Người nghệ sĩ nhiếp ảnh và giấc mơ tiền tỉ - Kỳ 2

Thứ Hai, 02/06/2008, 14:45
Trên những bức tường của trụ sở Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo treo rất nhiều những bức ảnh phong cảnh cỡ lớn của nghệ sĩ FIAP Trần Lam. Những “Hòn phụ tử”, “Hang tiền Hà Tiên”... bức nào cũng tuyệt đẹp. Mỗi bức đều treo giá 1 triệu đồng. Khách đến thăm, thích mua thì ông Bảy cảm ơn, còn tiền bán ảnh thì ông nhập hết vào quỹ ủng hộ người nghèo, chẳng giữ lại cho mình một đồng nào.

Kinh doanh là phục vụ

Ông Bảy Lam chính là người đầu tiên phát hiện ra vụ cháy rừng U Minh Thượng đầu năm 2002. Hôm ấy, đang dẫn một đoàn phóng viên báo ảnh của Thông tấán xã Việt Nam vào rừng tác nghiệp thì phát hiện ra rừng cháy, ông Bảy đã điện khẩn cấp cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang để kịp thời chỉ đạo việc dập lửa cứu rừng. Biện pháp chữa cháy mà ông đưa ra rất hay, cụ thể và hợp thực tiễn nên đã được cả Chủ tịch tỉnh Trương Quốc Tuấn lẫn Ban chỉ huy chữa cháy chấp nhận triển khai.

Rời vị trí “tham mưu” dập lửa cứu rừng, ông Bảy lại ôm máy ảnh lao ngay vào việc ghi hình hoạt động tại chỗ của các “binh chủng” đang chiến đấu với lửa. Say nghề, ông Bảy “xáp trận” quá sâu nên máy ảnh gặp sự cố, trục trặc liên tục. Nhờ có ông giúp nên cánh nhà báo chúng tôi có được những tấm ảnh chụp toàn cảnh trận cháy rừng từ trực thăng để kịp thời đưa lên mặt báo. Gấp quá, không kịp rửa ảnh, 21 giờ, ông Bảy đã "scan" ảnh từ phim để chúng tôi có ảnh gửi về tòa soạn kịp cho số báo ra ngày hôm sau. Tôi thật sự ấn tượng về ông Bảy kể từ hôm đó.

Sau này gặp lại, tôi mới biết, ông Bảy Lam đã từng sống và chiến đấu tại rừng U Minh Thượng từ năm 1962. Lúc đó ông 21 tuổi, là cán bộ Thanh vận và là Chánh văn phòng dân vận Mặt trận tỉnh Rạch Giá, cơ quan đóng trú tại U Minh Thượng. Được người dân và những cánh rừng U Minh đùm bọc, chở che suốt thời chiến tranh, hèn chi ông Bảy hiểu khu rừng và người vùng này cực kỳ sâu sắc.

Hồi năm 1999, bệnh tật đã khiến ông tưởng cuộc đời mình sắp... vô hồi chung kết, phải sang Singapore điều trị. Bớt bệnh, trong đầu ông nảy ra một sự so sánh: “Thấy cơ ngơi bệnh viện, điều kiện chữa trị tuyệt vời của người ta càng thương dân mình vẫn đang nghèo, đủ bề thiếu thốn. Phải tính chuyện xã hội hóa y tế, sao cho Việt Nam mình, nơi nào cũng có được những bệnh viện hiện đại như họ mà chăm sóc sức khỏe cho dân”.

Rời giường bệnh, ông Bảy Lam đã cùng với bác sĩ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Medic Hòa Hảo, TP HCM và bác sĩ Trần Đức Nghĩa, lập nên Công ty Cổ phần Phòng khám đa khoa  Bình An, đặt tại số 82 Nguyễn Trung Trực, phường Vĩnh Bảo, thị xã Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Không bị cơ chế xin - cho ràng buộc, Phòng khám Bình An đã mạnh dạn đầu tư tối đa.

Chỉ ở quy mô phòng khám, nhưng trang thiết bị, máy móc y tế của nó lại khá hiện đại, tiên tiến, thậm chí còn  thực hiện được việc phối hợp, nối mạng chẩn đoán từ xa với Trung tâm Y tế Medic Hòa Hảo ở TP HCM.

