Kỷ niệm 70 năm lực lượng Công an nhân dân thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy (11-3-1948 – 11-3-2018)

Người trông giữ ngôi chùa ghi dấu Sáu điều Bác Hồ dạy CAND

Thứ Hai, 12/03/2018, 10:19
Những ngày tháng 3 lịch sử chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Lực lượng CAND học tập, thực hiện sáu điều Bác Hồ dạy (11-3-1948 – 11-3-2018), chúng tôi trở lại thôn Chùa Nguộn, xã Nhã Nam (Tân Yên, Bắc Giang), nơi Công an khu XII đóng quân từ năm 1946 đến năm 1948. Con đường nhỏ giờ đã thành đường trải nhựa rộng rãi. Chỉ chưa đầy 6 tháng, công trình lớn khu lưu niệm sáu điều Bác Hồ dạy đã hoàn thành, đẹp và trang trọng. Tất cả sẵn sàng cho ngày 11-3 lịch sử.

Ngôi chùa và nhân chứng đặc biệt

Nằm sát công trình khu lưu niệm là chùa Đại Phúc (hay chùa Tứ Giáp) cổ kính nép mình dưới những tán cổ thụ - là nơi đồng chí Hoàng Mai, Giám đốc Công an Khu XII nhận bức thư Bác Hồ dạy về “Tư cách người Công an cách mệnh”.

Những trang giấy về lịch sử ngôi chùa còn lưu lại cho biết, chùa Tứ Giáp, còn gọi là Đại Phúc, được xây dựng từ thời Lê (năm 1771 đến năm 1773) với kiến trúc trước là đình, phía sau là chùa. Gọi là Tứ Giáp để ghi danh nhân dân 4 giáp: Chuông, Thượng, Nguột, Hạ đã cùng hưng công xây dựng lại chùa to đẹp hơn. Chùa có 7 gian tiền đường, 7 gian ngoài và 3 gian hậu cung. Đây là ngôi chùa khá đặc biệt - chùa không có sư.

Người trông nom, hương khói cho ngôi chùa hằng ngày là cụ Nguyễn Đức Cử (sinh năm 1935) có hơn 30 năm hương khói, giữ gìn ngôi chùa này. Nơi đây, Sở Công an Khu XII gồm Văn phòng, Ban Điều tra, Ban Trật tự, Ban Tư pháp làm việc từ những năm 1946-1948. Dưới Sở Công an có Ty Công an các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Hải Ninh, Quảng Yên (cũ). Cũng tại đây, tờ báo Bạn dân - nội san của Công an Khu XII ra đời.

Các bác sĩ Bệnh xá Công an tỉnh Bắc Giang khám, chữa bệnh cho nhân dân xã Nhã Nam.

Giám đốc Công an Khu XII lúc đó là đồng chí Hoàng Mai. Nhân dịp tết Nguyên đán năm 1948, đồng chí Hoàng Mai đã gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh một tờ báo Bạn dân (do Sở Công an Khu XII xuất bản). Và, chỉ ít ngày sau, ngày 11-3-1948, Bác Hồ gửi thư cho đồng chí Hoàng Mai, trong thư có 6 nội dung nói về “Tư cách người Công an cách mệnh”: “Đối với tự mình: Phải cần, kiệm, liêm, chính; Đối với đồng sự: Phải thân ái giúp đỡ; Đối với Chính phủ: Phải tuyệt đối trung thành; Đối với nhân dân: Phải kính trọng, lễ phép; Đối với công việc: Phải tận tụy; Đối với địch: Phải cương quyết, khôn khéo”.

Trải qua 70 năm, Sáu điều Bác dạy đã trở thành phong trào thi đua rộng lớn, liên tục, luôn là trọng tâm xuyên suốt trong công tác chiến đấu, xây dựng lực lượng CAND. Sáu điều Bác dạy đã trở thành di sản tinh thần vô cùng quý báu của lực lượng CAND, là cẩm nang, chuẩn mực đạo đức, tư cách, là mục tiêu rèn luyện, phấn đấu, công tác của mỗi cán bộ chiến sĩ (CBCS) CAND.

Năm 2013, nhân kỷ niệm 65 năm học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an Bắc Giang tổ chức gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, xác minh địa điểm đóng quân của Công an Khu XII. Sau nhiều ngày tìm kiếm, xác minh qua các tư liệu lịch sử, Công an Bắc Giang đã xác định chính xác xã Nhã Nam là nơi Công an Khu XII đóng quân. Trong quá trình sống, làm việc ở đây, CBCS Công an Khu XII không xây dựng nhà cửa, lán trại mà sống phân tán ở các hộ gia đình và chùa Tứ Giáp.

