Người “vớt xác” ở Đà Giang

Chủ Nhật, 10/06/2007, 09:20

80 tuổi đời, 60 năm ông Ngô Văn Tám sống với nghề vớt xác chết. Cứ có người chết trôi sông là ông dò bằng lưỡi câu rồi lặn xuống ôm tử thi lên bờ. Chính ông cũng không nhớ nổi mình đã vớt bao nhiêu người, chỉ có những ký ức hãi hùng là ông không thể quên.

Ký ức hãi hùng...

Một đoàn người đi xem chiếu bóng ở Trường Thanh niên lao động Hòa Bình ra về bằng một chiếc thuyền nan lúc đêm khuya. Đến giữa dòng, con thuyền chòÂng chành và lật úp mang theo 18 con người. Nghe tiếng kêu cứu thảm thiết, ông Tám tập hợp 20 thanh niên khỏe mạnh nhất của làng chài cùng 10 con thuyền, họ cứu sống được 12 người, 6 người còn lại không tìm thấy xác. 10 con thuyền giăng câu quần nát một khúc sông. Trên bờ, tiếng khóc thê thảm.

Đến giữa trưa, khi hy vọng đã gần tắt thì bỗng dưng 2 manh lưới  nặng tay đến lạ kỳ, ông Tám lặn xuống kiểm tra. Hai cái xác đã vương vào móc câu. Đội câu lại dàn hàng ngang quần thảo trên khúc sông, cứ mỗi lần lưới nặng là ông Tám lại đích thân lặn xuống kiểm tra. Lần lượt 4 xác người nữa được kéo lên. 6 xác chết và tiếng kêu khóc thảm thiết làm ông đến bây giờ vẫn còn nhớ như in cái buổi chiều tang tóc khủng khiếp ấy.

Hai ngày, hàng chục con cháu, láng giềng của ông Tám không hề nhận một đồng xu tiền công nào bởi vì gia đình của những người xấu số đều nghèo khổ, lại đang chìm trong tang tóc. Ông Tám an ủi đám thợ: “Thôi thì làm phúc cho cháu con”.

Nhiều người thắc mắc, phàn nàn... cũng phải, bởi vì họ mất mấy bộ lưới, lưỡi câu, mỗi bộ ngót nghét 300 nghìn đồng. Mỗi bộ lưỡi câu chỉ được phép dùng cho một lần vớt xác, dùng xong phải bỏ đi. Họ cho rằng, lưỡi câu đã dính thịt người sẽ không rà trúng tử thi được nữa bởi nó đã có mùi tử khí.

Ông Tám nhấp một ngụm rượu, rùng mình nhắc lại chuyện vớt xác trong tai nạn lật thuyền tại Bãi Đạo, Hợp Thịnh, Kỳ Sơn. Vụ tai nạn cách đây khoảng chục năm là ký ức kinh hoàng nhất mà ông từng trải qua.

Người thề sẽ “cướp cơm” Hà Bá

Sông Đà chảy suốt vùng Tây Bắc, đến Hòa Bình nó bị chặn lại bởi đập thủy điện, vì thế mà vùng hạ lưu sông trở nên bớt dữ dội hơn. Nhưng người dân nơi đây vẫn quan niệm, ngay sau con đập mới là đoạn “dữ” nhất của sông Đà. Bởi dưới dòng nước dữ dội của cửa xả lũ nhà máy thủy điện, năm nào dòng sông cũng lấy đi một vài mạng người, mà người ta vẫn gọi là “tế sông”.

Cách cửa xả nước khoảng nửa km là cầu Hòa Bình, ngay cả những người dân chài sống ở đây cũng chẳng nhớ nổi đã có bao nhiêu người tự kết liễu đời mình trên cây cầu này.

Những người xóm chài thuộc phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình kể cho chúng tôi nghe câu chuyện của một cặp tình nhân. Gia đình hai bên phản đối kịch liệt chuyện tình yêu của họ. Thế là vào một buổi chiều mùa đông lạnh lẽo, hai người đi bộ lên giữa cầu.

