Nắng Dã Quỳ phủ sắc rừng Tây Nguyên

Thứ Ba, 01/12/2020, 08:17
Mỗi độ đầu mùa khô vào chừng tháng 11, cả vùng núi Tây Nguyên lại chìm trong sắc vàng của một loài hoa báo đông, mà nơi đây vẫn gọi với cái tên dân dã là hoa Dã Quỳ.

Huyền thoại một loài hoa

Vào mùa này, cao nguyên đang ngập tràn trong sắc vàng của hoa dã quỳ, bận rộn với mùa thu hoạch cà phê chín đỏ rực rỡ. Loài hoa này sinh sôi tại vùng cao nguyên, nơi luôn hòa cùng mây trắng lãng đãng bay mỗi sớm. Trong không gian lạnh buốt, chân tay tê cóng, nhiều người như được sưởi ấm với một rừng sắc vàng.

Những con đường đất đỏ dốc chênh vênh mùa này được phủ kín bởi vạt hoa xinh xinh, rực rỡ có thể mê hoặc bất cứ người nào ghé thăm. Buổi tối, say men bên ché rượu cần cùng điệu múa xoang và bếp lửa bập bùng, người người lại có cảm giác như đang miên man cùng huyền thoại dã quỳ.

Dã quỳ vàng khiến người dân nơi đây nhớ về câu chuyện tình buồn của đôi uyên ương K’lang và H’limh trong quá khứ. Sự tích về loài hoa màu vàng rực trong sắc nắng. Không hương thơm như hoa sen, hoa hồng hay nhẹ nhàng tinh khôi nhưhoa loa kèn. Hoa dã quỳ là tượng trưng cho một sức sống mãnh liệt và một tình yêu chung thủy. Loài hoa này gắn với câu chuyện tình bi thảm giữa chàng K’lang và nàng H’limh xinh đẹp.Hoa Dã quỳ gắn với câu chuyện tình yêu huyền thoại ở cao nguyên.

Nhiều hoạt động nghệ thuật kỷ niệm 15 năm “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được UNESCO công nhận.

Truyền thuyết được các già làng kể rằng, ngày xửa ngày xưa, nơi buôn làng nọ có chàng trai tên là K’Lang đem lòng yêu thương nàng H’Limh. Ngày ngày chàng K’Lang với nét mặt hân hoan di chuyển nhẹ nhàng lanh lẹ với dáng người vạm vỡ vào rừng săn bắn, còn nàng H’Limh ở nhà dệt tấm chăn “Hạnh phúc” để sau ngày cưới cái chồng về làm quà đính hôn. Họ đang hướng tới ước mơ cháy bỏng đó bên bếp lửa hồng hằng đêm quây quần múa hát cùng dân làng trong buôn.

Nhưng rồi thuở ấy trời làm hạn hán gay gắt, vạn vật héo khô. Chàng trai sức khỏe như voi, cái nghĩ trong như nước suối, cái bụng thẳng như cây rừng, vì thương dân làng nên quyết ra đi tìm nguồn nước. Chàng từ biệt người yêu bên bờ một con suối cạn rồi cứ nhằm những ngọn núi sương mù bao phủ phía dãy Thiên Ðường mà đi, hy vọng nơi có sương mù sẽ là nơi có nước.

Ðã bao mùa trăng đi qua, cô gái ra ngồi bên bờ suối cạn ngóng tin người yêu nhưng đáp lại chỉ có tiếng hú của đại ngàn.

Đến một ngày kia, nàng HLimh chờ hoài đến tối mà vẫn không thấy bóng dáng K’Lang về. Nàng quyết định rời buôn làng ra đi tìm người yêu. Nàng đi ngày đêm qua bao nhiêu con suối, ngọn núi... thế mà người yêu vẫn biệt tăm. Mùa giá rét căm căm khi trời lập đông trên vùng cao nguyên, làm cho nàng H’Limh thêm lạnh lẽo hiu quạnh và cô đơn tuyệt vọng... Ngày qua ngày, vượt qua bao ghềnh thác, đến được những ngọn núi trên dãy Thiên Ðường thì cô kiệt sức.

Nơi cô gái nằm xuống mọc lên loài cây lạ, trổ hoa vàng rực. Người đời sau gọi là hoa dã quỳ. Hoa dã quỳ tượng trưng cho ý chí vượt lên mọi hoàn cảnh, sức sống mãnh liệt, tình yêu thủy chung son sắt... của con người cao nguyên.

Từ đó, cứ độ tháng 11, nơi nàng H’Limh chết lại nở ra một loài hoa dại có màu vàng rực rỡ nên truyền thuyết để lại cho đến ngày nay, người cao nguyên gọi là hoa dã quỳ. Dã có nghĩa là hoang dã; Quỳ có nghĩa là quỳ gục xuống. Dã quỳ có nghĩa là chết trong rừng hoang.

