Đại úy Sằn A Phật - Đội phó Đội An ninh nhân dân – Công an huyện Tiên Yên (Quảng Ninh):

Người con 4 “ngoại ngữ” của bản làng

Thứ Ba, 09/02/2016, 08:35
Mùa xuân, quê hương Tiên Yên, Quảng Ninh của Sằn A Phật đẹp lắm. Mây mù sà xuống, níu chân người đi. Tiên Yên không có nhiều hoa đào, hoa ban như núi rừng Tây Bắc, Chỉ có những cây sâu cước khổng lồ vào mùa trút lá, sắc lá đỏ ối cả đất trời bên những thửa ruộng bậc thang màu đất khô, quanh co theo sườn núi, đẹp như một bức tranh.


Những con đường xuống bản từ lâu đã trở nên thân quen với Sằn A Phật. Đường đi bồng bềnh trong mây nhưng đoạn nào là đường thẳng, đoạn nào dốc, đoạn nào có khúc cua, Phật thuộc hết. Sằn A Phật là người con của bản mà…

Đại úy "4 ngoại ngữ"

Tháng 6 Dương lịch - mùa thu hoạch và mùa lễ hội sau Tết Nguyên đán là thời điểm Sằn A Phật thích xuống bản nhất trong năm. Xuống bản những ngày này, nơi nào cũng đông vui. Trên cánh đồng hay ngang qua phiên chợ, Sằn A Phật đều dừng chân, cùng gặt lúa, cùng giao lưu văn hóa văn nghệ với bà con. Anh có thể hát được cả 4 thứ tiếng: Sán Chỉ, Dao, Tày và Hoa. Ở Công an huyện Tiên Yên (Quảng Ninh), Đại úy Sằn A Phật - Đội phó Đội An ninh nhân dân được anh em trìu mến gọi bằng cái tên: Cán bộ 4 "ngoại ngữ".

Một buổi đi bản, tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số của Đại úy Sằn A Phật.

Sằn A Phật bảo, anh là người dân tộc Sán Chỉ, ở xã Đại Dực, huyện Tiên Yên. Ngày Phật còn nhỏ, có cán bộ công an xuống tăng cường, ăn ở, sinh hoạt tại nhà. Phật được chú công an dạy cho nhiều lắm. Bố Phật bảo, chú công an đến giúp bà con Sán Chỉ không đi theo kẻ xấu, bảo vệ cuộc sống bình yên cho thôn bản. Vậy là Phật mơ ước và phấn đấu học thật giỏi để trở thành chú công an như vậy.

Năm 2007, sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân, Sằn A Phật được phân công trở về công tác trên chính quê hương Tiên Yên. Với Sằn A Phật, vinh dự đấy nhưng trách nhiệm cũng nặng nề đấy. Trên mảnh đất Tiên Yên có tới 13 dân tộc, trong đó rất nhiều người dân tộc thiểu số không biết tiếng Kinh. Làm sao để "lắng nghe dân nói, nói cho dân hiểu" là một thách thức đặt ra với cán bộ an ninh trẻ. Chỉ có học, học tiếng dân tộc để giao tiếp, tạo tâm lý gần gũi với bà con, từ đó mới có thể làm tốt công tác nắm tình hình, tuyên truyền và vận động mọi người. Sằn A Phật đã đặt ra quyết tâm cho mình khi được lãnh đạo đơn vị giao nhiệm vụ quản lý trên 40 thôn, khe, bản là người dân tộc thiểu số.

Đại úy Sằn A Phật tâm sự, học tiếng dân tộc cũng giống như học thêm một ngoại ngữ vậy, không nói được học bao nhiêu ngày thì xong. Quá trình học 4 "ngoại ngữ" là quãng thời gian Sằn A Phật  "nằm bản", cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt, lao động với bà con.  Biết tiếng của bà con cũng từ đó, nói chuyện được với bà con cũng từ đó. Từ nào chưa hiểu, chưa thông thì phải hỏi đi hỏi lại, mang sổ tay ra ghi chép cho nhớ. Học như thế, nhưng cách vận dụng "ngoại ngữ" của Sằn A Phật thì khá linh hoạt. Quá trình giải quyết vụ việc, nhiều từ trong tiếng dân tộc không có, phải mượn từ đó của một dân tộc khác để giải thích cho bà con hiểu.

