Người không đầu hàng số phận

Thứ Ba, 14/03/2017, 19:20
Phạm Khắc Hiền là cái tên mà những người bạn mỗi khi nhắc tới anh đều với một niềm trân trọng và khâm phục. Họ khâm phục bởi ở anh tuy có những khiếm khuyết về cơ thể song lại luôn có thái độ sống tích cực, yêu đời khiến cho người đối diện cũng lạc quan theo.

Tiếng cười giòn tan của anh khiến tôi cảm thấy mọi đắng cay, gian khó mà số phận đã vấn vít vào anh cứ tan nhanh như sương khói. Nghị lực mãnh liệt và sự yêu đời đã giúp anh vượt qua những trắc trở của cuộc đời để lo cho gia đình, vợ con có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

1. Shop in đồ lưu niệm “Phương Nam” của Phạm Khắc Hiền được mở ngay tại nhà anh ven quốc lộ 18, khu dân cư Trại Sen, phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Tôi đến nhà Hiền đúng lúc anh đang dán mắt vào màn hình máy tính để thiết kế mẫu thiệp cưới cho khách hàng. Đôi tay anh nhoay nhoáy lướt trên bàn phím chỉnh sửa, lưu, xóa...

Vợ anh lúc bế con nhỏ, lúc lại ra photo tài liệu cho khách. Khách vào ra khá đông. Khi vợ bế con xuống bếp nấu cơm, Hiền lại nhanh nhẹn đứng dậy với chiếc nạng gỗ kẹp vào nách đi ra làm thay cho vợ.

Dáng gầy mỏng, như một người thợ chuyên nghiệp anh thoăn thoắt thao tác các công đoạn để photocopy giấy. Vừa làm Hiền vừa cười nói rổn rảng với khách. Photo xong, đóng thành tập tài liệu cho khách cẩn thận, nhận tiền thanh toán, tiễn khách ra về, anh lại chống nạng đi về phía bàn máy tính để tiếp tục công việc thiết kế mẫu thiệp cưới đang làm dở.

Hiền tâm sự với tôi: “Công việc này phải luôn chân luôn tay như con mọn! Hôm nay, ít khách đấy, chứ những hôm đông khách vợ chồng mình làm chẳng ngơi tay”.

Sau bao khó khăn, vất vả, đến nay Phạm Khắc Hiền đã xây dựng được mái ấm nhỏ hạnh phúc.

Dù chơi với nhau một thời gian dài, song hôm nay Hiền mới tâm sự về tuổi thơ của anh, thời điểm anh bị tai họa ập vào đầu, và quá trình vươn lên chiến thắng nghịch cảnh.

Hiền kể, theo lời cụ thân sinh hồi bé Hiền bụ bẫm, khỏe mạnh bình thường như những đứa trẻ khác. Đến khi 2 tuổi, trong một lần bị ốm nặng, bố mẹ đưa anh đi bệnh viện. Bác sĩ đã tiêm vào mông, bệnh thuyên giảm song cơ chân bị ảnh hưởng nặng nề. Nó bị co khiến chân Hiền bị liệt. Và khổ nỗi quá trình này diễn ra chậm nên khi phát hiện được thì mọi việc đã quá muộn. Gia đình đã đưa Hiền đi khắp các bệnh viện nhưng đều không có kết quả.

Bố mẹ Hiền đau đớn trước “tai họa” giáng xuống đứa con trai bé bỏng, song cũng đành chịu bó tay. Cũng từ đó, cậu bé Hiền phải sống cùng với một bên chân không cử động được. Suốt những năm tháng trước khi đi học lớp 1, Hiền chỉ quẩn quanh trong nhà. Lúc đó còn nhỏ, Hiền cũng chưa cảm nhận được nỗi thiệt thòi này. Cũng vì trận ốm hồi 2 tuổi khiến một chân bị liệt nên đã ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Hiền thường xuyên ốm đau, phải đi viện. Do vậy mãi 8 tuổi Hiền mới đi học lớp 1.

