Người đàn bà thờ... cá

Thứ Hai, 02/06/2008, 13:00
Chị bảo con cá tra, cá ba sa là của trời cho người nông dân vùng miền Tây Nam Bộ. Con cá đã giúp nuôi sống và làm giàu cho hàng triệu người. Vì thế, phải tri ân con cá "của trời" này. Và, ngay trong khuôn viên nhà máy chế biến thủy sản mang cái tên rất đỗi "cầu toàn" "Bình An Seafood", chị cho xây một miếu thờ "Ông cá, bà cá". Trong miếu có "ông cá, bà cá" được tạc bằng đá và cũng là thứ đá có màu bàng bạc như màu con cá tra.

Người đàn bà thờ... cá đó tên là Phạm Thị Diệu Hiền (một cái tên mang màu sắc cửa Phật).

Chị Diệu Hiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Diệu Hiền Group tiếp tôi trong căn phòng họp của công ty. Khi bước chân vào đây, tôi sững sờ vì thấy chiếc bàn gỗ có lẽ là độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Mặt bàn là tấm gỗ đỏ ghép lại, nhưng mỗi tấm rộng đến 1,2 mét và dài... 6 mét, dày gần 20cm.

Thấy tôi có vẻ quá ngạc nhiên, chị bảo: “Tôi còn nhiều loại đồ gỗ độc đáo hơn nữa. Bao nhiêu năm làm nghề đóng đồ gỗ, buôn gỗ mà”. Đúng lúc ấy, trên tivi đưa tin về kỳ họp Quốc hội, một nhân viên bảo tôi: “Toàn bộ số bàn ghế trong hội  trường Bộ Quốc phòng mà Quốc hội đang “họp nhờ” kia cũng của chị Diệu Hiền đấy”. Nghe thế, chị Hiền hơi lườm anh.

Rồi chị nói: "Có nhiều người cứ hỏi tôi là vì sao có được như ngày hôm nay, tôi trả lời rằng: Vì tôi có một quá khứ đáng nhớ. Tôi xin cảm ơn quá khứ”. Nói xong, chị xòe hai bàn tay và tôi thấy lòng bàn tay trái có một nốt ruồi - người ta bảo ai có nốt ruồi ở lòng bàn tay, người đó sẽ làm ăn thành đạt nắm vận mệnh của nhiều người nhưng gian truân. Ngẫm lại, thấy đúng quá, làm gì có ai giàu có mà lại không chịu gian khổ, cay đắng bao giờ. “Nhân bất phong sương vị lão tài” – người ta không trải qua sương gió, gian nan thì không thể giàu”.

Phạm Thị Diệu Hiền mồ côi cha mẹ từ nhỏ và được bà nội đưa cho một người cô nuôi nấng. Cha chị là cán bộ hoạt động bí mật trong lòng địch và ông đã hy sinh năm 1967. Người nuôi chị gọi là má Năm và bà sinh sống bằng nghề đi kiếm củi... cả nhà nay đây mai đó lênh đênh trên một chiếc thuyền.

Có câu chuyện rằng, khi Diệu Hiền mới sinh được ít ngày và chưa kịp đặt tên thì trong một trận địch càn, mấy người bế đứa bé đỏ hỏn chui xuống hầm bí mật. Trong hầm có một số cán bộ tỉnh ủy và điều mọi người lo sợ nhất là đứa bé khóc... người bế đứa bé đó là một nhà sư. Ông lầm rầm cầu nguyện như ru để đứa bé ngủ yên.

Kỳ lạ thay, suốt mấy giờ quân địch càn, dưới hầm bí mật, đứa bé đó không thức giấc lần nào mà cứ ngủ li bì... Khi địch rút, nhà sư bế đứa bé chui lên khỏi hầm và nói: “Đứa trẻ này có căn nhà Phật. Sau này nên cho nó đi ở cửa chùa. Hôm nay, tôi đặt tên cho nó là Diệu Hiền”. Và thế là từ đó, đứa bé có tên “Phạm Thị Diệu Hiền”.

Má Năm có 2 người con một trai, một gái và phải nuôi thêm Diệu Hiền nữa. Nhà có bốn miệng ăn, lại chỉ trông mong vào mấy gánh củi cho nên bữa no bữa đói là chuyện thường. Nhà nghèo là vậy nhưng má Năm vẫn chắt bóp từng đồng để hai người con đẻ và đứa con nuôi được đi học.