Tháng 4-2014, xảy ra việc 60 hộ dân tộc Dao ở thôn Khe Cát, xã Hải Lạng tự ý lấn chiếm trên 100 ha đất lâm nghiệp của Công ty T.T, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự ở địa phương. Những người tham gia lấn chiếm đất có thái độ hung hăng, lời nói và hành động thách thức chính quyền và các lực lượng đến tuyên truyền, vận động. Qua tìm hiểu sự việc, Đại úy Sằn A Phật nắm được nguyên nhân do công tác quản lý của Công ty T.T kém hiệu quả dẫn đến việc một số hộ dân đã tự ý trồng cây trên phần đất của công ty và họ cho rằng cứ làm rồi sẽ được chấp nhận, buộc chính quyền địa phương phải giao thêm đất rừng.

Để giải quyết vụ việc, trực tiếp Đại úy Sằn A Phật  gặp gỡ, tranh thủ những người có uy tín tại địa phương. Cái khó là trong tiếng Dao, không có từ "ranh giới" để giải thích cho mọi người hiểu. Nhưng phần lớn người Dao lớn tuổi lại biết và nói được tiếng Hoa. Vậy là Sằn A Phật đã mượn từ "ranh giới" của tiếng Hoa để giải thích, chỉ ra cho bà con thấy được đâu là phần đất của bà con, đâu là phần của công ty. Kết hợp với đó là vận động cá biệt, cùng chính quyền địa phương giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho người dân thôn Khe Cát. Kết quả sau một thời gian ngắn, đã vận động được toàn bộ 60 hộ dân Khe Cát chấm dứt việc lấn chiếm đất lâm nghiệp của Công ty T.T, không để phát sinh thành "điểm nóng" về an ninh trật tự.

Lãnh đạo Công an huyện Tiên Yên cho biết, biết 4 thứ tiếng dân tộc thiểu số, nắm được nhiều tình hình ở cơ sở, Đại úy Sằn A Phật còn tham mưu cho Công an huyện giải quyết rất nhiều vụ việc phức tạp ở vùng dân tộc. Có những việc tưởng đã bó tay, nhưng nhờ có cán bộ "4 ngoại ngữ", cái khó đã được tháo gỡ. Điển hình như cuối năm 2013, Công an huyện Tiên Yên tổ chức ngăn chặn 50 người dân tộc thiểu số Dao, Sán Chỉ, Tày bị kẻ xấu lôi kéo trên đường xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc làm thuê.

Quá trình lấy lời khai, những người này rất ngoan cố, không khai đối tượng tổ chức. Nhiều trường hợp còn cố tình giả vờ không biết nói tiếng Kinh, bất hợp tác. Thấy sự việc có chiều hướng bế tắc, Đại úy Sằn A Phật đã đề xuất phân loại các đối tượng thành 2 nhóm, mỗi nhóm ngồi một phòng riêng.

Thấy cán bộ Sằn A Phật chỉ nói tiếng Kinh, nhóm người thoải mái trao đổi với nhau bằng tiếng dân tộc, dặn nhau thống nhất không khai người này, không khai người kia, không khai việc nộp tiền cho đối tượng tổ chức… Nắm được thông tin, Đại úy Sằn A Phật đã trực tiếp đấu tranh, chỉ sau 30 phút, nhóm người xuất cảnh trái phép đã khai nhận toàn bộ sự việc, khai đối tượng cầm đầu, tổ chức đưa dẫn bà con. Từ vụ việc, Công an huyện đã triển khai các giải pháp quyết liệt, cùng chính quyền địa phương ngăn chặn hiệu quả tình trạng xuất cảnh trái phép ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Người con của bản làng

Lịch làm việc của một cán bộ an ninh ở vùng cao, không ngày nào giống ngày nào. Sáng nhận nhiệm vụ xuống bản, nếu gặp vụ việc cần giải quyết thì một, hai tuần, thậm chí cả tháng không về nhà là chuyện bình thường. Đại úy Sằn A Phật nhớ lại, những ngày chưa có chương trình "Nông thôn mới", đường sá gập ghềnh trắc trở, công việc đi bản đối với cán bộ công an làm công tác an ninh như anh gặp rất nhiều khó khăn. Sáng sớm lên đường, nhưng chiều tối mới đến được bản.