Trước khi đi học Hiền đã tập làm quen với chiếc nạng để tự có thể đi lại được, bố mẹ đỡ vất vả. Hiền cho biết: “Lúc đầu tập đi với nạng khó khăn, vất vả lắm. Nách đau nhức đỏ tấy vì phải kẹp nạng, còn tay mỏi nhừ vì phải điều khiển nạng theo mỗi bước đi. Mãi mới quen được”. Bố mẹ đưa Hiền đến năm học lớp 4. Còn sau đó, Hiền tự chống nạng đi học.

Cũng rất may mắn Hiền được nhiều bạn bè quý mến, giúp đỡ tận tình. Ở lớp có một số bạn đi học bằng xe đạp đã tự nguyện đưa đón nên Hiền cũng đỡ vất vả. Trong số những người bạn chơi thân nhất có Lê Tiến Thắng và Nguyễn Văn Hoàng.

Thắng là người gắn bó với Hiền lâu nhất, thân nhất. Vì nhà cùng khu phố (hồi đó nhà Hiền còn ở khu phố Nguyễn Trãi 2, Sao Đỏ, thị xã Chí Linh), cách nhau vài trăm mét, lại học cùng lớp nên Thắng thường xuyên đến đón bạn đi học và chở bạn lúc tan học về. Thắng đã chở Hiền trong suốt 4 năm học, từ lớp 4 đến hết lớp 7 không kể mưa nắng.

“Thắng là người bạn rất tốt, nhiệt tình và hết mình vì bạn bè. Những kỷ niệm với Thắng là quãng thời gian tuyệt vời nhất. Nhưng hết năm lớp 7, trong dịp nghỉ hè, cậu ấy đi du lịch với gia đình và chẳng may đuối nước, mất rồi. Đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn mơ về Thắng” - Hiền ngậm ngùi kể. Người bạn thân mất đi khiến Hiền bị “sốc” một thời gian dài.

Rồi những người bạn khác lại giúp đỡ Hiền trong việc đi lại trong suốt những năm cấp 2 và cấp 3. Vì luôn có bạn bè bên cạnh giúp đỡ những lúc khó khăn khiến Hiền luôn cảm thấy sự ấm áp của tình bạn mà không cảm thấy lẻ loi, cô độc, giúp Hiền thêm yêu đời.

Hiền vui vẻ trò chuyện với khách hàng đến photo.

2. Bên cạnh tình cảm gia đình, tình bạn bè ấm áp, Hiền còn tìm đến với sách vở, viết truyện cười gửi đăng Báo Hoa học trò, Sinh viên... Đặc biệt, Hiền rất đam mê đàn, hát để sống vui vẻ, lạc quan, yêu đời và quên đi những thiệt thòi của bản thân, để không rơi vào trạng thái bi quan.

Hiền kể tiếp: “Tôi mê nhạc, thích nghe nhạc từ bé và mong muốn được chơi đàn và có cho mình một chiếc đàn. Hồi học lớp 4, một lần có chú bộ đội đi ngang qua ngõ nhà mình, thấy chú ấy vác trên vai chiếc đàn ghi-ta đã cũ, chỉ còn một dây. Chẳng hiểu sao lúc đó mình lại bạo dạn gạ chú ấy bán đàn cho.

Chuyện trò một lúc, cuối cùng chú ấy đã bán cho mình chiếc đàn ghi-ta 1 dây cũ với giá 15 nghìn đồng. Đây là số tiền bà nội và bố mẹ cho mà mình tiết kiệm được. Lần đầu tiên mình sở hữu một chiếc đàn ghi-ta”.

Có đàn nhưng chỉ còn một dây, Hiền lại xin tiền bố mẹ mua thêm số dây còn thiếu trên cây đàn. Thế là Hiền đánh bạn với cây đàn từ đó. Trừ những lúc ăn, học và ngủ, thời gian còn lại cậu tập “bật bông” với đàn. Cứ mày mò tự học mà tay đàn của Hiền lên trông thấy, có thể tự tin đàn cho bố mẹ và em gái nghe. Hiền còn mang đàn đến lớp để đàn cho các bạn nghe. Cậu còn tự tin tham gia các buổi văn nghệ của lớp, các hội thi văn nghệ của trường. Hiền vừa đàn vừa hát khiến cho nhiều thầy cô, bạn bè khâm phục và khen ngợi hết lời.

