Người của “thuỷ thần”

Thứ Tư, 09/12/2009, 22:40
Huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang) được khách du lịch ưu ái gọi với cái tên khá duyên là đảo Ngọc. Người dân trên đảo vẫn thường tự hào với những đặc sản của mình như hồ tiêu, nước mắm ... Và có một người đàn ông nổi tiếng cũng không kém những sản phẩm kia, đó là... anh Sáu Hà với nhiều biệt tài.

Ông "Di Lặc" đệ nhất lặn biển

Từ thị trấn Dương Đông (trung tâm huyện đảo Phú Quốc) tới nhà anh Sáu Hà tại ấp Bãi Bổn (Hàm Ninh, Phú Quốc) chỉ chừng 20km, song có quá nửa là đường đất. Những cơn mưa trái mùa đã biến con đường trở nên lầy lội và trơn tuồn tuột. Thuê một chiếc xe máy, chúng tôi cứ dò dẫm đi trong cơn mưa từ sáng đến trưa mới tới nơi.

Sáu Hà mời chúng tôi cùng ngồi ngắm biển với anh. Những ngọn gió mát rượi, mang theo vị mặn mòi dường như đã khơi mạch nguồn, Sáu Hà cứ chậm rãi kể về cuộc đời đắm chìm trong sự bao dung, hào phóng của biển cả.

Sáu Hà tên thật là Nguyễn Văn Hà, sinh năm 1964. Thời thanh niên, Sáu Hà cũng cường tráng như bất cứ một chàng trai miền biển nào. Thế nhưng từ khi lấy vợ (năm 18 tuổi), Sáu Hà cứ thế tăng cân một cách đều đặn. Mặc dù đã hết sức kìm hãm cái sự béo, nhưng hiện tại Sáu Hà vẫn nặng tới 130 kg. Anh cười vui bảo: "Có lẽ số mình được nhờ vợ khéo chăm nên lên cân như... heo!".

Với cái bụng bự như một đô vật sumo Nhật Bản, chỗ nào trên cơ thể Sáu Hà cũng săn ngấn thịt như củ sen núc ních. Có lúc đỉnh điểm, Sáu Hà nặng tới hơn 160kg, ở Phú Quốc không có cái cân nào đo được trọng lượng cơ thể của mình nên anh thường xuyên phải đi tàu về đất liền "kiểm tra sức khỏe".

Sau khi lấy vợ, Sáu Hà tham gia làm tại tổ thu mua hải sản của hợp tác xã ở Hàm Ninh. Lúc đó đúng vào thời mở cửa, bia rượu cũng được chở kìn kìn từ đất liền ra đảo. Sáu Hà hết đi lặn biển lại tham gia thu mua hải sản. Thường thường công việc làm một buổi sáng là xong, chiều đến thì lại chưng hửng buồn. Đảo xa không có môn nào giải trí cho người dân nên chỉ còn cách rủ nhau uống bia. Uống liền tù tì từ ngày này qua tháng nọ, bụng Sáu Hà cứ phình lên như cái trống. Thế nhưng nhìn vậy thôi, chứ xuống nước là bản năng bơi lội được đánh thức, Sáu Hà lại thành một kình ngư đáng gờm.

Hầu như tất cả các hộ dân ở ven theo Bãi Bổn này đều sống bằng nghề lặn biển. Từ khi chập chững biết đi, Sáu Hà đã được cha cho ra biển ngụp lặn dưới làn nước. Năng khiếu lặn biển của anh cũng bộc lộ rất sớm.

Sáu Hà trổ tài nằm "nghỉ ngơi" trên mặt nước.

Vào những năm 70 thế kỷ trước, gia đình Sáu Hà và bà con ở Bãi Bổn bị giặc ruồng bố trong một đợt truy tìm cán bộ cách mạng. Khi đoàn người chạy giặc đến bên con suối trên núi cao thì cậu bé Hà khóc thét lên. Sợ chúng phát hiện, cha cậu bé đã dìm đầu con mình xuống suối thật lâu. Khi bà con đã chạy khuất sau rặng cây thì người cha mới dám để cho cu cậu ngoi lên khỏi mặt nước. Sáu Hà chẳng hề hấn gì. Từ bận ấy mỗi lần đi biển Sáu Hà đều được cha chở theo, được cha cho đu mái chèo tập bơi và hướng dẫn cách trương bụng nín thở dưỡng hơi.

