Người sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh

Thứ Bảy, 27/09/2014, 11:25
“Đỗ Trắc Lộc lớn lên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh đã cùng đồng đội “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Những năm tháng khoác trên mình một màu xanh áo lính, cơm vắt ngủ rừng trong đại ngàn Trường Sơn. Những đêm trăng lạnh trên đất nước với triệu gian khổ để lại trong anh nhiều nỗi suy tư. Cũng từ đây anh hiểu sâu sắc giá trị đích thực của cuộc đời. Chiến tranh kết thúc, trở về với cuộc sống đời thường, anh chọn cho mình một việc làm đầy nghĩa hiệp đó là nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, trong đó có những trẻ em nhiễm chất độc da cam. Phải chăng qua những năm chiến tranh máu lửa, lòng nhân ái trong anh được khơi dậy đến tột cùng mà giờ đây anh muốn góp phần làm dịu bớt nỗi đau nhân thế…”.

Nhà văn Nguyễn Đình Bắc đã viết về người thầy Đỗ Trắc Lộc như thế trong lời tựa của cuốn sách thơ của Đỗ Trắc Lộc in tại Nhà xuất bản Văn học.

Tôi đã gặp nhiều con người đặc biệt. Họ đặc biệt bởi tài năng, hay tính cách, hoặc số phận kỳ lạ. Người  mà tôi xin giới thiệu ra đây quả thực rất đặc biệt. Ông đặc biệt bởi những việc ông làm tuy giản dị nhưng cũng đầy khó khăn và không ít chông gai, va đập. Ông đã chọn một công việc khá dũng cảm mà ít ai dám làm đó là tự bỏ tiền cá nhân để nuôi và dạy nghề cho trẻ khuyết tật và bị nhiễm chất độc da cam.

Kể từ ngày định mệnh năm 1994 cho đến nay vừa vặn 20 năm, tổ ấm tình thương của ông đã nuôi dạy 300 trẻ. Và một ông bố với đàn con thơ đó từ khi là một thanh niên đang độ sung sức đến giờ đã là một người đàn ông với nhiều nét hằn sâu dọc ngang trên gương mặt. Mái tóc đen của ông ngày nào giờ đã lốm đốm sợi bạc. Nhưng, ông với đám con thơ dại của mình vẫn cứ rong ruổi trên mọi nẻo đường để mang tiếng hát, lời ca, điệu múa làm đẹp cho đời. Một ông bố có đến 300 đứa con. Đứa lớn như chim đã trưởng thành, đủ lông đủ cánh bay đi khỏi tổ để vui với cuộc sống hạnh phúc lứa đôi. Đứa bé như chim non vẫn đang líu ríu trong vòng tay bao bọc của ông.

Đó là một ngày đối với tôi không giống như mọi ngày, khoảng 7 giờ tối trời thu Hà Nội, đi qua con phố Bà Triệu chỗ ngã năm giao nhau giữa các tuyến phố Bà Triệu, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du… đám đông đang vây lại sân khấu nhỏ ngoài trời. Trên sân khấu là một cậu bé khoảng 8 tuổi bị mù đang cầm micrô hát bài "Lòng mẹ". Tiếng hát của cậu bé tha thiết, trong trẻo và vô vàn cảm xúc. Dòng chữ trên tấm pano trên sân khấu khiến cho người qua lại rưng rưng: "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam".

Bên cạnh sân khấu là những cái loa thùng lớn. Một người đàn ông ngoài 50 tuổi, mặc áo sơ mi trắng, cầm micrô giới thiệu chương trình gồm những bài hát, điệu múa, ảo thuật, âm nhạc dân tộc. Điều đặc biệt của chương trình này khác tất cả các chương trình nghệ thuật khác đó là những nghệ sĩ thể hiện khi sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi, đó là cậu bé mù, cô bé bị câm, bị điếc, bị tật nguyền, dị dạng… Người đàn ông giới thiệu chương trình mà sau này tôi biết đó chính là người thầy, người cha đã nuôi dưỡng và dạy nghề cho hàng trăm trẻ khuyết tật và nhiễm chất độc da cam.