Đồng chí Hoàng Ngọc Hải, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (trước đây kiêm Trưởng Công an xã Nhã Nam) là một trong những người được giao trách nhiệm xác minh địa điểm chính xác về nơi nhận được lá thư của Bác thời điểm 65 năm trước. Anh Hải là người trực tiếp khảo sát nơi đóng quân của Công an Khu XII thời kháng chiến chống Pháp, tìm các nhân chứng lịch sử. Và nhân dân đã giúp anh có đủ căn cứ để xác định, Công an Khu XII đóng quân ở chùa Tứ Giáp.

Công an xã Nhã Nam chỉ vết tích đạn giặc bắn phá sau khi phát hiện trụ sở Công an khu XII làm việc.

Thêm một điều may mắn nữa là trong lịch sử xã Nhã Nam có đoạn ghi về hoạt động của Công an Khu XII thời kỳ toàn quốc kháng chiến. Trao đổi với chúng tôi, anh Hải cho biết: Sau khi khảo sát, chúng tôi đã tham khảo lịch sử xã Nhã Nam và xác định trong lịch sử cũng có một đoạn ghi rõ về việc Công an Khu XII đóng quân tại xã; gặp các cụ cao tuổi là nhân chứng, có nhiều cụ cho biết đã gặp ông Hoàng Mai, mọi người gọi tên là Hoàng.

Lúc đó, các cán bộ công an đều mặc thường phục, hoạt động bí mật nên không ai biết họ là công an. Ngoài giờ làm việc, các cán bộ còn giúp đỡ nhân dân, dạy các cháu thiếu nhi học chữ, học hát...”.

Một điều khá đặc biệt, đó là gia đình cụ Nguyễn Đức Cử - người trông coi chùa Tứ Giáp - cũng chính là một trong những gia đình cưu mang, giúp đỡ, nuôi giấu đồng chí Hoàng Mai và các bộ Công an Khu XII.

“Cụ Hoàng Mai ở nhà tôi, lúc đó tôi khoảng 11-12 tuổi, thi thoảng được bố giao việc nấu cơm cho các cán bộ” - cụ Cử bắt đầu câu chuyện 70 năm về trước. Ánh mắt cụ sáng lên khi nhớ về những kỷ niệm đẹp thời ấu thơ, giọng kể rành mạch xen lẫn niềm tự hào khi được sinh ra trong gia đình có công giúp đỡ cách mạng, nuôi giấu cán bộ. “Hằng ngày, các bác ấy ăn cơm, ngủ ở gia đình tôi, lên chùa làm việc. Lúc đó, tôi không biết ông Hoàng Mai là ai, làm việc gì, chỉ biết là cán bộ. Bố tôi dặn, không được nói chuyện có cán bộ ở nhà mình, ai hỏi gì cũng phải nói không biết, mọi việc đều phải tuyệt đối bí mật. Chính vì vậy, khi các bác cán bộ làm việc, họp hành, chúng tôi đều lảng đi chơi. Buổi chiều tối, các bác ấy thường vào các hộ dân neo đơn làm việc giúp họ, buổi tối dạy chúng tôi hát, dạy chữ...”.

Ký ức của cụ Nguyễn Đức Cử về các cán bộ công an là những người hoạt động rất kín đáo, bí mật nhưng sống chan hòa, gần gũi với nhân dân, thường xuyên giúp đỡ nhân dân, nhất là đối với người già, người nghèo.

Nhà cụ Nguyễn Đức Cử có 5 anh em, nhưng chỉ cụ và anh trai cả Nguyễn Đức Khuê là được gắn bó nhiều với các cán bộ Công an Khu XII bởi được bố tin tưởng thi thoảng sai nấu cơm, đun nước hoặc giúp đỡ một số việc lặt vặt. Cụ Cử cũng là một trong những người vinh dự được các cán bộ Công an Khu XII dạy học, dạy hát.

Năm 1989, được người dân tín nhiệm giao trọng trách bảo quản, giữ gìn chùa Tứ Giáp, cụ Cử đã coi đây là ngôi nhà thứ hai của mình. Hằng ngày, dù nắng hay mưa, dù mùa đông hay mùa hè, cụ đều tự tay thắp hương lễ phật, quét tước, giữ gìn ngôi chùa này. Cụ thuộc lòng từng viên gạch, từng gốc cây, cả những cây cột còn hằn nguyên vết tích bom đạn giặc.

“Sau khi các cán bộ chuyển đi, địch phát hiện đây chính là trụ sở làm việc của công an nên đã bắn phá dữ dội, ngôi chùa này gần như bị san phẳng, các cụ cao tuổi và nhân dân 4 giáp đã đóng góp xây dựng, trùng tu lại ngôi chùa như ngày hôm nay” - cụ Cử cho biết.

Giữ bình yên trên mảnh đất lịch sử         

Vinh dự, tự hào được sống, cống hiến ở nơi phát tích Sáu điều Bác dạy, nhiều năm qua, Công an tỉnh Bắc Giang đã phát động các cuộc thi đua học tập, làm theo lời Bác; mở nhiều đợt sinh hoạt chính trị học tập, thực hiện Sáu điều Bác dạy, trong đó, chú trọng về văn hóa giao tiếp, ứng xử, vì nhân dân phục vụ; cải cách hành chính, lắng nghe ý kiến nhân dân, thực hiện quy chế nêu gương.

