Nghề lạ thời hiện đại

Thứ Năm, 28/02/2019, 22:23
Cách đây ít lâu người ta còn khá lạ lẫm với những công việc kiếm tiền liên quan tới mạng Internet và công nghệ số. Đó là chơi game thuê, là viết blog để “ăn” quảng cáo từ google ads hay làm các clip đăng trên mạng video youtube. Và ở thời điểm hiện tại, cùng với sự phát triển vượt bậc của Internet băng thông rộng thì thêm những nghề rất lạ ra đời.

Sự hấp dẫn của những nghề này đối với các bạn trẻ là điều không thể phủ nhận, song bên cạnh mảng sáng, nó cũng luôn ẩn chứa những mảng tối...

1. Cách đây hơn một thập niên, tại nhiều đô thị lớn tràn ngập các cửa hàng dịch vụ Games - Internet. Xen lẫn những dãy máy tính là mù mịt khói thuốc lá, gói xôi và đủ loại thực phẩm đường phố cùng những mái tóc bù xù do thức đêm. Không ít người nhìn vào đám trẻ và tỏ ái ngại vì một thế hệ nghiện công nghệ chôn vùi tuổi trẻ vào những thứ vô bổ!

Song, ít ai ngờ trong hàng vạn mái tóc bù xù đó ngày hôm nay có những người đã trở thành những “ngôi sao” trên mạng, họ có thể kiếm tiền rất nhiều từ những thứ từng được coi là nhảm nhí, phí thời gian của những năm cũ. Thời đại của mạng xã hội Facebook, YouTube, Instagram... tạo ra cho không ít bạn trẻ cơ hội kiếm bộn tiền từ những việc tưởng chừng không còn gì dễ hơn. Đó là nghề live stream (phát trực tiếp) các video trên mạng xã hội,

Game thủ “Chim Sẻ Đi Nắng” trong một trận thi đấu.

Một trong những Gaming video creator (người tạo video chơi game - tạm dịch) nổi đình nổi đám hiện nay là game thủ Nguyễn Đức Bình (SN 1996, trú tại Đan Phượng, Hà Nội), còn được biết đến nhiều hơn với nickname “Chim sẻ đi nắng”. Mỗi khi game thủ này phát các clip chơi game trực tiếp là sẽ có hàng vạn người xem, rồi “tặng sao”, thậm chí sau đó họ sẽ trở thành người ủng hộ cho game thủ này. Và điều ít ai ngờ tới là chỉ riêng việc chơi game như vậy đã mang lại khá nhiều tiền cho game thủ trẻ tuổi.

Được biết, Bình làm quen với game Age of Empires (Đế chế) từ khi là học sinh trung học cơ sở. Thời điểm những năm 2011-2012, Bình bắt đầu nổi danh trong giới game bằng lối đánh thông minh, kỹ năng vượt trội và trở thành một trong những game thủ hàng đầu trong giới chơi game Đế chế lúc bấy giờ. Số lượng chức vô địch mà Bình đã gặt hái trong khoảng 8 năm chơi Đế chế có lẽ phải lên đến con số hơn 30. Cùng với đó là số tiền thưởng “khủng” mà game thủ này nhận về cũng như được người hâm mộ ủng hộ.

Mặc dù có lối đánh được nhận xét là rất quái, dị trong giới, song trong cuộc sống đời thường Bình lại rất giản dị, dễ gần và đặc biệt là luôn khiêm tốn trong cách ứng xử cùng cộng đồng AoE tại Việt Nam. Game thủ này cũng được công nhận là một trong những “của hiếm” khi thi đỗ đại học, cân bằng được việc vừa học vừa chơi game. Dù vậy, tốt nghiệp ra trường, Bình vẫn giữ niềm ham mê từ nhỏ là chơi game. Và rõ ràng đây cũng là công việc đang giúp cho Bình có một cuộc sống thoải mái.

Bình hiện đang đầu quân cho một team Đế chế là game... và hưởng lương theo tháng. Song, có lẽ thu nhập “đều đặn” nhất của Bình trong thời gian vài năm trở lại đây chính là việc phát các video chơi game online. Kỷ lục livestream của game thủ này có lần lên tới hơn 3 vạn người xem trực tiếp. Trong khi xem, khán giả có thể nhặt sao rơi để ủng hộ game thủ. Cứ mỗi sao nhận được, streamer sẽ được trả 0,01USD.

