Nẻo về của người đàn ông một thời lầm lỡ

Thứ Ba, 18/11/2014, 15:00

Ngày 16/10/2014, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Trong số 43 cá nhân tiêu biểu được Bộ Công an biểu dương, khen thưởng chúng tôi đã tìm gặp một số trường hợp và cảm nhận được rõ niềm tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn của các anh. Chúng tôi cũng cho rằng, khát vọng phục thiện chưa bao giờ là muộn.

Nếu như người ta, khi bước vào tuổi "tri thiên mệnh" thì đã con cái đề huề, và ít nhiều gọi là có của ăn của để. Còn với anh Lê Văn Hùng (SN 1965, trú tại thôn Cẩm Du, Thanh Lưu, Thanh Liêm, Hà Nam) thì bấy giờ mới là lúc anh khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng.

Tâm sự với chúng tôi, anh không một chút nản chí, bởi vì bên cạnh anh còn có chính quyền địa phương, bạn bè, bà con chòm xóm, và đặc biệt là người vợ hiền Nguyễn Thị Đảm. Chị đã ba lần đau khổ, rồi cũng từng ấy lần mở rộng vòng tay thứ tha để giúp anh tái hòa nhập cộng đồng.

1. Phải đến lần thứ ba tìm đến, chúng tôi mới được gặp anh Lê Văn Hùng.

Không biết có phải là số kiếp anh lênh đênh, mà ngôi nhà của anh "dạt" tận ra phía rìa làng. Nơi đây vốn trước kia là bãi bồi với những thửa ruộng không lấy gì màu mỡ cho lắm. Khu vực này dân cư thưa thớt đến độ 9 giờ sáng một ngày đầu đông, chúng tôi cứ đứng tần ngần trước cổng nhà anh đến cả giờ đồng hồ, mà tuyệt nhiên không có một ai qua lại để hỏi thăm.

Quay lại lần thứ hai, chúng tôi gặp được chị Nguyễn Thị Đảm, là vợ anh Hùng vừa lúc chị đi chợ về. Người đàn bà gần 50 tuổi chạy xe máy vè vè, chở theo nào là cám cá, cám vịt, cho đến mớ rau, bìa đậu. Đi qua một ổ gà, bao cám rơi bịch xuống đất. Chẳng ngại ngần, chị Đảm nhờ chúng tôi đỡ lên xe rồi mời vào nhà uống nước. Qua chị, chúng tôi cũng nắm được ít nhiều về lai lịch, về cuộc đời của một trong những "đầu gấu làng", người có "tiền án nhiều hơn tiền mặt".

Biết chúng tôi cần gặp anh, chị Đảm lấy điện thoại ra gọi. Song anh Hùng không nghe máy. Chị kể, hàng ngày anh cứ đi làm từ tinh mơ cho đến tối mịt mới về. Hết đào ao hút bùn cho đến cày bừa cấy hái… việc gì có người thuê anh cũng làm. Hình như, anh muốn bù đắp lại những ngày vô ích của mình trước kia. "Trong giờ làm việc" anh không bao giờ nghe máy. Chỉ đến khi nghỉ trưa hoặc ăn cơm tối thì mới gọi điện liên lạc được.

Qua câu chuyện chị kể, chúng tôi có thể cảm nhận được chồng chị chắc hẳn cuộc đời có những chỗ ngoắt ngoéo, uẩn khúc mà người đời không phải ai cũng có thể tỏ tường. Cũng vì vậy mà tôi nhờ chị dặn với anh là sáng mai chúng tôi sẽ quay lại để cùng anh tâm sự.

Anh Hùng cùng vợ chăm sóc ao cá.

Không khác chúng tôi tưởng tượng là bao, kẻ "tội phạm giết người" trong quá khứ có khuôn mặt hiền khô. Anh nói chuyện với chúng tôi mà không giấu được vẻ ngượng ngùng. Anh kể lại chuỗi ngày đau khổ mà anh đã gây ra cho gia đình, vợ con và cho chính bản thân mình với giọng vô cùng hối hận. Thoảng, đôi mắt anh nhìn xa xăm, như hồi tưởng lại một thời trai trẻ đã vụt trôi qua kẽ tay, mà khi ngoảnh lại thì đầu đã hai thứ tóc!

Lê Văn Hùng là người gốc ở Thanh Liêm. Năm 19 tuổi, anh nhập ngũ và đóng quân tại Hóa Lộc (Kim Sơn, Ninh Bình). Bộ đội thời bình, nên ngoài công tác tập luyện anh được đơn vị giao cho nhiệm vụ tăng gia sản xuất. Một đêm nọ, anh đang canh đàn vịt trong khu vực đóng quân thì phát hiện ra mấy tay trộm vịt. Đối tượng đã lẻn vào đánh cắp mấy con vịt, định chạy trốn.