Lên 10, Sáu Hà đã biết bơi lặn như một con rái cá. Ngày ngày hai cha con chèo thuyền đến các khu vực có nhiều hải sâm, bào ngư. Thế rồi hai cha con thay nhau ngụp lặn dưới nước, mò các loại hải sản.

Sáu Hà kể, cứ tầm 7h sáng hai cha con lại xách giỏ, quấn một cục chì quanh người (để cho dễ chìm) cùng một ít đồ ăn rồi lên thuyền. Hai người thay nhau chèo khoảng hơn 1 giờ đồng hồ là tới nơi bỏ neo. Bờ biển Phú Quốc khá nông, cách đất liền vài cây số mà nước cũng chỉ sâu vài chục mét. Thường mỗi ngày lặn anh chỉ nghỉ 2 lần, một lần giữa trưa để ăn cơm và một lần cuối ngày khi cuốn dụng cụ lên bờ.

Anh giải thích: "Cơ thể tôi nhiều lúc dường như không hề biết lạnh, ngược lại, khi trầm mình xuống biển rồi, cả cơ thể thấy mát mẻ, dễ chịu và "phê" lắm. Sướng hơn nhiều so với trên bờ".

Bộ đồ nghề lặn biển của ngư dân ở đây cũng khá đơn giản. Đó là một bình ôxy nén khí nối với bộ ống thở có độ dài năm, bảy chục mét. Một thỏi chì buộc quanh người và một chiếc bao bố dùng để đựng các loại bào ngư, hải sản. Một số thợ lặn thì có thêm bộ quần áo và chân nhái. Riêng Sáu Hà thì cứ trần trùng trục, chỉ mặc một chiếc quần tí xíu... "cho có". "Tui thấy xuống biển mà mặc nhiều quần áo vướng víu lắm. Lũ cá, tôm, cua... đâu có mặc gì mà vẫn bơi ngon lành đó thôi" - Sáu Hà cười tâm sự.

Sáu Hà được nhiều "đồng nghiệp" và ngư phủ quanh vùng kính nể vì biệt tài lặn. "Anh Sáu có thể trầm mình trong nước biển suốt ngày nếu giữ ống thở đầy đủ và không bị... đói bụng". Một đồng nghiệp của anh kể thêm: "Như tụi tui đây, hai ba chục năm trong nghề cũng chỉ chịu đựng được 3 giờ lặn/ngày là cùng. Còn anh Sáu thì quá dữ dội".

Ngủ dưới biển và câu cá mập           

Đối với nhiều người, đáy đại dương luôn tiềm ẩn những hiểm nguy, những cái chết bất ngờ mà không ai có thể lường trước. Nhưng với Sáu Hà, biển cả dường như là "tổ ấm" thứ hai của anh. Bên cạnh việc khai thác hải sản, phục vụ cho cuộc sống của bản thân và gia đình, với Sáu Hà đi biển còn là niềm vui, niềm đam mê bất tận. Không phải ngẫu nhiên mà anh có một sở thích kỳ dị là ngủ dưới đáy biển.

"Biển ở đây đẹp lắm. Trên bờ đẹp thế nào thì dưới đó còn đẹp hơn. Ngoài việc được ngắm những bãi san hô, còn có một "rừng" cây rong biển, cỏ biển cùng hàng vạn loài thủy sinh bơi lội tung tăng. Những hôm trời nắng to, nước biển trong xanh thì cảnh tượng lại càng huy hoàng" - Sáu Hà kể.

Cách đây gần chục năm, khi mà cánh thợ lặn ở Phú Quốc bắt đầu áp dụng "công nghiệp hóa" việc lặn biển bằng cách sử dụng ống thở có bình ôxy nạp bằng máy nén khí trên ghe cũng là lúc mà Sáu Hà bộc lộ biệt tài... biến đáy biển thành giường.