Và trong mỗi trận thi đấu, Bình có thể nhận được hàng ngàn cho đến hàng vạn sao rơi. Hoặc để trở thành người ủng hộ của game thủ, mỗi tháng khán giả sẽ phải nạp gần 50 ngàn đồng vào tài khoản để có thể “chat” trực tiếp với game thủ cũng như hưởng một số ưu tiên khác.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi còn có nhiều doanh nghiệp trả tiền cho Bình chơi, xen lẫn giữa các trận đấu là quảng cáo từ thuốc tăng lực cho đến trà giảm cân. Và theo một số đại lý bán quảng cáo, thu nhập của game thủ này không dưới 200 triệu đồng mỗi tháng chỉ bằng việc chơi games. Quả là con số mơ ước đối với không ít game thủ cũng như giới streamer nói chung.

Kênh Youtube của Viruss, Đặng Tiến Hoàng có tới hơn 2 triệu người theo dõi, một con số mơ ước cho bất kể người nổi tiếng nào trên thế giới.

Ngoài “Chim sẻ đi nắng”, trong thế giới streamer game còn khá nhiều tên tuổi khác như ViruSs (tên thật là Đặng Tiến Hoàng - là một game thủ, bình luận viên đa tài của làng Liên Minh Huyền Thoại (LMHT) Việt Nam) hay PewPew (tên thật là Hoàng Văn Khoa, SN 1991) cũng nổi danh trong giới khi có hơn 1,4 triệu lượt đăng kí kênh YouTube và hơn 1,2 triệu người theo dõi (followers) trên Facebook.

Đã có một khoảng thời gian dài tới vài năm, những người kiếm tiền trên mạng giữ được vị trí dẫn đầu luôn thuộc về những tay viết nổi danh trên mạng xã hội Yahoo 360. Đó là những nhà văn, nhà báo với phong cách viết đặc trưng là ngồn ngộn thông tin, hài hước hoặc những câu chuyện hậu trường showbiz. Nội dung vẫn là yếu tố quan trọng nhất để có thể nổi danh nhưng cách tiếp cận với độc giả trên mạng cũng xoay vần khi đám đông bắt đầu hờ hững cũng như chán với phong cách bài viết dài, đặc kín màn hình vô cùng tốn thời gian. Thật kỳ lạ, sự đón nhận những điều tưởng chừng vô cùng nhảm nhí lại cũng trở hành hiện tượng mạng.

Còn nhớ khoảng vài năm trước, cư dân mạng từng được một phen “phát sốt phát rét” với những clip ca nhạc “bá đạo” của “ca sĩ” Lệ Rơi. Với giọng hát sai vài tông nhạc, dung mạo chân chất nhưng chỉ cần vài tuần đã nổi như cồn. Và các công ty quảng cáo bắt đầu tiếp cận, nhiều sàn nhảy nổi tiếng khác chìa tay mời Lệ Rơi đến biểu diễn nhạc sống thay vì quay trực tiếp trên mạng từ ngôi nhà giữa vườn ổi tại tỉnh Hải Dương với thu nhập tới cả trăm triệu đồng/tháng.

Ngoài ra, cư dân mạng còn chứng kiến có không ít “hot girl” chuyên dạy cách trang điểm, quay clip đẩy lên YouTube, ngoài thu tiền quảng cáo từ YouTube thì được các nhãn hàng mỹ phẩm trả tiền, trung bình mỗi 5 phút quay họ thu về 10-20 triệu đồng.

2. Những người kiếm tiền bằng cách “ăn online, ngủ online” đều phải bỏ không ít mồ hôi, trí tuệ, phải đánh đổi bằng áp lực cũng như sức khỏe của bản thân để có được những nội dung hay, của độc nhằm thu hút người xem. Tuy vậy, cũng trong thời cách mạng 4.0 như hiện nay, có không ít bạn trẻ lại có suy nghĩ và cách làm sai lạc trong việc kiếm tiền qua mạng. Đơn cử, hiện đã có những “team” chuyên nhận “hack” các tài khoản online, phổ biến là tài khoản Facebook, Zalo... để từ đó lừa đảo chiếm đoạt tiền hoặc bán cho người khác.

