Người phụ nữ và “tình yêu mặc dầu”

Chủ Nhật, 07/02/2016, 12:00
8 năm trước, sau một ngày trò chuyện và gặp gỡ với chị, tôi trở về nhà, thức rất khuya, và bắt đầu về chị bằng những dòng này: “Tôi tin, con người ai sinh ra trên đời cũng có một phận số. Hạnh phúc hay khổ đau, sung sướng hay tận khổ, thành đạt hay bất hạnh đều có một bàn tay vô hình... Và ông trời sẽ không cho ai tất cả hay lấy đi của ai đó tất cả. Mỗi người đã có một phận số, một chốn nhỏ nhoi trong vũ trụ này để sinh thành…”.


Ngày đó, tôi vẫn mơ hồ, vẫn không dám tin chị sẽ có thể vượt qua được con dốc  của số phận nghiệt ngã, cho dù chị đã đi được một phần đường. Xét cho cùng, khi một ai đó đã ở tận cùng của mọi bi kịch, không có gì mong manh hơn là niềm tin, bởi họ còn không dám tin ở chính mình, vậy ai dám đặt niềm tin vào họ. Và cũng bởi, khi con người ta đã tận cùng của bi đát, chỉ một giây phút buông lơi họ có thể rơi vào vực thẳm vô cùng. Thế nhưng, trong sự mong manh đó, chị đã trao cho tôi một niềm tin, và tôi đã đặt chị vào niềm tin ấy với "một tình yêu mặc dầu".

Chị Đào Phương Thanh.

Giờ đây, trong sự tình cờ của số phận. Chúng tôi gặp lại nhau. Đúng hơn chị đã tìm tôi sau bao nhiêu phiêu bạt… Thường thì những người viết chúng tôi, công việc cho mình những sự gặp gỡ. Mỗi ngày tháng qua đi, có bao nhiêu gương mặt, bao câu chuyện đời, bao nhiêu những sẻ chia mà chúng tôi không thể nào nhớ hết. Đôi khi những nhân vật nhớ người viết về họ rất lâu nếu họ tìm được ở đó một sự cảm thông sâu sắc, những yêu thương, chia sẻ đủ để tạo nên một mối ân tình.

Thế nên nhân vật sau bài báo, sau thành công, sau những gian nan đã qua, đứng nơi bến bờ thành quả, họ thường tìm lại ân tình cũ để tri ân người đã không ngại đặt niềm tin vào họ trong trang viết. Sự gặp gỡ nhiều khi chỉ để nói một lời giản dị "Cảm ơn" xuất phát từ niềm chân thành.  Chúng tôi đã tìm nhau bởi giờ đây chị đã vượt qua dốc đứng của đời mình, chị đã thành đạt và như bất kỳ một cái kết có hậu nào cho những câu chuyện cổ tích vẫn diễn ra trong cuộc đời này. Chị đã hái nhiều quả ngọt hạnh phúc. Và chị muốn trao tặng tôi món quà quý giá bấy lâu chị vẫn giữ dùm tôi: "Em đã làm thay đổi số phận chị".

Thật ra chị không phải là nhân vật đầu tiên tìm đến và mang cho tôi món quà tặng ý nghĩa ấy. Trong hơn 20 năm cầm bút, không phải không có khi nỗi buồn đổ mênh mông lên trang viết. Nhưng cũng có biết bao nhiêu hạnh phúc khi nhân vật đã quay trở lại tìm để hoan hỉ báo tin vui bài báo đã làm thay đổi số phận của họ. Có những người mấy mươi năm vẫn giữ liên lạc, thi thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm, vẫn sung sướng khi báo thêm một tin vui vừa được gặt hái trong đường đời. Trong số đó, có cả những kẻ là phạm nhân, từng phạm vào sai lầm, tội ác. Có cả những gia đình không may số phận đổ bất hạnh xuống đời họ.

Hay như gia đình trong bài viết: "Năm cô gái mù và những giấc mơ câm", các em gái mù, vẫn ngày đêm tựa vào niềm tin để vượt qua gian khó để vươn sống, để trở thành những người hữu ích tàn mà không phế.  Hay như cậu bé Hảo năm xưa giờ đã trở thành một người đàn ông chững chạc, giao thừa nào cũng gọi cho tôi chỉ để nói một câu: "Chị ơi, bài báo của chị đã thay đổi số phận của cả gia đình em". Tất nhiên, nhiều khi, không phải lúc nào sự thay đổi ấy cũng là một cái gì đó cụ thể, rõ ràng bằng xương bằng thịt.

Nhưng đánh dấu một thời điểm, để sau đó cuộc đời của họ từ bĩ cực, bước sang trang mới tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn nhờ những tấm lòng hảo tâm, nhờ vòng tay nhân ái của cộng đồng, để tiếp sức họ vươn lên, trao cho họ thêm cơ hội mới, để họ nỗ lực cố gắng làm nên những điều kỳ diệu. Và bởi thế, tôi càng tin hơn, trên đời này mọi sự gặp gỡ không hẳn là ngẫu nhiên, là tình cờ. Chúng ta, mỗi phận số di chuyển trên đường đời, chạm được vào nhau, ở lại bên nhau, trở thành người thân, bạn bè, hẳn nhiên là đều có những ân huệ của ông trời sắp xếp.