Trời nhá nhem tối và trong cơn mưa sụt sùi, người dân qua lại không để ý, họ đã đứng ôm nhau thật lâu và lấy dây thừng cột chặt vào nhau, buộc thêm một hòn đá tảng thật to. Cả hai cùng lao mình xuống dòng nước lạnh lẽo chảy xiết ngay trong khi thủy điện Sông Đà đang xả lũ để thực hiện mong ước không thể chia lìa.

Anh Chung - một thanh niên ở phường Tân Thịnh kể, cách đây hai năm, khi anh đi làm về, dừng lại trên cầu hóng mát. Bỗng anh thấy một người con gái rất đẹp đi bộ lên cầu, đứng lặng lẽ nhìn dòng nước. Anh bắt chuyện, cô òa khóc kể về thân phận éo le của mình: bị người tình phản bội, ngày mai là ngày anh ta lên xe hoa với một người con gái khác trong khi cô đã mang trong mình giọt máu của người tình bạc bẽo.

Cô ta còn cho Chung biết tên, địa chỉ, số điện thoại của người tình. Khi Chung vừa quay đi, bỗng nghe một tiếng ùm, người con gái đã lao xuống dòng nước chảy xiết. Anh gọi người cứu, nhưng tất cả đều vô vọng.

Người ta tìm đến cầu Hòa Bình để kết liễu cuộc sống vì rất nhiều lý do: thất tình, vì gia đình, vì tuyệt vọng, vì làm ăn thua lỗ... Có người chán sống thật nhưng cũng có người chỉ để dọa gia đình, cũng có người chỉ nghĩ quẩn chứ chưa muốn... chết thật.

Vậy nên mới có chuyện khôi hài là một chàng thanh niên 18 tuổi, vì đòi bố mẹ mua xe máy xịn không được nên hùng hổ lên cầu, gọi điện về nhà “báo tử” rồi nhắm lúc có thuyền chài chạy qua dưới cầu thì phi thân xuống. Và tất nhiên khi được vớt lên, uống một bụng đầy nước thì chàng công tử đó khiếp đến già không bao giờ dám bén mảng đến cây cầu này nữa.

Năm 2006, có một người đàn ông đi buôn, bị thua lỗ, nợ ngập đầu, nghĩ quẩn anh ta ra cầu nhảy. Vừa trẫm mình xuống dòng nước lạnh, không biết có phải vì uống nước mệt hay sợ chết mà vừa rơi xuống anh ta đã... nghĩ lại: cắm đầu cắm cổ bơi một mạch vào bờ, thôi... không chết nữa. Đó là hai trong vài trường hợp hy hữu từ trên cầu rơi xuống mà sống sót.

Những người dân chài ở đây cho hay: đa phần người rơi xuống nếu không được cứu ngay đều chết vì nước dưới chân cầu chảy xiết, nhất là những khi nhà máy thủy điện xả nước. Một phần vì lời nguyền sai lầm của một vài người làm nghề sông nước: đã kiếm ăn nhờ nghề sông nước thì không được "cướp cơm" Hà Bá, nếu không thì mạng đổi mạng, cứu một mạng, trả Hà Bá một mạng (?!). Nhưng đó chỉ là lời đồn cho nên cũng như bao người làm nghề sông nước khác, ông Tám đã nguyện suốt đời "cướp cơm" của Hà Bá.

80 tuổi - 60 năm vớt xác người

Ông Tám chèo thuyền nan vào bờ đón chúng tôi. Dù đã 80 tuổi nhưng người ông rắn chắc, giọng nói sang sảng, nước da bánh mật, ông đã có thâm niên làm "nghề" vớt xác chết trên sông Đà đã 60 năm. Theo cha “làm quen” nghề này từ khi chưa đầy 20 tuổi, cứ có người chết đuối trên vùng sông Đà là người ta lại tìm đến ông, lâu dần thành “nghề”.

Lưỡi và móc câu dùng để rà xác chết.

Khoang thuyền của ông trống hơ trống hoác. Chúng tôi bước lên thuyền thì con dâu và hai đứa cháu của ông phải bỏ dở giấc ngủ trưa, thu dọn vội chăn gối, ra mui thuyền ngồi nhường chỗ cho khách.

