Người 30 tuổi sao vẫn chưa được khai sinh?

Thứ Ba, 26/01/2021, 11:08
Bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, may mắn được một người phụ nữ nhận nuôi nhưng suốt 30 năm qua, anh Lê Quốc Dũng, trú tại phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội vẫn chưa có giấy khai sinh để trở thành một công dân bình thường. Nhiều năm qua, Dũng chỉ ước mơ được đến ngày được xã hội thừa nhận.


Đứa trẻ bị bỏ rơi

Chúng tôi gặp Lê Quốc Dũng khi Dũng vừa từ Long Biên sang trường học cũ bên phố cổ Hà Nội để xin xác nhận của ngôi trường đã từng theo học làm cơ sở xin giấy khai sinh. Dũng buồn bã tâm sự: “Bây giờ em cũng chẳng xin được xác nhận ở trường vì trường bảo không còn lưu giữ hồ sơ giấy tờ gì liên quan đến em”.

Dũng là đứa trẻ bị bỏ rơi trên phố Cửa Bắc, Hà Nội vào ngày 17-11-1991 khi mới được 1 ngày tuổi. May mắn Dũng được gia đình bà Minh (Dũng gọi là bà) đưa về nuôi dưỡng và gọi tên theo tên con trai của bà. Nhưng vì ngày ấy, bà Minh không làm thủ tục nhận nuôi cũng không khai báo chính quyền nên Dũng không được làm giấy khai sinh. 

Lê Quốc Dũng trải lòng về sự vất vả mưu sinh của mình.

Trong suốt mấy chục năm ở nhà bà Minh, Dũng chỉ được đi học dự thính đến hết lớp 5 (không có tên trong danh sách chính thức, không học bạ) tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố ở phố Hàng Quạt.

Năm 2012, bà Minh mất vì bệnh. Năm 2014, khi tìm được công việc rửa xe ở một cửa hàng sửa chữa ô tô xe máy ở Tựu Liệt, huyện Thanh Trì, Dũng rời khỏi nhà, từ đó không hề liên lạc với mọi người trong gia đình. Không giấy tờ tùy thân, Dũng chỉ biết ở nhờ tại xưởng, được lo chỗ ăn chỗ ngủ và hơn 1 triệu đồng tiền lương. Lúc này, Dũng nhận ra giấy tờ tùy thân có vai trò quan trọng với mình như thế nào.

Khi Dũng lại trở về nơi mình được nhận nuôi để hỏi về thủ tục làm giấy tờ tùy thân cho mình thì không gặp được ai. Bởi sau ngày bà Minh mất, gia đình, họ hàng của bà Minh cũng bán nhà, chuyển nhà đi nơi khác từ lâu. Dũng cũng không biết các cô dì, chú bác mình đang ở đâu, số điện thoại liên lạc như thế nào, bởi ngày bỏ nhà ra đi, Dũng cũng xác định không bao giờ quay trở lại; đến khi nhận ra vai trò quan trọng của giấy tờ tùy thân, tìm về nơi đã từng sinh sống thì Dũng chẳng thể liên lạc được với gia đình người bà, người bố đã từng nhận nuôi để làm chứng và xác nhận cho mình.

Trong trí nhớ của Dũng thì bố nuôi làm nghề xe ôm, đã mất từ năm 2019, khi Dũng quay trở về nơi địa chỉ nhà cũ hỏi hàng xóm láng giềng thì thấy mọi người nói thế. Còn mẹ nuôi thì ly thân, không còn ở cùng gia đình chồng từ khi Dũng còn nhỏ, giờ còn hay mất Dũng cũng không biết. Dũng đến hỏi ở phường Trúc Bạch thì phường cũng bảo chẳng có giấy tờ hồ sơ gì chứng minh cái tên Lê Quốc Dũng tồn tại vì khi nhặt được Dũng, bà Minh cũng không khai báo gì cho chính quyền biết.

Năm 2017, Dũng quen một người bảo vệ tòa nhà chung cư ở phố Láng Hạ và được anh này xin cho làm bảo vệ cùng với lương tháng 5 triệu, được ở nhờ luôn tại phòng bảo vệ. Năm 2019, Dũng nghỉ việc, sang Long Biên thuê trọ, xin làm chân trông giữ kho hàng gia dụng ngay gần nhà trọ. Một ngày cứ làm việc theo ca từ 2 giờ chiều đến 7 giờ tối. Lương tháng được 3 triệu, Dũng tằn tiện, chắt bóp lo cho cuộc sống bản thân. Với người không giấy tờ tùy thân, không bằng cấp như Dũng thì có được một công việc, một chỗ trú chân chui ra chui vào thế này là tốt lắm rồi.