Chỉ riêng trong giới hacker cũng có rất nhiều dạng. Có người chuyên hack theo yêu cầu. Nghĩa là được các cá nhân đặt hàng với một số tiền nhất định để hack tài khoản của bị hại. Sau khi đã thống nhất giao dịch, bọn chúng sẽ dùng đủ chiêu trò, từ việc report tài khoản cho đến dùng phần mềm, gửi link cốt sao chiếm bằng được tài khoản của bị hại, trao lại cho người đặt hàng và lĩnh tiền.

Kênh Youtube dạy trang điểm “Pretty Much” mang lại lợi nhuận lớn cho chủ nhân của nó.

Lại có những team/cá nhân thường tìm cách khoét vào những lổ hổng của mạng, sơ sót của facebooker để hack. Và chúng thường nhằm vào những người nổi tiếng. Sau khi hack thành công, chúng sẽ liên hệ với chủ tài khoản để đòi chuộc. Đa phần những người bị hack thường phải bỏ ra 10-50 triệu đồng để lấy lại tài khoản. Con số này cũng chỉ truyền tai, chứ ít ai công khai.

Đặc biệt, có những team tổ chức hack một cách lan tràn, nhằm vào tất cả những tài khoản chúng biết. Mục tiêu là hack được càng nhiều càng tốt. Khi có được hàng ngàn, hàng vạn tài khoản trong tay, các đối tượng sẽ huy động đội quân “zombie” (xác sống - ám chỉ những tài khoản “ma” hoàn toàn do các đối tượng điều khiển) này tham gia vào việc kiếm tiền. Bằng cách dùng các tools để mua bán like, share, comment cho những chủ shop online khác, hoặc cũng có thể huy động nhằm đánh sập, chiếm đoạt một tài khoản nào đó để lấy tiền chuộc.

Ngoài ra, bị hấp dẫn bởi việc được trả tiền khi đưa những đoạn clip lên mạng xã hội thông dụng có nhiều người xem, một số team đã thực hiện nhiều clip có nội dung phản cảm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người xem. Đơn cử kênh “Prank HD” do một nhóm người Việt trẻ lập ra, từng đăng tải video “Thử thách hút thuốc lá bằng mũi”.

Trong video có thời lượng hơn 10 phút này, hai nhân vật thi nhau dùng mũi hút thuốc lá, xả khói dày đặc, ho sặc sụa liên tục nhưng tỏ ra rất khoái chí. Cuối clip còn có cảnh một nhân vật hút cả bao thuốc lá 20 điếu cùng một lúc, rất phản cảm. Thu hút đến gần 80.000 lượt xem nhưng bên dưới hàng loạt các bình luận chỉ trích rằng hành động này không có gì thú vị, hơn nữa còn có hại cho sức khỏe mà đem ra thi thố!

Kênh “Thơ Nguyễn” - một trong những kênh YouTube hàng đầu Việt Nam với 4,7 triệu lượt theo dõi, từng dính vào vụ lùm xùm video có nội dung khiêu dâm. Đây là kênh chuyên biệt dành cho cho trẻ em nhưng trong video có tên “Làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ” có nhiều đoạn rên rỉ của nữ chính bị nhiều người xem cho rằng không phù hợp.

Được biết, khi trở thành YouTube Partner (đối tác sản xuất video chính thức của YouTube), các video sẽ được YouTube tự động đặt các quảng cáo và chi trả 2,5 - 3USD/1.000 lượt xem. Đó là chưa kể, với những kênh có tương tác mạnh còn nhận được những hợp đồng quảng cáo từ các nhãn hàng, thương hiệu bên ngoài. Chủ kênh YouTube cứ thế hằng tháng thu nhập vài chục đến cả trăm triệu là điều hết sức bình thường.

Trong khi đó, vốn liếng bỏ ra không cần nhiều và với những clip nhảm nhí kể trên, sự đầu tư và giá trị mà chúng mang lại là quá ít ỏi. Chính từ mong muốn có thu nhập khủng đã khiến các kênh YouTube tạp nham, phản cảm và dị hợm mọc lên như nấm sau mưa.

Trong thời đại mà người người, nhà nhà xem YouTube còn nhiều hơn xem ti vi như hiện nay, rất đông phụ huynh vì quá bận rộn, để mặc con trẻ dán mắt vào những video trên YouTube. Những video nhảm nhí tràn lan sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho việc hình thành nhân cách, tư duy người xem (nhất là trẻ nhỏ). Và cách kiếm tiền từ việc sản xuất những video như vậy cần phải bị lên án, ngăn chặn.

Minh Trí
.
.