Học hết cấp 3, Hiền khăn gói lên Hà Nội tìm thầy học đàn để thi vào Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Việt Nam). Hiền cho biết: “Tôi quyết tâm thi vào Nhạc viện để nhằm thực hiện ước mơ trở thành một giáo viên dạy nhạc. Nó cũng phù hợp với điều kiện sức khỏe của tôi. Đây là quyết định táo bạo và con đường đó đầy chông gai.

Thử hình dung, một cậu học sinh nhà quê không người quen biết, một thân một mình tìm lên trường xin học thêm để thi. Chẳng ai nhận dạy. Họ nói nếu là học để chơi họ dạy, còn học để thi vào trường sẽ không đỗ được vì vấn đề sức khỏe. Hiền vẫn quyết tâm xin học và học hết mình. Anh muốn chứng minh bản thân hoàn toàn có thể học như những người bình thường. Học suốt mấy tháng trời. Đến lúc vào thi thầy vẫn bảo “mày thi cho biết thôi chứ không đỗ đâu”.

Nhưng hình như Hiền được “quý nhân” phù trợ. Chẳng là Hiền ở trọ gần nhà thầy Thế Tuân, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường. Hằng ngày, thầy thấy cậu học trò khuyết tật nhưng rất đam mê đàn, nhiệt tình, chăm học và học tốt. Biết Hiền có ước mơ cháy bỏng của mình là được học Nhạc viện để sau này ra làm giáo viên dạy nhạc. Thầy Tuân rất cảm phục và hứa sẽ giúp đỡ. “Thầy làm cam kết là mình sẽ thực hiện tốt chương trình học với nhà trường. Thế là tôi được vào học Nhạc viện với chuyên ngành biểu diễn ghi-ta.

Những bỡ ngỡ ban đầu qua đi, Hiền dần quen với môi trường học tập của Nhạc viện Hà Nội. Để bố mẹ đỡ vất vả, sang năm thứ tư anh đi làm gia sư dạy nhạc để lấy tiền trang trải cuộc sống sinh viên xa nhà. Dạy nhiều nhưng anh vẫn không sao nhãng việc học. Vì ước mơ lớn nhất của Hiền là được làm giáo viên dạy nhạc.

Học xong ghi-ta, Hiền còn học tiếp văn bằng hai về lý luận phê bình âm nhạc. 10 năm học ở Nhạc viện, tốt nghiệp 2 chuyên ngành biểu diễn ghi-ta và lý luận phê bình âm nhạc, Hiền háo hức, phấn khởi đi xin việc với mong muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho đời.

Nhưng rồi sự nhiệt huyết trong Hiền giảm dần, khi anh đi xin việc hết nơi này đến nơi khác, từ Hà Nội đến Hải Dương quê anh nhưng không đâu nhận. Mặc dù văn bằng, bảng điểm, học bạ của Hiền rất “ngon”, chẳng chê vào đâu được nhưng người ta không nhận bởi hình dáng của anh.

Hiền thiết kế, chỉnh sửa mẫu hình ảnh in lên áo trên máy tính.

“Cách đây 10 năm, sau khi ra trường, tôi có nộp hồ sơ xin việc tại một trường đào tạo về nghệ thuật. Hôm trước, họ gọi điện cho tôi. Tôi phấn khởi, hăm hở lên trường vào phòng hiệu trưởng. Ngồi ở phòng khách đợi suốt ruột mãi không thấy lãnh đạo trường ra nói chuyện công việc. Lúc lâu xong ông ra bảo với tôi rằng, rất tiếc hôm qua đã nhận một hồ sơ khác rồi. Ông ta bảo tôi thông cảm. Lạ nhỉ mới hôm trước chính ông ấy gọi điện cho tôi bảo lên trao đổi công việc mà. Tôi nghĩ rằng chắc khi nhìn thấy tôi chống nạng đến, thấy hình dáng như vậy nên không nhận thôi”.

