 ngày đêm thì đến vùng biển có nhiều cá. Theo Thượng tá Nguyễn Công Danh, Trưởng Công an huyện đảo Lý Sơn, hiện Lý Sơn có 329 tàu đánh bắt xa bờ, nhưng chỉ có 1/3 số đó có khả năng chạy đến vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa để khai thác hải sản. Tại vựa cá này, có khoảng 100 con tàu của ngư dân huyện đảo Lý Sơn thay nhau đi về đánh bắt, mang lại nguồn lợi kinh tế chủ yếu cho huyện đảo.

Được trang bị đầy đủ các thiết bị đi biển cùng với kinh nghiệm nhiều năm, nên các thủy thủ đều nắm rõ chủ quyền biển của từng nước trên biển Đông qua việc xác định tọa độ và bản đồ chủ quyền biển, bản đồ vùng tranh chấp, vùng khai thác hải sản. Các thủy thủ chẳng dại gì mà xâm phạm vùng biển của nước ngoài để gặp phải nguy hiểm.

Sau nhiều ngày đánh bắt, khi cá đã đầy khoang, vào lúc 9h ngày 23/8/2007, chuẩn bị quay đầu về đất liền thì từ phía xa xuất hiện một chiếc tàu màu trắng tiến lại với tốc độ lớn.

 

Một nạn nhân tử nạn giữa biển, phải ướp đá đưa về.

Chiếc tàu Trung Quốc tiến đến, áp sát vào tàu của ông Đô. Trên tàu có 20 người, mặc quần áo màu xanh nước biển, đeo phù hiệu kiểm ngư, với súng ống lăm lăm trong tay. Những kiểm ngư này nhảy lên tàu của ông Đô, dùng súng khống chế, thu hết phương tiện liên lạc để không gọi được người đến ứng cứu.

Sau đó, họ ép ông Đô và các thuyền viên sang tàu của họ, rồi để kiểm ngư ở trên tàu của ông. Họ nối cáp và kéo tàu của ông Đô suốt ngày đêm vào một hòn đảo cách quần đảo Hoàng Sa vài trăm hải lý.

Ở hòn đảo này một ngày, họ tiếp tục đưa các thủy thủ lên tàu và kéo tàu vào đất liền, bàn giao cho lực lượng biên phòng nước họ. Trong suốt quá trình vào đất liền, chủ tàu và các thủy thủ đều bị bịt mắt. Họ chỉ tháo băng bịt mắt khi ông Đô và các thuyền viên đã "an vị" trong nhà tạm giam.

Ngay hôm sau, lần lượt từng người được gọi vào phòng riêng để lấy lời khai, lập biên bản, quay phim, chụp ảnh. Tất cả mọi người đều phải ký vào biên bản mà không được nghe họ đọc biên bản, còn anh em nhìn vào biên bản bằng chữ Hán thì cũng chịu thua. Đất khách quê người, thân cô thế cô, nên họ bảo thế nào thì chỉ biết làm vậy.

Các thủ tục đã hoàn tất, mọi người được gọi điện về nhà. Cuộc nói chuyện chỉ được diễn ra trong vài phút và nội dung cuộc trò chuyện là thông báo cho người nhà chuẩn bị 8.000USD để nộp phạt. Sau khi người nhà gửi tiền phạt qua ngân hàng vào tài khoản có tên F4/2H4... thì các cuộc gặp gỡ giữa đại diện hai Nhà nước mới diễn ra.

Đại sứ quán nước ta đã làm việc với phía Trung Quốc và có đầy đủ chứng cứ để chứng minh tàu của ông Đô chỉ đánh bắt trên vùng biển nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên, ông Đô vẫn phải nộp phạt và bị xử lý theo pháp luật của Trung Quốc.

Sau 4 tháng bị giam giữ, ông Đô và các thuyền viên của mình mới nhận lại được tàu. Lúc đó, con tàu hoàn toàn trống rỗng. Trong biên bản lấy lời khai, họ chỉ ghi thu 5 tạ cá, nhưng thực tế 10 tấn cá của ông đã sạch trơn. Hai chiếc mỏ neo, dây neo cùng các phương tiện đánh bắt cá cũng biến mất.

Bộ đàm và các phương tiện liên lạc thì đã bị kiểm ngư thu giữ từ trước rồi. Số dầu chạy máy cũng bị rút phần lớn, họ chỉ để lại cho một lượng vừa đủ để chạy về đến nhà cùng với mấy cân gạo ăn trong hai ngày đêm lênh đênh trên biển.