Dã quỳ là loài hoa báo đông thường rực nở vào tháng 11.

Lời hò hẹn của Chư Đăng Ya

Người ta thường gọi là hoa dã quỳ. Bởi thế dã quỳ chỉ có ở những vùng núi cao, nơi mây bay thấp hơn đỉnh đèo. Cây hoa dã quỳ rất dễ mọc và mọc rất nhanh. Những cánh hoa màu vàng tràn đầy sức sống mãnh liệt như tình yêu chung thủy của nàng H’limh.

Hoa dã quỳ mọc nhiều ven hai bên đường đi, đó là thế giới của loài hoa này. Những sắc vàng óng ánh càng chiếm lấy cảm tình của những người từng đặt chân đến miền cao nguyên đầy nắng gió và cả những phóng khoáng vùng đất đỏ bazan này.

Vào mùa khô, trăm loài cỏ cây khát cháy, duy có dã quỳ vẫn bền bỉ trổ hoa. Sắc vàng óng ả như bung ra từ bản năng sức sống tiềm tàng. Chàng trai, cô gái - tượng trưng cho ước nguyện của con người cao nguyên thuở ấy, không thể khuất phục được thiên nhiên.

Và ở Gia Lai, có một ngọn núi lửa đã tắt mỗi năm bừng rực dã quỳ vàng cả đất trời. Nơi ấy được chọn làm địa điểm để tổ chức lễ hội hoa dã quỳ hằng năm, thu hút rất đông người đến thăm. Mùa hoa dã quỳ thường kéo dài khoảng một tháng và đẹp nhất vào giữa tháng 11. Thời điểm bình minh ló rạng, sương vẫn còn đọng trên lá cũng chính là khoảnh khắc tuyệt vời để ngắm hoa.

“Nghệ nhân” nhí ở lễ hội.

Ngày 20-11-2020, Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya năm 2020 chính thức được khai mạc tại làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah (Gia Lai) với nhiều chương trình hoạt động nghệ thuật phong phú, mang đậm màu sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.

Đến với Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya, ngoài được hòa mình với bạt ngàn sắc vàng rực rỡ của loài hoa mang biểu tượng đặc trưng của mùa khô Tây Nguyên, du khách còn được trải nghiệm những hoạt động văn hóa - nghệ thuật, thể thao, ẩm thực đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên. Lễ hội hoa dã quỳ năm nay còn có hoạt động quyên góp, ủng hộ bà con miền Trung bị thiệt hại do mưa bão.

Với những du khách thích khám phá, đây cũng chính là dịp để nghiên cứu, tìm hiểu sâu về không gian văn hóa cồng chiêng, các loại hình nghệ thuật đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm... của cộng đồng các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Đây là sự kiện nổi bật tôn vinh giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên độc đáo của vùng đất Bắc Tây Nguyên đầy nắng và gió. Đây cũng là điểm đến du lịch được tạp chí du lịch của Anh và Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận top 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất của tỉnh Gia Lai.

Hoa Dã quỳ gắn với câu chuyện tình yêu huyền thoại ở cao nguyên.

Đặc biệt, lễ hội năm nay diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể, đại diện của nhân loại.

Đặc biệt, trong khuôn khổ Tuần lễ hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đăng Ya năm nay, 20 quầy hàng nông sản đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên như: cà phê, hồ tiêu, chuối rừng, rượu ghè, mật ong, măng khô..., đặc biệt có 2 loại cây trồng đặc sản của vùng đất núi lửa Chư Đăng Ya là dong riềng và khoai lang cũng được trưng bày giới thiệu đến đông đảo du khách.

Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya được duy trì tổ chức trong những năm qua đã góp phần tạo nên thương hiệu du lịch cho tỉnh nói chung, huyện Chư Păh nói riêng. Hy vọng, với sự chuẩn bị chu đáo, nội dung phong phú, hấp dẫn, Tuần lễ hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đang Ya năm 2020 sẽ thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh”.

Tiếng chiêng của một già làng.

Hoa dã quỳ ở Chư Đăng Ya có màu sặc sỡ và tàn muộn hơn so với nhiều nơi khác. Trải dài miên man từ hai bên đường dẫn đến chân đồi tới miệng núi lửa, tô điểm cho cảnh sắc thiên nhiên Chư Đăng Ya thêm ấn tượng hơn. Qua trăm ngàn mùa hoa, cuộc sống người dân dưới chân núi Thiên Ðường dù đã đổi mới hoàn toàn nhưng chiếc gùi ấy, màu thổ cẩm ấy và nhất là sắc hoa dã quỳ rực rỡ trên những cung đường đèo hút gió... mãi mãi mang vẻ đẹp và ý nghĩa như một thông điệp vĩnh hằng của vùng “đất thiêng” mà không phải nơi nào cũng có được...

Đinh Dũng - Minh Ngọc
.
.