Anh Hùng đuổi theo và rút súng bắn chỉ thiên cảnh cáo. Nhưng không ngờ, đối tượng còn quay lại định dùng hung khí đánh anh nhằm cướp bằng được mấy con vịt. Trong lúc giằng co, khẩu súng đã nổ và đối tượng trúng đạn tử vong. Ra tòa, anh bị kết án 17 năm tù giam - gần bằng tuổi đời của anh lúc đó. Anh thụ án tại Trại giam Ba Sao (Kim Bảng, Hà Nam).

Cuộc đời đầy hoài bão đã bỗng dưng đóng sập trước mắt chàng thanh niên trẻ tuổi. Những ngày đầu trong trại, nhiều đêm Hùng thức trắng. Lắm khi nước mắt anh cứ tự nhiên tuôn rơi vì nuối tiếc cho một phút giây bồng bột. Đau khổ phận mình đã đành một nhẽ, còn cha mẹ già ở quê gần như chưa được một ngày chăm sóc. Được các giám thị động viên, Hùng chỉ biết cố gắng cải tạo cho tốt để mong được giảm án.

Anh Lê Văn Hùng tại chuồng trại.

Nhờ vào thành tích phấn đấu, sau 12 năm mất tự do Hùng đã được trở lại cuộc sống của một người dân bình thường vào năm 1995. Và số phận ít nhiều cũng mỉm cười với anh, khi vừa ra tù thì anh đã có luôn vợ. Số là trong thời gian làm phạm nhân tự giác Hùng đã cùng giám thị đi giúp dân ở các làng xung quanh dựng nhà dựng cửa, rồi chăn trâu, bò, dê… Ông bà nhạc tương lai đem bụng quý mến chàng trai hiền lành, lại hay lam hay làm nên đã cứ vun vào cho cô con gái út của họ.

Anh Hùng kể đến đây, chị Đảm nở nụ cười bẽn lẽn góp lời: “Khi thấy bố mẹ đánh tiếng là gả tôi cho anh Hùng, tôi thấy cứ… sao sao ấy. Vì giai trong làng, ngoài ngõ thiếu gì, mà phải đi lấy một… "anh tù" tha về. Nhưng bố mẹ tôi cứ thuyết phục, tuy nó là tù thật đấy, nhưng là… "tù tốt". Mày lấy nó như được con trâu tốt trong nhà. Lúc đầu tôi cũng chưa ưng lắm, nhưng sau nhiều lần cùng nhau đi chăn trâu, chăn bò với anh ấy thì tôi gật đầu đồng ý”.

Sau khi lấy vợ, anh Hùng được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thầu một quả đồi gần nhà. Hai vợ chồng nai lưng ra trồng keo, rồi nuôi bò, nuôi dê. Có những lúc đàn dê lên đến cả trăm con. Cuộc sống của anh Hùng khi đó tuy không giàu có gì nhưng khá là dễ thở. Chỉ hiềm một nỗi, lấy nhau đã nhiều năm mà anh chị chưa có con.

Trong thời gian anh Hùng thụ án tại Trại giam Ba Sao, bố mẹ anh lần lượt qua đời. Bởi thế năm 2005, anh Hùng nói với vợ mong muốn trở về quê cha đất tổ, cũng là tiện hương khói cho hai bậc sinh thành mà anh chưa kịp làm tròn chữ hiếu. Hai vợ chồng anh cũng hy vọng khi thay đổi khí hậu thì điều lành cũng sẽ tới. Vậy là hai vợ chồng thu vén rồi mua một căn nhà tạm ở thôn Cẩm Du làm chốn nương thân. Khi ấy, khu đất này còn là bãi bồi ngập nước quanh năm. Vợ chồng anh ngày ngày phải đi đào đất tôn nền, đắp bờ. Mãi đến cả chục năm sau mới thành được khu đất như hiện nay.

Và quả là khi đưa nhau về quê, chị Đảm đã có tin vui. Cháu Lê Quốc Khánh ra đời cùng trong năm 2005 đã khiến gia đình bé nhỏ này có thêm tiếng cười đùa của con trẻ.

Nhưng rồi tai họa lại ập xuống đầu người vợ tảo tần này.

2. Trong một lần anh Hùng đi chơi với nhóm bạn thì nhìn thấy một chiếc mô tơ của ai đó để trong một căn nhà hoang. Mấy người nổi lòng tham, liền khuân đi định… bán đồng nát kiếm bữa đánh chén. Không ngờ cả nhóm bị công an xã tóm. Lần này Hùng bị kết án 3 năm 6 tháng vì tội trộm cắp tài sản. Một lần nữa Hùng muối mặt khi gặp lại các cán bộ quản giáo Trại Ba Sao. Nỗi day dứt lần này còn nhiều hơn gấp bội, bởi ở nhà anh lúc này chỉ còn vợ dại con thơ. Biết bao việc nặng nhọc chẳng có ai đỡ đần, gánh vác.