Hiền ra về trong sự thất vọng tràn trề, bao nhiêu hi vọng, niềm tin, bây giờ nhận lại trái đắng khiến anh thất vọng. Có lúc Hiền chua chát nghĩ: “Chẳng lẽ những người khuyết tật, yếu thế như tôi lại không có cơ hội việc làm để cống hiến cho đời?”. Sau nhiều lần xin việc không được, Hiền ở nhà chú tâm vào công việc trông coi, kinh doanh quán Internet. Hai vợ chồng anh chú tâm vào trông coi quán.

3. Hiền lấy vợ khi chưa ra trường. Lúc này, vợ anh đang mang bầu, công việc thì không có, mọi thu nhập chỉ trông vào quán Internet khiến cho cuộc sống gia đình khó khăn, ngột ngạt. Để có thêm thu nhập, anh cùng bạn nhận các đơn hàng làm sách âm nhạc. Viết giáo trình âm nhạc, sách dạy chơi đàn ghi-ta, đàn organ... Công việc này anh đã làm từ hồi sinh viên nên có quen biết sẵn với các khách hàng. Vừa trông quán Internet anh tranh thủ làm sách, biên soạn, viết sách. Tuy nhiên, thu nhập cũng chẳng đáng là bao.

Những khó khăn, trắc trở vẫn luôn bủa vây Hiền trong mỗi bước đi cuộc đời. Khi đứa con mới được hơn 1 tuổi thì người vợ tảo tần của anh ra đi mãi mãi. Một mình anh nuôi con nhỏ trong nỗi buồn vô hạn. Hiền tâm sự: “Mình chỉ buồn và thương con thôi. Cháu còn nhỏ quá. Mất mấy tháng khủng hoảng tâm lý. Sau rồi, mình phải gạt nỗi buồn để tiếp tục đứng dậy làm việc, nuôi con”.

Sau khoảng 3 năm, cháu bé đã cứng cáp hơn, Hiền nhờ ông bà trông cháu và trông cửa hàng Internet. Một mình anh lên Hà Nội lao vào làm sách nhạc với bạn bè. Cứ đi đi về về giữa Hà Nội với Chí Linh để vừa bảo đảm công việc ở nhà, con cái và công việc trên Hà Nội. Thật may mắn, anh gặp được bà xã bây giờ.

Hiền kể: “Ban đầu gia đình cô ấy cũng không đồng ý đâu, phản đối quyết liệt, vì thương và sợ con gái mình vất vả. Nhưng với sự quyết tâm của cô ấy và sự chân tình của mình, cuối cùng gia đình cô ấy cũng đồng ý. Năm 2008 thì tổ chức cưới. Lúc này, mình thôi làm sách nhạc, ở nhà chuyên tâm cùng vợ phát triển cửa hàng”.

Là dân nghệ thuật chỉ biết đàn và hát, nhưng khi cuộc sống thúc bách khiến anh phải thích ứng phải hoàn cảnh để tồn tại. Khi mở quán Internet, anh phải nghiên cứu sâu về máy tính, trò chơi để sửa, nâng cấp máy tính, trò chơi để thu hút khách hàng. Khi chuyển sang dịch vụ photocopy, in thiếp cưới, anh lại mày mò tìm hiểu về máy photo, máy in và công việc thiết kế mẫu. Đến bây giờ, vợ chồng anh mở thêm dịch vụ in hình trên các vật phẩm áo, cốc, vỏ điện thoại... Với dịch vụ này, máy móc in ấn hiện đại hơn, khó hơn, bắt buộc anh lại phải tìm hiểu để in được sản phẩm chất lượng tốt nhất.

Hiền đã phải trải đủ thứ việc để bảo đảm thu nhập, cuộc sống cho vợ con anh trải lòng: “Người vợ thứ hai sinh thêm cho tôi được 2 cháu. Cô ấy cũng rất yêu thương cháu đầu với vợ cũ nên tôi cũng rất vui và biết ơn bà xã bây giờ. Vì cô ấy đã dám vượt mọi rào cản, khó khăn để đến với mình. Bên cạnh bố mẹ, vợ con, người thân là điểm tựa, tôi còn có nhiều người bạn tốt, luôn chia sẻ, giúp đỡ mình vượt qua những lúc khó khăn của cuộc sống. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại, chẳng mong gì hơn. Chỉ mong, trời cứ cho sức khỏe để làm việc nuôi các cháu nên người”.

Việt Cường
.
.