Câu chuyện tình cờ hay bàn tay sắp đặt của số phận mang tên định mệnh. Cách đây vừa tròn 20 năm, thầy Đỗ Trắc Lộc lúc đó tuổi chưa đến 40. Sau ngày đất nước thống nhất, ông làm thơ, làm phóng viên tự do cho nhiều tờ báo. Báo Nhi đồng, Tuổi xanh… Và không ít ca khúc do ông sáng tác được Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng như bài "Lời thầy", "Mùa xuân tình yêu", "Hà Nội niềm tin trong ta".

Yêu và gắn bó với âm nhạc, với văn học, trong con người chiến sĩ có tính nghệ sĩ ấy đã có những dự cảm bồng bềnh và đầy lãng mạn. Một buổi chiều đặc biệt, sau khi đi từ tòa soạn Tuổi xanh về ngang qua một con phố ông thấy ba đứa trẻ lang thang đi xin ăn. Chúng vừa đi vừa hát. Một đứa bé gái và hai đứa bé trai, mặt mày lấm lem, đầu tóc bù xù, áo quần nhầu nhĩ. Đứa bé gái tầm 8 tuổi cất giọng hát trong veo, hai  bé trai kia cũng hát hay không kém. Chúng cầm cái ống bơ, chìa ra xin người đi đường. Có người thương xót mở túi thả vào đấy vài đồng bạc lẻ, có người thì quay mặt bước đi.

Ba đứa trẻ lang thang khắp các tuyến phố, Đỗ Trắc Lộc khi ấy chuyên viết chuyên mục cho trẻ em nhìn thấy những đứa trẻ nghèo khổ lại có giọng hát rất hay liền bị mê hoặc. Một tình thương bao trùm, sau khi thả tiền vào ống bơ cho bọn trẻ, ông tiếp tục lên xe hòa vào dòng người tấp nập... Nhưng rồi, chỉ đi khoảng nửa tiếng sau, như có một cái gì đó thúc giục, ông quay lại tuyến phố có mấy đứa trẻ ăn xin hát lúc nãy nhưng bọn trẻ đã không còn ở đó.

Ông ngược xuôi hỏi thăm về bọn trẻ từ những người đi đường, sau một hồi lần tìm rồi ông cũng thấy chúng. Vừa mới lấy được nhuận bút, ông đưa chúng đến một quán ăn bình dân. Bọn trẻ đói bụng ăn ngấu nghiến, ngon lành như thể lâu lắm rồi chúng chưa được ăn. Hỏi chuyện bọn nhỏ, đứa bé gái mồ côi từ nhỏ. Hai bé trai hoàn cảnh khó khăn. Một tình thương dâng trào trong con người vốn giàu cảm xúc. Ông hỏi địa chỉ bọn trẻ. Chúng lang thang vạ vật, đâu có ở chỗ nào cố định.

Ông đưa bọn trẻ về nhà của mình ở Thanh Oai, Hà Tây. Vợ ông, người phụ nữ tảo tần ngày ngày bán rau ngoài chợ, thấy chồng đưa ba đứa trẻ nhếch nhác về nhà thật không hiểu ra sao. Kinh tế gia đình cũng chả khấm khá gì, tất cả chỉ trông chờ vào những đồng nhuận bút viết báo của chồng và mấy hào lẻ bán rau ngoài chợ của vợ, vậy mà lại nuôi thêm mấy miệng ăn nữa, chị không dám trách cứ chồng mà chỉ lẳng lặng lo toan thêm.

Vốn quen biết với nhiều bạn trong giới nghệ thuật, ông mời những người bạn nhạc sĩ của mình đến nhà dạy hát cho bọn trẻ. Những đứa trẻ từ lâu lang thang bờ bụi quen, lại tự do ăn ngủ sinh hoạt tùy hứng, giờ cho vào nếp thật khó khăn và phải vô cùng kiên trì. Và rồi, một ý nghĩ nảy sinh trong ông: dạy học, dạy hát cho bọn trẻ ăn xin này để chúng sống tại nhà mình có một mái nhà che nắng, che mưa.