Với sự cố gắng nỗ lực của mình, lần cải tạo này Hùng cũng được giảm án trước thời hạn 9 tháng.

Đón chồng về nhà chưa được ít lâu, chị Đảm lại một phen choáng váng khi thấy chồng mình lại bị bắt.

Số là cái hôm chị đi làm vắng nhà, anh Hùng cũng vì nể nang bạn bè mà để cho một nhóm đến chơi tá lả ăn tiền tại nhà. Khi công an ập vào bắt, Hùng không thể chối cãi được. Anh phải nhận cái án 24 tháng tù giam tại Trại giam Ninh Khánh (Ninh Bình).

Người đàn ông một thời lầm lỡ nay quyết tâm phục thiện.

Vậy là chị Đảm lại một mình gánh vác từ việc nhà cho đến đồng ruộng cấy hái. Tháng tháng lại vào tiếp tế cho chồng trong trại. Mỗi lần thấy vợ tay xách nách mang vào trại thăm mình, anh Hùng chỉ biết ứa nước mắt. Nhiều lần anh quát chị đến thăm ít thôi, ở nhà mà chăm con, mà coi sóc vườn tược. Số là không thấy có người đàn ông ở nhà, bọn xấu nay đến trộm con gà, mai lại bắt con chó… khiến cuộc sống hai mẹ con chị Đảm càng trở nên khốn khó.

Nhưng rồi những ngày khổ đau cũng qua mau. Đầu năm 2013, anh Hùng được tha về trước thời hạn 3 tháng. Thấm thía những lỗi lầm mình gây ra, và cảm động trước tấm lòng của người vợ tảo tần, anh đã quyết chí gây dựng cơ nghiệp lại từ đầu.

Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, Hùng vay được 60 triệu đồng để mua máy cày, máy hút bùn cỡ lớn. Vì có phương tiện kỹ thuật nên một mẫu ruộng hai vợ chồng làm bay bay. Anh chị còn đào ao thả cá, nuôi một bầy lợn Mường và một đàn gà siêu thịt. Ngoài ra, chị Đảm còn nuôi mấy trăm con vịt siêu trứng, mỗi ngày chỉ riêng tiền bán trứng đã thu được 500-600 ngàn đồng - đủ tiền mua cám bã cho đàn vịt, đàn lợn.

Xong việc nhà, anh Hùng lại nhận thầu các công trình đào ao, hút bùn, cày bừa… cho bà con trong xã. Từ sáng sớm cho đến tối mịt, anh làm mê mải quên ăn quên ngủ dường như anh muốn bù lại những năm tháng tuổi trẻ đã bị phí hoài.

Trong vòng một năm, chỉ riêng việc bán cá và gà đã cho lãi trên 50 triệu đồng. Với số tiền lãi trên hai vợ chồng mạnh dạn đầu tư mở rộng mô hình trang trại, đồng thời mua sắm tiện nghi cho gia đình.

Chị Đảm tự hào kể. Cháu Lê Quốc Khánh năm nay đang học lớp 4. Biết bố mẹ vất vả, cháu rất chăm ngoan, học giỏi. Năm nào cũng được nhà trường tặng giấy khen học sinh giỏi.

Anh Lê Văn Cương, công an xã Thanh Lưu nhận xét: Từ ngày trở về quê hương bên cạnh việc tập trung xây dựng kinh tế gia đình, anh Hùng đã rất tích cực tham gia các phong trào của địa phương phát động như tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự ở thôn, xóm; được nhân dân và Ban Công an xã tin tưởng. Đặc biệt trong những ngày lễ tết, thời điểm các đối tượng gia tăng hoạt động phạm tội, anh tích cực cùng Ban Công an xã tuần tra, canh gác đêm đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.

Anh Hùng còn giúp Công an xã và Công an huyện điều tra giải quyết một số vụ án, thu giữ nhiều tài sản cho người dân đồng thời ngăn chặn được những hành vi gây rối tại địa phương. Anh đã cung cấp cho lực lượng công an nhiều thông tin có giá trị giúp cho công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm trộm cắp, ma túy…

Chúng tôi rời Cẩm Du khi trời bắt đầu xẩm tối. Người đàn ông từng vào tù ra tội giờ đây ngồi bên thúng trứng vịt, lặng lẽ lau từng quả để sáng mai vợ anh mang ra chợ bán. Chúng tôi nghĩ rằng cuộc sống lương thiện của anh có lẽ sẽ ngày một được xây đắp nên từ những công việc hết sức nhỏ bé đó

Minh Tiến
.
.