“Người cha đường phố” và mối tình với nhà làm phim Pháp

Thứ Ba, 16/10/2007, 08:20
Ngày 2/10 vừa qua, tại bệnh viện Việt - Pháp đã diễn ra một lễ đính hôn đặc biệt giữa Hùng "phở" đang điều trị ung thư gan với nhà làm phim người Pháp Leslie Wiener. Ngày cưới của anh chị đã được định vào 4/1/2008, tất cả người thân đang cầu nguyện cho anh sống được đến ngày đẹp đẽ đó...

Hiện tại, trong những tháng ngày còn lại của anh, chị muốn cùng anh xây dựng một trung tâm cho trẻ em khuyết tật.

Gặp Hùng những ngày này, hỏi chuyện anh thật khó, bệnh tình của anh diễn biến ngày càng xấu, bụng anh đã căng trướng, chân tay teo tóp, đôi mắt tinh anh ngày nào giờ yếu ớt, mỏi mệt. Nén những cơn đau quặn, 3 ngày trong Bệnh viện Chợ Rẫy, anh ngồi kể về cuộc đời mình trong hơi thở thều thào, ngắt quãng...

Anh Hùng bảo, cuộc đời của anh sẽ vĩnh viễn chìm trong bóng tối, nếu không có một ngày nọ, khi đang cai nghiện lần thứ... n tại Trung tâm Bình Triệu, Ban giám hiệu nhà trường gọi lên và hỏi anh có muốn tham gia một hoạt động thử nghiệm (Chương trình tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, được triển khai bởi Quỹ Cứu trợ Nhi đồng Anh) của nhà trường không? Hùng gật đầu, ai ngờ, cái gật đầu ấy đã làm thay đổi cuộc đời...

Đi qua "cơn lốc đen"

Mẹ Hùng có một quán phở trong khu Đa Kao, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP HCM. Nhờ quán phở ấy mà bà nuôi 5 người con khôn lớn, trong đó có Hùng. Cái tên Hùng “phở” là do dân giang hồ đặt, để phân biệt với nhiều người tên Hùng khác.

Chị Leslie Wiener chăm sóc anh Hùng.

Sau này, Hùng “phở” trở thành cái tên rất đỗi quen thuộc với rất nhiều người nhiễm HIV, trẻ em đường phố. Trẻ em đường phố và Hùng "phở" được các em gọi thân thiết: cha Hùng “phở”.

Sinh năm 1956 trong một gia đình gia giáo, Hùng tự nhận như vậy. 4 anh em của Hùng lớn lên đều thành đạt, có gia đình, công việc. Hồi nhỏ, Hùng học cũng vào dạng khá ở Trường Lê Văn Duyệt, Trường Võ Trường Toản, những tưởng con đường Hùng đi sẽ sáng. Nhưng Hùng là người không giống ai trong nhà, đặc biệt là tính tình, tính Hùng ngang ngạnh và quyết liệt, phàm đã làm việc gì là làm tới cùng, thích là đam mê tới cùng, tới quên bản thân mình...

Theo bạn bè, Hùng sa ngã. Hồi đầu chỉ là thử, rồi thèm, sau đó là nghiện. Hùng lao vào "cơn lốc đen" như con thiêu thân. Uống, hít, rồi chích. Hùng cảm thấy anh chỉ sống trong những cơn đê mê điên dại đó.

Hùng “phở” được bạn bè đánh giá cao nhất ở cái tính chịu chơi, đã chơi là tới bến. Hùng từng gia nhập một nhóm đua xe, nhóm này thường hoạt động trên xa lộ Đại Hàn, từ TP HCM về Biên Hòa. Những ngày ấy, chiếc xe đua chỉ là con xe 67 đã xoáy nòng nhưng tất cả các xe trước khi vào trận đều được tháo bỏ “thắng”, nghĩa là khi đã đua sẽ không thể dừng lại...