Kết quả  3 năm gần đây nhất thực hiện, học tập Sáu điều Bác Hồ dạy (2015 đến nay), Công an Bắc Giang đã có nhiều tấm gương mưu trí, dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tận tình phục vụ nhân dân.

Điển hình như Phòng Cảnh sát giao thông đã phát hiện 15 vụ, bắt giữ 31 đối tượng có hành vi tàng trữ, vận chuyển 136 bánh heroin, 3.465 viên ma túy tổng hợp, 2 khẩu súng, 14 viên đạn; bắt 2 vụ, 3 đối tượng vận chuyển 4,3kg sừng tê giác, gần 600 kg ngà voi; đã nỗ lực kéo giảm TNGT liên tiếp 6 năm liền; 2 năm được Chính phủ tặng Cờ đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua; Phòng Cảnh sát hình sự đã xác lập và kết thúc 25 chuyên án, bắt 76 đối tượng; tổ chức xác minh truy bắt 57 đối tượng truy nã, đấu tranh, triệt xóa 27 ổ nhóm gồm 83 đối tượng hình sự, điều tra khám phá 100% số vụ trọng án...

Công an các phòng, huyện, thành phố đã triển khai thực hiện phong trào thi đua với những khẩu hiệu hành động phong phú, dễ hiểu, dễ thực hiện, bám sát chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế ở từng đơn vị, địa phương như: “Đạo đức tốt, nghiệp vụ tốt, khoa học tốt”; “Ngày Thứ bảy vì nhân dân phục vụ”; “Giảm vụ cháy, giảm thiệt hại, tăng hình ảnh đẹp của người chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy trong lòng nhân dân”; “Tai nạn giao thông thấp nhất, văn hóa ứng xử tốt nhất, bắt giữ tội phạm nhiều nhất”; “Đổi mới, chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả, vì bình yên thành phố”... Nhờ đó, công tác bảo vệ an ninh chính trị luôn chủ động, kịp thời, không để bị động, bất ngờ và xảy ra điểm nóng về ANTT.

Cụ Nguyễn Đức Cử minh họa lại hình mộc bản in báo Bạn Dân thời bấy giờ.

Công an các huyện, thành phố duy trì mô hình làm CMND lưu động tại địa bàn cơ sở; cấp phát CMND tại bộ phận 1 cửa UBND các huyện, thành phố; cấp phát CMND qua đường bưu điện; chỉ đạo bộ phận giải quyết thủ tục hành chính của công an các đơn vị, địa phương làm việc thêm ngày Thứ bảy hằng tuần với khẩu hiệu “Ngày Thứ bảy vì nhân dân phục vụ.

Là địa bàn có nhiều người xuất cảnh trái phép ra nước ngoài lao động, Công an Bắc Giang đã chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, quản lý, ngăn chặn nên số người địa phương xuất cảnh trái phép đã giảm nhiều theo từng năm. Đặc biệt, Công an tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể triển khai thực hiện nhiều biện pháp, mô hình hay tạo nhiều điều kiện thuận lợi giúp đỡ số phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc và số công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động trở về địa phương ổn định cuộc sống, hòa nhập cùng với cộng đồng dân cư.

Điển hình như: mô hình “Ngôi nhà bình yên”, “Địa chỉ tin cậy” của Hội Phụ nữ, mô hình “Giúp đỡ thanh niên chậm tiến, yếu thế phát triển kinh tế” của Đoàn Thanh niên...

Một trong những điểm nổi bật, đó là Công an Bắc Giang đã làm tốt công tác tham mưu, vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng để xây dựng nhiều công trình lớn. Điển hình là dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 293 - là con đường ngắn nhất nối liền Hà Nội với chùa Yên Tử (Quảng Ninh) dài gần 100km,  việc giải phóng mặt bằng liên quan đến quyền lợi của trên 5 nghìn hộ dân nhưng không xảy ra phức tạp về ANTT, người dân đều đồng thuận nên dự án đã sớm được triển khai và đưa vào sử dụng, tạo được niềm tin trong nhân dân.

Với những nỗ lực, cố gắng vượt bậc trong học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, CBCS Công an Bắc Giang đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng nhân dân. 3 năm liên tiếp (2015, 2016, 2017) Công an tỉnh được Bộ Công an và Chính phủ tặng Cờ Thi đua xuất sắc. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, kinh tế ở địa phương không ngừng phát triển.

Có được điều đó, là sự cố gắng hết mình của CBCS nơi đây, bởi đối với họ, vinh dự, tự hào được sống, cống hiến trên mảnh đất lịch sử - nơi khởi nguồn Sáu điều Bác dạy.

Phương Thủy
.
.