Nghề "xẻ xác" máy bay

Thứ Bảy, 27/10/2007, 17:00
Cả một đống xác máy bay cũ nát cao chất ngất, nhưng chỉ có vài ba người đàn ông hì hục tháo dỡ bằng các thiết bị thô sơ như búa đinh, búa tạ, cưa sắt, kìm... Áo quần nhàu nhĩ, bê bết dầu mỡ, có vẻ họ cũng chỉ là những nông dân thuần túy, chẳng phải là công nhân cơ khí.

Trên tuyến đường 80B Sơn Tây - Hà Nội đoạn giáp ranh giữa hai xã Phùng Xá và Bình Phú (huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây) gần đây xuất hiện một đống phế liệu trắng lóa nằm ngất ngưởng trên khoảng đất trống rộng rãi bên đường, khiến ai qua cũng phải ngoái cổ lại nhìn.

Đó là đống thân xác của những chiếc máy bay, với thân, động cơ, cánh quạt, cánh cửa, kính, cao su, đã thanh lý nằm ngổn ngang chồng chất lên nhau.

Từ 8 chiếc xác trực thăng AH-26 bên đường 80B...

Ngồi sùm sụp bên đống phế liệu khổng lồ đó là một người đàn ông nhỏ thó có khuôn mặt đen sạm từng trải, tên là Nguyễn Văn Hải, 56 tuổi.

Bằng chất giọng đặc trưng của người dân địa phương, ông cho biết suốt cả tháng nay ông ngồi trong chiếc lán làm tạm để trông đống xác máy bay này. Ban ngày chỉ một mình ông, ban đêm có một người nữa, cùng nhau bảo vệ.

“Của một đống tiền. Chẳng may có anh nào tắt mắt vác đi mấy cái cánh quạt hay đôi vòng bi thì nguy to...”.

Cả một đống xác máy bay cũ nát cao chất ngất, nhưng chỉ có vài ba người đàn ông hì hục tháo dỡ bằng các thiết bị thô sơ như búa đinh, búa tạ, cưa sắt, kìm...

Áo quần nhàu nhĩ, bê bết dầu mỡ, có vẻ họ cũng chỉ là những nông dân thuần túy, chẳng phải là công nhân cơ khí. Bên một thân máy bay còn ghi rõ dòng chữ “AH-26”.

Đống xác trực thăng AH-26 ở Hà Tây.

Một người thợ nói: “Nó tuy to lớn, cồng kềnh thật đấy, nhưng chúng tôi "xẻ" được hết. Xe lu, xe cẩu trình trịch toàn sắt còn không “cãi” được nữa là mấy tấm hợp kim nhôm này. Lắt nhắt và mất thời gian nhất chỉ có mấy anh ốc vít bằng sắt ở đầu máy bay, vì đã gỉ sét nên có dùng mỏ-lết, cờ-lê vặn tê cứng cả tay vẫn không xoay chuyển.

Tưởng người ta sản xuất máy bay mới cần trình độ công nghệ cao của kỹ sư, tiến sĩ chứ, ai dè đến việc "xẻ xác" máy bay cũng không thể lợi dụng được sức lực điền thẳng cánh mà quai búa được”.

Theo chỉ dẫn của những người thợ và bảo vệ, chúng tôi tìm đến Xí nghiệp Xuân Giới và Công ty Cổ phần Thiết bị công nghiệp Minh Đức, là những chủ sở hữu của bãi xác máy bay này. Người nhà bảo các ông chủ đi vắng, nghe đâu đang đi tìm mối hàng.

Chị Nguyễn Thị Chinh, vợ của anh Nguyễn Duy Thanh, Giám đốc Công ty Minh Đức cho biết: “Nhìn thì ra vẻ vậy thôi, nhưng chẳng biết lời lãi thế nào, vì đây là lần đầu tiên chúng tôi mua máy bay. Mỗi cái nặng bao nhiêu cân, khi tháo dỡ ra thì được bao nhiêu nhôm, sắt, vòng bi... đều không biết, vì đã làm bao giờ đâu?”.