Đôi lúc, Hùng quyết tâm cai nghiện, vì mẹ, người như một chiếc “thắng” vô hình trên con đường đời của Hùng. Hùng tự nguyện làm đơn xin đi cai nghiện. Cai rồi về, nhưng đám bạn du thủ du thực vẫn đến rủ rê, không cưỡng được, Hùng lại lao vào cơn lốc, lại đi cai nghiện.

Cứ thế... 20 năm tuổi thanh niên của Hùng như một cuộn phim bị lỗi, cứ lặp đi lặp lại.

Vào hang "rắn rết"

Tháng 12/1990, phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên ở TP HCM. Một thông tin gây chấn động dư luận. Nhưng rồi người ta cũng mau chóng quên đi, vì chưa nhận thức đầy đủ sự chết người của căn bệnh này. Đến năm 1993, HIV bắt đầu bùng phát trong những người sử dụng ma túy.

Để ứng phó với sự lan tràn của đại dịch HIV, Chương trình phòng chống HIV/AIDS, Quỹ Cứu trợ Nhi đồng Anh đã quyết định thành lập nhóm tuyên truyền viên HIV/AIDS, còn gọi là nhóm giáo dục đồng đẳng. Khi ấy, người có cuộc sống bình thường rất khó tiếp cận những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm HIV cao: mại dâm, ma túy.

Những người phụ trách chương trình đã nghĩ đến những đối tượng đã từng lầm lỗi. Họ xem xét trong các trung tâm cai nghiện để chọn người thích hợp. Để thâm nhập vào giới xì ke, người tuyên truyền viên phải hội đủ các yếu tố: có khả năng ăn nói, hiểu về dân “ken” và phải không biết sợ...

Trong trường cai nghiện, Hùng “phở” được các thầy ở trung tâm đánh giá cao về hạnh kiểm. Vì thế, ngay khi triển khai Chương trình tuyên truyền phòng chống HIV/AIDS, Ban giám hiệu trung tâm đã nghĩ tới Hùng. Hùng cùng với Lê Tài Minh, Bùi Văn Du và Nông Hữu Khương được mời tham gia chương trình.

Tại những điểm bán ma túy nổi cộm lúc bấy giờ như khu Lê Lai, công viên 23/9, cầu Mống, bến Bạch Đằng... Nhóm tuyên truyền viên của Nguyễn Văn Hùng đã tổ chức chiếu phim công cộng và thuyết minh về AIDS, tiếp xúc, trao đổi với chủ bán lẻ và dân “ken” về tác hại của HIV và biện pháp phòng ngừa.--PageBreak--

Năm 1993, dân “ken” và người dân khu Lê Lai hẳn không quên một gã trung niên với tướng mạo dữ dằn, bặm trợn thường ngồi lì ở một quán cà phê đầu hẻm. Hùng “phở” xuất hiện tại khu vực này không phải để “chơi một cữ” như ngày xưa.

Anh muốn thâm nhập vào cái động chích bên trong khu vực Lê Lai. Rồi anh thấy một tay “ken” đi ra, đi vô trong quán, tay này có vẻ quá "vã". Hùng bước tới ngồi chung, đặt lên bàn một bao thuốc lá và ân cần mời. Tay này đưa mắt dò xét Hùng, Hùng “phở” liền kể: “Hồi xưa tui “chơi” ở xóm Vựa Gạo, mắc hơn chỗ này, ở đây giá nghe được”.

Nói rồi, Hùng cố ý đặt cánh tay lên bàn, lộ những vết sẹo chi chít nối tiếp nhau theo đường gân tay, do chích gân gây ra. Liên tiếp nhiều ngày, Hùng thường xuyên có mặt ở quán cà phê đầu hẻm Lê Lai đó, anh sà vào bàn của các tay “ken” hỏi chuyện và tuyên truyền cách phòng tránh HIV một cách tự nhiên.

Dần dần, dù chưa bước chân vào trong, Hùng đã nắm rõ các quy luật hoạt động của động chích. Một ngày, chủ động thấy thế, cho đàn em ra “mời” Hùng “phở” vào nói chuyện. Biết sẽ có ngày này, Hùng hiên ngang đi vào. Đời Hùng “phở” đã trải qua nhiều lần sinh tử, trong vòng vây của chủ động và đàn em, Hùng lựa lời “tuyên truyền” cho cả chủ động nghe về hiểm họa AIDS.

