Người mắc nợ… người chết

Thứ Hai, 15/06/2015, 09:00
Người ta bảo ông "khùng", ông không biện giải. Có người nói ông "điên", ông chỉ cười. Những người bảo ông "khùng" và "điên" ấy, họ chẳng có ác ý gì. Họ nói về ông như thế chỉ để tỏ bày sự ngưỡng mộ và cảm phục ở ông - một người bình thường nhưng có nghĩa cử và tấm lòng khác thường đến phi thường. Bởi có ai như ông, kiếm sống bằng nghề chạy xe ba gác, nghèo rớt mồng tơi, cả gia đình hơn chục người sống chen chúc trong căn nhà chưa đầy 20m² nhưng hết lòng với những thân phận cơ hàn, trôi nổi khi hồn lìa khỏi xác.

Chiều muộn, trong căn nhà chật hẹp của ông nằm trên đường Đoàn Văn Bơ, ông kể rằng không nhớ mình đã nhặt nhạnh bao nhiêu cơ phận vung vãi của người tử nạn vì tai nạn giao thông nữa. Ông cũng không nhớ mình đã có bao lần cải táng, đưa thi thể người chết ở nơi thị thành về quê hương của họ an táng. Ông càng không nhớ mình đã lo chu toàn cho bao nhiêu tử thi tứ cố vô thân hay vì gia đình quá nghèo không lo nổi đám tang cho người thân. Ông chỉ biết một điều hễ nơi đâu có người chết cơ hàn cần được an táng miễn phí từ A đến Z, là ông có mặt!

Ông Ba Oanh - con người kỳ lạ ấy tên đầy đủ là Bùi Văn Oanh, sinh năm 1948 trong một gia đình nghèo ở quận 4, TP HCM. Hẹn hò đến lần thứ tư, tôi mới gặp được ông vì đến hẹn ông lại kẹt lo đám ma đột xuất. Trò chuyện, ông Ba Oanh không nhớ chính xác có bao nhiêu tử thi được ông "đưa đò", nhưng ông rõ một điều là với người nghèo khó, lo tang ma cho người thân là cả một trời khó khổ với biết bao nỗi lo toan, nào là tiền hòm, tiền mua đất chôn cất, tiền xây dựng mộ phần, tiền mua sắm vật này vật kia để cúng tế. Rồi tiền thuê đội mai táng, tiền mời thầy cúng thầy tụng, tiền bồi dưỡng cho đội nhạc công, khuân vác…

Ông nói đã từng đi qua cái đoạn trường ấy nên ông thương người nghèo như ông chẳng may gặp chuyện, nhất là những người lang thang chết nơi xó chợ đầu đường. Xuất phát từ tình thương nên hơn 20 năm qua, ông tự đứng ra lo tang ma cho người nghèo hay tử thi vô thừa nhận.

1. Thoạt nghe chuyện về ông Ba Oanh với thành tích "khiêng áo quan" như thế, hẳn nhiều người nghĩ ông là đại gia, không phải đại gia tầm thường mà là siêu đại gia. Lắm người cho rằng chỉ có siêu đại gia mới đủ tiềm lực để "giải quyết" rốt ráo mỗi năm hàng chục đám tang, năm nào cũng giải quyết kiểu như thế và đã như thế 20 năm có lẻ. Lại có người bảo, hay là ông mắc nợ... người chết, nên mới phải tự nguyện đi lo quan tài cho gia đình người khó khăn của người ta thế?

Các thành viên trong đội mai táng từ thiện Phước Thiện.