Khi chúng tôi hỏi đến hợp đồng mua bán, số tiền mua thì chị đều lắc đầu, chép miệng: “Chuyện mua bán này do chồng tôi và bạn bè chung tiền cùng làm, tôi không rõ lắm. Nghe đâu 8 cái trực thăng này là mua lại từ Công ty Vũ Phong bên Hà Nội”.

Cũng theo chị Chinh, máy bay hay những loại máy móc thiết bị khác “hết đát” sẽ được phân loại rất kỹ, lọc nhôm, sắt, nhựa, cao su để riêng, rồi bán cho các xưởng tái chế. Từ con ốc cho đến cái dây điện, cánh quạt cho đến thân, loại nào phải ra loại ấy, không được để sót một chi tiết nào.

Những thứ khả dĩ còn tận dụng được để làm việc khác như vài chi tiết máy nhỏ, vòng bi, cuộn dây, ai mua cái gì thì bán cái đó. Nếu được giá, cả đống máy bay cũ đó cũng sẽ được bán lại ngay.

“Làm cái nghề này là mua của người chán, bán cho người cần thì mới có lãi được!” - chị Chinh cười vui vẻ.

Đến xác những chiếc MiG-21 tại làng Quan Độ

“Ôi giời, mấy cái máy bay chuồn chuồn, tưởng gì ghê gớm! Về làng tôi mà xem, người ta “mổ bụng” xác MiG-21 như làm thịt cá trắm. Ngay ở đám ruộng rau muống trước cửa nhà tôi cũng có cả chục chiếc” - ông Đặng Đình Bột, Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh dài giọng.

Cái làng mà ông Bột nói đến là làng Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong.

Chúng tôi vượt thêm 5 km nữa để đến làng Quan Độ. Ngôi làng có 9,8 ha đất thổ cư và hơn 500 hộ, 2.400 nhân khẩu này có tới 70% số hộ làm nghề thu mua phế liệu.

Đúng như lời ông Đặng Đình Bột nói, bên ruộng rau muống ngay trên lối bêtông đi vào làng ngổn ngang một dãy thân xác máy bay to, tròn, dài. Cái thì đã xẻ vỏ, chỉ trơ lại động cơ, cái thì còn nguyên buồng lái, cái thì phơi bụng trắng lốp như những con cá trắm khổng lồ...

Anh Nguyễn Văn Cừ, Trưởng thôn Quan Độ cho biết: “Số xác máy bay đem về làng lần này là của hai anh Nguyễn Văn Lai và Nghiêm Văn Toan. Họ có đến đăng ký với tôi để mượn chỗ tập kết, nhưng tôi cũng chẳng rõ họ tập kết ở mấy kho bãi và có bao nhiêu chiếc.

Những người thợ ở đầu làng khiến chúng tôi ngạc nhiên khi cho biết tốp của họ chỉ 4 người. Để tháo rời mỗi cái thân máy bay chỉ mất khoảng 3-4 công (một người làm trong 3-4 ngày). Nhưng để bóc tách phần khoang đầu có nhiều chi tiết máy phức tạp thì lâu công hơn.

Người làng Quan Độ đã có trên dưới 20 năm trong nghề phân loại các phế liệu là máy móc cồng kềnh, nên công việc không có vẻ quá sức như người ta tưởng.

Có thể đúng như ông Đặng Đình Bột nói, máy bay đã được tháo hết vũ khí, linh kiện, hộp đen trước khi bán thanh lý. Những người thợ cố gắng xẻ thân máy bay thành những tấm thép vuông vức, như vậy khi bán lại sẽ được tiền hơn.

Xác MIG-21 ở làng Quan Độ.

"Xẻ xác" MiG khó hơn nhiều vì nó chứa đầy một bụng sắt chứ không rỗng ruột như xác trực thăng.