Mặc dù không mất con tàu, nhưng số nợ thêm chồng chất. Thiệt hại trong vụ đó là khoảng 350 triệu đồng (130 triệu đồng tiền phạt, 150 triệu tiền cá và phương tiện đánh bắt cá bị mất...) một số tiền rất lớn đối với những gia đình như gia đình ông Lê Đô. Bao nhiêu năm trời vật lộn với biển, tích cóp, vay mượn mới mua được con tàu đánh bắt xa bờ, với mong ước làm giàu, thì giờ đã biến thành con nợ.

Tôi hỏi: "Ông và những thuyền viên của mình phải đi biển bao nhiêu chuyến nữa mới trả hết được nợ?". Ông Lê Đô trầm ngâm đưa ánh mắt buồn ra phía những con sóng nối đuôi nhau, than thở: “Còn tâm trí đâu mà ra khơi nữa. Số tiền vay mua thuyền còn chưa trả, thiệt hại do lần bị bắt cũng vẫn nợ, nếu ra khơi lại bị bắt thì chỉ còn mỗi cách là đâm đầu xuống biển...”.

Nhiều lúc cũng tính cứ tiếp tục ra khơi, nhưng nhớ lại lời dọa của Biên phòng Trung Quốc lúc ông bước xuống tàu: "Lần đầu xâm phạm lãnh hải chỉ bị cảnh cáo, nếu tiếp tục ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt cá sẽ bị tịch thu phương tiện, phạt tù", ông lại hãi. Biển đâu có ranh giới rõ ràng như kẻ chỉ.--PageBreak--

Cùng chung số phận với ông Lê Đô là anh Dương Oanh, người cùng thôn Tây, An Hải, Lý Sơn. Ông Lê Đô và thuyền trưởng Dương Oanh ra khơi cùng ngày, nhưng khi ông Đô về nhà rồi thì anh Oanh vẫn chưa về đến nhà, vì tiền nộp phạt gửi cho họ chậm hơn.

Hôm tôi ở đảo Lý Sơn, mọi người vẫn chưa có tin tức gì của anh Oanh cùng 14 thuyền viên. Ông Đô kể, tàu của ông và của anh Dương Oanh rời đảo cùng ngày và luôn sát cánh bên nhau tiến ra phía khơi xa. Khi đến vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa thì 2 tàu tách nhau đi tìm luồng cá để đánh bắt, nhưng thường xuyên liên lạc với nhau để ứng cứu khi có sự biến.

Tuy nhiên, khi bị bắt, họ bị thu hết phương tiện liên lạc, nên 2 tàu bặt tin nhau. Chị Nguyễn Thị Chung kể: "Sau khi nhận được điện thoại của chồng, tui đã chạy vạy khắp nơi, vay đủ 130 triệu đồng đem ra ngân hàng nạp vào tài khoản cho người ta, vậy mà vẫn chưa thấy anh ấy về...".

Chị Chung bảo rằng, cứ độ 2 tuần, chồng chị lại gọi điện về cho chị một lần, nhưng anh không nói rõ bị bắt giữ trong hoàn cảnh nào, hiện ở đâu, sống ra sao, mà chỉ giục chị vay tiền nộp cho họ để chuộc anh cùng 14 thuyền viên về.

Theo lời anh Oanh, nếu nạp tiền vào ngân hàng cho họ thì họ sẽ thả sớm, nhưng mấy tháng trôi qua mà họ vẫn chưa thả, gọi lại cho số điện thoại mà lần trước anh liên lạc, thì chỉ thấy giọng nước ngoài trả lời, rồi họ cúp máy.

Những ngày chờ chồng, chị và gia đình mất ăn mất ngủ, bởi không biết số phận anh Oanh ra sao. Mạng sống giữa biển cả thì mong manh, mà thực tế cũng đã có không ít trường hợp ngư dân ở đảo Lý Sơn bị bắn trọng thương, bị đánh đập khi bị người nước ngoài bắt.

Ngày 27/6/2007, tàu của anh Tiêu Viết Là (Lý Sơn, Quảng Ngãi) đã bị tàu tuần tra của quân đội nước ngoài bắn khi các anh đang tránh gió ở một hòn đảo trên vùng biển Hoàng Sa.

Sau trận mưa đạn, 6 thuyền viên bị thương, trong đó, anh Huỳnh Văn Hưng, 26 tuổi, thôn Phước Thiện (xã Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi) và 2 thuyền viên khác bị thương nặng nhất. Anh Hưng bị họ bắn nát một cánh tay.

Sau khi ra Hà Nội, tôi nhận được tin từ các đồng chí Công an huyện Lý Sơn là anh Dương Oanh cùng 14 thuyền viên đã được thả về nước. Mọi người đều vui mừng vì tính mạng được bảo toàn, nhưng gánh nặng chồng chất thì không biết bao giờ mới thoát được.