Thấy Hiền thông minh, học rất giỏi, có tấm lòng rộng rãi, thơm thảo và đặc biệt là thương người nghèo khó - vì bà cứ thấy Hiền lén bốc gạo đem cho người ăn xin - cho nên bà đã quyết định để hai người con đẻ ở nhà, không đi học nữa mà dồn tiền cho Hiền đi học. Bà nói với Hiền, đại ý là con phải học thật giỏi, sau này nuôi má, nuôi anh chị...

Lời má nuôi dặn không bao giờ Hiền quên và chính vì thế mà trong những năm đi học, bao giờ Hiền cũng đứng đầu lớp. Học thì giỏi, nhưng Hiền lại hay vẽ. Mà “đề tài” duy nhất trong tất cả các bức tranh là một ngôi nhà. Một lần, cô giáo kiểm tra vở viết, thấy Hiền vẽ quá nhiều... nhà, cô giáo bắt Hiền xòe tay ra rồi lấy thước kẻ vụt vào lòng bàn tay. Chiều hôm đó, khi tan học, cô giáo lén đi sau Hiền. Khi thấy cảnh mấy mẹ con sống trong chiếc thuyền thì cô giáo chợt hiểu vì sao Hiền lại vẽ nhiều nhà đến thế. Cô ôm lấy Hiền và bật khóc...

Năm 1996, lúc này chị đã là một giám đốc doanh nghiệp chế biến gỗ có tiếng tăm ở Sóc Trăng, nhưng chị vẫn mê đi học. Thương chị vất vả suốt bao năm, một lần, anh Trần Văn Trí chồng chị nói: “Em cần phải nghỉ ngơi đi và dành thời gian chăm sóc hai đứa nhỏ. Giờ chúng mình đã khá giả. Trông lên thì chẳng bằng ai, ngó xuống cũng hơn khối người. Em muốn đi du lịch đâu cũng được...”.

Chị thủng thẳng hỏi lại: “Em nói điều này, anh bảo có làm được không?”. Anh Trí hăng hái gật đầu. Chị bảo: “Em muốn được đi học đại học kinh tế”. Nghe vợ nói vậy, anh Trí suýt té ngửa. Chị giải thích: “Em muốn đi học để có kiến thức làm ăn cho sau này. Không có kiến thức thì không thể đi xa được...”. Rồi chị khăng khăng: “Phải đi học đại học. Dù có chết thì cũng làm con ma... đại học”.

Nghe vợ nói vậy, anh Trí thương quá, bèn chạy vạy các nơi để liên kết mở một lớp đại học kinh tế hệ tại chức và năm 1996, lớp K26 Đại học Kinh tế tại chức đầu tiên được mở ở Sóc Trăng. Chị Hiền đi học theo đúng nghĩa “học cho mình”.

Các thầy cô giáo hết sức ngạc nhiên khi thấy có một nữ giám đốc doanh nghiệp tư nhân đi học, và học rất nghiêm túc. Chị không bỏ một buổi nào và không bao giờ xin điểm, không dùng “phao” để thi. Có môn như "xác xuất thống kê", chị phải thi tới lần thứ 4 mới đỗ. Còn môn chị đạt điểm cao nhất là “kế toán tài chính”.

Chị Phạm Thị Diệu Hiền trao đổi với PV An Ninh Thế Giới.

Tôi hỏi chị: “Những kiến thức về quản lý kinh tế mà chị học được ở nhà trường có thực sự giúp ích được chị trong công việc không?”. Chị Hiền nói rất thật: “Tôi đi làm kinh tế tư nhân từ những năm 80... thành công nhiều mà thất bại cũng lắm. Khi được học, tôi có dịp soi lại những việc mình đã làm trước kia, thấy cái gì đúng, cái gì sai. Kiến thức của nhà trường cộng với thực tế mình đã làm, đã giúp cho tôi rất nhiều”.

Lần lại tất cả các bước đi của Diệu Hiền thì nếu vào năm 1980, chị không nửa đường tạt ngang thì bây giờ có thể chị đã là một cán bộ được giữ trọng trách lớn. Khi Hiền đi làm kế toán ở Công ty Xuất nhập khẩu tỉnh Hậu Giang, thấy chị chịu thương, chịu khó, lại thông minh, nên lãnh đạo các cấp chú ý bồi dưỡng cho chị.