Tuy không có một đồng vốn nhưng do uy tín, năng lực và sự nhiệt tình, ông Bảy đã đóng một vai trò quan trọng có thể coi là quyết định. Ông vừa là sáng lập viên, vừa là Phó chủ tịch HĐQT, được bác sĩ Phan Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT ủy nhiệm điều hành công ty.

Gần 8 năm hoạt động, phòng khám đã khám cho trên 1,1 triệu lượt bệnh nhân. Dù đã miễn phí hoàn toàn cho trên 15.000 lượt bệnh nhân nghèo, doanh thu của phòng khám vẫn vượt con số 46 tỉ đồng, nộp thuế Nhà nước trên 1 tỉ đồng. Y bác sĩ và CBCNV được hưởng mức lương từ 1,2 triệu – 14 triệu đồng/tháng, cá biệt có bác sĩ giỏi được hưởng lương lên đến 18 triệu đồng/ tháng. Những con số, tự thân nó đã giới thiệu nên chân dung ông Bảy như một doanh nhân thành công.

Khám mắt cho bà con nghèo Campuchia ở TP Shihanou Kville.

Khi mới thành lập, với tư cách Phó chủ tịch HĐQT, ông Bảy hứa hẹn sẽ xây dựng, phát triển Bình An thành một bệnh viện tư lớn trong khu vực. Nghe ông nói, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi. Đến nay thì mọi sự hoài nghi đều chấm dứt.

Một bệnh viện Bình An cao 10 tầng, quy mô 250 giường bệnh, trị giá 100 tỉ đồng đã hoàn thành, đã được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2007. Dám chắc, Bình An là bệnh viện cao tầng nhất trong toàn bộ các bệnh viện ở đồng bằng sông Cửu Long. Nó cũng là bệnh viện đa khoa tư nhân đầu tiên trong khu vực.

Bình An có nhiều thứ mà các bệnh viện khác phải mơ ước. Riêng chiếc máy chụp CT của bệnh viện cũng đã có giá 650.000 USD, rất tối tân. Sân thượng tầng 10 được bố trí làm bãi đỗ trực thăng, toàn bộ diện tích mặt sàn đều được trải composite chống rung và chống ồn. Tầng 9 có một khoảnh sân là vườn hoa cho bệnh nhân thư giãn, độ cao đủ để ngắm toàn cảnh TP Rạch Giá và nhìn ra biển.

Nếu muốn, bệnh nhân có thể xuống nhà hàng đặc sản ngay tầng dưới vừa nhâm nhi ly cà phê, vừa ngắm nhìn thành phố. Muốn thưởng thức đặc sản biển thì thực đơn đã nằm sẵn trên bàn, cứ việc gọi mà không phải rời bệnh viện lấy nửa bước chân.

Khách từ bên ngoài muốn vào hưởng thụ hệ thống dịch vụ, nhà hàng, bar trong bệnh viện cũng không trở ngại gì. Thang máy lộ thiên lên tận tầng 10 đã được thiết kế sẵn, giúp họ không phải chung đụng với bệnh nhân, không có cảm giác đang vào bệnh viện.

Ông Bảy không giấu giếm ý đồ biến Bình An thành một bệnh viện – khách sạn nhà hàng cao cấp, trước sau, ông vẫn khẳng định, mục đích kinh doanh của bệnh viện này là để phục vụ người nghèo. Ông bảo: “Thôi thì Việt Nam mình còn nghèo, ta lấy... văn minh ra bù vậy!”.

Choáng ngợp thì có, nhưng thật tình thì ban đầu tôi không phục. Cái cách “bù nghèo bằng văn minh" của ông Bảy liệu có phiêu lưu quá chăng? Tôi không hiểu người nghèo lấy đâu ra tiền và bệnh viện lấy đâu ra kinh phí để hoạt động miễn phí? Ông Bảy lại nheo nheo mắt (ông già này không mấy khi chịu cười): “Hồi đưa ra đề án, đại hội cổ đông cũng chất vấn tôi những câu như cậu. Tôi bảo: lấy của người giàu chia cho dân nghèo, không cách chi mà lỗ”. --PageBreak--

Thì ra, ông Bảy xây dựng bệnh viện không chỉ cho riêng Kiên Giang hay rộng hơn là cho vùng đồng bằng Nam sông Hậu. Ông đang tính Bệnh viện Bình An sẽ phục vụ chữa trị cho cả những bệnh nhân ở một số địa phương miền Nam Campuchia.