Anh đưa cho chủ động một xấp hình, chủ động xem đến tấm hình của một người bị lở loét trông rất kinh sợ. Nhiều người xúm lại xem và đều thốt lên một câu “thật kinh sợ” rồi quay qua hỏi Hùng. Hùng kể rằng, anh ta còn trẻ, nghiện, bị nhiễm HIV và mới chết cách đây không lâu.

Có người hỏi: "HIV/AIDS có chữa được không?". Hùng trả lời rành rọt: "Chưa thể". Rồi Hùng nói tiếp: “Nhưng có thể ngừa được. Đường tiêm chích là một trong ba đường lây nhiễm. Mấy anh chích chung như thế này dễ bị lây nhiễm. Nhiễm là xong đời. Các anh phải dùng kim tiêm riêng, chúng tôi sẽ cung cấp kim tiêm cho các anh, nếu cần...”. Hùng “phở” nói trong sự im lặng của hàng chục con người mà mới đầu đã chuẩn bị “thịt” anh...

Hùng “phở” tuy đã được đi tuyên truyền bên ngoài, nhưng vẫn là học viên, chịu sự quản lý của trung tâm cai nghiện. Sáng đi, trưa về, chiều đi, tối về, có những lúc qua trạm gác vẫn phải chìa tay ra cho các anh bảo vệ kiểm tra ven, coi có lén chích không, lâu lâu còn bị khám xét người coi có đem “hàng” vào trong trung tâm không.

Đây chính là thời gian làm cho Hùng “phở” suy nghĩ dữ lắm: “Thằng nghiện như mình thì làm 99 điều tốt cũng bị coi là người xấu”. Hùng thêm quyết tâm từ bỏ ma túy...

Giai đoạn đầu, công việc tuyên truyền phòng, chống AIDS trong toàn thành phố chỉ có vỏn vẹn 9 thành viên. Trong số những học viên được chọn ra từ Trung tâm Bình Triệu, có một người bỏ cuộc, một người dùng ma túy trở lại, còn lại Hùng “phở”, Du, Minh tiếp tục công việc tuyên truyền và cũng hàng ngày phải đối mặt với sự cám dỗ của ma túy...

Đi tuyên truyền phải tiếp cận với những đối tượng nghiện ma túy, Hùng mới thấy cái “bộ mặt” thật đằng sau "nàng tiên nâu". Khi cơn nghiện lên, Hùng chỉ biết làm sao để thỏa mãn, Hùng chưa bao giờ biết được rằng, trong sự vật vã, người ta lại trở nên yếu đuối, hèn hạ, như những con nghiện, nước dãi đầy miệng nằm vạ vật trên đường Lê Lai mà Hùng gặp.

Hùng kinh sợ và tự hỏi: khi nghiện anh cũng là người như thế sao... Đang cai nghiện lại đi thâm nhập vào những động chích, khác gì tự tạo cơ hội cho mình. Chẳng vì thế mà khi đi vào các động chích, Hùng sợ nhất câu: “Làm một mắc (theo dân "ken", 1 mắc là 1/10cc)”, rủi có lúc nào không cưỡng lại được, chìa tay ra là coi như công cốc...

Thông thường, người hay lui tới các ổ chích, nếu không phải là dân "ken" thì cũng là dân buôn bán. Đối với chính quyền, tất cả những gì liên quan đến các ổ chích đều là phạm pháp.

Hùng “phở” cũng đã bị các anh công an mời về đồn trong một lần triệt phá ổ chích tại khu vực cầu Hàn, dù Hùng có giải thích cỡ nào, các đồng chí công an cũng không thể tin, một người bặm trợn, tay chân thì đầy dấu kim tiêm lại là người đi tuyên truyền phòng chống ma túy. Mãi đến khi, người trong Ban giám hiệu Trung tâm Bình Triệu xuống, Hùng “phở” mới được giải oan...