Rót chén rượu mời khách xong ông Tám gọi anh Ngô Văn Thị - con trai thứ 5 của mình lấy ra dụng cụ làm “nghề”. Một cuộn lưới quét dài 200m, được đính hàng trăm lưỡi câu vương sắc ngọt. Mỗi lưỡi câu thép dài khoảng 7cm, được uốn cong và chĩa ra rất nhiều cạnh.

Anh Thị mô tả công dụng lưỡi câu: “Lưỡi câu vương này thả để khi rà lưới gặp xác thì nó tự móc vào áo, quần...”. Nói rồi anh Thị căng lưới, tôi cầm một đầu, anh Thị cầm một đầu kéo vương vào người ông Tám, những lưỡi câu này gặp quần, áo cứ tự động móc vào.

Trước khi giăng lưới, ông Tám tính toán thời điểm chết của người xấu số, nhìn dòng chảy để đoán nơi thả lưới. Bởi vì các xác chết khi vừa xuống nước thường chìm dưới lòng sông, muốn nổi lên thì phải chờ 3 đến 4 ngày. Khi tìm xác, ông và các con trai sẽ ngồi ở hai thuyền con căng lưới từng đoạn sông.--PageBreak--

Có khi cả ngày toàn mắc phải bùng nhùng, rác rưởi... nhưng có khi vừa thả lưới xuống đã gặp xác ngay. Nếu thấy lưới nặng, đích thân ông sẽ lặn xuống kiểm tra, nếu gặp xác thì... ôm xác bơi vào.

- Thế ôm xác chết vào người mà ông không sợ à?

- Ôm mãi cũng thành quen rồi, nhưng nhiều khi vẫn ơn ớn.

Lúc đưa xác lên bờ cũng phải hết sức cẩn thận bởi xác chết đã trương phềnh nước, gặp ánh sáng mặt trời sẽ thối rữa. Ông đặt họ lên bờ sông, nhấp một ngụm rượu, phun một ít rượu rửa tay rồi tay trần, ông tắm rửa, xức nước thơm cho họ và đặt vào quan tài. Mặc dù đã hơn nửa đời người  với nhiều lần tiếp xúc với tử thi nhưng mỗi lần như thế, về nhà tắm rửa sạch sẽ, đêm ông vẫn không thể nào ngủ được.

Hay như trường hợp đôi tình nhân cột vào nhau, mặc dù không có ai đến thuê nhưng ông và các con giữa trời đông rét mướt vẫn rà lưới, mất 3 ngày mới tìm được họ vào giữa đêm khuya lạnh giá, hai cái xác vẫn ôm lấy nhau. Các con của ông lặn xuống kéo lên không được, gỡ dây trói không xong vì vậy, ông Tám  phải cho con bơi thuyền về nhà lấy thêm con dao rồi đích thân ông lặn xuống, cắt dây hòn đá, lại lặn thêm mấy lượt cắt dây cột hai tử thi và ôm từng cái xác bơi lên bờ.

Không có ai đến nhận xác, thương đôi tình nhân thủy chung, ông Tám tắm rửa cho họ như người thân rồi đi khắp xóm chài quyên tiền mua quan tài. Ông cho các con làm lễ an táng cho họ.

Vì sao lại có người chán sống?

Ông Tám cho rằng, để làm được cái "nghề" này ngoài sức khỏe, lòng can đảm còn phải có cái tâm, muốn giúp người thực sự chứ theo kiểu vụ lợi, cốt kiếm tiền là không lâu bền được.

Bất giác ông nói bâng quơ: “Mà sao lại có nhiều người chán sống thế chú nhỉ, nghề chài mưu sinh vất vả, theo đuôi con cá gần một đời người, tôi vẫn phải lao động để nuôi con, nuôi cháu. Tôi làm việc thiện 60 năm nay rồi vẫn muốn làm tiếp lấy phúc lấy đức cho con cháu, vẫn thấy đời cần đến mình, thấy mình còn có ích”.

Sinh năm 1928 tại Cổ Đô, Ba Vì, Hà Tây, ông Tám sớm theo nghiệp chài lưới, 10 tuổi đã có thể bơi được từ bên này sông sang bên kia đoạn sông rộng nửa cây số. Theo đuôi con cá, gia đình ông trôi dạt rồi cắm thuyền dưới chân cầu Hòa Bình này đã 30 năm nay.