Nhắc đến chuyện này, ông Ba Oanh cười khùng khục. Ông bảo ông đúng là "siêu đại gia", nhưng theo nghĩa bóng của cụm từ này và chỉ cần nhìn sơ qua "bộ vó" của ông thì đủ biết, người gầy guộc, gần như chỉ da với xương: "Đại gia gì đâu em ơi, qua từng lâm cái cảnh rơi nước mắt vì không đủ tiền lo đám tang cho cha già. Khi việc an táng cha đã xong, ngồi suy ngẫm lại, qua thấy thương những người đồng cảnh, qua thấu hiểu rồi đến một ngày, họ cũng sẽ như qua, khi có người thân qua đời, khi đó họ sẽ quay cuồng, bấn loạn, nước mắt cứ chảy ngược trong lòng vì thấy mình bất lực, không làm được cái nghĩa tận cuối cùng với người thân. Cái cảnh đồng phận tương lân đã thôi thúc qua làm điều đó chia sẻ với họ".

Ông Ba Oanh kiếm sống bằng nghề chạy xe ba gác, cái nghề ấy là ông nối nghiệp từ ông già. Đời cha, đời ông cố Ba Oanh và những đời trước đó, đời ai nấy đều nghèo, đều phải bán sức lao động để có được miếng cơm manh áo. Ba má ông Ba Oanh có đến gần chục người con, để nuôi sống gia đình, ông già phải quần quật lam lũ ngày đêm. Trong gió mưa não nề, ông mất vào năm 1979 sau một cơn bạo bệnh.

Lúc cha mất, trong nhà ông Ba Oanh đến lon gạo cũng không có, nói gì lấy tiền mua áo quan lo hậu sự cho cha. Ngày ấy đến nay đã gần 40 năm, nhưng ông vẫn nhớ mồn một từng thời khắc. Ông Ba Oanh còn nhớ sau khi chạy vạy vay mượn khắp nơi nhưng chẳng được đồng xu cắc bạc nào, cùng đường đến năn nỉ, quỳ lạy xin ông chủ trại hòm cho được mua nợ chiếc áo quan với giá 200 đồng cùng lời hứa an táng xong, lấy tiền phúng điếu trả. Ngặt nỗi sau đám tang, tổng số tiền phúng điếu, gom góp, bán đồ đạc trong nhà chỉ được có 150 đồng, vậy là bị kiện, bị đưa ra công an…

Nhờ các anh công an cảm thương hoàn cảnh, đứng ra hòa giải, thuyết phục mà gia đình ông Ba Oanh được cho trả dần. Cả mấy anh chị em đều cam đoan nói với ông chủ trại hòm là sẽ trả hết nợ, để cha được an nghỉ. Nhưng do cuộc sống khó khăn, phải sau gần chục năm chạy xe, tích cóp, từ bỏ mọi thú vui cà phê, thuốc lá, khước từ các lời rủ rê lai rai này nọ… thì mới trả được khoản nợ áo quan ngày nào!

2. Trả nợ xong, cha già đã chính thức an nghỉ rồi, khi ấy ngẫm lại hành trình của một kiếp nhân sinh, ông thấy cuộc đời của một thân phận người nghèo, nói như ông, "sao mà khốn nạn quá", sống đã khổ sở mà chết càng thêm thê lương... Rồi ông bỗng nghĩ đến những phận người nơi đầu đường xó chợ, lang thang cơ nhỡ. Có đủ lý do khác nhau để họ phải lìa trần nhưng lại đều giống nhau ở cái phận chẳng ai ngó ngàng... Rồi những người chết trôi, chết vì tai nạn, chết vì 1.001 lý do khác khi chết chẳng có manh chiếu đắp, chẳng mấy ai để tâm thắp cho nén nhang cúng cho bát cơm..

Trước quá nhiều nỗi khổ đau của kiếp nhân sinh ấy, với mong muốn người ta không lâm cảnh bấn loạn, lạy lục, van xin... và khóc hết nước mắt khi phải lo hậu sự cho người thân như mình, ông Ba Oanh dấn thân vào hành trình thiện nguyện. Ông thu thập đồ mai táng trong sự ngạc nhiên, phản ứng của vợ con: "Lúc đầu bả cằn nhằn dữ lắm vì thấy qua đưa về những món đồ tang tóc. Sau qua kiên trì thuyết phục rồi bả thuận lòng, bả hỗ trợ qua rất nhiều. Có được "sức mạnh" đó, qua lập ra đội mai táng miễn phí chuyên lo việc an táng cho những kiếp người nghèo khó, bơ vơ. Lúc đầu đội mai táng có tên Oanh Lập, sau đổi thành Phước Thiện!"