Sau nhờ quen một luật sư, Dũng được hướng dẫn làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng xin được làm giấy khai sinh. Ngày 6-4-2020, Sở Tư pháp TP Hà Nội đã hướng dẫn Dũng liên hệ với UBND phường nơi cư trú (phường Bồ Đề, quận Long Biên) để thực hiện đăng ký thủ tục đăng ký khai sinh. Sau đó, Dũng được UBND phường Bồ Đề hướng dẫn xác định những nội dung liên quan để có thể thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh. Tại đây, UBND phường yêu cầu Dũng khẳng định một số thông tin và yêu cầu xác minh thêm các nội dung khác ở phường Trúc Bạch, phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội), những nơi Dũng từng cư trú.

Mặc dù đã được chính quyền sở tại ở 2 phường nêu trên xác nhận việc Dũng thường trú tại địa phương trong khoảng thời gian từ năm 1991-2009 nhưng cuối tháng 12-2020, UBND phường Bồ Đề ra thông báo cho biết vẫn không thể tiến hành đăng ký khai sinh cho Dũng. Nguyên nhân vì sau khi thẩm tra, thẩm định, xác minh và đối chiếu các quy định, UBND phường Bồ Đề không xác định được nguồn gốc sinh ra và lớn lên; không có bản ảnh để xác định bản thân Dũng. Vì vậy, hồ sơ đề nghị đăng ký khai sinh của Dũng không đủ điều kiện để giải quyết.

Mong mỏi được công nhận

Ngày 21-1-2021, Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh đã tổ chức đoàn công tác đến làm việc trực tiếp tại UBND quận Long Biên về trường hợp của Lê Quốc Dũng. Dự buổi làm việc còn đại diện Sở Tư pháp TP. Hà Nội, đại diện lãnh đạo UBND quận Long Biên và các cơ quan liên quan. 

Tại buổi làm việc, ông Khanh chia sẻ với khó khăn, vất vả mà Lê Quốc Dũng đã chịu đựng trong thời gian qua vì không có giấy tờ tùy thân nhưng theo ông Khanh trước hết đây là lỗi từ gia đình người đã nhận nuôi Dũng. Trường hợp của Dũng không phải là trường hợp duy nhất, bởi đã có rất nhiều trường hợp trẻ em bị bỏ rơi được người dân nhận về nuôi nhưng không chịu khai báo với chính quyền.

Đại diện các cơ quan chức năng cho biết sẽ giúp Dũng làm giấy tờ tùy thân trong thời gian sớm nhất.

Ông Khanh hứa sẽ theo sự việc đến cùng và giải quyết được giấy tờ cho Dũng nhưng trước mắt, Dũng phải có một bản tường trình ghi đầy đủ các mốc thời gian của bản thân từ nhỏ đến lớn, tên, tuổi, địa chỉ số điện thoại của những người có liên quan nếu nhớ để các cơ quan chức năng đi xác minh thông tin làm cơ sở làm giấy tờ tùy thân trong thời gian sớm nhất.

Hỏi Dũng có bao giờ mơ ước được gặp lại gia đình, bố mẹ đẻ của mình, Dũng chỉ rơm rớm nước mắt: “Họ bỏ rơi em nghĩa là không cần em rồi thì em cũng chẳng bao giờ mơ gặp lại, em chỉ mong muốn duy nhất bây giờ là làm được giấy tờ tùy thân cho mình, xong rồi sẽ tính tiếp”.

Nghị định 158/2005 về đăng ký và quản lý hộ tịch nêu rõ: Người phát hiện trẻ sơ sinh bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và báo ngay cho UBND cấp xã hoặc công an xã, phường, thị trấn, nơi trẻ bị bỏ rơi để lập biên bản và tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em đó.

Việc nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi là việc đáng được biểu dương khuyến khích, tuy nhiên trường hợp của Lê Quốc Dũng là bài học cho những ai đã, đang và sẽ nhận con nuôi nắm rõ được luật pháp. Việc khai báo với cơ quan chức năng không chỉ để đứa trẻ sớm được khai sinh, được xã hội thừa nhận, mà còn giúp các cơ quan chức năng quản lý được địa bàn, nhân khẩu tốt hơn.

Trâm Anh
.
.