Những ngày sau đó, ông lại nhặt về mấy đứa trẻ ăn xin, có đứa gầy và đói rách như cành cây khô, đứa thì đầu toàn chấy, ghẻ... Đã vậy, việc "nhặt" trẻ ăn xin đâu có đơn giản bởi bọn trẻ thấy có người đàn ông đi theo, chúng nghĩ ông ta đi theo làm gì? Tại sao lại cho mình ăn. Chúng thì thầm: "Ông ta chính là mẹ mìn bắt chúng ta để bán rồi". Nhưng bằng sự thân thiện, gần gũi, ông xua tan được nỗi lo sợ và nghi ngờ của bọn trẻ. Một lần đến thăm một người bạn ở chiến trường với ông năm xưa khi trở về nhà lấy vợ và sinh con, đứa trẻ không may bị mù, bác sĩ bảo đó là do di chứng của chất độc dioxin mà đế quốc Mỹ đã rải thảm trong chiến trường miền Nam. Đứa trẻ đó thỉnh thoảng hát. Tiếng hát của cậu bé trong lành và man mác buồn.

Ông bảo bạn: "Tớ sẽ đón con cậu về nhà tớ mời nhạc sĩ dạy hát cho các cháu". Cứ thế người nọ chuyền tai người kia, chả mấy chốc nhà ông có đến hơn 30 đứa trẻ. Trẻ khuyết tật, trẻ bị di chứng chất độc da cam, có bé bị câm, bị mù, điếc, chậm lớn… Đoàn nghệ thuật nhân đạo tình thương ra đời. Được Bộ Lao động - Thương binh Xã hội cấp giấy phép, vậy là đoàn nghệ thuật do ông thành lập được biểu diễn khắp các nơi.

Hành trang thật đơn sơ, vài cái micrô cũ mua rẻ ở các đoàn nghệ thuật nhà nước. Phông bạt trang trí sân khấu ngoài trời do mấy bạn họa sĩ làm tặng. Bọn trẻ rong ruổi với ông những ngày đầu đi bằng xe ôtô khách khi diễn các tỉnh xa, hoặc thuê xe với giá rẻ vì người ta cũng muốn làm phúc cho những đứa trẻ khi sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi. 

Người dân tò mò xem những cô bé, cậu bé biểu diễn trên sân khấu. Đoàn nghệ thuật đến bản làng nào, thỉnh thoảng những ông bố, bà mẹ có con bị khuyết tật hay bị di chứng chất độc da cam liền đến xin với thầy Lộc cho cháu vào đoàn, dìu dắt con cháu họ. Tất cả với mong mỏi, dù số phận có như thế nào, thân thể tật nguyền như thế nào, vẫn là người có ích trong cộng đồng. Đứa trẻ khiếm thị có chút giọng thì được học hát, những đứa bé bị câm, điếc thì học múa. Bé bị lùn thì làm trò ảo thuật.

Những năm tháng đầu quả là vất vả, đã có lúc tiền không kiếm được, gạo trong vò cũng hết, miệng ăn núi lở... ông phải đi cắm cái xe máy duy nhất của mình để có tiền lo cho bọn trẻ. Có những lúc một đứa trẻ ốm sốt là lập tức vài hôm sau mấy đứa trẻ khác cũng sốt theo vì bị lây nhau. Cái xe máy đấy cứ chuộc ra rồi lại gửi vào tiệm cầm đồ như cơm bữa để lo cái ăn cho các con.  Qua cơn bĩ cực tất đến ngày thái lai.

Thời gian, năm tháng cho ông kinh nghiệm. Trong nhà có trẻ ốm sốt thì phải làm sao, cho uống thuốc gì?! Nuôi dạy một trẻ bình thường đã khó, với trẻ bị khuyết tật còn khó khăn gấp bội. Chúng rất nhạy cảm, và cũng rất dễ bị tổn thương. Những điều nói với các con ông phải tìm lúc thích hợp, và cách nói sao cho hợp lý. Tình yêu và tình thương dành cho bọn trẻ cũng phải công bằng, không thì chúng lại nghĩ đứa được yêu nhiều, yêu ít, rồi tị nạnh, hờn ghen...

Nuôi một đám trẻ quả là chuyện không hề đơn giản. Lúc mới đưa bọn trẻ về nhà ông cũng chưa lường hết khó khăn, đến khi vào thực tế, ông mới thấy quả thật là mình đã làm một việc khá mạo hiểm mà cũng chả biết rốt cuộc sẽ đi đến đâu. Có phải đứa trẻ nào cũng thích hát, thích múa đâu. Trẻ có năng khiếu thì tập luyện chăm chỉ, nhưng có đứa lại lười biếng cả tháng trời đưa về nhà hết ăn rồi lại ngủ chẳng chịu tập tành gì cả. Thế là ông lại phải ôm ấp vỗ về, giải thích nặng nhẹ cũng có cả.