Ông Ba Oanh với "rừng" bằng khen, giấy khen người tốt việc tốt.

Hiện tại đội có 21 thành viên, tính cả đội trưởng là ông Ba Oanh. Riêng gia đình ông Ba Oanh đã có 8 thành viên tham gia, gồm con rể và con trai, con gái... Các thành viên  trong đội mai táng ai cũng nghèo, đều là dân lao động, thường ngày thì đi tứ tán kiếm cơm, người phụ hồ, người chạy xe xích lô, ba gác... nhưng khi nhận được tin báo thì tất cả tụ lại mỗi người một tay cùng chung lo cho người đã khuất!

Khi chẳng may xảy ra hữu sự, để an táng người thân lắm gia đình phải chạy ngược chạy xuôi, phải họp gia đình, gia tộc, rồi phân chia nhiệm vụ, các khoản đóng góp… vậy nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Một năm lo cho 2 đám tang như thế với biết bao hao tốn thời gian, sức khỏe, tài lực… đã là nỗi ám ảnh với bất kỳ ai đó, vậy nhưng như ông Ba Oanh bộc bạch, có năm ông lo cho đến gần cả trăm đám tang. Và tất cả đều được ông chăm lo chu toàn, miễn phí. Thật tuyệt vời!

Trên hành trình "đưa đò ở bến biệt ly", có người nói ông Ba Oanh đã làm cái việc nghĩa tử là nghĩa tận với hàng trăm người chết, người khác thì bảo con số phải lên đến hàng ngàn. Hỏi con số chính xác là bao nhiêu, ông Ba Oanh gãi đầu cười mà rằng ông làm cái việc mà nhiều người bảo rằng "điên" từ sự thôi thúc của sự đồng cảm, mong muốn sẻ chia, gặp đâu giúp nấy chứ không ghi chép, thống kê, nên làm gì có con số chính xác!

3. Trò chuyện về những người đã khuất, ông Ba Oanh kể một tràng dài. Ông bảo họ gồm đủ thành phần, có khi là con nghiện, có lúc là cô gái bán thân mạt hạng. Người chết cũng có thể là tay giang hồ số má, là phường đầu trộm đuôi cướp, hay người bị nhiễm HIV/AIDS: "Lúc sống họ sống ra sao, sống thế nào qua không quan tâm. Qua chỉ biết lúc họ nằm xuống, đó không còn là chuyện của cuộc đời họ, mà là nỗi lòng của những người thân của họ gồm cha mẹ, anh (em), vợ (chồng), các con... Người chết trong cảnh nghèo khó qua thương đã đành, mà người sống, người thân của họ, qua cũng đau xót lắm!" - ông Ba Oanh, bộc bạch!

Tháng 5 vừa qua, đội mai táng của ông đã đứng ra lo cho 6 đám, họ đều là lao động nghèo ở các tỉnh miền Tây, vì kế sinh nhai phải lên thành phố kiếm sống, đau bệnh, rồi qua đời ngay chốn phồn hoa đất khách. Có người bị ung thư nhưng vẫn ngày ngày buôn gánh bán bưng vừa lo cho thân mình vừa gửi tiền về quê nuôi mẹ cha. Cứ như thế rồi đau bệnh, đến hạn vào thuốc vì không có tiền mà bỏ qua đợt điều trị, rồi cắn răng chịu đớn đau đến chết! Người gần nhất mà ông Ba Oanh cùng đội Phước Thiện hỗ trợ là cụ Nguyễn Văn Năm, 90 tuổi, vì gia cảnh khó khăn cụ lên Sài Gòn kiếm sống bằng nghề bán vé số, cụ đau bệnh được người dân đưa vào Bệnh viện Bình Dân và chết trong ấy.