Sáu Hà còn nhớ như in lần đầu tiên anh ngủ dưới biển. Đó là vào một buổi trưa, sau khi lặn ca sáng bắt được khá nhiều hải sản các loại, Sáu Hà cùng bạn chài cùng nhau nướng cá đánh chén trên ghe giữa trùng khơi. Phấn khởi vì kết quả khả quan, Sáu Hà nhậu túy lúy. Nhậu xong, anh lại đeo chì, xách giỏ và ống thở tiếp tục lặn sâu kiếm hải sản. Sau khi chạm đáy biển, Sáu Hà thấy mắt mình hoa đi trước cảnh tráng lệ của đáy đại dương. Những luồng nước mát chạy qua như ru ngủ, và đôi mắt của anh cứ trĩu lại. Sáu Hà chỉ định ngồi nghỉ một chút nhưng ngủ gục dưới biển lúc nào không hay. Đến khi tuột ống thở bị ngộp, anh mới giật mình thức dậy rồi nổi lên.--PageBreak--

Một bận khác, Sáu Hà cố lần theo dấu vết con heo biển ủi đất bung lên gần mấy rạn san hô nhưng dò tìm mãi không ra. Sau mấy tiếng truy tìm đuối sức, Sáu Hà lại có cảm giác lơ mơ rồi đôi mắt cụp lại lúc nào không hay. Anh làm một mạch hai tiếng đồng hồ. Mấy anh em theo tàu ngồi canh ống thở tưởng anh chết chìm ở dưới nên hoảng hốt lao xuống tìm. Khi đến gần, họ hết hồn nhìn thấy anh nằm bất động như con thuồng luồng biển. Mọi người ai cũng đoán chắc anh bị loài cá dữ tấn công nên trúng thương, vội lao vào định dìu anh lên thuyền. Ai ngờ vừa đụng vào người thì Sáu Hà tỉnh giấc.

Từ ngày ấy, cứ mỗi lần đi biển là Sáu Hà lại dành một vài tiếng để "ngủ" dưới đáy đại dương. Có hôm trên đảo mất điện. Mà người béo như Sáu Hà khi ngủ thường phải dùng đến 3 cái quạt vây quanh mới ngon giấc được. Thế là Sáu Hà liền lặng lẽ trốn vợ con, lên ghe chèo ra giữa biển rồi ngậm ống thở và lặn, làm một giấc ngon lành. Anh bảo ngủ trên giường gần vợ thường không mơ mộng như khi ngủ trên cát, trên rong biển, hay lúc lim dim bị hàng ngàn con cá vây quanh. Có lúc anh được đối diện với con dugon (bò biển) và cả mấy loài cá đuối to như chiếc chiếu một, quạt nước vào người mát lạnh.

Ngoài chuyện lặn biển siêu hạng và biến đáy biển thành giường, Sáu Hà còn có biệt tài... câu cá mập.

Sáu Hà chuẩn bị ngư cụ để đi biển.

Địa bàn mà các anh hay tổ chức bắt "thú dữ" (cá mập - theo cách gọi của ngư dân) trên biển là khu vực kênh nước sâu. Độ sâu của khu vực này lên tới hơn 20 sải tay, tương đương với 40-50 mét. Bộ đồ nghề để câu cá mập là một hệ thống dây cước to bằng cái đũa, được ghép thành một dàn gồm hàng trăm dây khác nhau, mỗi dây móc một chiếc lưỡi. Mồi là con cá chạp. Khi móc mồi phải làm sao cho con cá chạp vẫn sống để cho nó bơi lội như bình thường. Cá mập chỉ thích xơi cá sống, cá chết là loài "thú dữ" này chê, không bao giờ ăn.

Để có thể bắt được loài cá này, Sáu Hà thường phải chuẩn bị tới 3 dàn câu, mỗi dàn móc tới 250 lưỡi thả trên phạm vi vài cây số vuông mặt biển. Tới hồi thấy ghe lắc mạnh, đồng thời hàng phao lặn hụp liên hồi thì khả năng cá cắn câu là rất lớn. Kiểm tra đúng là cá cắn câu rồi, nhưng Sáu Hà chưa bắt vội mà cứ thả dây tiếp, để cho con cá chạy lòng vòng. Thế rồi khi thấy nó tạm nghỉ thì anh cho ghe chạy tới gần. Thấy bóng người, con cá lại vùng lên chạy trốn. Cứ chơi trò đuổi bắt như thế khoảng 5-7 lượt thì con cá đuối sức. Thế là các anh thu dây, tiếp cận nó. Những con cá tầm 10-30 kg thì có thể lấy vợt vợt lên ghe. Song cũng có lần vớ được con to, nặng tới  gần 100 kg thì phải huy động người dùng câu móc (là một thanh sắt dài, uốn cong một đầu) để lôi nó lên.