Người có điều kiện thì bệnh viện phục vụ theo cung cách dịch vụ, người nghèo thì được miễn giảm. Chất lượng phục vụ cao nhưng giá dịch vụ vẫn rẻ hơn nhiều so với giá dịch vụ của các bệnh viện trong khu vực. Người giàu sẽ trả tiền, nếu được phục vụ xứng đáng. Kinh doanh là phục vụ, phải tính nát óc, nhìn cho xa chứ!”.

Làm từ thiện cũng phải chuyên nghiệp

Rượu không uống, thuốc không hút, ông Bảy Lam chỉ có đi và đi, và tìm cách xoay cho ra tiền để giúp người nghèo. Thấy Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (BTBNN) Kiên Giang hoạt động hiệu quả, rõ ràng và chặt chẽ nên các doanh nghiệp, những nhà hảo tâm đã rất tin tưởng và ủng hộ. Cuốn sổ vàng của Hội có rất nhiều bút tích của các nhà doanh nghiệp hảo tâm.

Giữa năm 2007, Công ty Cổ phần KCN Tân Tạo đã tặng Hội 2 tỉ đồng, 100 xe lăn. Ngày 13/1/2008, tập đoàn này lại tiếp tục ký với Hội một bản cam kết tài trợ 17 tỉ đồng cho các hoạt động vì người nghèo. Ngay trong Đại hội tổng kết hoạt động của Hội (tháng 3/2008), ông bà Hsien Wen Chou – Lưu Thị Xuân Hương, đại diện Hội từ thiện Chen Yung, Đài Loan lại trao tặng cho Hội 4,5 tỉ đồng làm kinh phí xây dựng 300 căn nhà tình thương... Đi quyên tiền như Hội BTBNN Kiên Giang và ông Chủ tịch Hội Bảy Lam thì đúng là... nhất!

Tất cả những người ủng hộ, cho dù tiền tỉ hay chỉ 100.000 đồng, ông đều cho làm bảng tri ân ốp dày trên toàn bộ các bức tường trụ sở Hội, bên cạnh đó là sổ công khai phần chi. Ông Bảy bảo rằng tiền trăm hay tiền tỉ cho người nghèo đều phải quý như nhau, đều phải công khai minh bạch. Chữ “minh”, ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần, xem đó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động mà ông luôn tâm niệm.

Tiếng lành đồn xa, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gửi tặng Hội BTBNN Kiên Giang một bức chân dung Hồ Chủ tịch bằng đá quý, sản phẩm của Công ty Thần Châu Ngọc Việt. Nhận bức chân dung, ông Bảy đã chọn vị trí trang trọng nhất trong trụ sở lập ngay một bàn thờ Bác.

Mỗi buổi sáng đến nơi làm việc hay trước và sau lúc đi đâu đó xa, ông Bảy đều im lặng đến trước bàn thờ thắp hương và đứng rất lâu. Chẳng ai bảo ai, nhưng tất cả nhân viên trong Hội cũng đều làm như ông Bảy, như một thói quen thành kính. Khách quý đến thăm, đến công tác, việc đầu tiên ông cũng mời vào thắp nén hương dâng lên bàn thờ Bác. Việc từ thiện, cốt nhất chữ tâm. Ông bảo thắp hương bàn thờ Bác nghĩa là tự dặn mình và sẻ chia với cuộc đời điều đó.

Trên những bức tường của trụ sở Hội BTBNN treo rất nhiều những bức ảnh phong cảnh cỡ lớn của nghệ sĩ FIAP Trần Lam. Những “Hòn phụ tử”, “Hang tiền Hà Tiên”, “Biển chiều Kiên Giang”, “Sương sớm U Minh”... bức nào cũng tuyệt đẹp. Mỗi bức đều treo giá 1 triệu đồng.

Khách đến thăm, thích mua thì ông Bảy cảm ơn, còn tiền bán ảnh thì ông nhập hết vào quỹ ủng hộ người nghèo, chẳng giữ lại cho mình một đồng nào. Hàng chục hay hàng trăm bức đã bán đi, ông Bảy bảo là ông không nhớ. Với ông, một đồng người khác cho để chi tiêu cũng phải rõ ràng, nhưng tiền bán ảnh là tiền riêng của ông dành tặng người nghèo, nhớ có ích gì?