Vùng cao Quảng Ninh mùa lá đỏ.

Ngoài lương khô, nước uống là những thứ thường trực mang theo, cán bộ an ninh phải xây dựng được mối quan hệ mật thiết với người dân để có chỗ ăn nghỉ, sinh hoạt dọc đường. Thường là đi xe máy đến xã, còn vào đến thôn, bản, có khi phải đi bộ hàng chục cây số. Trời khô ráo còn thuận tiện, chứ trời mưa thì nửa ngày chưa đến nơi. Rồi không may xe bị thủng săm, hay hỏng đèn pha. Lúc đó phải nhờ người dân đẩy  hộ, hoặc vào nhà dân mượn đèn để đi đến nơi có chỗ sửa xe. Không biết tiếng, không tạo được sự thân thiện, gần gũi với người dân thì sao làm được những việc tưởng như rất đơn giản như vậy.

Có lần, Sằn A Phật nhận nhiệm vụ đến bản để giải quyết một vụ tranh chấp. Vào đến đầu bản thì bị thanh niên giăng dây chặn đường, không cho cán bộ vào. Sằn A Phật đọc tên từng người, con cái nhà ai, ở thôn nào. Mấy cậu thanh niên sợ quá. Cán bộ là người quen của bố mẹ họ rồi, phải để cho cán bộ đi thôi.

Nước da trắng trẻo, khuôn mặt hiền lành, cách nói chuyện từ tốn, thân mật, giản dị, gặp việc là xắn tay vào làm cùng mọi người. Gặp cán bộ Sằn A Phật, bà con dân tộc ai cũng ưng cái bụng. Đại úy Sằn A Phật tâm sự, là người dân tộc Sán Chỉ nên thời gian lên bản, anh không coi là đi địa bàn mà là trở về quê hương của mình, sống với những người họ hàng thân thuộc của mình.

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con dân tộc thiểu số, nếu cứng nhắc áp dụng theo cách thông báo nội dung, yêu cầu bà con đến họp thì hỏng việc, sẽ chẳng có mấy người đến dự.  Vì vậy cán bộ làm công tác an ninh phải khéo léo lồng ghép vào những buổi họp thôn, những lễ hội, những buổi biểu diễn văn nghệ quần chúng. Bởi đó là thời điểm bà con đến dự đông đủ nhất, từ người già đến người trẻ.

Để bà con biết đến mình, Sằn A Phật luôn tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa của cộng đồng. Những lần lên bản, anh dành nhiều thời gian chuyện trò, tâm sự, động viên các già làng, người có uy tín, dạy các cháu nhỏ học bài, giúp người dân làm nương rẫy… Người già trong bản bảo: Cán bộ trẻ,  nó nói được tiếng của dân, nó biết đánh đàn bát, đàn tính,  biết hát Soóng cọ, hát then… Nó là con của bản làng ta rồi. Nó xuống bản giúp dân thì dân phải giúp lại nó thôi.

8 năm công tác nhưng đã thông thạo 4 thứ tiếng dân tộc thiểu số, đại úy Sằn A Phật là điển hình tiên tiến của Công an tỉnh Quảng Ninh, rồi điển hình tiên tiến của Bộ Công an tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX tổ chức tại Hà Nội dịp cuối năm 2015.

Câu chuyện Sằn A Phật thông thạo 4 "ngoại ngữ" được các báo đăng tải. Bà con đọc, tự hào lắm. Sằn A Phật xuống bản, đi đến đâu mọi người cũng nhận ra cán bộ công an đẹp trai, tài giỏi của bản làng. Họ bảo nhau: Cán bộ giỏi thế, chắc được chuyển xuống Bộ công tác rồi, không ở đây nữa? Đại úy Sằn A Phật cười: A Phật không đi đâu cả. A Phật mãi mãi là con của núi rừng, con của bản làng ta thôi!

Hương Vũ
.
.