Bằng sự kiên nhẫn, bằng quyết tâm ngăn chặn con đường lây nhiễm HIV, theo kiểu “cổ điển” nhất, tiếp cận trực tiếp đối tượng tuyên truyền về tác hại của nó, Hùng và các tuyên truyền viên phòng chống HIV/AIDS đã cố gắng làm cho một bộ phận xã hội nhận thức đầy đủ về hiểm họa AIDS...

"Người cha đường phố"

Sau khi dứt bỏ hoàn toàn với ma túy, Hùng thường lang thang ở các công viên, bến xe để tiếp cận, trò chuyện với trẻ bụi đời với một suy nghĩ giản dị rằng: sợ chúng sẽ lầm lạc như anh...

Đầu năm 1993, sau khi nhà mở Thảo Đàn được các anh Vân, Thanh, Bình sáng lập thì Hùng tự nguyện xin về nhóm Thảo Đàn. Thảo Đàn ra đời để đưa trẻ em đường phố về nuôi dạy. Giữa năm 1993, Hùng “phở” chuyển hẳn sang phụ trách nhóm Thảo Đàn.

Một lần, Hùng thắc mắc khi thấy M, 13 tuổi bỗng nhiên kiếm được khá nhiều tiền. Có ngày nó gửi Hùng cất dùm đến 200-300 ngàn. Gặng hỏi, nó nói đấy là tiền ba nuôi cho, nhưng khi hỏi ba nuôi ở đâu, nó nhất định không nói.

Hùng điều tra và được biết, có một ông Tây rất thương M, thường hay cho nó rất nhiều tiền và quà. Linh cảm có điều không bình thường, bởi nếu chỉ là chuyện tình cảm thì tại sao M phải giấu. Hùng cùng các thành viên của Thảo Đàn âm thầm điều tra.

Phải khó khăn lắm mới "tăm" được tung tích của ông cha nuôi người Tây, vì ông ta thay đổi khách sạn thường xuyên. Hùng và người của Thảo Đàn tìm cách gặp mặt để nói chuyện nhưng ông ta đều lẩn tránh. Sự việc tưởng đi vào bế tắc thì một hôm M đổ bệnh.

Hùng đưa nó đi khám và tỉ tê hỏi chuyện nó mới khai thật là nó đã bị lạm dụng tình dục. Hai, ba đứa khác trong nhóm bụi đời cũng đã từng được nó dắt đi chơi chung với “papa”.

Từ tai nạn của M, Hùng tự thấy mình có trách nhiệm phải quan tâm, bảo vệ đám trẻ. Không vợ con, Hùng đã nguyện dành tất cả những tháng ngày còn lại cho những đứa trẻ mang nhiều bất hạnh này. Cũng từ ngày đó, M gọi Hùng là cha, đám trẻ đường phố cũng gọi Hùng như thế. Bây giờ, M đã có gia đình và một cuộc sống bình thường...

Có thời gian, nhiều ông bố, bà mẹ được sự giới thiệu của bà Nguyễn Thị Oanh, Thạc sĩ phát triển cộng đồng, đã viết thư cho Hùng và nhờ anh tư vấn cho họ về việc giành lại con mình từ "cái chết trắng".

Sau khi thôi phụ trách nhà mở vì sức khỏe, Hùng lại là một trong những người tiên phong trong việc tiếp cận và chăm sóc những người bị AIDS giai đoạn cuối. Hùng đã lập nên nhóm "Nụ cười HIV", tạo điều kiện cho những người nhiễm có nơi sinh hoạt và giúp đỡ nhau.

Gõ cửa các trường học, có khi "ngồi đồng" hàng vài ngày để xin nhập học cho con em những người nhiễm HIV, tự mình tổ chức các lớp học tình thương cho trẻ em đường phố, chạy vạy xin tiền làm đám tang và xin cả quan tài cho những người bị bệnh HIV bị chết mà gia đình không biết. Đó là tất cả những gì mà Hùng làm trong một ngày...

Hùng đã trở thành một biểu tượng trong cuộc chiến chống lại ma túy và hiểm họa HIV/AIDS...

(còn tiếp)
Thuận Thiên
.
.