Tuy nhiên, cũng có lần Sáu Hà suýt "chầu hà bá" khi câu cá mập. Số là sau khi cá cắn câu mấy bố con mải miết thu dây, lôi nó về phía ghe. Chẳng ngờ nó vùng vẫy mạnh quá, dây cước cứa đứt tay anh con trai lớn. Ít phút sau thì một đàn cá mập ngửi mùi máu tươi kéo tới. Chúng thấy đồng loại đang bị thương thì lồng lộn tấn công vào ghe của Sáu Hà. Ghe nghiêng ngả như gặp gió cấp 12. Sau nửa giờ "chiến đấu" với đàn cá dữ, Sáu Hà đành phải cắt dây cước, trả con cá về với biển.

Cũng chính vì cá mập là một loài rất hung dữ và khó bắt nên trong thời gian 3-4 năm đi câu, Sáu Hà nhớ cũng chỉ bắt được hơn chục con. Lần đầu tiên anh bắt được cá mập là năm 2003. Con cá kéo ghe chạy vun vút. Song với thân hình hoành tráng của mình, anh thừa sức ghìm được nó và bắt sống. Ở Phú Quốc, ngoài Sáu Hà ra, chỉ còn anh Năm Cu (nhà cũng ở ấp Bãi Bổn) là có thể câu được cá mập.

Hơn 30 năm làm nghề lặn biển, hầu như tất cả các bờ bãi ở Phú Quốc, Sáu Hà đều thuộc nằm lòng. Bãi Giếng, bãi Khem, bãi Sao, bãi Vòng, bãi Thơm, bãi Vũng Bầu, bãi Cửa Cạn, bãi Dinh Cậu, bãi Dài... Sáu Hà đều đã đi mòn chân.

"Nếu thời tiết tốt, trung bình mỗi ngày lặn biển, dân lặn làng chài này có thể bắt được cả trăm ký ốc nhảy, vài ký cá ngựa, hải sâm (đồn đột), bán cho mối lái cũng được cả triệu đồng như chơi". Bằng chứng như 3 cha con Sáu Hà, nhờ cần mẫn với nghề này mà ngoài việc lo cho 7 miệng ăn, còn dư ra để sắm sửa đủ vật dụng đắt tiền trong nhà. Cũng với nghề lặn biển mà Sáu Hà cất được căn nhà trị giá tới 500 triệu đồng.

Có lẽ được hưởng gien từ ông bà cha mẹ, các con của Sáu Hà đều rất phương phi. "Nhà tui mà cộng lại nặng nhất đảo này. Tui 130kg, hai thằng lớn, mỗi thằng xấp xỉ 100kg, con gái đầu trên 80kg; đứa út nhỏ nhất mới học tiểu học nhưng đã cao lớn hơn chúng bạn" - Sáu Hà vui vẻ khoe.

Sáu Hà và con út.

Thế rồi, giọng người từng một thời tung hoành biển cả bỗng dưng chùng xuống. "Hiện tại tôi cũng ít được đi biển rồi. Các con không cho đi vì sợ tôi... ngủ luôn dưới đó. Hơn nữa, biển Phú Quốc đã nghèo đi rất nhiều rồi. Người ta đánh bắt khai thác cày xới lòng biển bằng nhiều phương tiện tận diệt đã làm biến đổi cả hệ sinh thái dưới đáy biển. Những rặng san hô bị cào tan tác, cõi tiên bồng dưới đó giờ nhiều nơi đã thành rừng hoang".

Nói đến đây, "người khổng lồ" ở đảo Phú Quốc lặng lẽ quay mặt về phía biển. Từng con sóng vẫn miệt mài vỗ vào bờ cát trắng, như lời thủ thỉ tâm tình với người bạn tri kỷ

Minh Tiến
.
.