Vì chữ tâm với tinh thần phục vụ nên ông Bảy Lam và các cộng sự của ông ở Hội đều hầu như làm việc không công. Với anh em nhân viên, ông Bảy đề xuất trả lương cho họ theo chế độ chuyên viên của ngạch công chức UBND tỉnh. Còn lại những người hoạt động chuyên trách cho Hội thì hưởng phụ cấp như nhau, mỗi tháng 1,2 triệu đồng/người.

Riêng ông Bảy Chủ tịch thì chỉ làm việc mà không nhận, bởi ông đã có lương Phó chủ tịch HĐQT Công ty Bình An. Bà Nguyễn Thị Mỹ (Chín Liên), nguyên Chủ tịch UBMTTQ tỉnh đã nghỉ hưu, hiện đang là Phó chủ tịch Hội nói nhỏ cho tôi biết: “Mỗi tháng, ông Bảy còn trích lại 200.000 đồng bỏ ống heo, đề phòng những trường hợp cần kíp mà không thể trích quỹ thì lấy ra cho người ta”. Ông già nắm trong tay hàng triệu đôla nhưng vẫn nhặt tiền xu bỏ ống, hóa ra là vì thế. Trách gì vẫn có người bảo tính ông Bảy Lam kỳ cục!

Bây giờ, nỗi lo của ông Bảy là sau khi ông “tái hưu”, không phục vụ nữa thì cái Hội vì người nghèo này sẽ hoạt động thế nào. Về nhân sự, nền nếp thì ông yên tâm, bởi hoạt động của Hội đã thật sự trở nên chuyên nghiệp, không có ông nhưng sẽ có nhiều con người khác, nhiều tấm lòng khác. Điều ông lo là phải có nguồn kinh phí ổn định để Hội ngày càng phát triển, tiếp tục chăm lo cho người nghèo.

Ông Bảy không muốn nói, nhưng tôi biết, Hội BTBNN Kiên Giang đang nghiên cứu một dự án xây dựng thêm một bệnh viện 18 tầng hoàn toàn miễn phí cho người nghèo nằm sát vách Bệnh viện Bình An, do Hội làm chủ đầu tư. Người Kiên Giang bảo: “Cạnh tranh được với ông Bảy Lam may ra chỉ có ông Bảy Lam”, không phải là không có lý.

Biết ông Bảy khi xưa cũng từng là nhà báo, tôi đã đặt cho ông vài câu hỏi về kinh nghiệm nghề nghiệp. Ông Bảy tỏ ra không mấy mặn mà, chỉ nói: “Có người nói với tôi rằng, quan trọng nhất là chỉ nói sự thật nhưng không bao giờ nói hết sự thật, lại càng không được nói dối”... Và tôi hiểu vì sao rất nhiều câu hỏi của tôi dành cho ông chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Rời Kiên Giang, đọng lại trong tôi vẫn là bức ảnh cánh chim đơn độc chập chờn trước mặt trời trên biển Rạch Giá. Trên nền thẳm ấy là một cánh buồm nghiêng ngả nhưng tự tin trong cảnh thanh bình.

Nói về bức ảnh “Biển chiều Kiên Giang” xuất thần của mình, ông Bảy bảo là ông có duyên với nghề, là gặp may nên cả ba yếu tố gợi cảm của nghệ thuật tạo hình cùng một lúc “bỗng dưng” đọng vào ống kính. Suy nghĩ của tôi có khác hơn một chút. Tôi muốn thay chữ gặp may bằng chữ tâm, cả trong đời thường lẫn trong nghệ thuật.

Đặt tấm lòng vào giữa những tấm lòng, nặng lòng với quê với cảnh  và với con người xứ sở, tìm kiếm niềm vui cho cuộc đời bằng cả niềm đam mê lẫn sự gắng gỏi, đó chính là lúc tài năng và cái tâm con người có dịp phát lộ. Vững tay chèo giữa sóng biển chiều, ông Bảy Lam đã bắt kịp cánh chim tung gió. Dường như cả hai đều đang lướt về phía mặt trời...

Nguyễn Hồng Lam
.
.