Và năm 1980, chị được kết nạp Đảng khi mới hơn 20 tuổi. Nhưng rồi thấy hoàn cảnh khó khăn quá, chị bèn xin nghỉ về nhà để làm kinh tế. Quyết định xin thôi việc của chị gửi lên, nhiều chú, bác ở chính quyền tỉnh rất giận và mắng chị là “cạn nghĩ”, rồi để động viên chị, cấp trên bảo chị thích chọn công việc ở đâu để được chăm sóc gia đình thì đề nghị. Nhưng chị dứt khoát xin nghỉ. Chị về nhà, bán hết đồ nữ trang, lấy vốn và mở xưởng làm đồ gỗ xuất khẩu. Công nhân lúc đầu chỉ có 2 người.--PageBreak--

Tôi hỏi chị Diệu Hiền: “Tại sao chị lại chọn nghề làm đồ gỗ?”. Chị cười và bảo: “Sở dĩ chọn nghề này là vì những năm làm xuất khẩu ở tỉnh, tôi thấy có một thứ hàng không bao giờ bị hư hỏng, và nếu lần này chưa xuất được thì lần sau xuất sẽ có giá cao hơn, đó là đồ gỗ”.

Mở xưởng làm đồ gỗ, Diệu Hiền nhanh chóng khẳng định được tên tuổi của mình nhờ hàng làm ra có mẫu mã đẹp, lại chất lượng cao. Số lượng công nhân tăng nhanh chóng và khi đỉnh điểm là hơn 40 người. Vào thời ấy, một cơ sở sản xuất tư nhân mà có quy mô như vậy kể cũng là lớn. Do làm ăn có uy tín cho nên xưởng của chị được tổ chức UNICEP chọn đóng bàn ghế cho trường học ở Sóc Trăng.

Đang ăn nên làm ra thì chị có bầu đứa thứ hai. Chẳng hiểu sao lần sinh con trai đầu, chị rất khỏe, nhưng vào lần này, chị ốm đau liên miên. Thấy cần phải giữ sức khỏe, chị bàn giao toàn bộ xưởng cho người khác quản lý. Và thế là chỉ sau một năm toàn bộ cơ nghiệp gây dựng được bị mất sạch, đã thế lại còn nợ nần chồng chất, do bị lừa đảo và không biết cách quản lý.

Thấy toàn bộ tài sản bỗng không cánh mà bay, chị Hiền cay đắng vô cùng. Trong một cơn tuyệt vọng, chị uống cả một vốc thuốc ngủ tự tử. Khi thuốc ngủ đã ngấm thì may cho chị là đứa con gái thứ hai tên là Thúy An (sau này chị đổi là Bình An) khóc đòi bú. Thấy em khóc quá, đứa con trai lớn tên là Chương khi đó cũng chỉ chưa tới 3 tuổi, đập cửa gọi mẹ. Nhưng gọi mãi không thấy mẹ đâu, nó chạy ra ngoài khóc và hét: “Cứu... cứu má!”.

Mọi người bèn phá cửa vào và vội đem chị đi cấp cứu. Ba ngày sau, chị tỉnh lại, và khi thấy Chương quỳ dưới chân giường, thấy bác sĩ, y tá nào vào cũng chắp tay vái và nói: “Con lạy cô chú, cứu má con...”. Thấy số mình “Trời bắt phải sống”, và cũng thấy ân hận vì việc làm rồ dại của mình, Diệu Hiền quyết tâm làm lại từ đầu. “Đi lên từ gỗ, thì nay lại bắt đầu từ gỗ...”, chị thự nhủ như vậy.

Nhưng làm lại thế nào đây? Tiền không còn mà lại còn mang nợ... Đi vay đâu cũng không được, nhiều người trước đây trông thấy chị thì tay bắt mặt mừng, nay lại từ chối khéo. Càng ngẫm phận mình, chị càng thấy câu thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm “Thớt có tanh tao ruồi đổ đến. Gang không mật mỡ kiến bò chi” là chí lý.

Một hôm, đến nhà người họ hàng xa để đòi món nợ 2 triệu bạc mà ông vay trước đó. Nhìn vợ chồng chị xơ xác, phờ phạc, ông khinh khỉnh: “Muốn vay gạo thì phải có thóc. Trông bộ dạng bay thế này, ai dám...”, rồi ông trả cho 1 triệu đồng.

Nhưng “họa vô đơn chí” thật chẳng sai. Trong khi vợ chồng chị đi vắng, kẻ trộm vào nhà quơ sạch mọi thứ kể cả những bộ quần áo. Duy có mấy chiếc lọ phalê thì có lẽ vì nặng nên chúng vứt lại. Về nhà, chị cứ bị ám ảnh câu “Muốn vay gạo thì phải có thóc”, và bỗng dưng, một tia sáng lóe lên trong đầu, chị quyết định “chơi ván cuối cùng”.