Con tàu trị giá 400 triệu đồng chỉ còn lại cái vỏ không. Toàn bộ trang thiết bị trên tàu đều mất sạch, muốn sắm lại để ra khơi được thì phải bỏ vào đó cả trăm triệu, nhưng biết lấy đâu ra tiền khi mà khoản vay nợ chuộc thân cùng khoản vay mua tàu còn chưa biết khi nào mới trả được.

Mà nghĩ đến cảnh tiếp tục ra biển, những người từng bị bắt đều ngán ngẩm, sợ hãi. Nguyễn Đại, chủ tàu cũng ở xã An Hải, dù đã bị bắt giữ từ hồi tháng 3/2007, cùng với 12 thuyền viên ở khu vực biển Hoàng Sa, song đến nay, anh vẫn còn hoảng sợ, chưa dám ra khơi xa.

Thượng tá Nguyễn Công Danh, Trưởng Công an huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) dẫn tôi lên sườn núi Giếng Tiền, rồi anh phóng ánh mắt đượm buồn ra phía biển cả mênh mông, bảo: "Lực lượng Công an đã làm hết sức mình để bảo vệ, đem lại bình yên cho nhân dân trên đảo, nhưng biển mênh mông quá, không có cách nào can thiệp, giúp đỡ họ. Khi họ được trả về trong cảnh tay trắng thì cũng chỉ biết động viên, giúp đỡ họ ổn định cuộc sống mà thôi...".

Trung tá Lê Văn Phú, Phó trưởng Công an huyện thì cung cấp cho tôi những con số giật mình: Năm 2004, huyện đảo Lý Sơn có 18 tàu; năm 2005 có 23 tàu; năm 2006 có 14 tàu và năm 2007 có 8 tàu với 126 thuyền trưởng cùng thuyền viên bị bắt ngoài biển.

Cả huyện Lý Sơn chỉ có chừng 100 con tàu có khả năng ra đến vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt cá, thì mỗi năm có từ 1/10 đến 1/5 số đó bị "bắt cóc", bị cướp trắng tài sản. Số lượng tàu bị bắt năm sau giảm hơn so với năm trước không phải vì nước ngoài "nới tay" hơn, mà vì rất ít tàu ở Lý Sơn dám ra khơi xa đánh bắt cá.

Cũng theo Trung tá Lê Văn Phú, trong năm 2007, có một trường hợp, đó là tàu của anh Phùng Được (xã An Hải) bị Malaysia bắt hồi tháng 6 và bị xử tù, một trường hợp khác, đó là tàu của anh Lê Văn Tài (xã An Hải) bị cướp ở tọa độ 03014' vĩ bắc và 107030' kinh đông, gần vùng biển của Indonesia, vào tháng 9.

Ngoài ra, còn có một số trường hợp ngư dân Việt Nam bị bắn bị thương, thậm chí có ngư dân quê ở huyện Bình Sơn và Đức Phổ (Quảng Ngãi) bị bắn chết khi đi làm thuê cho các chủ tàu khai thác cá ở vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Để giảm thiểu tình trạng trên, cuối năm 2007, Công an huyện Lý Sơn đã kết hợp với Biên phòng, họp mặt toàn bộ ngư dân ở huyện để triển khai các nghị định liên quan đến an toàn đánh bắt xa bờ. Tàu thuyền đánh bắt xa bờ bắt buộc phải trang bị máy ICom đường dài, máy định vị để xác định chính xác tọa độ, máy tầm ngư để dò cá... Tại đảo Lý Sơn cũng được trang bị hai máy liên lạc “mẹ” để ngư dân có thể điện về thông báo tình hình bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, các ngư dân cũng được Công an huyện trang bị kiến thức để có biện pháp hạn chế những mối nguy hiểm, những thiệt hại có thể xảy đến. Công an huyện cũng thường xuyên cập nhật thông tin về tranh chấp biển đảo và phối hợp với Biên phòng quán triệt cho thuyền trưởng hoạt động ở những vùng biển mà lực lượng của ta có thể bảo vệ được, đặc biệt tránh đánh bắt cá ở những vùng đang diễn ra tranh chấp.

Tôi rời đảo Lý Sơn vào ngày biển động. Tàu thuyền dập dềnh kín đặc các bến bãi để tránh sóng. Người ngư dân sống với biển lúc nào cũng bấp bênh. Ra khơi thì có miếng ăn, nằm trong bờ tránh biển động thì đói kém. Cuộc sống khó khăn, tính mạng, tài sản lại phó thác cả cho biển khơi.

Chiều nào cũng vậy, phía đông đảo Lý Sơn, dưới những rặng dừa, luôn có những người đàn bà, những đứa trẻ, những người cha. Họ đứng ngóng ra biển chờ chồng, chờ cha, chờ con đi biển về. Mỗi ngày có hàng trăm con tàu ra khơi và họ lo có những con tàu không trở về...

 

 

Phạm Ngọc Dương
.
.