Các mảnh kim loại được phân loại và xếp riêng ra từng góc. Sắt vụn sẽ được đem bán cho làng Đa Hội, hoặc cho các nhà máy gang thép ở Thái Nguyên, Hải Phòng. Nhôm thì chuyển sang làng nghề Mẫn Xá cùng xã. Các dây đồng, linh kiện, ốcvít, máy móc, môtơ thì gặp ai bán nấy.

Dân buôn từ chợ trời (Hà Nội) thỉnh thoảng cũng kéo nhau về đây tìm mua các chi tiết máy, thiết bị điện, linh kiện còn sử dụng được.

Xác những chiếc máy bay đầu tiên xuất hiện tại làng thu mua phế liệu Quan Độ được nhiều người khẳng định là do anh Đặng Đình Hợp mua về vào khoảng năm 1990 - 1991. Đó là lô hàng gồm 3 chiếc MiG-17 và 2 chiếc trực thăng nát bét.

Sau anh Hợp, nhiều người khác cũng đem máy bay về làng phá dỡ nhưng không thường xuyên và số lượng cũng không nhiều. Ngoài một vài chiếc MiG-6 khổng lồ, phần lớn máy bay là loại trực thăng AH - 26 và MiG 17, 19.--PageBreak--

Theo tìm hiểu của chúng tôi thì những chiếc máy bay “đồng nát” này ít nhất đã có 35 năm vùng vẫy trên bầu trời. (Mà cái giống máy bay, khi hết hạn sử dụng là... vứt. Không “cố lên giời” được). Và trước khi đến tay những người "xẻ xác", chúng đã phải "đi qua" rất nhiều thủ tục cực kỳ nghiêm ngặt của các cơ quan Bộ Quốc phòng.

Bí quyết duy nhất của làng nghề

Người Quan Độ đã từng phá nhiều thứ còn to và khó hơn máy bay nhiều như cầu phà, nhà máy, tàu biển... Theo lời ông Nguyễn Đức Phúc, Phó chủ tịch UBND xã Văn Môn, làng Quan Độ bắt đầu bước vào nghề thu mua phế liệu từ khoảng năm 1986.

Ban đầu thì nhỏ lẻ, nhặt nhạnh trong dân, sau đó là mua đồ thanh lý của Nhà nước. Từ tàu thủy, tàu hỏa, xi măng lò đứng, cầu, nhà máy nhiệt điện, nhà xưởng... tức là thượng vàng hạ cám, gì cũng mua tất.

Ngoại trừ lô hàng máy bay đầu tiên, ấn tượng nhất phải kể đến lô hàng là cả một kho vật liệu cũ của quân đội thanh lý, mua về từ trên Sơn Tây hay Vĩnh Phú gì đó. Lổn nhổn trong làng là xác xe tăng, thiết giáp, vỏ đạn lớn bé, có thứ thì là của quân đội ta bỏ đi, có thứ là chiến lợi phẩm từ thuở nào...

Ông Đặng Đình Bột cho biết thêm: “Trước năm 2000, mua bán rầm rộ lắm. Có anh mua về cả đống thiết bị định vị, đo độ sâu của tàu biển, tuy còn khá mới nhưng hình như đã lạc hậu về kỹ thuật. Có anh còn đem về hàng chục chiếc xe máy cũ, lau rửa tân trang đem đi bán cả chục triệu đồng một chiếc.

Rồi họ còn đồn rằng, thủy phi cơ thì thường mua ở Quảng Ninh, quây lều dựng bạt tháo dỡ tại chỗ rồi chuyển về, chưa thấy ai chuyển về nguyên chiếc. Từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi miền ngược, chỗ nào họ cũng mò mẫm, tìm mua hàng thanh lý. Làm nghề này nhiều người phất lên nhanh chóng, nhưng cũng nhiều người sạt nghiệp".