Rồi sống chung trong một ngôi nhà lại là bọn trẻ cả nam và nữ đang tuổi lớn, tuổi dậy thì, tuổi phát triển tâm sinh lý đâu có đơn giản. Có những đứa có tình cảm với nhau, chỉ thoáng tinh ý là ông nhận ra ngay. Bọn trẻ vốn từ thơ bé đã sống hoang dại như cây cỏ, nhỡ xảy ra hậu quả thì sao? Ai biết được điều gì?! Ông lo lắng, suy nghĩ, làm thế nào để tốt nhất cho các con. Cậu trai 18 tuổi bị mù, đứa bé gái 16 tuổi bị câm vậy mà chúng có tình cảm với nhau.

Trong ngôi nhà tình thương ấy không thiếu những câu chuyện như vậy. Hình như, trong tận cùng của sự thiệt thòi thì tình yêu cũng được nảy mầm từ tận cùng của sự mất mát. Chàng lùn yêu thiếu nữ xinh xắn bị câm. Tình yêu của chúng đến một cách tự nhiên và lãng mạn như câu chuyện cổ tích.

Mỗi khi trái gió trở trời khiến những đứa trẻ nhiễm chất độc da cam bị đau nhức khớp xương, nhìn các con lòng ông đau như cắt. Giờ đây, chúng đi hát, đi diễn không bán vé chỉ sống bằng sự đùm bọc của xã hội. Sau này, các con sẽ làm gì để sống đây?! Trăn trở chất chồng trăn trở. Thế rồi, cứ tích cóp, chăm chỉ năng nhặt chặt bị, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đi lưu diễn đều đặn. Các con ngoài tiền nuôi ăn thì đứa nào cũng được ông làm cho một cuốn sổ tiết kiệm riêng. Cứ bữa nào đi diễn đứa nhiều thì được 150 ngàn đồng, đứa ít cũng được 80 nghìn đồng. Số tiền đấy được  cho vào sổ tiết kiệm mang tên từng đứa. 

20 năm trôi qua mà như mới ngày nào, đã bao nhiêu đứa rời khỏi vòng tay của ông, có nhiều cô đã lấy chồng sinh con và thành đạt. Con bé ăn xin năm nào lần đầu ông gặp lang thang trên phố giờ đã là bà chủ của 3 tiệm bánh ngọt tại Hà Nội. Cả cái con bé ăn xin xinh xắn năm xưa lấy thằng bé mồ côi trong đoàn giờ cũng đã thành đạt ở tận Móng Cái, Quảng Ninh. Thỉnh thoảng các con nhớ bố gọi điện hỏi thăm ông. Cứ đám này lớn lên vỗ cánh bay đi lại đám khác nhỏ hơn bấu víu vào. Cái tổ ấm đấy sau 20 năm đến nay đã hoành tráng lắm, hiện tại có 80 em nhỏ chia làm ba nơi biểu diễn. Một ở quê ông, Thanh Oai, Hà Tây. Một ở Gia Lâm. Còn một ở Tây Hồ. Giờ đoàn đã có hai ôtô để chở bọn trẻ đi lưu diễn. Đoàn có tên gọi Trung tâm nhân đạo Thăng Long.

Ông cho tôi xem một phiếu thu, vậy là chỉ tính riêng từ đầu năm 2014 đến nay, đoàn do những trẻ khuyết tật và nhiễm chất độc da cam đi biểu diễn ngoài việc nuôi trẻ trong đoàn trả lương và gửi tiết kiệm, đoàn còn đưa vào Quỹ Nạn nhân nhiễm chất độc da cam Việt Nam số tiền là 60 triệu. Số tiền lao động chân chính rất đáng trân trọng này của chính những em khuyết tật dành cho các em khuyết tật khác. Những tia nắng ban mai ấm áp, chan hòa như tình thương của người thầy, người cha Đỗ Trắc Lộc trong tổ ấm đầy lòng trắc ẩn, nhân ái

Trần Mỹ Hiền
.
.