Chị nhặt mấy chiếc bình phalê còn lại đem đi bán được bảy trăm ngàn, cộng với số tiền đòi nợ được, chị ra một hiệu vàng và mua bông tai, nhẫn, vòng tay, dây chuyền... tất cả đều là thứ giả, nhưng được mạ vàng ta. Rồi chị mua một bộ quần áo đẹp để mặc, mua một giỏ lớn bánh kẹo, son môi, quần áo... rồi lên đường về quê ở Chợ Gạo.

Nhìn bộ dạng “Việt kiều” của chị, bà con xúm lại hỏi thăm. Chị chia quà cho mọi người, rồi biếu tiền cho mấy người thân... Cung cách “tiêu tiền” và cư xử của chị khiến mọi người tin sống tin chết là chị đang “ăn nên làm ra”, thế là mấy người xin chị cho góp vốn... làm ăn. Và chỉ trong có một ngày, mọi người trong xóm cho chị vay 11 cây vàng. Làm kế toán lâu năm, chị biết nếu vay trả lãi theo tháng thì không thể trả nợ được vì thời gian quay vòng quá ngắn, ngoảnh đi ngoảnh lại đã phải trả nợ thì tâm chí đâu mà làm, chị đề nghị mọi người cho trả lãi theo năm và làm giấy tờ đàng hoàng.

Có được số vốn “còm”, chị mang theo hai đứa nhỏ - một đứa mới 3 tuổi, một đứa chưa thôi nôi lên Đắk Lắk. Những người làm nghề buôn gỗ ở cao nguyên không thể tưởng tượng nổi là tại sao lại có người phụ nữ chưa đến tuổi 30, dám đem theo hai đứa con thơ đi lên nơi “rừng xanh núi đỏ” này và có lẽ đó là người đàn bà duy nhất mang theo con đi... buôn gỗ.

Chị lần mò xuống một lâm trường ở huyện Easup và xin mua gỗ đem về xuôi. Thấy chị ít tiền quá, người ta bèn bán cho chị gỗ thứ phẩm. Nhìn đống gỗ mà chị phát ngán vì chúng mốc meo, bẩn thỉu... nhưng đến nước này thì cũng chẳng còn có đường lùi. Chị quyết định dốc túi mua xe gỗ đầu tiên, đem về Thủ Đức bán. Chuyến đi đầu tiên ấy, sau khi bán xong 25m3 gỗ, chị còn lời được... 1 triệu đồng.

Không bị cụt vốn, lại còn kiếm được 1 triệu đồng, thế cũng là may rồi, chị lại lên đường làm chuyến thứ hai, rồi chuyến thứ ba... nhưng đến chuyến thứ tư thì chiếc xe bị tai nạn, lật xuống đường. Trời Phật run rủi thế nào, chị và hai con không bị xước tí da nào. Có được đồng nào, chị lại thuê xe cẩu để kéo chiếc xe và xếp gỗ lên... chạy được về gần đến Thủ Đức thì lái xe dừng lại và lăn ra ngủ. Chị cũng ngủ luôn vì quá sợ và mệt mỏi.

Trong giấc ngủ chập chờn, chị nghe thấy tiếng ai văng vẳng “Lấy nước mà làm giàu”. Tỉnh dậy, chị thấy xe đang đỗ ngay trước một cửa hàng rửa ôtô, xe máy. Cứ bị ám ảnh câu nói “Lấy nước mà làm giàu” chị nảy ra ý định lạ lùng... Chị gọi anh chủ rửa xe và thuê rửa sạch đống gỗ có đến... 25m3 kia với giá tiền là... 1 triệu đồng.

Thế là cả ngày hôm đó, năm anh công nhân của cửa hàng làm quần quật và rửa sạch sẽ cả xe gỗ. Khi những xúc gỗ mốc thếch, bẩn thỉu được vệ sinh sạch sẽ thì nom tươi tắn hẳn lên. Chờ cho gỗ khô, chị đem bán cho một thương gia tên là T.B, quê ở Trà Vinh. Nhìn đống gỗ, ông T.B. đánh giá là gỗ loại 2 và quyết định mua với giá 2,8 triệu đồng/m3. Nghe ông nói mà chị Hiền tưởng như đang nằm mơ. Gỗ thứ phẩm mua 1,4 triệu đồng/m3, cộng tiền vận chuyển vào là 1,8 triệu... nay bán 2,8 triệu, lời 1 triệu đồng/m3, và chuyến xe này lời 25 triệu đồng...

Thế là từ đó, Diệu Hiền lao vào mua gỗ thứ phẩm và đem rửa sạch rồi bán

Còn tiếp

Nguyễn Như Phong
.
.