Có một câu chuyện thật như bịa về chuyện buôn bán từ chín, mười năm trước mà người làng vẫn kể. Một anh chàng láu cá vào quán bia, ngồi bên hai thanh niên từ nơi khác đến, vừa nhậu vừa “phun” chuyện làm ăn. Thì ra hai anh kia định vào làng anh, đến nhà người nọ mua các vỏ tên lửa.

Một anh nói: “Chỉ mua những khoang có các vệt vàng, vì dưới vệt vàng đó có bạch kim (platin hay còn gọi là vàng trắng), mỗi khoang cũng thu được mấy chỉ”.

Lẳng lặng trở về làng, anh ta dốc hết tiền đến nhà nọ đặt tiền cọc để mua cả chục khoang tên lửa như thế, bán cho người làm nghề phân kim. Nghe đâu vụ đó anh chàng láu cá lãi tới 17 triệu, tậu ngay một chiếc Honda phóng vèo vèo trong làng.

Nhưng cũng có anh tìm mua một đống radar đồng nát về, định dùng cường toan để phân kim lấy vàng nhưng lỗ chổng vó, phải bán cả nhà cửa, xe cộ để trả nợ.

Thì ra số radar anh mua về là hàng sản xuất của Nga sau này chứ không phải của Liên Xô (cũ). Cũng có màu vàng, nhưng radar của Liên Xô có chứa vàng thật, còn đồ Nga làm chỉ toàn đồng.

Những người làm nghề phân kim như anh này hiện còn rất ít ở Quan Độ, và cũng chưa thấy ai giàu lên với cái nghề này. Họ thường tiến hành phân kim ở ngoài đồng xa, phần vì giữ bí quyết, phần vì làng xóm không chịu nổi mùi và nước thải ô nhiễm, độc hại.

Một trong những người phân kim cuối cùng của Quan Độ đã chết năm ngoái vì ốm. Thỉnh thoảng vẫn có người ở địa phương khác về đây tìm hàng đem đi phân kim.

Đã có một người làng chết vì nghề phá dỡ phế liệu. Một buổi sáng tháng 10 năm ngoái, anh T. (35 tuổi) đem vỏ trái đạn pháo 130 ly ra đê để phá bằng máy hàn xì.

“Ai ngờ vỏ đạn còn sót thanh thuốc phóng chưa tháo hết, phát một tiếng nổ khiến người ở xa nửa cây số cũng nghe thấy. Do ngồi xổm để phá, anh T. bị mất cả mông, cả... chân”.

Tôi hỏi một người thợ trẻ làng Quan Độ về kinh nghiệm phá dỡ máy bay cũ. Vẫn đều tay đập búa, anh cho biết lâu nay chỉ buôn bán đồng nát, chưa bao giờ được sờ tay vào máy bay.

Các ông chủ làng Quan Độ lâu lâu mới mua được một chuyến hàng này, mỗi lần chỉ cần vài người khỏe mạnh và chịu khó đến tháo dỡ thì lấy đâu ra thợ nhiều kinh nghiệm.

“Chẳng ai mở lớp đào tạo cách tháo dỡ máy bay cả. Hầu hết chúng tôi tự rút kinh nghiệm khi phá dỡ các máy móc khác, rồi áp dụng vào phá máy bay. Người sản xuất máy bay sai thì tốn tiền của, mình phá sai thì tốn công sức, vậy thôi. Bí quyết duy nhất của nghề “xẻ xác” máy bay này là cứ mua máy bay về, xẻ được tất” - Anh ta bảo.

Nghề thu mua phế liệu đem lại cho bà con đời sống khá hơn so với làm ruộng nhiều, nhưng người Quan Độ vẫn làm nông nghiệp. Nhiều nhà giàu có vẫn ra ruộng đi cấy như thường. Và việc mua đồng, nhôm, dép rách hay xác máy bay với họ cũng như nhau cả thôi

Lê Hồng Quân
.
.