Trở lại câu chuyện của chị, người phụ nữ đã thành công trong cuộc sống với "tình yêu mặc dầu" xét cho cùng người làm thay đổi số phận của chị chính là bản thân chị chứ không phải ai khác. Gặp lại chị sau 8 năm, người phụ nữ đẹp sinh ra và lớn lên ở ngõ Lương Sử B Quốc Tử Giám trong một gia đình có số phận quá khốc liệt. Chị góa chồng khi mới ngoài 20 tuổi, trên tay là đứa con gái bé bỏng chưa biết nhận mặt cha. Cuộc sống của người phụ nữ đẹp phiêu bạt kể từ ngày chồng mất. Em trai nghiện hút, em gái sinh hai đứa con rồi bỏ con cho hai bố mẹ già. Quá buồn đau, bố mẹ chị sinh đau ốm kiệt quệ.

Mang con gái trở lại Hà Nội, chị là người trụ cột trong gia đình có 4 người ốm nặng và 3 đứa trẻ nheo nhóc. Không có tiền để sống, chứ chưa nói đến chuyện có tiền để đưa bố mẹ và em vào bệnh viện chăm sóc. Chị cắn răng chấp nhận những tai ương của số phận mà không có bất kỳ một hướng mở nào. Chị trở thành y tá của gia đình, trực tiếp chăm sóc em trai bị HIV/AIDS trong giai đoạn mà xã hội vô cùng kỳ thị. Không cứu được em trai, nhưng đứa em mang bất hạnh đến cho cả gia đình chị trước khi qua đời đã kịp lây nhiễm thứ vi rút chết người này cho chị gái mình trong một tai nạn không đáng có. Chôn cất cho em xong, chị thử máu và biết mình bị phơi nhiễm.

Chị Đào Phương Thanh (ngồi giữa), nhân viên hỗ trợ tuân thủ điều trị tại PKNT Bệnh viện Đống Đa Hà Nội.

Tận cùng của hoang mang đau khổ, trong khi tang em trai chưa được 1 tháng thì bố chị lúc ấy ung thư gan nặng cũng qua đời. Gia đình khánh kiệt, mẹ chị không chịu đựng nổi những cú sốc tinh thần đã bị tai biến mạch máu não và rồi cũng ra đi.

Tôi đã gặp chị đúng vào lúc chị rơi vào tận cùng của cơn bĩ cực. Chị gầy như một cái xác ve, ba đứa trẻ con không đủ cơm ăn áo mặc trong khi chị ôm trong mình căn bệnh chết người, với những mặc cảm của thân phận, và ánh  mắt kỳ thị của người đời. Với bản năng sống mãnh liệt, chị không được phép buông xuôi, rơi chìm vào hố đen của gia đình. Khi tôi gặp chị, chị đã thành lập một nhóm thiện nguyện chăm sóc bệnh nhân có H lấy tên là "Hoa sữa".

Nhóm lúc này đã nổi tiếng trong cộng đồng những người có H, với việc chia sẻ, chăm sóc và cứu giúp những bệnh nhân mắc AIDS ở giai đoạn cuối. Khâm liệm, lo tang ma cho những bệnh nhân xấu số mà cộng đồng kỳ thị, sợ hãi. Chị cùng với nhóm bạn làm tất cả những việc ấy, cũng là để vợi bớt nỗi đau, sẻ chia những bất hạnh… Khi tôi đến gặp chị và viết về chị, một tấm gương điển hình trong cộng đồng những người bị HIV/AIDS để động viên chị vượt lên số phận, để cho cộng đồng những người có H nhìn thấy chị như một biểu tượng của sự dũng cảm mà vươn lên. Nhưng hồi ấy, gặp chị, thấy chị tiều tụy, gầy đét như một nhành cây khô héo trong căn nhà tập thể xập xệ ẩm mốc, điều kiện ăn ở sinh hoạt tồi tệ.

Sức khỏe yếu, tinh thần khủng hoảng, cảm giác như chị ngập sâu trong mênh mông buồn đau. Dù là trưởng nhóm thiện nguyện, nhưng chị chưa hết hoang mang, chưa hết tuyệt vọng. Chị thú nhận thời gian đó, chị luôn muốn chết. Chết để quên đi tất cả những đau khổ và sợ hãi.