Các con trai, cháu trai của ông đều đã làm quen với cái nghề độc nhất vô nhị trên trần gian của ông. Chủ yếu chúng đi phụ giúp, ông cười nói: “Bọn trẻ hay sợ ma lắm, nhiều đứa đi phụ tôi vớt xác về đêm cứ nằm mê sảng nói linh tinh chuyện ma quỷ. Hà Bá chắc ngán cái thân già của tôi nên chẳng thèm”.

Cái nghiệp vớt xác của ông cũng mang cho ông nhiều ám ảnh nhưng cũng nhiều chuyện khôi hài. Đấy là trường hợp “cậu công tử đòi xe xịn” nhảy cầu dọa bố mẹ, khi nó nhảy xuống ngay sát thuyền của ông, ông lập tức lao xuống cứu.

Vật lộn với dòng nước xiết, lôi được cậu thanh niên to xác lên bờ mới nghe nó thều thào: “Cháu chỉ dọa bố mẹ thôi” thì ông suýt không còn giữ được bình tĩnh. Chàng thanh niên nọ không hề biết rằng ông đang ốm rất nặng mà vẫn phải lao xuống nước để cứu mình.

Lại có trường hợp, ông và các con đang ăn cơm thì nghe tiếng thét: “Làng nước ơi! Tôi chết đây, chết đây!” rồi một tiếng ùm xuống dòng nước tối. Sau đó là những tiếng kêu “Cứu! Cứu!” thảm thiết từ lòng sông, cả nhà ông bỏ dở bữa cơm, gấp rút chèo thuyền đi cứu người. Đến nơi, thấy một chàng thanh niên đang nhấp nhô trong dòng nước. Ông Tám lập tức lao xuống dòng nước xiết, lôi được người bị nạn lên bờ.

Được hô hấp nhân tạo, hồi tỉnh, bỗng dưng người đó bật dậy, mắng xa xả vào mặt ông: “Ai khiến ông cứu tôi? Tôi chán sống rồi mà không được chết nữa hả trời?”. Nói rồi bỏ đi mất mà không một lời cảm ơn những người vì cứu anh ta mà đang ướt sũng, run lẩy bẩy vì lạnh.

Thông thường, mỗi lần vớt xác, ông Tám và các con không đòi hỏi chuyện tiền nong: “Người ta cho mình bao nhiêu thì mình nhận bấy nhiêu. Có khi họ đưa nhiều thì mình phúng viếng lại. Làm phúc là chính chú ạ!”. Thường thì ông dùng số tiền đó đầu tư mua lưới và câu vương mới để lần sau còn câu xác cứu người.

80 tuổi, ông có 7 người con và hàng chục cháu nội ngoại cùng quây quần trong một xóm chài cạnh chân cầu Hòa Bình này. Niềm vui lớn nhất của ông là mỗi dịp lễ tết, lại có hàng chục “con nuôi”, “cháu nuôi” của ông khắp nơi đổ về vui vầy ấm cúng. Họ là những người được ông cứu sống, cảm kích xin được làm con, làm cháu của ông.

Trong mắt ông lão ở tuổi gần đất xa trời có một niềm vui là lạ khi ông lôi một đống thư từ rồi tỉ mẩn vuốt góc từng cái: “Lá thư này là của thằng Ngân ở Hưng Yên, ngày xưa nó đi học ở đây, tắm sông, bị nước cuốn, tôi phải bơi ra cứu. Thư này là của thằng Tích, còn cái cátxét này là của thằng Hải vừa mang xuống biếu tôi nghe thời tiết...”.

Chắc ông Tám không còn nhớ nổi mình có bao nhiêu đứa "con nuôi", "cháu nuôi" nhưng đứa nào đến ông cũng mừng lắm, ông mua rượu, thịt gà đãi cơm.

Các con cháu ông ai cũng được đi học nhưng hầu hết đều dang dở do nghèo (ông không đủ tiền để mua một mảnh đất cắm dùi) và do cái nghiệp gắn đời mình với manh  lưới. Bao năm  làm việc thiện, cứu không biết bao mạng người, ông vẫn chỉ có một ước mong: Con cháu mình được lên bờ, được đi học!

Hoàng Thắng
.
.