Năm nay đã sắp 70 tuổi rồi, ông Ba Oanh đâu còn sức để chạy xe ba gác. Bây giờ ông sống bằng sự hiếu thảo của mấy đứa con. Tuổi của ông, có ăn uống gì nhiều đâu, nên các con ông mỗi người mỗi tháng cho qua vài trăm, nhập tổng lại cũng tròm trèm 2 triệu. Tiền đó ông chẳng tiêu gì, cứ bỏ heo (để dành-PV) khi cần thì đập lấy giúp người ta lúc khó ngặt. Nhưng không bao giờ đủ chú ơi!

4. Giúp người ta như vậy, nhưng gia cảnh ông Ba Oanh có khấm khá gì đâu. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Y, bị bướu tử cung hàng ngày vẫn đang phải chống chọi với căn bệnh nan y. Con gái ông thì bị u não nằm liệt một chỗ... Điều lạ là khi được hỏi thăm có mong ước gì, ông Ba Oanh chẳng mong có được tiền để  chữa bệnh cho vợ con? Chắc người đời nghĩ ông mượn chuyện từ thiện để kêu gọi, làm việc tư?!

Ông nói từ bấy lâu nay, ông chưa từng kêu gọi vận động, ai có lòng hỗ trợ ông, ông nhận rồi lo cho người khác, vậy thôi: "Nếu có được điều ước mong, qua chỉ mong ước có được nguồn áo quan và địa điểm đặt để áo quan. Mỗi cái áo quan loại thô giá 2 triệu đồng, qua lúc nào cũng phải trữ từ 5 cái trở lên vì có khi chỉ trong một tuần có đến 3 đám, có khi hơn. Nhu cầu áo quan nhiều nhưng sức qua không thể nào kham nổi".

Nhà chật hẹp, chỉ ở thôi đã đông nghẹt nên ông Ba Oanh phải đi thuê địa điểm đặt để áo quan và các dụng cụ để tổ chức tang ma cho các tử thi cơ hàn. Phí thuê như vậy mỗi tháng 5 triệu đồng, từ tiền đóng góp của các con dâu rể của ông Ba Oanh. Số tiền trên với cái gia cảnh nghèo rớt mồng tơi như ông quả là ngoài sức tưởng tượng. Vậy nhưng ông Ba Oanh không thở than vì điều ấy. Điều khiến ông trăn trở là khi ông đi thuê nhà đất để chứa áo quan ở đâu cũng bị gia chủ chối từ, mà nói theo ngôn từ của ông là "đuổi": "Người ta kiêng cữ lắm chú em à, họ không muốn nhà đất của mình để áo quan vì sợ gia đình xảy ra chuyện tang tóc. Qua ước gì có chủ đất nào đó xót thương người đã khuất, đừng xua đuổi tội nghiệp".

Ông Ba Oanh nói về điều ước ấy với ánh mắt đỏ hoe. Trời ơi, ông khóc!

* Tính từ năm 1990 đến nay đã 25 năm, ông Ba Oanh, cùng các con và những người như ông trong đội mai táng từ thiện đã "cưu mang" hơn 1.000 xác chết dưới các hình thức vớt xác, nhặt xác, đưa thi thể về quê, an táng... Người tử vong rải khắp ba miền Bắc-Trung-Nam, đủ mọi lứa tuổi, phần lớn có điểm chung là bần cùng, cơ hàn, sống đời lưu lạc và qua đời trên địa bàn TP HCM.

* Nếu quan tâm, tìm hiểu hay hỗ trợ ông Ba Oanh trong việc "cưu mang" những tử thi cơ hàn, bạn có thể liên lạc với ông theo địa chỉ: 334/33A Đoàn Văn Bơ, khu phố 3, phường 16, quận 4. ĐT: 0978088564.

N.Thành Dũng
.
.