Thế mà 8 năm qua, khoảng thời gian quá ngắn ngủi để từ một người phụ nữ tuyệt vọng chị trở thành một quý bà thành đạt, rạng ngời niềm tin và tình yêu cuộc sống, viên mãn với chính mình. Sắp xếp bao nhiêu thời gian chị mới có thể thu xếp được một cuộc hẹn vì chị quá bận. Nhìn chị tự lái xe ôtô riêng từ căn hộ chung cư ở khu đô thị Việt Hưng sang, gương mặt sáng bừng, nụ cười lấp lánh hạnh phúc, gặp nhau chị em ôm nhau thật chặt trong niềm vui vỡ òa.

Chị nói: "Bình ơi, lần này gặp không còn nước mắt nữa đâu nhé. Chị khác xưa nhiều lắm rồi, chị đã hết bệnh, sức khỏe hồi phục, chị tăng 20 kg, công việc bận, chị có nhiều cơ hội làm việc, thu nhập ổn định, chị đang là người phụ nữ của hạnh phúc em ạ. Bài báo của em đã làm thay đổi số phận chị. Sau đó, chị có thêm nhiều cơ hội để làm việc. Nhiều tổ chức trong và ngoài nước biết đến chị. Chị trở thành người nổi tiếng, kiếm được nhiều tiền, nhưng may mắn nhất, hạnh phúc nhất với chị là chị được Bệnh viện Đống Đa nhận vào làm việc ở phòng khám hỗ trợ và chăm sóc cho hơn 1.000 bệnh nhân bị nhiễm HIV/ AIDS ở Hà Nội. Có một công việc ổn định trong một cơ quan nhà nước lúc ấy với chị là một bệ đỡ tinh thần vững vàng nhất để chị tiếp tục vươn lên".

Giờ đây chính chị lại sung sướng hân hoan và cười thật nhiều trong khi tôi ngồi lặng người đi... 8 năm qua, chị đã nỗ lực không ngừng, chị là một trong những bệnh nhân có H ít ỏi đã biết chớp lấy những cơ hội đến với chị. Cơ hội nhiều khi không tự tìm đến nhưng chị là người biết cách đi tìm những cơ hội cho mình và nắm giữ nó thật chặt.

Chị làm hết sức mình, tận tụy dâng hiến, và từ những cơ may đó, chị gặt hái được thành công này, nối tiếp những thành công khác. Tất nhiên, với người bình thường khỏe mạnh, cơ hội không phải lúc nào cũng có để nắm bắt, hay nhiều để chọn lựa, huống hồ là những người mắc căn bệnh thế kỷ như chị, luôn nhận được những sự kỳ thị từ phía cộng đồng. Thế nhưng chị không giấu giếm nỗi bất hạnh của riêng mình, chị tìm cách để sống chung, thậm chí tôn trọng nó ngay cả khi nó mang đau khổ cho chị.

Những nỗ lực chỉ dành cho những người có tình yêu mãnh liệt với cuộc sống, và biết tin vào sức mạnh nội lực của bản thân. Thành công trong 8 năm qua của chị đó là chị dành được danh hiệu "Người anh hùng thầm lặng" do Billget trao tặng và chị trở thành: "Công dân thủ đô tiêu biểu". Đó là hai niềm tự hào lớn nhất, hai phần thưởng cao quý nhất dành cho chị trong vô số những danh hiệu, những thành công khác mà chị đạt được trong 8 năm qua.

Điều đáng tự hào hơn về chị đó là sau tất cả những thành đạt, hạnh phúc và may mắn mà cuộc sống bù đắp lại cho những nỗ lực của chị, chị vẫn tiếp tục chọn một ý nghĩa sống thủy chung từ trước đến nay là mang tấm lòng của mình đến với những mảnh đời, những thân phận bất hạnh khác.

Hàng tháng chị vẫn đều đặn hỗ trợ nuôi 3 đứa trẻ mồ côi bố mẹ do bị HIV/AIDS, một cụ già cô đơn không nơi nương tựa và một người phụ nữ bị suy thận. Số tiền chị hỗ trợ cho 5 trường hợp đó không nhiều nhưng là khoản đều đặn, thường xuyên. Ngoài ra, chị tiếp tục nối dài hành trình chia sẻ với những trường hợp khác nữa hằng ngày chị gặp. Chị dành quãng đời còn lại cho công việc thiện nguyện. Hạnh phúc của chị là mỗi ngày mở mắt ra chị mỉm cười và thầm nhắc mình: "Tôi yêu mọi người". Mỗi ngày chị tìm bằng được một niềm vui, một ý nghĩa mới cho cuộc sống. Chị trân quý nâng niu từng giây phút sống quý giá của mình. Trong niềm trân quý đó, chị sẻ chia và tri ân với tất cả.

Được sống với chị là hạnh phúc, nhưng sống bằng một đời sống ý nghĩa, thì hạnh phúc đó còn nhân lên gấp bội. Chị vẫn thế, người đàn bà đi trong đời sống để trải rộng tình yêu mặc dầu của mình. Chị chính là Đào Phương Thanh, nhân vật trong bài viết "Vượt lên dốc đứng" của tôi trên tờ báo An ninh thế giới Cuối tháng 8 năm về trước.

Như Bình
.
.